Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc: CON THÀNH NIÊN MÀ KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG LAO ĐỘNG

Theo quy định tại Điều 644 BLDS năm 2015 về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc thì con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên mà không có khả năng lao động vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc cho hưởng di sản ít hơn hai phần ba suất đó (khoản 1).

Vấn đề đặt ra là, con thành niên mà không có khả năng lao động bao gồm những đối tượng nào?

1.Người thành niên, người không có khả năng lao động

Người thành niên

Theo quy định tại Điều 20 của BLDS năm 2015 thì người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên; người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22[1], 23[2] và 24[3] của BLDS (gồm: Mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người hạn chế năng lực hành vi dân sự).

Người không có khả năng lao động

Từ trước tới nay, trong các BLDS đều không có quy định nào quy định cụ thể về khả năng lao động và không có khả năng lao động.

Bộ luật Lao động năm 2012 có nhắc đến “khả năng lao động” nhưng cũng không có giải thích về thuật ngữ này.

Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.”

Đồng thời, Bộ luật Lao động năm 2012 cũng quy định tuổi nghỉ hưu đối với nam là đủ 60 tuổi và nữ là đủ 55 đối với trường hợp thông thường[4].

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng có các quy định:

– Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng quy định tại Điều 47 của Luật này, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở[5];

– Các trường hợp trợ cấp tuất hằng tháng gồm: “… con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; … Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ; Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.”[6]

– Trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần: Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 67 mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên[7].

Tại khoản 2 Điều 1[8] Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BYT ngày 23/3/2015 Thông tư liên tịch Quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp (Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 27/9/2013 của Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư liên tịch số 21/2014/TTLT-BYT-BLĐTBXH Sửa đổi khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 27 tháng 9 năm 2013 quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp) quy định: “…, tỷ lệ tổn thương cơ thể (sau đây được gọi tắt là: TTCT) được dùng chung cho tỷ lệ suy giảm khả năng lao động, tỷ lệ thương tích, tỷ lệ thương tật, tỷ lệ bệnh tật, tỷ lệ tổn hại sức khỏe.”

Tại khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch nêu trên quy định: 1. Tổng tỷ lệ phần trăm (%) TTCT của một người không được vượt quá 100%.”

Như vậy, với quy định của Thông tư này, có thể hiểu tỷ lệ tổn thương cơ thể cũng chính là tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Và khả năng suy giảm lao động được xác định bằng tỷ lệ tổn thương cơ thể, tỷ lệ thương tích, tỷ lệ thương tật, tỷ lệ bệnh tật, tỷ lệ tổn hại sức khỏe và tổng tỷ lệ phần trăm suy giảm khả năng lao động của một người là không quá 100%.

Tuy nhiên, không có quy định cụ thể như thế nào về một người không có khả năng lao động hay có một người tỷ lệ suy giảm khả lao động bao nhiêu phần trăm thì không có khả năng lao động.

Tại mục 1.4 Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, hướng dẫn như sau:

“1.4. Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.”

Từ các quy định và hướng dẫn nêu trên, về người không có năng lao động, hiện nay đang có hai loại quan điểm khác nhau, đó là:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, người không có khả năng lao động là người từ 15 tuổi trở lên mà bị suy giảm khả năng lao động (tổn thương cơ thể) từ 81% trở lên do thương tích, do bệnh, tật, do bệnh nghề nghiệp, do già yếu.

Quan điểm thứ hai cho rằng, người không có khả năng lao động bao gồm:

(1) Người trong độ tuổi lao động (15 tuổi trở lên đến 60 tuổi đối với nam, đến 55 tuổi đối với nữ) mà suy giảm khả năng lao động (tổn thương cơ thể) từ 81% trở lên do thương tích, do bệnh, tật, do bệnh nghề nghiệp.

(2) Người qua độ tuổi lao động (60 tuổi trở lên đối với nam, 55 tuổi trở lên đối với nữ).

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, bởi lẽ, khả năng lao động của con người là tổng hợp năng lực về thể chất và tinh thần hay nói cách khác chính là sức lao động của con người được vận dụng trong quá trình lao động tạo ra của cải, vật chất. Một người thành niên có thể có khả năng lao động hay không có khả năng lao động; một người có khả năng lao động bị suy giảm thương tích, do bệnh, tật, do bệnh nghề nghiệp, do tuổi già tới một chừng mực nào đó sẽ không có khả năng lao động.

Tác giả không đồng tình với ý (2) của quan điểm thứ hai, bởi lẽ:

– Các quy định của pháp luật nêu trên nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, người tham gia bảo hiểm, bảo vệ giá trị truyền thống tốt đẹp trong quan hệ hôn nhân và gia đình;

– Trong thực tiễn cuộc sống hằng ngày, xung quang chúng ta, rất nhiều người qua độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật lao động đã được nghỉ hưu nhưng họ vẫn có khả năng lao động (sức lao động) và thực tế họ vẫn tham gia lao động tạo ra nguồn của cải vật chất cho xã hội, nhất là trong điều kiện Việt Nam đang chuyển hóa sang thời kỳ dân số già.

 2.Con thành niên không có khả năng lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều 644 của BLDS 2015

Điều 644 BLDS năm 2015 quy định:

“Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”

Như vậy, với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 644 BLDS năm 2015, một trong các chủ thể thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc là con thành niên mà không có khả năng lao động. con thành niên mà không có khả năng lao động thì được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó mà không kèm theo điều kiện nào khác[9].

Xuất phát từ hai quan điểm về chủ thể không có khả năng lao động như trên, việc xác định con thành niên mà không có khả năng lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều 644 BLDS năm 2015, hiện nay cũng có 2 loại quan điểm như sau:

– Quan điểm thứ nhất cho rằng, con thành niên mà không có khả năng lao động là con thành niên (đủ 18 tuổi trở lên) suy giảm khả năng lao động (tổn thương cơ thể từ) từ 81% trở lên do thương tích, do bệnh, tật, do bệnh nghề nghiệp, do già yếu;

– Quan điểm thứ hai cho rằng, con thành niên mà không có khả năng lao động là con thành niên (đủ 18 tuổi trở lên) đang trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật lao động mà tỷ lệ suy giảm khả năng lao động (tổn thương cơ thể từ) 81% trở lên do thương tích, do bệnh, tật, do bệnh nghề nghiệp hoặc con đã quá tuổi lao động (trên 60 tuổi đối với nam, trên 55 tuổi đối với nữ).

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất.

Tuy nhiên, để trở thành người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc đối với trường hợp con thành niên (đủ 18 tuổi trở lên) mà không có khả năng lao động tỷ lệ suy giảm khả năng lao động (tổn thương cơ thể) từ 81% trở lên do thương tích, do bệnh, tật, do bệnh nghề nghiệp, do già yếu phải có kết luận giám định của Hội đồng giám định Y khoa hoặc Hội đồng giám định Pháp y tâm thần.

Để bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

    Ảnh: BLDS không có quy định cụ thể về khả năng lao động và không có khả năng lao động.   Ảnh minh họa                                                                             

 

 [1] Điều 22 BLDS năm 2015 quy định:

“Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự (sửa đổi)

Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.”

[2] Điều 23 BLDS năm 2015 quy định:

“Điều 23. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.” 

[3] Điều 24 của BLDS năm 2015 quy định:

“Điều 24. Hạn chế năng lực hành vi dân sự (sửa đổi)

Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.

Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.” 

[4] Xem điều 187 Bộ luật Lao động năm 2012.

Điều 187. Tuổi nghỉ hưu

Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.

Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này.

  1. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này. 

[5] Xem Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

[6] Xem Điều 67 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.

[7] Xem khoản 3 Điều 69 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.

[8] Điều 1. Quy định về tỷ lệ tổn thương cơ thể

Ban hành kèm theo Thông tư này bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể áp dụng trong giám định y khoa như sau: Bảng 1. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích; Bảng 2. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh, tật; Bảng 3. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh nghề nghiệp. Trong Thông tư này, tỷ lệ tổn thương cơ thể (sau đây được gọi tắt là: TTCT) được dùng chung cho tỷ lệ suy giảm khả năng lao động, tỷ lệ thương tích, tỷ lệ thương tật, tỷ lệ bệnh tật, tỷ lệ tổn hại sức khỏe. 

[9] Khác với BLDS năm 2015, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con, của các thành viên khác trong gia đình đối với nhau có quy định nhằm bảo vệ lợi ích, nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người đã thành niên không có khả năng lao động kèm theo điều kiện “không có tài sản để tự nuôi mình”. (Xem khoản 24 Điều 3; khoản 1 Điều 42; khoản 5 Điều 59; khoản 4 Điều 68; các khoản 2, 4 Điều 69; khoản 3 Điều 70; khoản 1 Điều 71; khoản 2 Điều 73; khoản 3 Điều 78; khoản 1 Điều 81; khoản 1 Điều 104; khoản 1 Điều 110; các điều 111, 112, 113, 114; khoản 1 Điều 118).

 

KIM QUỲNH