Nguyễn Văn B phạm tội tàng trữ trái phép súng săn
Ngày 01/11/2024, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử đăng tải bài viết: “Nguyễn Văn B có phạm tội “tàng trữ trái phép súng săn không”?” của tác giả Nguyễn Thị Thùy Giang, tôi nhất trí với quan điểm thứ ba, Nguyễn Văn B phạm tội “tàng trữ trái phép súng săn”.
Khoản 1 Điều 306 BLHS năm 2015 quy định: “Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, … nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…”.
Để khẳng định B phạm tội tàng trữ trái phép súng săn, tôi phân tích 04 yếu tố cấu thành tội trữ trái phép súng săn như sau:
Thứ nhất, về chủ thể của tội phạm: B là người đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Ngày 14/3/2023, B đã bị UBND huyện M, tỉnh T xử phạt 15.000.000 đồng về hành vi “chế tạo, trang bị, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng, chiếm đoạt súng săn hoặc chi tiết, cụm chi tiết súng săn”, đến thời điểm thực hiện hành vi tàng trữ trái phép 54.676 viên đạn súng hơi chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Thứ hai, về khách thể của tội phạm: Hành vi của B đã xâm phạm đến trật tự quản lý súng săn của Nhà nước và trật tự, an toàn công cộng được BLHS bảo vệ.
Thứ ba, mặt chủ quan của tội phạm: B thực hiện hành vi phạm tội là do cố ý, tức là B nhận thức rõ hành vi của mình là trái phép nhưng vẫn thực hiện.
Thứ tư, mặt khách quan của tội phạm: B đã thực hiện hành vi tàng trữ trái phép 54.676 viên đạn súng hơi. Vấn đề làm cho còn có các quan điểm khác nhau về việc xác định hành vi của B có phạm tội quy định tại Điều 306 BLHS năm 2015 hay không chính là việc xác định đạn súng hơi có phải là súng săn hay không.
Khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐTP ngày 09/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự giải thích thuật ngữ súng săn được quy định tại Điều 306 BLHS năm 2015 rằng: ““Súng săn” là súng quy định tại khoản 3 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”.
Và khoản 3 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định: “Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này”. Từ quy định này cho thấy, súng săn bao gồm súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho súng kíp, súng hơi. Như vậy, súng hơi là một loại súng săn và đạn sử dụng cho súng hơi là một thành tố của súng hơi. Do đó, chỉ cần có hành vi tàng trữ trái phép súng kíp hoặc súng hơi hoặc đạn sử dụng cho súng kíp, súng hơi là đã đủ yếu tố về mặt khách quan của cấu thành tội phạm tàng trữ trái phép súng săn.
Trong vụ án trên, B đã tàng trữ trái phép 54.676 viên đạn súng hơi nên thỏa mãn mặt khách quan cấu thành tội tàng trữ trái phép súng săn.
Từ việc phân tích trên đây cho thấy, VKSND Nguyễn Văn B thành phố Y truy tố Nguyễn Văn B về tội “tàng trữ trái phép súng săn” theo khoản 1 Điều 306 BLHS năm 2015 là có căn cứ và đúng quy định pháp luật.
Trên đây là quan điểm của tôi về việc xác định hành vi phạm tội của Nguyễn Văn B. Rất mong nhận được ý kiến phản hồi của bạn đọc.
TAND tỉnh Kiên Giang xét xử vụ án hình sự mua bán, vận chuyển, tàng trữ và chế tạo súng - Ảnh: V.VŨ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng, tăng phụ cấp cho hội thẩm lên 900.000 đồng/ngày
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận