Những vướng mắc trong việc áp dụng chế định án treo
Bài viết nêu ý kiến về những vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng chế định án treo trên thực tiễn và sự cần thiết phải có văn bản hướng dẫn thi hành của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
1.Nguyên tắc áp dụng án treo
Án treo là một chế định xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử pháp luật hình sự Việt Nam. Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về án treo tại Điều 65. Để hướng dẫn thực hiện quy định về án treo, ngày 15/5/ 2018, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP.
BLHS năm 2015 không đưa ra khái niệm về án treo nhưng Nghị quyết số 02/2018 đã đưa ra khái niệm: Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.
Điều 65 BLHS năm 2015 cũng đã quy định: Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Như vậy án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Trong những năm qua, việc áp dụng chế định án treo trong công tác xét xử của các TAND trong toàn quốc, cơ bản là áp dụng đúng các quy định của pháp luật và vận dụng đúng các điều kiện để cho hưởng án treo, tác dụng của việc áp dụng chế định án treo, cũng có nhiều tác dụng trong việc giáo dục người phạm tội hướng thiện, tỷ lệ tái phạm đối với người được hưởng án treo thấp hơn nhiều so với người bị phạt tù tái phạm.
2.Vướng mắc trong việc áp dụng
Bên cạnh những mặt tích cực khi áp dụng án treo, trên thực tiễn việc áp dụng quy định về án treo vẫn còn những nội dung bất cập.
2.1.Quy định còn cứng nhắc
Tại khoản 5 Điều 3 Nghị quyết số 02 quy định: Không cho hưởng án treo đối với trường hợp: “Người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi”. Trong trường hợp người phạm tội nhiều lần nhưng thuộc các trường hợp ít nghiêm trọng, có nhân thân tốt có nơi cư trú rõ ràng, có khung hình phạt dưới 3 năm tù, nên đủ điều kiện cho hưởng án treo nhưng đối chiếu với quy định tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP thì không được hưởng án treo.Quy định tuy chặt chẽ nhưng vẫn còn một số bất cập, gây bất lợi cho người phạm tội và mâu thuẫn với quy định tại Điều 65 BLHS.
Ví dụ: Ngày 10/9/2019, Nguyễn Văn A ( sinh năm 1989) trộm cắp 01 điện thoại di động giá trị theo định giá là 2.000.000 đồng; ngày 18/9/2019, Nguyễn Văn A trộm cắp số tiền 2.000.000 đồng. Nguyễn Văn A bị khởi tố, truy tố về tội trộm cắp tài sản với tình tiết tăng nặng là “phạm tội từ 02 lần trở lên”.
Tuy nhiên Nguyễn Văn A cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ ở khoản 1 Điều 51 BLHS và có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, là lao động chính trong gia đình, có con nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo đang cần điều trị nhưng xét theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 02/2018 thì bị cáo A không được hưởng án treo.
Như vậy nếu áp dụng quy định này để xét xử không cho Nguyễn Văn A được hưởng án treo sẽ gây bất lợi cho người phạm tội, không thể hiện tính nhân đạo của pháp luật vì A phạm tội nhiều lần nhưng cùng một tội và giá trị tài sản không lớn, vẫn thuộc khoản 1 Điều 173 BLHS, có khung hình phạt từ 06 tháng đến 03 năm.
Trên thực tế, khi gặp các trường hợp này, Hội đồng xét xử thường “lách luật” bằng cách chuyển sang xử phạt cải tạo không giam giữ. Tuy nhiên quan điểm của người viết cần phải có hướng dẫn rõ ràng để áp dụng trên thực tiễn, tránh trường hợp “lách luật” như đã nói trên làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của pháp luật.
2.2. Không quy định cách xử lý thời gian bị tạm giam khi tính thời gian thử thách án treo cho bị cáo
BLHS năm 2015 và Nghị quyết số 02/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC đều không có bất cứ quy định để xử lý thời gian tạm giam trong trường hợp bị cáo đã bị tạm giam, sau đó được tại ngoại và tại phiên tòa Hội đồng xét xử áp dụng Điều 65 để cho hưởng án treo. Theo quy định của pháp luật hình sự hiện nay thì “thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm, thời điểm để tính thời gian thử thách được bắt đầu từ ngày tuyên án sơ thẩm”. Do không có quy định nên hiện nay tồn tại hai cách hiểu khác nhau về việc xử lý thời gian tạm giữ, tạm giam khi tính thời gian thử thách.
Cách 1: Ví dụ bị cáo Trần Văn B, Lưu Đình Th và Nguyễn Thế H bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội Tổ chức đánh bạc. B và Th bắt tạm giam kể từ ngày 01/3/2019. H được tại ngoại. Ngày 01/8/2019, Trần Văn B, Lưu Đình Th được cho bão lĩnh. Như vậy Trần Văn B, Lưu Đình Th đã bị tam giam 05 tháng. Ngày 20/10/2019, Tòa án huyện X mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Trần Văn B 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm; tuyên phạt Lưu Đình Th 18 tháng cải tạo không giam giữ, trừ cho thời gian tạm giữ, tạm giam là 05 tháng và tuyên phạt Nguyễn Thế H 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Như vậy thời gian B bị tạm giam 5 tháng không được trừ vào thời gian thử thách. Điều này gây bất lợi cho B trong khi Th bị xử phạt cải tạo không giam giữ thì thời hạn cải tạo không giam giữ lại được trừ cho thời gian tạm giữ, tạm giam, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ (Điều 36 BLHS 2015) và H cũng cho hưởng án treo nhưng thời gian thử thách của H và B bằng nhau trong khi B đã bị tạm giam 05 tháng.
Việc tính thời gian thử thách theo cách 1 hiện nay được hầu hết các Tòa án áp dụng. Tuy nhiên, từ thực tiễn nêu trên, chúng ta nhận thấy rõ ràng có sự không công bằng đối với những bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam và khi xét xử cho hưởng án treo khi so sánh với hình phạt cải tạo không giam giữ và khi so sánh giữ hai bị cáo cùng cho hưởng án treo nhưng một bị cáo bị tạm giữ, tạm giam và một bị cáo không bị tạm giữ, tạm giam. Điều này đi ngược lại những quy định của các Văn bản hướng dẫn thi hành các BLHS trước đây, cụ thể:
Tại tiểu mục 6.4, mục 6 Nghị quyết số 01/2007/HĐTP ngày 02/10 /2007 có quy định cụ thể:
6.4. Khi cho người bị xử phạt tù hưởng án treo, trong mọi trường hợp Toà án phải ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm và phân biệt như sau:
a) Trường hợp người bị xử phạt tù không bị tạm giam thì thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới một năm và không được quá năm năm.
b) Trường hợp người bị xử phạt tù đã bị tạm giam thì lấy mức hình phạt tù trừ đi thời gian đã bị tạm giam để xác định mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành. Thời gian thử thách trong trường hợp này bằng hai lầnmức hình phạt tù còn lại phải chấp hành, nhưng không được dưới một năm và không được quá năm năm.
Ví dụ: Toà án xử phạt A ba năm tù cho hưởng án treo. Do A đã bị tạm giam một năm, như vậy mức hình phạt tù còn lại A phải chấp hành là hai năm (3 năm – 1 năm = 2 năm). Tòa án ấn định thời gian thử thách đối với A là bốn năm (2 năm x 2 = 4 năm).
Cách 2: Có quan điểm cho rằng án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện nên trước hết khi áp dụng hình phạt tù phải trên nguyên tắc trừ đi thời gian tạm giữ, tạm giam cho bị cáo, sau đó ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt còn phải thi hành. Như vậy cũng với ví dụ nêu trên thì thời gian thử thách của bị cáo Trần Văn B là 18 tháng tù – 5 tháng tạm giam = 13 tháng. Tòa án ấn định thời gian thử thách là 13 x 2 = 26 tháng. Cách tính này tương tự như quy định tại tiểu mục 6.4, mục 6 Nghị quyết số 01/2007/HĐTP ngày 02/ 10/ 2007.
Tuy nhiên người viết không đồng ý với cách tính thời gian thử thách này vì mặc dù quy định tiểu mục 6.4, mục 6 Nghị quyết số 01/2007/HĐTP ngày 02 /10 /2007 là hợp tình, hợp lý, tuy nhiên Nghị quyết này hướng dẫn Điều 60 BLHS năm 1999 đã không còn hiệu lực thi hành. Do đó không thể áp dụng cách tính của Nghị quyết số 01/2007 để ấn định thời gian thử thách cho bị cáo. Hơn nữa Điều 4 Nghị quyết số 02/2018 cũng đã quy định: “ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm” do đó khi xử phạt bị cáo 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo thì thời gian thử thách đối với Trần Văn B ở ví dụ trên được ấn định bằng hai lần mức hình phạt tù tức là 36 tháng, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (luật không quy định thời bằng hai lần mức hình phạt tù còn phải thi hành).
3.Kiến nghị
3.1. Cần sửa đổi hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2018 hoặc ban hành Nghị quyết mới bổ sung quy định cách xử lý thời gian tạm giữ, tạm giam khi tính thời gian thử thách cho bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam mà khi xét xử được hưởng án treo để tránh bất lợi, đảm bảo tính công bằng khi áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo và hình phạt cải tạo không giam giữ. Theo quan điểm của người viết, có thể quy định theo hai hướng:
3.2.Lấy mức hình phạt tù trừ đi thời gian đã bị tạm giam để xác định mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành. Thời gian thử thách trong trường hợp này bằng hai lần mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành, nhưng không được dưới một năm và không được quá năm năm.
3.3. Hoặc trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam vào thời gian thử thách, cứ một ngày tạm giam bằng 03 ngày thử thách.
Để pháp luật được thực hiện thống nhất đúng quy định, thực hiện có lợi cho người phạm tội, đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC xem xét, hướng dẫn cụ thể về quy định không cho hưởng án treo trong trường hợp phạm tội nhiều lần cho phù hợp với quy định tại Điều 65 BLHS và theo hướng có quy định cho hưởng án treo trong trường hợp phạm tội nhiều lần đối với người phạm tội là người dưới 18 tuổi hoặc phạm tội nhiều lần về cùng một tội và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”.
Một phiên tòa hình sự tại TAND huyện Duy Xuyên, Quảng Nam – Ảnh: Võ Thị Tám
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
1 Bình luận
Luật sư Nguyễn Thành Quý
21:24 23/12.2024Trả lời