Mùa xuân là cả một mùa… hoa

Mùa Xuân là mua trăm hoa đua nở, nhưng đầu Xuân, Tết đến người miền Bắc ưa thích hoa đào, người miền Trung, miền Nam chọn hoa mai vàng. Hoa đào, hoa mai là sứ giả của mùa Xuân... báo tin Xuân đến mọi miền đất nước.

Mỗi năm hoa đào nở

Trong cái se lạnh cuối đông, đầu xuân, hoa đào ửng hồng bên những chồi biếc non tơ, xứng đáng là sứ giả của Chúa Xuân trên đất Bắc. Nên nói đến xuân, đến Tết là nói đến hoa đào. Hoa đào dân dã khoe sắc trước sân nhà, hồn nhiên nở trong vườn, hoa đào cắm trong những lọ lộc bình sang trọng trong phòng khách… Dẫu không gian nào thì hoa đào cũng mang đến một vẻ đẹp đặc biệt, chỉ có lúc xuân sang.

Ở Hà Nội thì có hẳn một chợ hoa Tết, chỗ Cống Chéo, Hàng Lược với nhiều loại hoa, cây cảnh nhưng hoa đào là chủ yếu. Nhà thơ Thâm Tâm từng viết rằng:

Vang bóng thanh bình phố đỏ trưng

Mươi lăm thầy khoá viết khom lưng

Dăm nàng gái nõn ngon như mứt

Đi sánh hoa đào vẻ má nhung…

Dăm “nàng gái nõn” chắc hẳn là những thiếu nữ đi chơi chợ hoa, đi ngắm hoa đào. Trong đoạn thơ vừa có hoa đào, vừa có các thầy khóa viết chữ Nho. Ngày xưa học trò trước khi đi thi Hương phải qua kỳ khảo khóa, kiểm tra năng lực xem có đủ trình độ mới được đi thi, ai đạt yêu cầu thì được gọi là “khóa sinh”, được miễn phu phen, tập trung ôn thi… Có khi thi không đỗ ông Tú, ông Cử thì mang danh anh Khóa, thầy Khóa cũng đã là một vinh dự nho nhỏ. Nếu đi dạy học trò thì được gọi là thầy đồ, ông đồ…

Đào bích Nhật Tân

Thâm Tâm nói đến những cô gái xinh tươi đi sánh với hoa đào, dường như cũng có cảm hứng từ thơ Thôi Hộ đời Đường. Thôi Hộ viết rằng: “Khứ niên kim nhật thử môn trung/ Nhân diện đào hoa tương ánh hồng/ Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong” nghĩa là: Năm trước ngày này ngay cửa này/ Mặt người, hoa đào ánh hồng lẫn nhau/ Người ấy chẳng biết đã đi đâu/ Chỉ có hoa đào (như hoa) năm ngoái đang cười giỡn với gió xuân…  Từ bài thơ này, trong Kiều – Nguyễn Du có nhắc đến hình ảnh của hoa đào trong sự luyến tiếc khi cảnh cũ còn mà người xưa không thấy: “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Và vẻ đẹp mơn mởn của hoa đào trong ngày Tết còn thể hiện qua câu thơ: “Một đóa đào hoa khoe tốt tươi/ Tướng xuân mơn mởn thấy xuân cười”.

Cùng trong không gian phố phường ngày Tết của Thâm Tâm, nhà thơ Vũ Đình Liên hoài cổ:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực Tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua…

Bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên sáng tác năm 1936, đã mặc định hoa đào là chỉ dấu của Tết, của mùa xuân. Với người Hà Nội, người miền Bắc, hoa đào ngày Tết là sắc màu không thể thiếu, quan trọng không kém bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành.

Đào thất thốn bày bán trên đường Lạc Long Quân, Hà Nội 

Đào có nhiều giống như đào bích, đào phai, đào trắng (bạch đào, rất hiếm); có đào thế, đào cảnh trồng chậu, đào cắt cành cắm lọ… Nhiều bài báo dẫn những điển cố xa vời, nói đến hoa đào có chức năng trừ tà, nhưng thật ra không mấy người quan tâm đến chuyện đó, người ta chơi hoa đào vì vẻ đẹp đặc biệt mà chỉ có vào mùa xuân của đào.

Người Hà Nội thì chơi đào bích và nổi tiếng nhất là đào Nhật Tân, một làng cổ ven sông Hồng, có truyền thống trồng đào từ xa xưa. Họ có kỹ thuật để đào luôn nở đúng dịp Tết. Đào Nhật Tân đa dạng, phong phú các chủng loại từ đào thế bonsai đến đào cây to phục vụ công ty, công sở, đào nhỏ cho gia đình và phổ biến nhất là đào cành. Ngày nay, đất Nhật Tân dành cho đào hẹp dần thì nhiều tỉnh lân cận trở thành vùng trồng đào mới.

Cây đào cổ và đào thế phải chăm sóc rất kỳ công, đòi hỏi người trồng phải cẩn thận, tỉ mỉ, bấm tỉa làm sao cho đẹp mắt nên giá thành cao. Đặc biệt, có một loại đào quý nhất là đào thất thốn, đây là loại đào cổ, hiếm, có sức sống mãnh liệt. Giống đào xù xì, thân mọc rêu mốc, có hoa đỏ thắm rất bền, hoa nở có thể đến nửa tháng mới tàn. Đào thất thốn rất khó nở hoa đúng dịp Tết, may mắn lắm thì 2 năm/lần cây mới nở hoa đúng dịp, nhưng cây càng nở ít hoa càng quý hiếm nên phải người sành chơi lắm mới dám đầu tư cây đào thất thốn chơi Tết. Người ta có thể thuê dăm ba triệu đồng, có khi hàng chục triệu đồng, cá biệt có cây hàng trăm triệu đồng, chơi Tết xong thì trả lại nhà vườn; hay mua nhưng chơi Tết xong cũng gửi lại nhà vườn chăm sóc, sang năm lại mang về.

Thông thường, người Hà Nội chơi đào cành, tùy theo không gian gia đình mà chọn cành to hay nhỏ, nhà vườn có đủ các kích cỡ. Cành đào bích Nhật Tân có màu hồng thắm, bông to, dày cánh, nở rộ. Nếu gặp thời tiết gió bấc, mưa phùn, đào bích có thể có tới 24 cánh, nở căng tràn, khoe sắc hồng ngoạn mục.

Những năm gần đây Hà Nội có thú chơi đào rừng, chủ yếu là đào phai, màu phớt hồng mỏng manh, duyên dáng, mang từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Lào Cai, Điện Biên về… Đào tự nhiên cần không gian rộng, đắt tiền hơn đào Nhật Tân và phụ thuộc thời tiết nên khó có hoa nở thật đúng thời điểm, bù lại hoa nở rất bền, có thể chơi đến tận rằm tháng Giêng.

Dù cầu kỳ hay đơn giản nhưng mỗi căn nhà người Hà Nội, ngày Tết thường có hoa đào, trong không gian se lạnh ấm áp mùi hương khói, tạo một hương vị rất riêng, tao nhã mà đầm ấm.

Mai vàng nở như em về đúng hẹn

Nếu hoa đào là sứ giả của Chúa Xuân đất Bắc thì từ miền Trung trở vào Nam, thiên chức ấy được Tạo hóa trao cho hoa mai vàng. Với cư dân phía Nam, ngày Tết nhất định phải có cành mai vàng, do âm “Mai” gần với “May” nên ngoài chức năng trang trí, hoa mai còn như một mong ước, một lời chúc năm mới mọi điều may mắn, tốt lành.

Hoa mai vàng 

Vì thế nên nhà nào cũng trồng một vài cây mai trước nhà, Tết đến hoa nở vàng rực cả góc sân. Để có hoa mai nở vàng đúng dịp, thì trước tết vài ba tuần người ta phải lặt lá mai, để cây mai chỉ còn lại cành, tạo kích thích cho nụ hoa bật ra từ mỗi kẽ lá vừa được lặt. Vì vậy, trong ký ức nhiều người Nam Bộ, công việc lặt lá mai trước Tết là những kỷ niệm êm đềm.

Nhớ tuốt lá cho mai về kịp tết

Kẻo giao thừa thiếu hẳn một mùi hương

Mai vàng nở như em về đúng hẹn

Áo vàng phơi sáng rỡ cả con đường … (Lê Viết Tư)

Chơi hoa mai, người ta thường chọn cành mai hội đủ ba yếu tố, đó là thân, cành phải cân xứng, hài hoà; dáng phải đẹp mắt mang hàm ý tốt đẹp nào đó; nụ và hoa phải sung sức và nở rộ đúng vào thời khắc giao thừa. Chọn được một nhành mai tự nhiên chơi trong mấy ngày Tết hội đủ các yếu tố nêu trên là một điều may mắn.

Nếu chơi mai thế, mai kiểng thì cây cũng phải hội đủ ba yếu tố: Cổ, Kỳ, Mỹ. Cổ, chẳng những phải cây mai phải lâu năm mà còn phải in vết hằn của thời gian, năm tháng, gió sương trên thân cây, cội rễ. Kỳ là kỳ lạ, độc đáo đến bất ngờ, thú vị. Cuối cùng là Mỹ, vẻ đẹp tổng thể của cây mai. Đẹp trước hết phải hài hoà, cân xứng các bộ phận từ cội rễ đến đầu cành, tạo cho người xem nhiều cảm xúc, nảy sinh sự yêu thích và muốn sở hữu cây mai đó cho riêng mình.

Người chơi mai còn chú trọng đến hoa. Hoa nhiều, hoa ít không quan trọng bằng sự hài hoà giữa hoa với cành, hoa và lộc. Hoa mai nhiều cánh biểu hiện sự tròn đầy, viên mãn; hoa ít cánh thường mỏng manh, cánh mỏng lại yểu điệu, lung linh trong gió xuân. Hoa mai vàng đậm màu, sặc sỡ cho ta cảm giác ấm áp của mùa xuân sum họp; hoa vàng nhạt mang trong mình sự hoài niệm, yêu thương. Tóm lại, hoa mai đẹp là hoa mà người ta ưa nhìn, nhìn hoài mà không biết chán, càng nhìn thì lại càng thích thú.

Ngày Tết, còn gì vui hơn nếu trong nhà đúng vào thời khắc giao thừa mai vàng bừng nở, như báo hiệu những điều may mắn và còn gì thú vị bằng vào những ngày đầu năm, khách đến thăm nhà, chúc Tết liên tục tấm tắc khen ngợi gia chủ khéo chọn một cành mai tuyệt đẹp.

Mùa hoa…

Ở ngoài Bắc, ngoài hoa đào, ngày Tết người ta còn chơi nhiều loại hoa khác. Nơi tiếp khách nhất định có hoa cắm lọ hay hoa bát. Những năm gần đây, người Hà Nội hay cắm lọ hoa nhiều loại mang hương vị cổ điển của Hà Nội trước 1954 gồm lay ơn, thược dược, violet và đồng tiền, tạo nên một không khí tươi vui.

Nhiều người chơi thủy tiên. Thủy tiên có bộ rễ trắng ngần, nở những bông hoa trắng, nhụy vàng thơm ngát, để trên bàn, chủ khách thưởng hoa, uống trà tưởng không gì tao nhã bằng.

Hoa thủy tiên ngày Tết - Ảnh: Thái Vũ

Phong vị nhà Nho còn để lại dư âm trong thú chơi hoa mai trắng. Cây mai khẳng khiu, trổ những chùm hoa trắng, có ánh hồng ở nhụy hoa. Hoa được đặt trên kệ chỗ tiếp khách. Một cụ Tú ở làng tôi xưa từng viết đôi câu đối dán cạnh bàn trà rằng: “Chén rượu mừng xuân ông Nguyệt tỏ/ Câu thơ chúc Tết chị Mai gầy”… Hiện nay, Hà Nội có nhiều nơi chuyên bán mai để phục vụ người sành chơi.

Một loài hoa phổ biến nữa là hải đường. Hải đường họ trà, lá khỏe và cứng, có những chùm hoa đỏ hồng, khi nở ra thì nhụy vàng khoe sắc. Cắm lọ hải đường trên bàn thờ, mang một không khí truyền thống  và như cành lộc xuân, cầu cho năm mới vạn sự tốt lành.

Từ miền Trung trở vào, ngoài hoa mai may mắn, mỗi gia đình nhất định có ít nhất là hai chậu cúc vạn thọ hoặc cúc đại đóa vàng rực đặt bên bàn thờ ông bà. Nhiều người nói rằng, chỉ cần thấy hai chậu cúc và mùi khói nhang trên bàn thờ bày bánh trái là cả một mùa xuân đã ngập tràn, một cái Tết đến với mỗi nhà.

Mấy năm trước, gia đình tôi du xuân và Huế, Đà Nẵng trong dịp Tết, điều bất ngờ là nhà nào cũng chưng hai chậu cúc trước thềm, để nghinh xuân, để đón khách. Nhà giàu sang, hoa trồng trong chậu quý hay nhà bình dân có khi hoa trồng trong xô nhựa bọc giấy hồng điều… thì màu vàng như ánh nắng của hoa cũng tạo nên một hòa sắc tươi vui khi đón Tết.

 

Cúc vàng đón Tết trước một khách sạn ở Hội An

Nhiều nhất là cúc vạn thọ, ngoài sự hiện diện như một đặc trưng cho mùa xuân, tên hoa còn có ý nghĩa về mặt tâm linh. Người ta cho rằng, vạn thọ là tốt lành, cát tường, sống dài lâu để hưởng phúc lộc. Vạn thọ là mơ ước của nhiều người khi năm mới đến…

Cúc rất dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao, không kén đất trồng , lại thu hoạch ngắn ngày, nên nếu trồng để kinh doanh sẽ đem lại nhiều lợi nhuận. Vì thế những ngày cuối năm, các ghe thuyền chở đầy cúc vàng rực đi như mắc cửa trên các kênh rạch, mang hoa lên các đô thị là một nét đẹp rất riêng của Nam Bộ.

Xem ra, người miền Trung, miền Nam chuộng màu vàng của mai, của cúc, phải chăng màu vàng mang sắc màu nhà Phật và biểu trưng của vàng son, thịnh vượng như ao ước của mỗi người dân gửi gắm vào năm mới…

Ngày nay, thị trường hoa Tết được bổ sung thêm nhiều loại hoa, khá phổ biến là địa lan đủ các màu sắc, có nhiều chậu lan giá hàng chục triệu đồng; nhiều loại hoa ngoại nhập như mai đỏ, thanh liễu, tuyết mai nhưng chủ yếu phục vụ dân các đô thị.

Dù dân dã, đơn sơ hay cao cấp, đắt tiền thì ngày Tết, ngày xuân hương sắc đủ các loại hoa, muôn hồng ngàn tía cũng tô điểm cho không gian, mang đến niềm hứng khởi, hân hoan cho mỗi người bước vào một mùa xuân mới.

 

Bài và ảnh: THÁI VŨ