Tòa án nhân dân các cấp phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác theo Nghị quyết của Quốc hội
Trong phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2025, TAND các cấp tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc. Đồng thời, quyết tâm phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác theo Nghị quyết của Quốc hội.
Theo báo cáo tổng kết công tác cho thấy, năm 2024 số lượng các loại vụ việc phải thụ lý tiếp tục tăng và ngày càng phức tạp. Các Tòa án vừa phải làm tốt công tác xét xử vừa phải thực hiện tốt Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến; triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp; chuẩn bị các điều kiện để triển khai Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Ngay từ đầu năm, lãnh đạo TANDTC đã quán triệt và tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp căn cơ hiệu quả nên kết quả đạt được trên các mặt công tác cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Tỷ lệ giải quyết các loại vụ việc đạt 89,72%; cao hơn năm trước 0,56% và đều vượt chỉ tiêu đề ra (tỷ lệ giải quyết án hình sự vượt 8,18%; án dân sự vượt 2,51% và án hành chính vượt 11,92%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan là 0,77%, thấp hơn 0,73% so với chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu và Chỉ thị của Tòa án đề ra (không quá 1,5%).
Các Tòa án đã phối hợp với Viện kiểm sát tổ chức 21.261 phiên tòa rút kinh nghiệm (tăng 4.168 phiên tòa so với năm trước), qua đó giúp các Thẩm phán đề cao tinh thần trách nhiệm trong chuẩn bị xét xử, nâng cao kinh nghiệm tổ chức phiên tòa. Chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có tiến bộ, tỷ lệ giải quyết đạt 63,32%, tăng 0,13% so với năm 2023 và vượt 3,32% chỉ tiêu đề ra.
Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Năm 2024, TANDTC tiếp tục tích cực tham gia xây dựng thể chế, xây dựng nhiều dự án Luật, Thông tư, Nghị quyết, Chỉ thị, Án lệ,... Ban hành các công văn giải đáp vướng mắc trong xét xử, tăng cường xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật. Thường xuyên tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc, hội thảo chuyên sâu, tổ chức tốt các lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Tổ chức được 21.261 phiên tòa rút kinh nghiệm, qua đó giúp các Thẩm phán đề cao tinh thần trách nhiệm trong chuẩn bị xét xử, nâng cao kinh nghiệm tổ chức phiên tòa.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số luôn được chú trọng, quy trình thủ tục tiếp nhận xử lý công việc đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu của công dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm trợ lý ảo, công khai bản án trên cổng thông tin điện tử và tổ chức các phiên tòa trực tuyến phát huy hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc. Do đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, yêu cầu các Nghị quyết của Quốc hội đề ra, ngành Tòa án nhân dân xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 là phải tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng; phẩm chất đạo đức; ý thức tổ chức kỷ luật; tinh thần trách nhiệm; bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức. Quán triệt phương châm hành động “Đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó và hiệu quả” đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Tòa án.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác theo Nghị quyết của Quốc hội. Khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn xét xử do nguyên nhân chủ quan; bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xét xử các vụ án, đảm bảo xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản cho nhà nước. Chủ động làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết vụ án. Tích cực triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để góp phần giảm áp lực công việc của các Tòa án.
Bên cạnh đó, kiện toàn tổ chức bộ máy thanh tra để tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra. Nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh nội dung, phương pháp kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý cụ thể nhằm đủ sức răn đe, giáo dục chung; đánh giá đúng thực trạng, thực chất công việc nhất là trong lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại… đi đôi với việc kiện toàn tổ chức thanh tra ở Tòa án cấp cao và Tòa án cấp tỉnh để tăng cường công tác thanh tra, kỷ luật, kỷ cương công vụ; thực hiện nghiêm quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đối với các vi phạm của công chức, viên chức, người lao động trong phạm vi quản lý và thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nội bộ ngành.
Về công tác tổ chức cán bộ cũng cần phải được chú trọng, tập trung nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Coi trọng việc quy hoạch, đào tạo và bổ nhiệm người đứng đầu các cấp Tòa án, phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo công tác nghiệp vụ xét xử và công tác quản lý đơn vị Tòa án.
TANDTC cũng sẽ kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật và coi trọng công tác giải thích pháp luật để bảo đảm thống nhất nhận thức và áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử. Hoàn thành các dự án luật, pháp lệnh được phân công chủ trì soạn thảo đúng tiến độ, chất lượng. Tăng cường nghiên cứu, lựa chọn, phát triển án lệ.
Ngoài ra, trong năm 2025, ngành Tòa án nhân dân cũng sẽ tăng cường đa dạng các hình thức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, giải đáp vướng mắc, đối thoại bằng hình thức trực tuyến toàn ngành để thống nhất nhận thức pháp luật; chú trọng đào tạo thông qua việc rút kinh nghiệm công tác xét xử, tự đào tạo, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng công tác trong cơ quan, đơn vị.
Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, con người và các điều kiện cần thiết khác để triển khai các Tòa án chuyên biệt theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); gắn với các hoạt động hợp tác quốc tế; trao đổi kinh nghiệm trong việc đào tạo Thẩm phán trong các lĩnh vực kinh doanh thương mại, trọng tài quốc tế, sở hữu trí tuệ, phá sản, tư pháp người chưa thành niên… nhằm triển khai có hiệu quả các dự án luật đã được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, thứ 8 vừa qua.
Đặc biệt là tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, đảm bảo công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án; tập trung hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận “hành chính tư pháp” để thực hiện cơ chế một cửa liên thông và đơn giản hóa việc tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, công dân trước và sau các phiên tòa. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong ngành…
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận