Nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên – Kết thúc nhiệm kỳ một cách tốt đẹp
Ngày 30/3, tại kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV, UBTVQH đã trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thay mặt UBTVQH trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Bà Tòng Thị Phóng đánh giá bà Nguyễn Thị Kim Ngân trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Sau khi nghe tờ trình của UBTVQH, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Quốc hội tiến hành quy trình miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Sau đó, Quốc hội nghe UBTVQH trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Tân Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ nhậm chức vào sáng 31/3.
Trong các ngày làm việc tiếp theo, Quốc hội tiến hành quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, miễn nhiệm và bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân là nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước ta, sinh ngày 12/4/1954 tại xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Cử nhân chuyên ngành tài chính- ngân sách nhà nước; học vị Thạc sĩ kinh tế.
Chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX, X, XI, XII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XI.
Đại biểu Quốc hội khoá: XII, XIII, XIV.
Quá trình công tác, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã trải qua nhiều cương vị: Giám đốc Sở Tài chính- Vật giá tỉnh Bến Tre; Thứ trưởng Bộ Tài chính; Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XII.
Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, bà Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu làm Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Bà trở thành nữ chính khách Việt Nam đầu tiên giữ các cương vị này, đồng thời cũng là người đầu tiên thực hiện quy định tuyên thệ khi nhậm chức.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhận được nhiều lời khen ngợi trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, với sự điều hành duyên dáng và khéo léo của phụ nữ, nhưng cũng không kém phần kiên quyết.
Bà là người đứng đầu về số phiếu tín nhiệm cao trong cả ba lần Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm (năm 2018, 2014 và 2013). Năm 2018, với cương vị Chủ tịch Quốc hội, bà có 437 phiếu đánh giá tín nhiệm cao, chỉ có 4 phiếu tín nhiệm thấp. Trước đó, ở cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội, năm 2013 và 2014 bà được 372 và 390 phiếu tín nhiệm cao, chí có 14 và 9 phiếu tín nhiệm thấp. Như vậy tín nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân ngày càng cao.
Đánh giá về nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: "Nhìn lại chặng đường 5 năm qua có thể nhận thấy Quốc hội khóa XIV đã đạt được những thành tựu khá toàn diện từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng đến ngoại giao nghị viện, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong gần 35 năm đổi mới".
Trong đó, công tác lập pháp của Quốc hội đã chú trọng thể chế hóa đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, tạo ra những điểm đột phá cho quá trình phát triển.
Hoạt động giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tiếp tục có nhiều đổi mới, đi sâu vào nhiều vấn đề lớn, gai góc, bất cập, bao trùm các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong các hoạt động quản lý của Nhà nước.
Hoạt động ngoại giao nghị viện tiếp tục được đẩy mạnh, thể hiện rõ vai trò là thành viên chủ động, tích cực, là đối tác tin cậy và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trong khu vực và trên thế giới.
Đặc biệt, với việc đổi mới phương thức hoạt động, Quốc hội đã có bước chuyển mạnh mẽ từ Quốc hội “tham luận” sang Quốc hội “tranh luận”; cùng với việc tăng cường ứng dụng công nghệ - thông tin đã góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội.
"Với những thành tựu đó, cảm xúc chung của các đại biểu Quốc hội là tự hào với những đóng góp của mình vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của Quốc hội, của đất nước, hoàn thành tốt vai trò là người đại biểu của Nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Đồng thời, cũng rút ra những bài học kinh nghiệm để Quốc hội các khóa tiếp theo tiếp tục nghiên cứu, kế thừa, phát huy, thực hiện tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận