Nhớ những ngày  làm Tổng biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân

Cuối tháng 6/2003, Chánh án TANDTC bổ nhiệm tôi làm Tổng biên tập Tạp chí TAND và tôi đã giữ cương vị này đến tháng 10/2007.

Từ trước khi làm Tổng biên tập, cầm tờ Tạp chí ra hàng tháng với 32 trang, tôi cảm thấy nó mỏng mảnh quá. Do đó, ngay khi đảm nhận công việc, việc đầu tiên tôi làm là đề nghị Tạp chí được tăng trang, tăng kỳ. Lúc đó Tạp chí có 6 người (trong đó 3 người ở bộ phận trị sự) và tôi vẫn kiêm Phó Viện trưởng Viện Khoa học xét xử TANDTC, (tức là chỉ có 6 người rưỡi), với lực lượng “mỏng” như vậy mà “đòi “ tăng trang, tăng kỳ, Chánh án Nguyễn Văn Hiện và Phó Chánh án phụ trách  Đặng Quang Phương đều hỏi: “Có làm được không?”. Tôi quả quyết “làm được”. Và năm 2004, Tạp chí đã ra hai kỳ một tháng, một kỳ 48 trang, còn một kỳ vẫn phải giữ 32 trang và là số chuyên đề.

Tạp chí đã lần lượt ra được các số chuyên đề: “Bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở Việt Nam”, “Thừa kế”, “Hôn nhân và gia đình”, “Tố tụng hình sự”, “Bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe”, “Hợp đồng dân sự”, “Giải quyết tranh chấp lao động”. Như vậy là chỉ ra được 6 số chuyên đề/12 số . Ra số chuyên đề quả là phức tạp, xác định được chuyên đề đã khó khăn nhưng tổ chức thực hiện chuyên đề lại càng nan giải. Vì vậy, Tạp chí đã đề nghị từ năm 2005 được ra một tháng hai kỳ “bình thường” với 48 trang/một kỳ.

Việc thứ hai tôi thực hiện là từ số 8-2003 bỏ dòng chữ quan chỉ đạo việc vận dụng đường lối xét xử và nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao, thay vào đó là Cơ quan của Tòa án nhân dân tối cao ở dưới tên của Tạp chí. Vì lẽ, việc chỉ đạo về áp dụng đường lối xét xử… là nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC chứ không phải của Tạp chí.

Một vấn đề khác là từ 2005 Tạp chí đã xuất bản thường kỳ một tháng hai kỳ với 48 trang một kỳ, nên có một số ý kiến góp ý với tôi là nên đăng ký mã số ISSN  và thành lập Hội đồng biên tập của Tạp chí.

Ngày 11/3/2005, Việt Nam chính thức được UNESCO chấp nhận là thành viên của mạng lưới ISSN quốc tế. Tôi thấy mã số ISSN là vấn đề mới, trước đó chỉ một số ít tạp chí khoa học đăng ký mã số này, nó chỉ cần thiết với một tạp chí khoa học. Tạp chí Tòa án là một tạp chí có tính chất nghiệp vụ của Tòa án, không phải và cũng không có mục tiêu trở thành một tạp chí khoa học về pháp lý  nên có cần một mã số ấy không? Nếu chuyển hướng thành một tạp chí khoa học thì nội dung tạp chí sẽ phải khác và sẽ khó mà phục vụ được đối tượng độc giả chủ yếu là cán bộ trong các Tòa án.

Về việc thành lập Hội đồng biên tập thì hội đồng này sẽ làm gì? Nếu hội đồng chỉ làm nhiệm vụ tư vấn về định hướng nội dung của Tạp chí thì không cần thiết, vì hàng năm Hội đồng Thẩm phán TANDTC đều thông qua nhiệm vụ, phương hướng công tác của toàn ngành, thì đây là căn cứ để Tạp chí định hướng nội dung của mình. Chính vì suy nghĩ đó mà tôi không đăng ký mã số ISSN  và không đề nghị thành lập Hội đồng biên tập của Tạp chí .

Trong thời gian này, TATC Cămpuchia và TANDTC Lào có đề nghị được tham khảo Tạp chí TAND của ta, tôi đã đồng ý và hàng năm gửi Tạp chí cho bạn. Một lãnh đạo của TANDTC Lào có nói với tôi trong một lần gặp là sẽ học kinh nghiệm của Việt Nam để xây dựng Tạp chí của TANDTC Lào. Không biết là TANDTC Lào đã có cơ quan Tạp chí của mình chưa ?!.

Với mục tiêu phấn đấu Tạp chí TAND trở thành người bạn tin cậy của các cán bộ Tòa án, Kiểm sát, Công an, Luật sư… Tạp chí đã cố gắng đi sát thực tiễn công tác xét xử, tập trung đăng các bài viết phân tích, bình luận về các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến công tác xét xử; các bài viết chia sẻ về kinh nghiệm giải quyết các loại vụ án.

Mục “Trao đổi ý kiến” của Tạp chí tổ chức thảo luận, tranh luận về các vụ việc cụ thể đã thu hút rất nhiều bạn đọc gửi bài tham gia, kết thúc tranh luận, Tạp chí đều có kết luận quan điểm nào đúng, dưới mỗi kết luận đều chú thích rõ “đây là quan điểm của Ban biên tập Tạp chí chứ không phải là ý kiến chính thức của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, nên chỉ có ý nghĩa tham khảo”. Mặc dù nói rõ là “chỉ có ý nghĩa tham khảo”, nhưng có lẽ Tòa án địa phương cũng tin tưởng vào kết luận của Tạp chí, trong một lần dự Hội nghị tổng kết công tác ngành, có Chánh án tỉnh đã phát biểu ở Tòa án của ông đã tự tin khi tham khảo một kết luận của Tạp chí để giải quyết một vụ án tương tự.

Cùng với mục “Trao đổi ý kiến”, Tạp chí cũng mở lại mục “Trả lời bạn đọc”, trả lời những câu hỏi cụ thể về áp dụng pháp luật, rất nhiều bạn đọc đã gửi thư về mục này. Rất mừng là những kết luận cũng như những bài trả lời bạn đọc của Tạp chí không có sai sót về chuyên môn, nghiệp vụ. Tạp chí đã nhận được nhiều thư ủng hộ, dành lời khen ngợi cho hai mục này . Đây quả là phần thưởng quý giá cho tất cả anh chị em công tác ở Tạp chí.

Cũng cần nói thêm là từ những số cuối năm 2003, Tạp chí TAND đã bắt đầu chọn lọc đăng những Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, việc làm này lúc đó là rất mới, công khai bản án của cơ quan xét xử cao nhất, một việc chưa từng có tiền lệ. Quả thật là vừa in vừa “sợ”, nhưng được bạn đọc rất hoan nghênh. Sau này đã có cuộc họp của lãnh đạo TANDTC cho chủ trương về công khai hóa các Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và Tạp chí TAND đã được phép in các tập Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC với sự hỗ trợ của Dự án STAR.

Có thể nói trong thời gian này,  Tạp chí TAND đã cố gắng bám sát thực tiễn công tác xét xử, nhưng rõ ràng là vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, cụ thể là chưa có được mục Bình luận án đi sâu phân tích những vụ án xét xử oan sai, chưa nhiều bài viết bình luận chuyên sâu về những quy định mới của pháp luật liên quan trực tiếp đến công tác xét xử, cũng chưa có được những mục có tính chất hướng dẫn nghiệp vụ cho những cán bộ mới vào ngành…  Mặc dù thế, tôi cho rằng để đạt được kết quả trong những năm này, anh chị em Tạp chí TAND đã cố gắng làm việc hết mình trong tinh thần đoàn kết coi nhau như người thân trong một nhà. Nhân đây tôi cũng xin cảm ơn tất cả anh chị em công tác từ tháng 6/2003 đến tháng 10/2007 tại Tạp chí TAND đã hết lòng giúp đỡ tôi hoàn thành trách nhiệm của một Tổng biên tập.

 

Tạp chí Tòa án nhân dân là ấn phẩm thân thiết của các Thẩm phán... Ảnh: Thái Vũ

           

  NGÔ CƯỜNG