Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù phát triển cho TP. HCM: Kỳ vọng “chiếc áo” rộng hơn

Năm năm trước, TP. HCM đã được áp dụng Nghị quyết 54/2017/QH14 (gọi tắt là NQ 54) với trải nghiệm thể chế thí điểm trao quyền nhiều hơn, khác biệt hơn với các đô thị khác. Giờ đây, kết thúc một hành trình thí điểm, TP. HCM được trao chiếc áo mới Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 (NQ 98) với nhiều nội dung mới, nhiều thách thức mới và cũng đồng thời là cơ hội mới.

Những cơ hội mới từ NQ 98

Một cách khái quát, NQ 98 có ba nhóm nội dung: Thứ nhất là những nội dung đặc thù của NQ 54 nay tiếp tục được thực hiện vì những thành công của nó hoặc cũng cần thêm thời gian để kiểm nghiệm tính đúng đắn; Thứ hai là sửa đổi, bổ sung một số nội dung mới có khả năng khắc phục những điểm vướng mà NQ 54 và Nghị quyết 31-NQ/TW năm 2022 (NQ 131), NQ 130 về chính quyền đô thị TP.HCM phát sinh trong thời gian vừa qua; Thứ ba, đưa ra những cơ chế mới được xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát sinh tại TP.HCM và xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, kinh tế và chiến lược phát triển của Thành phố theo NQ của Bộ Chính trị và NQ số 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Có thể nói, dưới góc độ chính trị, NQ 98 nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ quốc gia mà Trung ương Đảng và Quốc hội đặt ra với TP.HCM, về pháp lý, đó là sự chuyển tiếp, sự tiếp nối theo chiều hướng tích cực, là một điểm sáng của thể chế chính quyền đô thị nước ta. Về thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đang đặt ra tại TP.HCM.   

Những lợi thế về thể chế đặc thù vốn trao cơ hội cho các địa phương, mặc dù đôi khi cũng là gánh nặng. Tuy nhiên, với TP.HCM thì chắc chắn là cơ hội. Cơ hội đặt ra cho TP.HCM ở cả phương diện hành chính – chính trị, kinh tế, xã hội. Về tổng thể, dưới góc độ hành chính – chính trị: TP.HCM trở thành địa phương “điểm” để kiểm nghiệm tính đúng đắn của chính quyền đô thị. Mối quan hệ chính thức giữa Trung ương và địa phương sẽ có nhiều chuyển biến sau cơ chế đặc thù này. Đối với các địa phương khác, cơ chế đặc thù vượt trội dành cho TP.HCM cũng có khả năng lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho các địa phương lân cận, vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Tây. Về kinh tế – xã hội, thực tiễn cho thấy độ mở kinh tế lớn chứng tỏ TP.HCM hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, tạo cho thành phố nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới diễn biến phức tạp hiện nay. Thể chế pháp lý đúng đắn không chỉ là cơ sở pháp lý cho các hoạt động điều hành thiết yếu mà còn là đòn bẩy cho những cơ hội kinh tế được hiện thực hóa. Theo đó, với khả năng hóa giải những điểm nghẽn tồn đọng phát sinh trong cơ chế cũ, NQ 98 có thể trở thành bệ phóng để TP.HCM phát huy tiềm năng và nội lực, từ đó khắc phục những vướng mắc, tạo lập và phát triển những giá trị mới về kinh tế, chính trị, xã hội cho TP.HCM. 

Với khả năng hóa giải những điểm nghẽn tồn đọng phát sinh trong cơ chế cũ, NQ 98 sẽ là bệ phóng để TP.HCM phát huy tiềm năng và nội lực, từ đó khắc phục những vướng mắc, tạo lập và phát triển những giá trị mới về kinh tế, chính trị, xã hội cho TP.HCM. 

Cụ thể, các nội dung của NQ 98 khá toàn diện và có tính bao quát hơn so với NQ 54, có thể giải quyết những vướng mắc hiện có và thúc đẩy TP.HCM phát triển tương thích với những vị thế của TP.HCM như: TP.HCM là trung tâm bán buôn, trung tâm phân phối và tiêu thụ hàng hóa cả nước, khu công nghệ cao TP.HCM thu hút trên 10 tập đoàn hàng đầu toàn cầu đầu tư với kim ngạch xuất khẩu chiếm 48,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. TP.HCM là trung tâm logistics của cả nước, là trung tâm trung chuyển hàng hóa, đầu mối xuất nhập khẩu của khu vực phía Nam, là đô thị duy nhất có thành phố thuộc thành phố, là đô thị trọng điểm có kết nối vùng … Với những vị thế đó, ngoài việc giữ nguyên các cơ chế tài chính, thương mại, đầu tư thì một số nội dung mới được bổ sung rất sát với nhu cầu đặt ra của TP.HCM như: việc thành lập Sở ATTP TP.HCM sau thời gian sáu năm thí điểm thành lập Ban An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM với nhiều kết quả mang lại trong công tác quản lý nhà nước về ATTP tại TP.HCM là hợp lý và thiết thực nhằm phát triển công tác quản lý thực phẩm vốn phức tạp tại đô thị lớn như TP.HCM. Quy định UBND quận được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2 – 4% tổng chi ngân sách quận để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp, đột xuất phát sinh là chính đáng để các quận có thể chủ động trong giải quyết các tình huống phát sinh trong quản lý. Quy định Hội đồng nhân dân Thành phố có thẩm quyền: “Căn cứ quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn, quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn…” là quy định cởi trói nút thắt rất bức bách về nhân sự xã, phường ở TP.HCM thời gian qua. Bên cạnh đó, nhiều quy định mới có tầm chính sách, tác động đến vị trí và định hướng phát triển của TP.HCM như quy định “Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định sử dụng ngân sách Thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa Thành phố và địa phương khác, các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa bàn Thành phố; hỗ trợ các địa phương khác trong nước, hỗ trợ một số địa phương tại một số nước khác trong các trường hợp cần thiết” hay quy định về “thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon” là quy định rất phù hợp trong tình hình hội nhập quốc tế hiện nay, sát với việc thực hiện thị trường trao đổi tín chỉ carbon dự kiến hình thành năm 2028… Ngoài ra, các cơ chế đặc thù lần này không chỉ có đặc thù về nội dung mà còn đặc thù về thủ tục (cách làm) so với quy định chung (ví dụ quy định về Việc thực hiện chuẩn bị thu hồi đất của một số dự án tại Thành phố tại Khoản 12 Điều 6 Dự thảo)…đều là các quy định tạo cơ hội chủ động lớn cho TP.HCM. 

 

Phố đi bộ Bùi Viện. Ảnh: Shutterstock

Những thách thức đặt ra

Tuy nhiên, TP.HCM cũng phải đối diện với không ít thách thức, cũng như những tồn tại chưa giải quyết được ngay trong thời gian thực hiện NQ 54. 

Thứ nhất, NQ 98, với nhiều nội dung mới hơn NQ 54, liệu TP.HCM có phát huy hết năng lực để tận dụng các cơ hội mới này không? 

Thứ hai, TP.HCM từng trải qua nhiều cơ chế đặc thù, mỗi cơ chế đi qua, ngoài việc mang lại những cơ hội mới nhưng cũng dẫn đến cả những vướng mắc, điểm nghẽn, không chỗ này thì chỗ khác, không ngành này thì ngành khác – do sự chập chững nhập cuộc của cái mới trong một cơ chế cũ đã tồn tại quá lâu. Qua mỗi nghị quyết, mỗi nghị định về cơ chế đặc thù, có lẽ không ít sự nản lòng đã từng xuất hiện đâu đó trong chính quyền thành phố, nhưng trên tất cả vẫn là sự kiên trì, sự quyết tâm – và đó cũng là điểm mạnh nổi bật của chính quyền TPHCM sau mỗi lần áp dụng cơ chế đặc thù. Đến nghị quyết lần này, có lẽ ngoài quyết tâm thì còn cần sự dấn thân trong chính quyền khi triển khai nghị quyết bởi sự phức tạp, đa dạng về nội dung, sự sâu rộng về mức độ và đặc biệt đều là những nội dung có tính chuyên môn ngành, lĩnh vực rất cao, từ tài chính, ngân sách đến đất đai, đầu tư, công nghệ, nhân sự, bộ máy…

Thứ ba, nói về cơ chế đặc thù TP.HCM, hiện có hai nội dung liên quan trực tiếp cần làm rõ, nghe có vẻ đối lập nhau nhưng lại có quan hệ biện chứng chặt chẽ, đó là cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm và cơ chế kiểm soát chính quyền đô thị. Chính quyền đô thị là chính quyền mà nơi đó có sự sáng tạo không ngừng nghỉ trong quản lý, điều hành. Tư duy quản lý của chính quyền đô thị luôn là tư duy mở, chứa trong đó cả những khát vọng, hoài bảo về sự vươn xa mà một lãnh thổ nông thôn yên bình không bao giờ có được. Đó là nơi tập trung trí tuệ và là nơi sản sinh ra không chỉ những phát minh khoa học kỹ thuật mà còn là nơi buộc phải có những sáng kiến, phát minh, chính sách quản lý. Do đó, chính quyền đô thị cũng giống như bản thân đô thị, đô thị không bao giờ ngủ thì chính quyền đô thị cũng không bao giờ nghỉ. Với TP.HCM, chính quyền đô thị không phải có sẵn mà đang xây dựng, xây dựng thể chế đô thị, và đồng thời với quá trình đó là rèn giũa và xây dựng con người đô thị. TP.HCM trải qua bao cơ chế đặc thù vẫn không nản chí mà càng ngày càng cho thấy quyết tâm cao. Điều này cho thấy sự thắng lợi bước đầu về sự kiên trì – một tố chất thuộc về bản lĩnh chứ không đơn giản là tính cách của nhân sự lãnh đạo TPHCM. 

Nói về cơ chế đặc thù TP. HCM, hiện có hai nội dung liên quan trực tiếp cần làm rõ, nghe có vẻ đối lập nhau nhưng lại có quan hệ biện chứng chặt chẽ, đó là cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm và cơ chế kiểm soát chính quyền đô thị.

Tuy nhiên, ngoài tố chất này, còn cần thêm cả sự dám nghĩ, dám làm. Dù Quốc hội cũng đặt ra vấn đề về cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm nhưng với TPHCM, việc triển khai cơ chế đặc thù lại càng đòi hỏi nhiều hơn. Quy định trao quyền của Trung ương đặt ra trách nhiệm gánh vác và phát huy của chính quyền thành phố rất nặng nề, nếu không có cơ chế bảo đảm cho tính chủ động, sáng tạo thì các quy định đặc thù khó triển khai được hiệu quả. Thực ra, câu chuyện TP.HCM gửi 600 văn bản hỏi Trung ương chủ yếu trong thời gian đang thí điểm NQ 54, ngoài lý do các địa phương nói chung và ngay cả TP.HCM cũng vậy, cần một quá trình để hình thành một văn hóa chủ động. Câu chuyện trách nhiệm cả hai phía chính là mấu chốt sinh ra những văn bản lên xuống không chính thức giữa hai bên. Do đó, không phải NQ 98 mới đòi hỏi cao sự dám làm và quyết tâm và đòi hỏi cơ chế bảo vệ cán bộ mà ngay trong lộ trình hoàn thiện thể chế chính quyền đô thị cũng phải được đặt ra từ sớm. 

Thứ tư, về cơ chế kiểm soát chính quyền TP.HCM trong bối cảnh áp dụng cơ chế mới. Tiếp nối NQ 54 cũ, NQ mới không đặt ra cơ chế kiểm soát đặc thù cho những nội dung đặc thù dành cho TP.HCM. Việc quy định cơ chế báo cáo định kỳ hay áp dụng thời hạn cho nghị quyết, cùng với cơ chế kiểm soát hiện hành của quy định chung không phải là tổng thể cơ chế có thể kiểm soát hiệu quả các nội dung được trao nhiều quyền hạn. Đặc biệt, có những nội dung có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của dân cần đặt nhu cầu kiểm soát chặt chẽ như quy định thu phí, lệ phí nằm ngoài danh mục Luật Phí, lệ phí, quy định “Thành phố được áp dụng hình thức hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu…” đều có nguy cơ cao dẫn đến lạm quyền nếu không có cơ chế kiểm soát phù hợp… Mặc dù trong tờ trình về Dự thảo nghị quyết mới, Chính phủ có đưa ra yêu cầu bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp của TP.HCM và có cơ chế kiểm soát quyền lực, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhưng Dự thảo không đề cập đến nội dung này. 

Nghị quyết phải bảo đảm vừa vặn giữa chặt chẽ và nới lỏng, ở đây không phải máy móc theo kiểu 5 -5 mà tùy vấn đề sẽ siết chặt để tránh lạm quyền, hoặc nới lỏng để phát huy sự chủ động, năng lực địa phương. 

Thứ năm, thời hạn thí điểm năm năm sẽ là một áp lực rất lớn cho TP.HCM. Thực tiễn từ NQ 54 cũng cho thấy năm năm là không đủ. Liệu sau năm năm thi hành nghị quyết mới sẽ lại có việc “xin” gia hạn như NQ 54 hay không… Điều này nói lên sự chưa thoát ly của cơ chế đặc thù trong tổng thể cơ chế tập trung bao lâu nay và nếu không có một định hướng rõ ràng thì TP.HCM hay các đô thị khác sẽ quẩn quanh cơ chế đặc thù này đến cơ chế đặc thù khác mà khó có sự bứt phá để hình thành một thể chế tổng thể về chính quyền đô thị.

Những vấn đề cần chuẩn bị khi NQ 98 có hiệu lực thi hành

Với nhiều thử thách đặt ra, cả TP.HCM và trung ương đều cần chuẩn bị tâm thế cho việc tổ chức thi hành NQ 98.

Có thể nghiên cứu thành lập bộ phận tham mưu chuyên sâu trong quá trình tổ chức thi hành NQ 98 nhằm đưa ra những đề xuất chính xác cho TP. HCM. 

Sự chủ động của TP.HCM bước đầu là quan trọng để việc triển khai NQ 98 bước đầu được hanh thông. Chẳng hạn như: cần thông tin NQ 98 nhanh chóng đến mọi cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị; ban hành ngay những văn bản hướng dẫn, chi tiết các quy định của NQ 98 đến các cơ quan, đơn vị có liên quan; yêu cầu mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi ngành, mỗi chính quyền và cấp chính quyền ở TP.HCM phải có định hướng và kế hoạch chi tiết cho việc tổ chức thực hiện NQ 98 ở đơn vị mình, ngành mình, cấp mình; Xây dựng chương trình hành động liên ngành, đa ngành; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp trong từng nội dung có liên quan. Chính quyền TP.HCM cần nhanh chóng ban hành văn bản phân cấp, ủy quyền cho cơ quan, đơn vị theo quy định của NQ 98 các nội dung phù hợp để việc tổ chức thực hiện NQ 98 không bị ùn ứ và chạy việc; Có thể nghiên cứu thành lập bộ phận tham mưu chuyên sâu trong quá trình tổ chức thi hành NQ 98 nhằm đưa ra những đề xuất chính xác cho TP.HCM. Đặc biệt, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp trong cơ chế mới là quan trọng, do đó, cần có công tác phổ biến về nội dung cơ chế để có sự tham gia, phối hợp khi triển khai và cũng đồng thời để phát huy tinh thần, trách nhiệm của cư dân đô thị với TP.HCM. 

Với TP.HCM, triển khai Nghị quyết của Trung ương là trách nhiệm của một địa phương. Với Trung ương, đây cũng là trách nhiệm chính trị to lớn. Từ phía Trung ương, Chính phủ cần có quy định chi tiết ngay sau khi NQ 98 được thông qua với những nội dung được NQ 98 giao quy định chi tiết nhằm bảo đảm tính kịp thời trong việc triển khai. Đặc biệt, cần có sự theo dõi, hỗ trợ kịp thời ở những điểm vướng phát sinh trong quá trình triển khai, tránh tồn đọng các vướng mắc, bất cập quá nhiều, ảnh hưởng đến sự vận hành bình thường của TP.HCM. 

Với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công thương… cần có những hướng dẫn kịp thời, chính xác vấn đề TP.HCM đặt ra trong quá trình triển nghị quyết đặc thù. Cần quan niệm đây là trách nhiệm của các Bộ với vai trò là bộ máy đầu ngành trong việc bảo đảm hiệu quả quản lý ngành ở địa phương.

TP Hồ Chí Minh - Ảnh: Shutterstock

Theo Tiasang.com.vn

NGUYỄN THỊ THIỆN TRÍ