Luật mới quy định các chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô
Ngày 23/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, trong đó có Luật Thủ đô 2024, quy định các chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô.
Luật Thủ đô gồm 7 chương, 54 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Thông tin về sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 09 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.
Mục tiêu xây dựng Luật Thủ đô 2024 nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Quan điểm xây dựng Luật Thủ đô 2024 nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô. Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật Thủ đô cần đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không phải là đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành, áp dụng riêng cho Thủ đô.
Bên cạnh đó, bám sát 9 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa tại dự thảo Luật các cơ chế, chính sách cụ thể, thực sự mang tính đặc thù vượt trội và đột phá về thể chế nhằm phát huy thế mạnh của Thủ đô.
Cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; những vấn đề cần ủy quyền lập pháp thì ủy quyền cho các chủ thể có thẩm quyền quy định theo pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ. Đồng thời, với việc phân quyền mạnh mẽ, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội và quy trình, thủ tục, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền Thành phố.
Ngoài ra, kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012; các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô. Theo sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các Luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...) để bảo đảm những vấn đề đang đặt ra đối với Thủ đô đã được xử lý, thì không quy định lại tại dự án Luật Thủ đô; nếu chưa được xử lý hoặc nội dung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô thì quy định tại Luật Thủ đô.
Luật Thủ đô gồm 7 chương và 54 điều với những nội dung cơ bản sau đây:
Chương 1. Những quy định chung: gồm 7 điều từ Điều 1 đến Điều 7
Chương 2. Tổ chức chính quyền đô thị: gồm 9 điều từ Điều 8 đến Điều 16.
Chương 3. Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô: gồm 17 điều từ Điều 17 đến Điều 33.
Chương 4. Tài chính ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô gồm 10 điều từ điều 34 đến điều 43.
Chương 5. Liên kết, phát triển vùng gồm 4 điều từ điều 44 đến điều 47
Chương 6. Giám sát kiểm tra, thanh tra và trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô gồm 5 điều từ điều 48 đến điều 52
Chương 7. Điều khoản thi hành từ điều 53 đến điều 54.
Để triển khai thi hành Luật Thủ đô một cách kịp thời, hiệu quả, Chính phủ sẽ xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật, xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản quy định chi tiết Luật ở các bộ ngành và địa phương.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi giới thiệu về Luật Thủ đô
Bài liên quan
-
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công tác xây dựng pháp luật có vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt
-
Phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô: Khơi thông nguồn lực, mở đường phát triển
-
Diện mạo Thủ đô Hà Nội sau 70 năm giải phóng: Hành trình phát triển, tầm nhìn tương lai
-
Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô- tái hiện hào khí lịch sử hào hùng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
Bình luận