Năm 2022, số lượng, chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu đề ra

Báo cáo tổng kết cho biết, năm 2022, các Tòa án đã thụ lý 567.521 vụ việc, đã giải quyết được 504.681 vụ việc (đạt tỷ lệ 88,9%; cao hơn năm trước 7,7%). Các mặt công tác khác đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022, các Tòa án đã thụ lý 567.521 vụ việc, đã giải quyết được 504.681 vụ việc (đạt tỷ lệ 88,9%; cao hơn năm trước 7,7%). So với năm 2021, số vụ việc đã thụ lý tăng 29.944 vụ; đã giải quyết tăng 68.021 vụ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,9%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội và Tòa án đề ra.

Về giải quyết, xét xử các vụ án hình sự

Các Tòa án đã thụ lý 93.452 vụ với 178.830 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 91.312 vụ với 171.924 bị cáo; đạt tỷ lệ 97,71% về số vụ và 96,14% về số bị cáo, vượt 7,71% so với chỉ tiêu Tòa án đề ra. So với năm 2021, thụ lý tăng 4.845 vụ với 18.256 bị cáo; giải quyết, xét xử tăng 11.903 vụ với 33.652 bị cáo. Trong đó, thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 76.621 vụ với 149.890 bị cáo, đã giải quyết, xét xử 75.441 vụ với 145.474 bị cáo[1]; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 16.561 vụ với 28.426 bị cáo, đã giải quyết, xét xử 15.641 vụ với 26.016 bị cáo; thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 270 vụ với 514 bị cáo, đã giải quyết, xét xử 230 vụ với 434 bị cáo. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 0,72% (do nguyên nhân chủ quan là 0,51%); bị sửa là 5,11% (do nguyên nhân chủ quan là 0,23%), đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội và Tòa án đề ra.

Các Tòa án đã tổ chức xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ. Trong năm qua, các Tòa án đã thụ lý sơ thẩm đối với 3.147 vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ với 7.409 bị cáo; đã xét xử 2.626 vụ với 5.586 bị cáo (so với năm 2021, thụ lý tăng 213 vụ với 1.005 bị cáo, xét xử tăng 335 vụ với 1.339 bị cáo); trong đó, đã thụ lý sơ thẩm đối với 577 vụ với 1.399 bị cáo phạm các tội tham nhũng; xét xử 410 vụ với 945 bị cáo[2]; thụ lý phúc thẩm đối với 256 vụ với 604 bị cáo; xét xử 176 vụ với 395 bị cáo. Các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ mà Tòa án đã xét xử chủ yếu là phạm các tội về “Tàng trữ vận chuyển hàng cấm”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”, “Tham ô tài sản”, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”... Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; đồng thời, chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại. Đã xử lý nghiêm các vụ án, nhất là những vụ án gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm[3]. Trong năm qua, các Tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 840 vụ, 1.995 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền trên 4.027 tỷ và các tài sản khác; có 521 vụ với 1.348 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại tài sản đã chiếm đoạt là hơn 776 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các Tòa án cũng đã đưa ra xét xử kịp thời và tuyên án nghiêm khắc các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, trong năm qua, đã thụ lý 206 vụ với 341 bị cáo, xét xử 188 vụ với 297 bị cáo liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19[4]; thụ lý 04 vụ với 09 bị cáo liên quan đến Covid-19 có hành vi trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, xét xử 03 vụ với 06 bị cáo, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, các Tòa án đã thụ lý 139 vụ án với 333 bị cáo phạm tội cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê có tính chất “xã hội đen”; xét xử 104 vụ với 235 bị cáo[5]; đồng thời, thụ lý 64 vụ án với 834 bị cáo phạm tội có tính chất băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen, xét xử 53 vụ với 594 bị cáo[6].

Qua công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự cho thấy, chiếm tỷ lệ cao vẫn là các nhóm tội phạm về ma túy, tội phạm liên quan đến xâm phạm trật tự công cộng, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người, xâm phạm sở hữu. Nguyên nhân là do tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước khó khăn, tình trạng thất nghiệp, mất việc, giảm việc làm dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề xã hội như trộm cắp, cướp giật tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm thu lợi bất chính, kiếm tiền tiêu xài; chuẩn mực đạo đức trong gia đình, nhà trường, xã hội, văn hóa ứng xử xuống cấp, lối sống thực dụng, hưởng thụ, chạy theo lợi ích vật chất; bên cạnh đó, nhiều đối tượng nghiện ngập ma túy, cờ bạc, ảnh hưởng của các trò chơi trực tuyến, phim ảnh bạo lực… cũng là những nguyên nhân làm phát sinh tội phạm.

Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được bảo đảm theo hướng thực chất, hiệu quả. Trong năm qua, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội[7]. Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội. Các Tòa án đã xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với 23.515 bị cáo, chiếm 17,55%. Hầu hết các trường hợp áp dụng án treo được cân nhắc kỹ lưỡng; được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm đúng pháp luật, phát huy ý nghĩa nhân văn, tạo điều kiện cho người bị kết án được tự cải tạo ngoài xã hội dưới sự giám sát, giáo dục của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Việc xem xét, quyết định áp dụng hình phạt khác không phải là hình phạt tù đảm bảo có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Đã áp dụng biện pháp ngăn chặn đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm đối với 76 bị can, bị cáo với tổng số tiền là 880 triệu đồng; ra quyết định trả lại cho 03 bị cáo 200 triệu đồng tiền bảo đảm bị cáo đã đặt. Tòa án nhân dân các cấp đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tổ chức 8.322 phiên tòa rút kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự, qua đó giúp các Thẩm phán tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng tổ chức phiên tòa.

 Về giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động

Các Tòa án đã thụ lý 444.402 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 386.944 vụ việc; đạt tỷ lệ 87,07%[8], vượt 2,07% so với chỉ tiêu Tòa án đề ra. So với năm 2021, số thụ lý tăng 33.103 vụ; giải quyết, xét xử tăng 62.131 vụ. Trong đó, thụ lý sơ thẩm 426.279 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 370.676 vụ việc; thụ lý phúc thẩm 17.165 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 15.430 vụ việc; thụ lý giám đốc thẩm, tái thẩm 958 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 838 vụ việc. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 0,61% (do nguyên nhân chủ quan 0,4%); bị sửa là 1,2% (do nguyên nhân chủ quan 0,5%), đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội và Tòa án đề ra.

Trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài, các Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài 4.769 hồ sơ yêu cầu ủy thác tư pháp; đã nhận được kết quả trả lời đối với 1.529 trường hợp (đạt tỷ lệ 32,1%). Các Tòa án nhân dân cấp tỉnh cũng đã nhận được 1.280 hồ sơ yêu cầu ủy thác tư pháp vào Việt Nam; đã thực hiện được 818 hồ sơ, từ chối thực hiện đối với 54 trường hợp. Để nâng cao hiệu quả công tác tương trợ tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các Tòa án tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại; Kế hoạch triển khai Công ước thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại tại Tòa án nhân dân; tổ chức 02 cuộc tọa đàm trao đổi nghiệp vụ về ủy thác tư pháp trong lĩnh vực dân sự; duy trì cập nhật Trang điện tử Tương trợ tư pháp trên Cổng thông tin điện tử; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao trong việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến, tham gia đàm phán, hoàn thiện hồ sơ đề xuất ký, phê chuẩn các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù với các nước Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a, Ca-ta, Ni-giê-ri-a...  

Qua công tác giải quyết các vụ việc dân sự cho thấy, các tranh chấp dân sự chủ yếu là tranh chấp liên quan đến đất đai, thừa kế tài sản, tranh chấp hợp đồng vay tài sản, hợp đồng tín dụng... Các Tòa án đã làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp pháp luật quy định; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết tốt vụ án. Đã hạn chế đến mức thấp nhất việc để án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án không đúng căn cứ pháp luật. Mặc dù số vụ thụ lý và số vụ đã giải quyết đều tăng nhiều so với năm trước nhưng với việc quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nên chỉ có 17 vụ việc để quá thời hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan (chiếm 0,003% tổng số vụ việc thụ lý). Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải, đã hòa giải thành 182.496 vụ việc, đạt 49,23% tổng số các vụ việc dân sự sơ thẩm đã giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự góp phần củng cố đoàn kết trong nhân dân. Tòa án nhân dân các cấp đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tổ chức 4.916 phiên tòa rút kinh nghiệm trong lĩnh vực dân sự, hành chính, qua đó giúp các Thẩm phán tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng tổ chức phiên tòa.  

Về giải quyết, xét xử các vụ án hành chính

Các Tòa án đã thụ lý 11.746 vụ; đã giải quyết, xét xử được 8.524 vụ; đạt tỷ lệ 72,6%, vượt 7,6% so với chỉ tiêu Tòa án đề ra. So với năm 2021, thụ lý tăng 1.018 vụ; đã giải quyết, xét xử tăng 2.831 vụ. Trong đó, thụ lý sơ thẩm 8.807 vụ, đã giải quyết, xét xử 6.049 vụ; thụ lý phúc thẩm 2.859 vụ, đã giải quyết, xét xử 2.400 vụ; thụ lý giám đốc thẩm, tái thẩm 80 vụ, đã giải quyết, xét xử 75 vụ. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy là 3,8% (do nguyên nhân chủ quan là 2,71%); bị sửa là 3,3% (do nguyên nhân chủ quan là 2,5%).

Qua công tác giải quyết các vụ án hành chính cho thấy, các vụ án chủ yếu liên quan tới khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai như thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư… (đã thụ lý 6.932 vụ, chiếm 78,71% tổng số các khiếu kiện hành chính). Các Tòa án đã chú trọng tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện; khắc phục việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Tính đến ngày 30/9/2022, không có vụ án để quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do nguyên nhân chủ quan. Các Tòa án đã tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ vụ án, thu thập đầy đủ chứng cứ cần thiết nhằm đảm bảo giải quyết vụ án đúng pháp luật; tích cực triển khai xây dựng và thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chủ động tham mưu cho cấp ủy địa phương về giải quyết vụ án hành chính. Bên cạnh đó, các Tòa án luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm cho Thẩm phán, đồng thời, các Thẩm phán đã chủ động báo cáo những vướng mắc trong quá trình giải quyết từng vụ án để tìm giải pháp tháo gỡ, nhằm đưa vụ án ra xét xử kịp thời. Các Tòa án đã có nhiều cố gắng trong việc tăng cường đối thoại, đã đối thoại thành 429 vụ án, đạt 7,09% trên tổng số 6.049 vụ án hành chính đã được giải quyết theo Luật Tố tụng hành chính.

Về xem xét quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

Việc xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được các Tòa án giải quyết khẩn trương, kịp thời, đúng pháp luật. Các Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý 17.432 hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã giải quyết 17.416 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,9% (chuyển hồ sơ 33 trường hợp, đình chỉ 468 trường hợp, không áp dụng biện pháp xử lý hành chính 75 trường hợp, áp dụng biện pháp xử lý hành chính 16.840 trường hợp[9]).   

Các Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý 489 khiếu nại quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; đã giải quyết 485 khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị các quyết định của Tòa án trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Ngoài ra, các Tòa án còn xem xét, giải quyết 9.894 trường hợp đề nghị hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại.

Triển khai thực hiện Pháp lệnh trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ 12 đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, ngày 28/4/2022, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Pháp lệnh nêu trên. Từ khi triển khai thực hiện Pháp lệnh đến nay, các Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý 93 hồ sơ đề nghị áp dụng việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã giải quyết 93 hồ sơ, đạt tỷ lệ 100% (trong đó đình chỉ 07 trường hợp, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 86 trường hợp[10]).   

Về thi hành án hình sự

Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án đối với 97.899 người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đạt tỷ lệ 98,9%; quyết định miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với 84.429 phạm nhân do cải tạo tốt; quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án phạt tù đối với 3.068 phạm nhân. Các Tòa án đã chuyển hình phạt tử hình xuống phạt tù chung thân 03 trường hợp, miễn chấp hành phần hình phạt còn lại 139 trường hợp theo quy định của Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội. Việc ra quyết định thi hành án hình sự cơ bản đảm bảo đúng thời hạn luật định; việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đều có căn cứ theo quy định của pháp luật. Việc ra quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị và trình Chủ tịch nước xem xét đơn xin ân giảm hình phạt tử hình đã được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thực hiện nghiêm túc, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Về bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Các Tòa án đã thụ lý 07 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án, đã giải quyết xong 01 yêu cầu với số tiền phải bồi thường là 214.410.177 đồng; 06 trường hợp đang trong quá trình giải quyết theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các Tòa án cũng thụ lý 31 vụ án dân sự mà người bị oan, sai khởi kiện các cơ quan Nhà nước yêu cầu bồi thường (trong đó, 09 vụ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, 02 vụ yêu cầu bồi thường thuộc lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, 20 vụ yêu cầu bồi thường trong thi hành án dân sự); đã giải quyết được 20 vụ (trong đó có 08 vụ có kháng cáo, kháng nghị), còn lại 19 vụ đang trong quá trình giải quyết theo quy định của pháp luật. Các Tòa án đã tuyên buộc các cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải bồi thường tổng số tiền 6.367.437.927 đồng. Việc xem xét, giải quyết các yêu cầu bồi thường và các vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại do người bị thiệt hại khởi kiện tại Tòa án bảo đảm khách quan, thận trọng, công bằng.

 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án tiếp tục được thi hành hiệu quả

Thực hiện quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác hòa giải đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; xây dựng Đề án trang bị cơ sở vật chất phục vụ thi hành Luật này. Đến nay, đã bổ nhiệm được hơn 3.000 Hòa giải viên. Các Tòa án đã hòa giải, đối thoại thành theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 72.955 vụ việc, đạt tỷ lệ 62,11%.

Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt và vượt yêu cầu Nghị quyết Quốc hội

Tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao phải giải quyết là 13.463 đơn/vụ; đã giải quyết được 8.403 đơn/vụ; đạt tỷ lệ 62,4%, vượt 2,4% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội. Trong tổng số 8.403 đơn/vụ đã giải quyết, Tòa án trả lời cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị 7.954 đơn/vụ; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 449 đơn/vụ. Số lượng vụ việc phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thấp, chỉ chiếm 5,3% so với số lượng đơn đã giải quyết. Chất lượng trả lời đơn cơ bản được bảo đảm.

Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến được tổ chức thi hành khẩn trương và đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực tiễn

Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 và nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện xét xử trực tuyến; tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Nghị quyết của Quốc hội đến tất cả Tòa án nhân dân các cấp. Tính đến nay đã tổ chức xét xử trực tuyến với tổng cộng 3.614 vụ án. Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, tiết kiệm chi phí và thời gian, nhất là trong thời gian dịch bệnh.

Tích cực tham gia xây dựng thể chế; tăng cường công tác xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật

Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng, trình và được Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh về trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xem xét, thông qua 04 Nghị quyết. Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng 03 Thông tư liên tịch; phối hợp xây dựng 01 Thông tư liên tịch. Đến nay, Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua 56 án lệ. Trong năm qua, có thêm hàng trăm bản án của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ.

Các Đề án cải cách tư pháp được nghiên cứu, xây dựng đạt chất lượng cao

Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng Chuyên đề số 21 về “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo sự phân công của Ban chỉ đạo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền. Tòa án nhân dân tối cao cũng đã nghiên cứu, xây dựng Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế Nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”; Đề án “Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; Đề án “Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên”; tích cực phối hợp với Bộ, ngành hữu quan trong nghiên cứu Đề án “Nghiên cứu, đề xuất định hướng mở rộng nguồn để bổ nhiệm các chức danh tư pháp” do Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng.

Sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ

Đội ngũ cán bộ Tòa án các cấp tiếp tục được kiện toàn và nâng cao về chất lượng. Đến nay, Tòa án nhân dân đã hoàn thành việc tinh giản biên chế theo quy định. Tổ chức thành công các kỳ thi tuyển chọn, nâng ngạch Thẩm phán, chuyên viên, chuyên viên chính, cán sự. Trong năm qua, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã trình Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm 1.286 Thẩm phán và miễn nhiệm đối với 10 Thẩm phán. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý tiếp tục được quan tâm. Đội ngũ Hội thẩm hiện có 16.783 người và về cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác xét xử, việc phân công Hội thẩm tham gia phiên tòa đảm bảo thống nhất, khoa học.

Hoạt động giám sát đối với Thẩm phán được tăng cường. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ và xử lý công chức có hành vi vi phạm được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc. Trong năm qua, có 36 công chức Tòa án nhân dân đã bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.

Hoàn thành một số mặt công tác khác với chất lượng cao

Tòa án nhân dân tối cao đã phân bổ ngân sách năm 2022 cho các đơn vị dự toán trực thuộc theo định mức chi thường xuyên mới đảm bảo kịp thời, đúng định mức, công khai, minh bạch và công bằng giữa các đơn vị. Việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của hệ thống Tòa án nhân dân.

Công tác hợp tác quốc tế được mở rộng và tăng cường. Tích cực tham dự các hội nghị quốc tế, các khóa đào tạo do nước ngoài tổ chức. Thực hiện kịp thời, hiệu quả các dự án hỗ trợ kỹ thuật quốc tế.

Công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh; tập trung vào việc thực hiện tốt mô hình “Hành chính tư pháp một cửa”, đổi mới quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý đơn.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng và khai thác có hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến, các phần mềm nội bộ dùng chung và các dịch vụ công tư pháp cho các Tòa án. Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng và triển khai sử dụng phần mềm Trợ lý ảo giúp các Thẩm phán nâng cao chất lượng hiệu quả giải quyết án. Đến nay, đã có hơn 483.000 lượt Thẩm phán truy cập sử dụng trợ lý ảo và đã nhận được nhiều phản hồi, đánh giá tích cực.

Công tác công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử được thực hiện nghiêm túc, đã công bố được hơn 1 triệu bản án, quyết định với hơn 136 triệu lượt người truy cập nghiên cứu các bản án.

Công tác thông tin, tuyên truyền được tăng cường theo hướng nâng cao chất lượng thông tin, đảm bảo tôn chỉ mục đích. Công tác phối hợp cung cấp thông tin và đăng tin được thực hiện đúng quy định, đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời về các sự kiện, Hội nghị của hệ thống Tòa án.

Công tác thi đua khen thưởng được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bảo đảm khen đúng người, đúng việc, đúng thành tích; phát động các phong trào thi đua với mục tiêu bám sát nhiệm vụ trọng tâm.

Tóm lại, trong năm qua, công tác Tòa án được triển khai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, biên chế giảm, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao nhưng các Tòa án đã cố gắng nỗ lực hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

 

Đầu cầu trung tâm - Ảnh: Cảnh Dinh

 

[1] Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tử hình và tù chung thân đối với 1.242 bị cáo; xử phạt tù có thời hạn 117.835 bị cáo; miễn trách nhiệm hình sự 50 bị cáo; còn lại là các hình phạt khác.

[2] Trong số 945 bị cáo phạm tội tham nhũng đã xét xử sơ thẩm, các Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân đối với 08 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 44 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 11 bị cáo; tù từ 3 năm đến 7 năm đối với 232 bị cáo; tù từ 3 năm trở xuống đối với 347 bị cáo; còn lại là các hình phạt khác.

[3] Vụ án Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh và các đồng phạm phạm tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra trong việc thực hiện Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu núi Chín Khúc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; Vụ án Nguyễn Mạnh Hùng và đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (phần liên quan đến các công ty thuộc Bộ Giao thông vận tải); Vụ án Đinh Tiến Hiệp, Nguyễn Quốc Hải và các đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (phần liên quan đến các công ty thuộc quân đội); Vụ án Nguyễn Đức Chung và đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội; Vụ án Tất Thành Cang và đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh; Vụ án Nguyễn Quốc Anh và đồng phạm phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ quan, đơn vị; Vụ án Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm phạm tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Cục quản lý dược - Bộ Y tế; Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng…

[4] Trong số 297 bị cáo đã xét xử, các Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 06 bị cáo; tù từ 3 năm đến 7 năm đối với 30 bị cáo; tù từ 3 năm trở xuống đối với 240 bị cáo, còn lại là các hình phạt khác..

[5] Trong số 235 bị cáo đã xét xử, xử phạt tù từ 7 năm đến 15 năm đối với 06 bị cáo, tù từ 3 năm đến 7 năm đối với 05 bị cáo, tù từ 3 năm trở xuống đối với 159 bị cáo, còn lại là các hình phạt khác.

[6] Trong số 594 bị cáo đã xét xử, các Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân và tử hình 05 bị cáo, xử phạt tù từ 15 năm đến 20 năm đối với 16 bị cáo; tù từ 7 năm đến 15 năm đối với 71 bị cáo, tù từ 3 năm đến 7 năm đối với 104 bị cáo, tù từ 3 năm trở xuống đối với 368 bị cáo, còn lại là các hình phạt khác.

[7] Chưa phát hiện trường hợp nào Tòa án tuyên có tội nhưng sau đó bị kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm theo hướng không có tội.

[8] Các Tòa án đã thụ lý 180.620 vụ việc dân sự, đã giải quyết, xét xử được 136.534 vụ việc, đạt tỷ lệ 75,6%; trong đó, thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 166.464 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 123.889 vụ việc; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 13.443 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 12.006 vụ việc; thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 713 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 639 vụ việc.

Các Tòa án đã thụ lý 243.734 vụ việc hôn nhân và gia đình, đã giải quyết, xét xử được 235.763 vụ việc, đạt tỷ lệ 96,73%; trong đó, thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 241.561 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 233.675 vụ việc; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 2.097 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 2.020 vụ việc; thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 76 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 68 vụ việc.

Các Tòa án đã thụ lý 3.147 vụ việc lao động, đã giải quyết, xét xử được 2.751 vụ việc, đạt tỷ lệ 87,42%; trong đó, thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 2.884 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 2.508 vụ việc; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 242 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 232 vụ việc; thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 21 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 11 vụ việc.

Các Tòa án đã thụ lý 16.661 vụ việc kinh doanh thương mại, đã giải quyết, xét xử được 11.775 vụ việc, đạt tỷ lệ 70,67%; trong đó, thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 15.130 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 10.483 vụ việc; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 1.383 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 1.172 vụ việc; thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 148 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 120 vụ việc.

Các Tòa án đã thụ lý 240 đơn yêu cầu mở thủ tục tuyên bố phá sản; đã giải quyết được 121 đơn, đạt tỷ lệ 50,42%. Các Tòa án đã ra quyết định tuyên bố phá sản đối với 58 doanh nghiệp; ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản đối với 36 doanh nghiệp, 01 hợp tác xã.

[9] Trong số 16.840 trường hợp áp dụng biện pháp xử lý hành chính có 159 trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; 516 trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; 16.165 trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

[10] Trong số 86 trường hợp áp dụng đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, có 14 trường hợp áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời hạn từ 06 - 09 tháng, 72 trường hợp áp dụng thời hạn từ 09 -12 tháng.

 

BẢO THƯ