Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

(TCTA) - Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vừa mới được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ và Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm 07 chương, 49 điều, được thiết kế chặt chẽ và khoa học, trong đó: Giữ nguyên 09 điều; Bỏ 03 điều liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện; Bổ sung 02 điều mới do tách quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân tỉnh với thành phố trực thuộc trung ương và của xã với phường để quy định cụ thể hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân tại các đơn vị hành chính theo từng lĩnh vực; Sửa đổi, bổ sung 35 điều để phù hợp với việc chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương thành 02 cấp.

Cụ thể, cấu trúc của Luật bao gồm:

- Chương I: Những quy định chung, gồm 07 điều (từ Điều 1 đến Điều 7).

- Chương II: Tổ chức đơn vị hành chính và thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính và đổi tên đơn vị hành chính gồm 03 điều (từ Điều 8 đến Điều 10).

- Chương III: Phân định thẩm quyền giữa chính quyền địa phương các cấp, gồm 04 điều (từ Điều 11 đến Điều 14).

- Chương IV: Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, gồm 11 điều (từ Điều 15 đến Điều 25).

- Chương V: Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, gồm 14 điều (từ Điều 26 đến Điều 39).

- Chương VI: Tổ chức chính quyền địa phương trong trường hợp thay đổi địa giới đơn vị hành chính và các trường hợp đặc biệt khác, gồm 07 điều (từ Điều 40 đến Điều 46).

- Chương VII: Điều khoản thi hành, gồm 03 điều (từ Điều 47 đến Điều 49).

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Theo Điều 17 Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét ban hành nghị quyết để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm a, b, c khoản 1, các điểm a, b, c, d khoản 2, các khoản 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 15 của Luật này (quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân tỉnh) và tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp;

b) Tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật ở địa phương bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia; bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và các nguồn lực khác để thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương;

c) Thực hiện quản lý hành chính nhà nước tại địa phương bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, liên tục, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, quản trị hiện đại, trong sạch, công khai, minh bạch, phục vụ Nhân dân;

d) Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh, các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực của địa phương, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; chủ trì việc phối hợp với các cơ quan nhà nước ở trung ương và các địa phương khác để thúc đẩy liên kết vùng, liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo thẩm quyền, thực hiện quy hoạch vùng, bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế;

đ) Quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; huy động, quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư khác;

e) Quy định tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan chuyên môn cơ quan hành chính khác; quyết định thành lập, tổ chức lại, thay đổi tên gọi, giải thể và quy định tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình theo quy định của pháp luật;

g) Quản lý biên chế công chức trong các cơ quan hành chính của chính quyền địa phương các cấp, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật và cấp có thẩm quyền;

h) Quyết định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân từng đơn vị hành chính cấp cơ sở bảo đảm tổng số Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp cơ sở trên địa bàn không vượt quá tổng số tính theo khung số lượng do Chính phủ quy định;

i) Thực hiện nhiệm vụ về đối ngoại, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, dân tộc, tôn giáo ở địa phương theo quy định của pháp luật; xây dựng kế hoạch quốc phòng, an ninh, công tác quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và các chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương theo quy định của pháp luật;

k) Ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân cấp mình;

l) Thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn việc thi hành Hiến pháp, pháp luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên trên địa bàn;

m) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

n) Căn cứ tình hình thực tiễn, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ quản lý nhà nước cho chính quyền địa phương cấp cơ sở nhằm nâng cao năng lực quản trị của cấp cơ sở, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

2. Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét ban hành nghị quyết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 16 của Luật này (quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương) và tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp;

b) Quyết định quy hoạch đô thị, phát triển không gian, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo định hướng phát triển bền vững, phù hợp với vị trí và vai trò của thành phố trong hệ thống đô thị quốc gia theo thẩm quyền;

c) Quyết định chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố cho các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân cấp cơ sở;

d) Quyết định các chương trình, dự án về đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong quản lý đô thị, phát triển kinh tế đô thị theo quy định của pháp luật;

đ) Quyết định chương trình, dự án phát triển kinh tế đô thị, thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và các ngành kinh tế mũi nhọn phù hợp với đặc thù đô thị theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Theo Điều 18 Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Lãnh đạo và điều hành công việc của Ủy ban nhân dân; triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Ủy ban nhân dân;

b) Lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp mình; kiểm tra và xử lý các vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Hiến pháp và pháp luật ở địa phương;

c) Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính; về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; về thực hiện cải cách hành chính và cải cách công vụ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước ở địa phương;

d) Lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới;

đ) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc hợp tác, liên kết vùng, tham gia các chương trình hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và văn hóa theo quy định của pháp luật;

e) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực ở địa phương; tổ chức thực hiện quản lý nhà nước tại địa phương trong các lĩnh vực tài chính, đầu tư, đất đai, tài nguyên, môi trường, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, giáo dục, y tế, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, nội vụ, lao động, văn hóa, thông tin, du lịch, thể dục thể thao, xã hội, dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hoạt động đối ngoại; bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, bảo đảm quyền con người; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác tại địa phương thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương cấp mình theo quy định của pháp luật;

g) Chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp liên quan đến thiên tai, bão lụt, dịch bệnh tại địa phương; quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lợi ích quốc gia, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn, sau đó báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất;

h) Chỉ đạo và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự toán ngân sách của địa phương; quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, giao thông, tài sản trên địa bàn, tài chính và nguồn ngân sách thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật;

i) Chỉ đạo và chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý các thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao quan trọng của địa phương; bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội; quản lý các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, bệnh viện, trung tâm y tế, phúc lợi xã hội thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật;

k) Chỉ đạo và chịu trách nhiệm việc xây dựng, quản lý, khai thác hạ tầng công nghệ, thông tin của địa phương; tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án về phát triển công nghệ, thông tin, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của địa phương theo quy định của pháp luật;

l) Chỉ đạo và chịu trách nhiệm việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số ở địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của chính quyền địa phương cấp mình và cung ứng dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp ở địa phương theo quy định của pháp luật;

m) Chỉ đạo và chịu trách nhiệm việc quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, tài nguyên; quyết định các biện pháp bảo vệ môi trường tại địa phương; việc xây dựng và triển khai các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp quy mô lớn của địa phương theo quy định của pháp luật; việc xây dựng và quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch trọng điểm; việc thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; việc xây dựng và quản lý các công trình giao thông, hạ tầng đô thị quan trọng của địa phương theo quy định của pháp luật;

n) Chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp của cơ quan nhà nước cấp trên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình;

o) Chỉ đạo và chịu trách nhiệm việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về hành chính tư pháp, hộ tịch của địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn công tác hành chính tư pháp, hộ tịch của chính quyền cấp cơ sở theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cấp mình, cấp cơ sở và việc ung ứng các dịch vụ công phức tạp, vượt quá khả năng, nguồn lực của chính quyền địa phương cấp cơ sở hoặc có phạm vi từ 02 đơn vị hành chính cấp cơ sở trở lên;

p) Chỉ đạo việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và trong các hoạt động kinh tế - xã hội ở địa phương; việc thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác tại địa phương theo quy định của pháp luật;

q) Chỉ đạo việc thực hiện các chính sách về dân tộc, tôn giáo ở địa phương; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo ở địa phương theo quy định của pháp luật.

r) Phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp cơ sở; giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp cơ sở; quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp mình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp cơ sở, người đứng đầu cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình;

s) Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể, đặt tên, đổi tên tổ chức cộng đồng dân cư trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

t) Ban hành, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật;

u) Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình và văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp cơ sở;

v) Đình chỉ việc thi hành văn bản trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp cơ sở, báo cáo Ủy ban nhân dân để đề nghị Hội đồng nhân dân cùng cấp bãi bỏ;

x) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, hạ tầng đô thị trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

b) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc sử dụng quỹ đất đô thị phục vụ cho việc xây dựng công trình hạ tầng đô thị theo quy định của pháp luật;

c) Chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc xây dựng nhà ở, công trình xây dựng tại đô thị;

d) Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện chính sách dân cư, quản lý nhập cư, phát triển nhà ở và các thiết chế an sinh xã hội đô thị phù hợp với đặc điểm dân số, lao động của thành phố; xây dựng và triển khai các chính sách, chương trình đảm bảo an ninh, trật tự, phòng, chống các tệ nạn xã hội ở đô thị;

đ) Chỉ đạo việc phát triển và quản lý hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng số, tiện ích đô thị theo hướng hiện đại, thông minh và bền vững theo quy định của pháp luật;

e) Thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ không gian, kiến trúc và cảnh quan đô thị; tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự công cộng, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông;

g) Chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức việc cung ứng các dịch vụ công cộng thiết yếu phục vụ người dân về điện chiếu sáng, cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ trên địa bàn các phường.

QUANG PHÚC

Trụ sở HĐND-UBND-UBMTTQVN tỉnh và một số sở, ban, ngành của tỉnh Sơn La. Ảnh Quang Phúc.