Nội dung cơ bản của Luật Đường bộ số 35/2024/QH15
Bổ sung quy định trạm nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc cho xe điện

Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025, gồm 6 Chương, 86 Điều, tập trung giải quyết các yêu cầu của thực tiễn với tầm nhìn chiến lược theo hướng thông minh, ứng dụng công nghệ, tăng cường phần cấp phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, …

Ngày 23/7, tại Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các Luật đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, trong đó có Luật Đường bộ số 35/2024/QH15.

Thông tin về Luật Đường bộ 35/2024/QH15, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, Luật Đường bộ tập trung vào 3 đột phá chiến lược là thể chế chính sách, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực; được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn; tạo cơ chế đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng chính sách huy động, sử dụng các nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông.

So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật mới đã thay đổi quy định về Kết cấu hạ tầng đường bộ, các điểm mới như:

Bổ sung quy định phân loại đường bộ theo cấp quản lý và phân loại đường bộ theo chức năng phục vụ.

Bổ sung quy định về yêu cầu, vị trí xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo; yêu cầu, trách nhiệm của các chủ thể khi xây dựng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

Bổ sung quy định về công trình an toàn giao thông; phân định rõ tốc độ thiết kế của đường, tốc độ khai thác trên đường bộ; trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình đường bộ; các trường hợp kết nối giao thông; quy định về trách nhiệm quản lý, vận hành khai thác, sử dụng và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ.

Bổ sung quy định trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện; quy định về giao thông thông minh; quy định thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác; quy định về thanh toán điện tử giao thông.

Trong Luật này có riêng 01 Chương mới, quy định về Đường bộ cao tốc gồm 12 Điều. Đây là Chương đặc biệt quan trọng quy định cơ chế chính sách đột phá chiến lược về đường cao tốc, tháo gỡ các vướng mắc trong việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách để nâng cấp các tuyến cao tốc, tạo hành lang pháp lý để đạt được mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường cao tốc.

Bổ sung quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn và ứng dụng khoa học công nghệ trong thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác đường cao tốc.

Bổ sung quy định về tạm dừng khai thác đường cao tốc; trạm dừng nghỉ, điểm dừng, đỗ xe trên đường cao tốc, Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến; thông tin trên đường cao tốc.

Quy định về vận tải đường bộ gồm 25 Điều, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật có các điểm mới như: Bổ sung các quy định về hoạt động vận tải đường bộ, làm rõ hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ để có những điều tiết phủ hợp giữa 2 loại hình này.

Bổ sung quy định về hoạt động vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương, đưa đón học sinh bằng xe ô tô; dịch vụ cho thuê phương tiện; dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ; ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô.

Để đảm bảo các quy định của Luật được triển khai có hiệu quả, Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với các cơ quan liên quan chủ trì soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Đường bộ. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Đường bộ, sớm đưa Luật vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế…

TRIỆU HỒ

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy thông tin về Luật Đường bộ tại buổi họp báo