Nguyễn Đặng Đình V và Trần Văn M phạm hai tội Cướp giật tài sản và tội Giết người
Sau khi nghiên cứu bài viết “Phạm tội Cướp giật tài sản với tình tiết định khung tăng nặng “Làm chết người” hay phạm thêm tội Giết người” của tác giả Nguyễn Thanh Huyền đăng ngày 14/7/2023, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai cho rằng, V phạm hai tội Cướp giật tài sản theo Điều 171 BLHS và tội Giết người theo Điều 123 BLHS.
Theo quy định tại Điều 171 BLHS 2015 về tội cướp giật tài sản: “1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Hành vi khách quan của tội cướp giật tài sản là hành vi công khai, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản, đây cũng chính là dấu hiệu để để phân biệt với hành vi chiếm đoạt của tội phạm khác. Dấu hiệu công khai nghĩa là người phạm tội biết hành vi của mình có tính chất công khai và không có ý định che giấu hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác mà thực hiện trước mặt mọi người một cách táo bạo, bất ngờ và dứt khoát trong một thời gian rất ngắn. Dấu hiệu nhanh chóng phản ánh thủ đoạn phạm tội, đó là lợi dụng sơ hở của chủ tài sản (sơ hở này có thể có sẵn hoặc do người phạm tội chủ động tạo ra) nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng tẩu thoát nhằm tránh khỏi việc truy đuổi của chủ tài sản. Với thủ đoạn này, người phạm tội mong muốn chủ tài sản không có điều kiện để phản ứng kịp thời ngăn cản việc chiếm đoạt do vậy hoàn toàn không cần dùng bất cứ thủ đoạn nào khác để đối phó trực tiếp với chủ tài sản. Để thực hiện được hành vi này người phạm tội không sử dụng vũ lực (tuy một số trường hợp có sử dụng sức mạnh như đạp, xô cho bị hại té để cướp), cũng không đe dọa sử dụng vũ lực hay uy hiếp tinh thần của chủ tài sản như trong tội cướp tài sản mà chỉ dựa vào sự nhanh nhẹn của bản thân và sự sơ hở của chủ tài sản, hay trường hợp chủ tài sản không đủ khả năng bảo vệ tài sản (chẳng hạn như trẻ em, người già, phụ nữ…) để giật lấy tài sản của họ và tẩu thoát. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong điều luật. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt không ảnh hưởng tới việc định tội đối với hành vi cướp giật tài sản.
Trong tình huống nêu trên, V có hành vi chiếm đoạt túi xách của chị H có tính chất công khai và V hoàn toàn không có ý định che giấu hành vi đó. Dấu hiệu nhanh chóng ở đây được phản ánh thủ đoạn lợi dụng chị H đang điều khiển xe để nhanh chóng tiếp cận, bám sát xe chị H để giật túi xách và nhanh chóng tẩu thoát. Hành vi của V làm chị H bị bất ngờ, không có khả năng giữ được tài sản đang quản lý. Mục đích của V là mong muốn chị H không có điều kiện để phản ứng kịp thời, ngăn cản việc chiếm đoạt tài sản. Tội cướp giật tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức nên hành vi cướp giật tài sản hoàn thành ngay khi hành vi đã thực hiện. Do đó, hành vi của V và M đủ yếu tố cấu thành tội “Cướp giật tài sản” theo Điều 171 BLHS.
Hành vi của V khi thấy chị H đuổi theo, lo sợ bị bắt nên dùng mũ bảo hiểm đang đội ném mạnh về phía chị H làm chị H lạc tay lái, đâm vào dải phân cách đường, ngã xuống. V phải nhận thức được hành vi dùng xe máy cướp giật tài sản của người khác là hành vi rất nguy hiểm, có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của bị hại nhưng V và M vẫn bất chấp nguy hiểm để thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi cướp giật tài sản của V không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của chị H mà do hành vi ném mũ bảo hiểm gây tai nạn giao thông cho chị H. Mặc dù V không cố tình tước đoạt tính mạng của chị H nhưng V buộc phải biết hành vi của mình sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng của chị H nên lỗi của V là lỗi cố ý gián tiếp. Sau khi chị H ngã xuống đường, V và M tiếp tục chạy bỏ mặc hậu quả xảy ra. Hành vi của V và M đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của chị H nên hành vi của V và M đã thỏa mãn cấu thành tội Giết người theo Điều 123 BLHS.
Còn theo quan điểm thứ nhất, V chỉ phạm tội Cướp giật tài sản theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 171 BLHS với tình tiết định khung “Làm chết người” mà không phạm tội Giết người vì V đã cướp giật được túi xách của chị H nhưng chị H vẫn đang trong quá trình truy đuổi, nên hành vi cướp giật của V và M vẫn đang diễn ra, việc V ném mũ bảo hiểm về phía chị H chỉ nhằm mục đích ngăn cản sự truy đuổi của chị H mà không có mục đích tước đoạt tính mạng của chị H. Tôi không đồng tình với quan điểm này vì phạm tội Cướp giật tài sản với tình tiết định khung “Làm chết người” là trường hợp người phạm tội cướp giật tài sản đã gây hậu quả nạn nhân bị chết và lỗi của họ đối với hậu quả này là lỗi vô ý. Còn trong tình huống trên, hành vi ném mạnh mũ bảo hiểm của V về phía chị H là hành vi nguy hiểm, V phải nhận thức được hành vi này có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của chị H nên lỗi của V phải là lỗi cố ý. Vì vậy, Nguyễn Đặng Đình V và Trần Văn M phạm hai tội Cướp giật tài sản theo Điều 171 BLHS và tội Giết người theo Điều 123 BLHS.
TAND huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk xét xử vụ án cướp giật tài sản - Ảnh: Nguyễn Tâm
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận