NHÀ Ở – PHÁP LUẬT VỀ NHÀ Ở VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ QUAN TÂM
Không phải người dân Việt Nam nào cũng biết cơ sở pháp lý về quyền có nhà ở của công dân và nhà ở như thế nào là hợp pháp, mà chỉ khi nào có sự việc pháp lý liên quan đến nhà ở của mình hoặc liên quan đến nhà ở của gia đình mình thì mới tìm hiểu đến pháp luật về nhà ở...
1. Cở sở pháp lý về quyền có nhà ở của công dân
Nghiên cứu cơ sở pháp lý về quyền có nhà ở của công dân chúng tôi nhận thấy:
a. Hiến pháp quy định về quyền có nhà ở của công dân: Tại Điều 22 của Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013 (sau đây viết là Hiến pháp năm 2013) quy định như sau:
“1. Công dân có quyền có nhà ở hợp pháp.
2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được sự đồng ý của người đó.
3. Việc khám xét chỗ ở do Luật định.”
Các Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam từ năm 1946 đến trước ngày Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013 cũng có quy định về quyền có nhà ở của công dân, nhưng do tình hình an ninh, quốc phòng, tình hình kinh tế xã hội trong nước nên việc quy định về quyền có nhà ở của công dân là có khác nhau. Cụ thể là:
– Hiến pháp năm 1946: Điều thứ 10 quy định: “Công dân Việt Nam có quyền… tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.”
– Hiến pháp năm 1959: Điều 28 quy định: “Pháp luật bảo đảm nhà ở của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa không bị xâm phạm”
– Hiến pháp năm 1980: Điều 62 quy định: “Công dân có quyền có nhà ở…”
– Hiến pháp năm 1992: Điều 62 quy định: “Công dân có quyền xây dựng nhà ở theo quy hoạch và pháp luật. Quyền lợi của người thuê nhà và người có nhà cho thuê được bảo hộ theo pháp luật.”
b. Pháp luật nhà ở quy định về nhà ở: Sau Hiến pháp năm 2013, ngày 25/11/2014 Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (Sau đây viết là Luật Nhà ở năm 2014). Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015 và Luật Nhà ở năm 2014 thay thế Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 sửa đổi, bổ sung ngày 19/6/2009.
Theo giải thích tại khoản 1 Điều 3 của Luật Nhà ở năm 2014 thì nhà ở là: Công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, cá nhân. Cũng theo Luật Nhà ở năm 2014 thì nhà ở của hộ gia đình, cá nhân có thể là nhà ở riêng lẻ hoặc nhà chung cư.
Trong Luật Cư trú được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2006, sửa đổi, bổ sung ngày 20/6/2013 có quy định về quyền cư trú của công dân, về nơi cư trú của công dân. Tại Điều 12 của Luật Cư trú hiện hành thì chỗ ở hợp pháp là: “nhà ở phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú”
Như vậy là nhà ở của công dân còn được gọi là chỗ ở của công dân.
2. Nhà ở hợp pháp
Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 thì nhà ở của hộ gia đình, cá nhân có thể là nhà ở riêng lẻ hoặc nhà chung cư. Cũng theo quy định của Luật nhà ở năm 2014 thì:
Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng dựa trên thửa đất riêng biệt thuộc quyền sủ dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bao gồm: Nhà biệt thự, nhà ở liền kề, và nhà ở độc lập.
Nhà chung cư là nhà có từ hai tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức.
2.1. Nhà ở hợp pháp: Điều 8 của Luật Nhà ở năm 2014 quy định về nhà ở hợp pháp đối với từng trường hợp như sau:
a. Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở trong nước: Thì nhà ở hợp pháp là nhà ở thông qua các hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
b. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Thì nhà ở hợp pháp là nhà ở thông qua các hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản, mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
c. Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài: Thì nhà ở hợp pháp là nhà ở thông qua các hình thức. Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và pháo luật có liên quan. Mua, thuê mua, nhận tặng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ (Quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Nhà ở năm 2014)
d. Đối với nhà ở của hộ gia đình, cá nhân ở đô thị: Việc xây dựng hoặc cải tạo nhà ở hiện có phải phù hợp với quy hoạch, chi tiết xây dựng, thiết kế đô thị. Đối với nhà ở yêu cầu phải có Giấy phép xây dựng, thì phải xây dựng theo Giấy phép xây dựng (quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Nhà ở năm 2014). Nhà ở phải được xây dựng trên thửa đất có đủ điều kiện về diện tích để xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về đất đai. Hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị phải thực hiện xây dựng, cải tảo nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và tự chịu trách nhiệm về chất lượng nhà ở (Quy định tại các khoản 1, 2 Điều 46 Luật Nhà ở năm 2014).
đ. Đối với nhà ở của hộ gia đình, cá nhân tại khu vực nông thôn. Việc xây dựng hoặc cải tạo nhà ở hiện có phải kết hợp với việc giữ gìn, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống và phù hợp với phong tục, tập quán, điều kiện sản xuất của từng khu vực, từng vùng miền.
Hộ gia đình, cá nhân chỉ được xây dựng nhà ở trên diện tích đất ở hợp pháp của mình (Quy định tại: Khoản 3 Điều 42 Luật Nhà ở năm 2014). Khoản 3 Điều 42 Luật Nhà ở năm 2014 quy định như sau: “Hộ gia đình, cá nhân chỉ được xây dựng nhà ở trên diện tích đất ở hợp pháp của mình”.
Theo quy định của pháp luật về xây dựng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân ở đô thị, ở nông thôn mà chúng tôi trình bày ở trên thì được hiểu là:
Một là: Đối với xây dựng, cải tạo nhà ở, ở đô thị thì:
– Có nhà ở phải có Giấy phép xây dựng mới được xây dựng. Nhưng có nhà ở không có Giấy phép xây dựng. Ví dụ như nhà ở cấp 4 của người có Giấy phép xây dựng nhà ở sử dụng nhà ở cấp 4 ở tạm trong thời gian Xây dựng nhà theo Giấy phép khi xây dựng nhà xong thì tự dỡ bỏ nhà cấp 4 ở tạm.
– Điều kiện về diện tích đất đủ để được xây dựng nhà ở. Theo quy định tại Điều 144 của Luật Đất đai được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014 (sau đây viết tắt là Luật Đất đai năm 2013) thì: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức đất ở giao cho hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở. Do đó nhà ở, ở đô thị xây dựng trên diện tích đất ở đúng hạn mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì đất ở đó là đất có đủ điều kiện về diện tích đất để xây dựng nhà ở. Ví dụ: Ủy ban nhân dân tỉnh H quy định: Đất xây dựng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân tại đô thị thuộc tỉnh H là từ 30m2 đất trở lên. Do đó, trường hợp hộ gia đình, cá nhân ở đô thị thuộc tỉnh H xây dựng nhà ở trên thửa đất có diện tích dưới 30m2 thì nhà ở đó là nhà ở xây dựng không đúng pháp luật.
Hai là: Đối với xây dựng nhà ở, ở nông thôn thì có một số vấn đề cần lưu ý là:
– Về Giấy phép xây dựng nhà ở. Trong khoản 4 Điều 42 của Luật Nhà ở năm 2014 có quy định: “… Đối với khu vực yêu cầu phải có Giấy phép xây dựng, hồ sơ thiết kế, thì phải tuân thủ đúng nội dung của Giấy phép xây dựng, hồ sơ thiết kế được phê duyệt”. Ngoài trường hợp này, phải có Giấy phép xây dựng nhà ở, còn các trường hợp khác việc xây dựng nhà ở nông thôn thì pháp luật không quy định phải có Giấy phép xây dựng.
– Về điều kiện nhà ở của hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn được xác định là hợp pháp. Tại khoản 3 Điều 42 Luật Nhà ở năm 2014 mà chúng tôi đã trích dẫn ở trên đã quy định là: “Hộ gia đình, cá nhân chỉ được xây dựng nhà ở trên diện tích đất ở hợp pháp của mình”. Quy định này được hiểu là: Nhà ở của gia đình cá nhân ở nông thôn mà xây dựng nhà ở trên đất không phải là đất ở hợp pháp của mình thì nhà ở đó là nhà ở xây dựng không hợp pháp. Ví dụ: Nhà ở xây dựng trên đất công, trên đất lối đi chung của xóm, ngõ hoặc nhà ở xây dựng trên đất không phải là đất ở, như đất phi nông nghiệp, tùy thuộc quyền sử dụng đất của mình nhưng không có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất phi nông nghiệp sang đất ở.
– Về việc xác định đất ở đối với đất vườn, ao. Việc xác định diện tích đất ở, ở nông thôn đối với thửa đất có vườn, ao là vấn đề tương đối phổ biến. Do đó Điều 103 của Luật Đất đai năm 2013 đã quy định gồm 10 trường hợp được xác định là đất ở đối với đất vườn, ao. Cụ thể là: Khoản 1 Điều 103 của Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Đất vườn ao của hộ gia đình, cá nhân được xác định là đất ở phải trong cùng một thửa đất đang có nhà ở”.
Hoặc là: Đoạn thứ hai của khoản 2 Điều 103 của Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Trường hợp trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật này chưa xác định rõ diện tích đất ở, thì diện tích đất ở được công nhận không phải nộp tiền sử dụng đất được xác định bằng không quá 05 lần hạn mức giao đất ở quy định tại khoản 2 Điều 143 và khoản 1 Điều 144 của Luật này.” .v.v. Do đó khi tranh chấp về đất ở, về nhà ở đất ở đối với đất có vườn ao ở nông thôn thì cần phải căn cứ và quy định tại các Điều 42 Luật Nhà ở năm 2014 và Điều 103 của Luật Đất đai năm 2013 để giải quyết.
2.2. Quyền của chủ sở hữu hợp pháp đối với nhà ở. Theo quy định tại Điều 10 của Luật Nhà ở năm 2014 thì chủ sở hữu hợp pháp nhà ở của người Việt Nam của hộ gia đình người Việt Nam ở trong nước, của người Việt Nam định cư ở nước ngoài có 9 quyền được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 10 của Luật Nhà ở năm 2014. Cụ thể là các quyền sau đây:
“- Quyền bất khả xâm phạm về nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của mình
– Sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm.
– Được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình theo quy định của Luật này và pháp luật về đất đai.
– Bán, chuyển nhượng hợp đồng mua, bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở, trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó. …. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các hành vi, vi phạm quyền sở hữu hợp pháp của mình và các hành vi khác vi phạm pháp luật về nhà ở.”
“Trường hợp thuộc diện sở hữu nhà ở có thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này, thì trong thời hạn sở hữu nhà ở, chủ sở hữu được thực hiện các quyền quy định tịa khoản 1 Điều này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, khi hết thời hạn sở hữu nhà ở theo thỏa thuận, thì chủ sở hữu đang quản lý, sử dụng nhà ở phải bàn giao lại nhà ở này cho chủ sở hữu nhà ở lần đầu.”
2.3. Nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở. Theo quy định tại Điều 11 của Luật Nhà ở năm 2014 thì chủ sở hữu nhà ở là gia đình, cá nhân người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có 08 nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật Nhà ở năm 2014. Cụ thể về một số nghĩa vụ như sau:
“- Sử dụng nhà ở đúng mục đích quy định, lập và lưu trữ hồ sơ về nhà ở thuộc sở hữu của mình.
– Thực hiện việc phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm vệ sinh môi trường, trật tự an toàn, xã hội theo quy định của pháp luật.
…
– Có trách nhiệm để các bên có liên quan và người có thẩm quyền thực hiện việc kiểm tra, theo dõi, bảo trì hệ thống trong thiết bị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần diện tích thuộc sở hữu sử dụng chung.
– Thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước khi được công nhận quyền sở hữu nhà ở, khi thực hiện các giao dịch và trong quá trình sử dụng nhà ở theo quy định của pháp luật.”
Các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu hợp pháp về nhà ở mà chúng tôi trình bày ở trên được áp dụng đối với chủ sở hữu nhà ở hợp pháp ở đô thị và ở nông thôn.
Các tranh chấp về nhà ở xây dựng trên đất ở không hợp pháp. Tranh chấp về nhà, đất ở tuy có ít nhưng ở địa phương nào cũng có. Các tranh chấp về nhà ở xây dựng trên đất ở không hợp pháp mà Tòa án phải giải quyết là các trường hợp sau đây:
– Trường hợp chia tài sản chung vợ chồng trong vụ án ly hôn, mà tài sản là nhà ở xây dựng trên đất ở không hợp pháp. Vụ án ly hôn giữa ông H và bà T có bất động sản là nhà ở xây bằng gạch, có 05 gian xây dựng trên đất nông nghiệp (thuộc đất trồng cây lâu năm) ngoài ra còn có tài sản là động sản. Khi phân chia tài sản thì nguyên đơn, bị đơn đều có nguyện vọng được sử dụng căn nhà ở và trả lại phần tiền giá ½ căn nhà cho bên không được sử dụng căn nhà.
Theo các tài liệu trong vụ án, các đương sự đều xác nhận căn nhà tranh chấp xây dựng trên đất trồng cây cao su, không có giấy phép xây dựng nhà ở, không có quyết định thay đổi mục đích sử dụng đất (từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở).
Khi giải quyết vụ án, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng vụ án lại có ý kiến khác nhau về căn nhà là: Có ý kiến cho rằng căn nhà là tài sản hợp pháp của ông H và bà T, nhưng ý kiến khác lại cho rằng căn nhà ở của ông H và bà T là tài sản hợp pháp. Vì làm nhà trên đất không phải là đất ở hợp pháp của mình (quy định tại khoản 3 Điều 42 Luật Nhà ở năm 2014). Do là tài sản không hợp pháp của ông H và bà T nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với căn nhà ở không hợp pháp của ông H và bà T.
– Trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng sau ly hôn là căn nhà ở xây dựng bằng gạch có 02 tầng, diện tích mặt bằng xây dựng 50m2 trên đất lấn chiếm đất công giữa ông V và bà M ở huyện B, tỉnh P. Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì ông V và bà M đã ly hôn nhau năm 2014, cuối năm 2016 bà M khởi kiện yêu cầu chia tài sản là căn nhà gạch có 02 tầng xây dựng trên đất lấn chiếm đất công yêu cầu ông V phải thanh toán giá trị ½ căn nhà cho bà M. Khi giải quyết vụ án, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng vụ án cũng có ý kiến khác nhau: Có ý kiến cho rằng Tòa án giải quyết bình thường và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M. Nhưng ý kiến khác lại cho rằng: Tòa án không giải quyết mà chuyển vụ việc sang Ủy ban nhân dân huyện giải quyết trước đối với căn nhà của ông V và bà M làm trên đất lấn chiếm đất công (không phải là đất ở hợp pháp mà ông V và bà M làm trên đất lấn chiếm công (không phải đất ở hợp pháp mà ông V và M được quyền sử dụng). Tòa án căn cứ kết quả giải quyết của Ủy ban nhân dân huyện đối với căn nhà ở không hợp pháp của ông V và bà M để giải quyết yêu cầu khởi kiện của bà M. Ví dụ Ủy ban quyết định thu hồi diện tích đất lấn chiếm đất công mà trên đất bị thu hồi có nhà ở của ông V và bà M, đồng thời Ủy ban huyện cũng quyết định ông V và M phải tự tháo dỡ căn nhà xây dựng trái phép pháp luật đó, thì yêu cầu khởi kiện của bà M là có sự thay đổi căn bản là: Không có căn cứ chung của ông V và bà M như đơn khởi kiện của bà M đề nghị Tòa án giải quyết.
– Trường hợp giải quyết tranh chấp căn nhà của ông T xây dựng trên một phần đất đường đi chung của người dân trong ngõ (ngách) của một xóm tại xã H, huyện T, tỉnh N. Theo tài liệu trong hồ sơ vụ án thì nguyên đơn, bị đơn đều xác định ngõ đi chung của một số gia đình trong ngõ (ngách) đã có cách đấy khoản 30 năm (khoảng năm 1985, 1986 của thế kỷ trước), năm 2015 gia đình ông T xây nhà gạch lấn chiếm đường đi chung có kích thước 30 cm x 10 m làm đường đi của ngõ (ngách) bị thu hẹp một phần (đoạn lấn chiếm dài 10m). Cơ sở pháp lý của nguyên đơn trong vụ án là: Quyền của chủ sở hữu hợp pháp về nhà ở quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật Nhà ở năm 2014. Nội dung quy định như sau: “Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các hành vi vi phạm quyền sở hữu hợp pháp của mình và các hành vi khác vi phạm pháp luật về nhà ở” Và quy định tại khoản 3 Điều 42 của Luật Nhà ở năm 2014.
Điều 42 của Luật Nhà ở năm 2014 quy định về “Yêu cầu đối với phát triển nhà ở của hộ gia đình, cá nhân tại khu vực nông thôn”. Khoản 3 Điều luật này quy định: “Hộ gia đình, cá nhân chỉ được xây dựng nhà ở trên diện tích đất ở hợp pháp của mình”. (Quy định này đã sử đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 41 của Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005, sửa đổi, bổ sung ngày 19/6/2009).
– Trường hợp giải quyết tranh chấp mua bán nhà ở trong khu vực đất đã có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giữa nguyên đơn ông T với bị đơn là vợ chồng ông Q và bà N tại phường L, quận Đ, thành phố H. Theo hồ sơ vụ án thì khu vực đất dân cứ có nhà ở của vợ chồng ông Q và bà N, thì tháng 01/2015 Ủy ban nhân dân thành phố H có quyết định thu hồi đất để xây dựng khu Trung tâm Thương mại – dịch vụ của thành phố. Vợ chồng ông Q và bà N đã được thông báo về việc thu hồi đất. Tuy nhiên tháng 3/2015. Vợ chông ông Q, bà N đã làm hợp đồng bán căn nhà ở của vợ chồng ông Q bà N trong diện tích đất đã có quyết định thu hồi đất. Khi giao dịch bán nhà ở cho ông T, vợ chồng ông Q, bà N đã không cho ông T biết việc diện tích đất của căn nhà ở đó đã có quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân thành phố H. Cuối năm 2015 ông T làm thủ tục xây dựng tại căn nhà mới biết đất ở đã bị thu hồi từ trước khi mua nhà. Giữa ông T và vợ chồng ông Q, bà N không tự giải quyết được nên ông T khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.
Các tranh chấp về nhà ở xây dựng trến đất không phải đất ở hợp pháp của người xây dựng nhà ở mà chung tôi trình bày ở trên đang được sự quan tâm của dư luận xã hội và đặc biệt là người làm công tác quản lý đất đai ở cấp xã, phường cảm thấy mới lạ về quy định tại khoản 3 Điều 42 của Luật Nhà ở năm 2014.
Ý kiến đề nghị: Để nhận thức thống nhất pháp luật và thực hiện thống nhất pháp luật quy định tại khoản 3 Điều 42 của Luật Nhà ở năm 2014, đề nghị với cơ quan có thẩm quyền của nhà nước có văn bản hướng dẫn thực hiện quy định tại Điều 42, Điều 43 của Luật Nhà ở năm 2014. Cụ thể về các hướng dẫn sau dây:
a. Đất ở hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân là đất nào?
b. Đất ở hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị quy định tại Điều 43 Luật Nhà ở năm 2014 thì đất nào được xác định là đất tại khu vực đô thị. Ví dụ 1: Đất ở khu vực thị tứ của huyện có là đất khu vực đô thị hay không? Ví dụ 2: Đất ở khu vực thị trấn của tỉnh có là đất khu vực đô thị hay không? Ví dụ 3: Đất ở huyện liền kề với quận nội thành của thành phố trực thuộc trung ương có là đất khu vực đô thị hay không?
c. Về tham gia tố tụng của Ủy ban nhân dân cùng cấp với Tòa án đối với trường hợp tranh chấp nhà ở xây dựng trên đất trồng cây cao su (đất trồng cây lâu năm) mà đương sự là bị đơn của vụ án hoặc tranh chấp nhà ở xây dựng trên đất mà đương sự không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với diện tích đất có nhà ở đang tranh chấp thì việc tham gia tố tụng của Ủy ban nhân dân cùng cấp với Tòa án cấp sơ thẩm như thế nào? Vấn đề này đang có ý kiến khác nhau. Cụ thể là:
Ý kiến 1: Ủy ban nhân dân cùng cấp với Tòa án cấp sơ thẩm tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để xác định căn nhà ở đang tranh chấp có hợp pháp không?
Ý kiến 2: Ủy ban nhân dân cùng cấp với Tòa án cấp sơ thẩm không tham gia phiên tòa và Tòa án cần chuyển hồ sơ vụ án đến Ủy ban nhân dân cùng cấp để Ủy ban nhân dân cùng cấp giải quyết theo thủ tục hành chính trước đối với việc xây dựng nhà ở trên phần đất không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở để đương sự thực hiện khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân.
Sau khi quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân cùng cấp với Tòa án cấp sơ thẩm có hiệu lực thi hành, thì Tòa án cấp sơ thẩm mới tiếp tục giải quyết vụ án.
Ý kiến đề nghị của chúng tôi, rất mong nhận được sự quan tâm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận