Một Chánh án tự tử để bảo toàn danh dự - Kỳ 4: Oan kia đã giải…

Những bài báo về  Chánh án Tòa án huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận tự tử, sau khi Thư ký Tòa án bị khởi tố vì một quyết định hòa giải 5 năm trước, thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử. Vì thế, tôi được cử đến Ninh Thuận, gặp những người trong cuộc để hiểu thêm về những gì đã diễn ra…

Chỉ mong mọi thứ kết thúc để còn chăm sóc bà, mẹ già và con thơ

-Nhiều lúc nghĩ quẫn, em chỉ muốn đi theo anh Nhuận để thoát khỏi sự u uất, lo lắng sợ sệt, cũng như dùng tính mạng để chứng minh sự trong sạch của mình. Thế nhưng, sinh mạng của em còn có thêm ba sinh mạng khác lệ thuộc, em không thể!

Chúng tôi đến Ninh Phước, thăm Thư ký Quảng Thị Thái Bình vào buổi chiều ngày 3/1/2022. Đó là câu đầu tiên, chị Thái Bình mở lòng với tôi khi biết đích xác tôi là phóng viên của Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử. Chị khóc. Một sự đau đớn, tức tưởi khi nghĩ đến phía sau còn quá nhiều nỗi lo nhưng trước mắt chị lại là giấy triệu tập bị can trong một vụ án mà chị vừa bị khởi tố trước đó không lâu.

Nỗi lo ấy là người bà 93 tuổi đang bệnh nặng nằm chờ ngày về với tổ tiên. Nỗi lo ấy là người mẹ đã gần 70 tuổi với căn bệnh tim phải dùng thuốc hàng ngày và con gái nhỏ mới 3 tuổi, mà Thái Bình là trụ cột, là lao động duy nhất trong nhà. Người Chăm theo mẫu hệ nên trách nhiệm với gia đình của chị Bình khá nặng nề.

“Nếu em có chuyện gì, không biết mẹ em có giữ được bình tĩnh mà gắng gượng được hay không nữa!” - Nói đến đây, tôi thấy những giọt nước mắt lại trực chờ trên đôi mắt buồn thảm của chị.

Chị khẽ khàng nói về đứa con thơ của mình, một đứa bé thiếu tình thương của cha, giờ đây nguy cơ thiếu luôn tình yêu của mẹ. Chị không biết rồi đây con chị sẽ như thế nào, sẽ sống ra sao nếu chị bị bắt… Chị cho tôi xem giấy triệu tập bị can của Cơ quan Điều tra VKSNDTC yêu cầu bị can Quảng Thị Thái Bình phải có mặt lúc 8 giờ ngày 4/1/2022 tại Cơ quan điều tra, ở Tp Hồ Chí Minh. Nếu cánh cửa đó đóng sầm lại, “em bị bắt thì cuộc đời của em coi như kết thúc. Và chắc là những người ở lại cũng…” - Quảng Thị Thái Bình nghẹn ngào.

Tôi an ủi và động viên chị vững tin, vì Chánh án TANDTC đã có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với Quyết định tái thẩm số 63/2021/DS-TT ngày 16/3/2021 của TANDCC tại Tp Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp Hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là bà Viên Thị Thanh Loan với bị đơn là bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, ông Nguyễn Quốc Hoàng; Đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm, hủy Quyết định tái thẩm nêu trên; giữ nguyên Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 14/2017/QĐST-DS ngày 27/6/2017 của TAND huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Như vậy, vụ án của chị đã rẽ sang hướng khác, bình yên sẽ đến với chị và gia đình trong ngày gần đây.

Nghe tôi nhắc đến kháng nghị của Chánh án TANDTC, chị như bừng tỉnh, chị cố tìm ngôn từ để diễn đạt cảm giác xúc động, bâng khuâng, tủi thân và hạnh phúc khi thấy Tạp chí Tòa án nhân điện tử công bố văn bản này. Nó như cái phao để chị nắm lấy, bình tĩnh đối diện với vụ án đang treo lơ lửng trước mặt.

 

Gia đình chị Bình có bốn người, trong đó có bà hơn 93 tuổi đang bệnh nặng và người mẹ đã gần 70 tuổi với căn bệnh tim phải dùng thuốc hàng ngày

Sau một lát, bình tĩnh trở lại, chị kể cho chúng tôi những gì chị đã trải qua. Khi nói về luật, chị rất tự tin. Chị biết hành vi vi phạm tố tụng của chị ở mức độ nào. Trước khi bị khởi tố, chị vẫn vững tin rằng những hành vi đó chỉ dừng lại ở mức cơ quan xử lý bằng những hình thức hành chính. Thế nhưng, những vi phạm nhỏ không làm thay đổi bản chất vụ án ấy từ năm 2017 lại khiến Chánh án Hán Văn Nhuận ra đi và chị phải trả giá bằng một quyết định khởi tố bị can cho đến hiện tại. Chị nói rằng “em không cam tâm”, “em đã cố tìm người để cầu cứu”, “em vô vọng…”

Chị kể, trong suốt 6 ngày bị triệu tập vào TP.HCM làm việc trước khi bị khởi tố, ngày nào cũng vậy, chỉ những câu hỏi lặp đi lặp lại trong suốt 6 ngày của điều tra viên khiến chị không còn chút sinh lực. Chị viết bản tự khai, nhưng vì chưa “như ý” họ  (không phải ý chị), chị phải viết lại. Có tất cả 5 bản tự khai chị viết.

Chị nói rằng chị không tự ý ghi thêm vào biên bản lời khai vụ hòa giải năm 2017, việc ghi thêm đó dựa vào ý chí của hai bên đương sự. Và việc ghi đó chẳng những không ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, ngược lại còn có lợi cho bị đơn. Nếu nguyên đơn tố cáo việc đó là sai trái, là bất lợi cho họ thì chị sẽ không chênh vênh như hiện tại.

“Em là người dân tộc Chăm, nên tiếng phổ thông có những chữ em chưa hiểu hết. Mấy anh ấy nói em lập khống biên bản hòa giải thành. Em lấy từ điển ra xem mới hiểu rõ từ lập khống là gì? Em đã giải thích và những hồ sơ có trong vụ án cũng đã chứng minh rằng em không lập khống. Nhưng rồi, quyết định khởi tố bị can, em nhận được, hai chữ ấy vẫn hiển hiện” - Bình khóc.

Lau đi giọt nước mắt, chị Bình nói về cái ngày định mệnh của Chánh án Hán Văn Nhuận.  “Em trách anh ấy sao chọn con đường để tự giải thoát cho bản thân trong khi anh ấy đâu có tội tình gì. Anh ấy nói với em vì danh dự, vì uy tín của gia đình, dòng tộc, của buôn làng và cả cơ quan nên chắc là anh sẽ chọn con đường riêng để chứng minh bản thân trong sạch. Em vẫn nghĩ rằng anh Nhuận chỉ nói vậy, nào ngờ …! Có thể chính tin nhắn “em bị khởi tố rồi anh ơi” đã khiến anh ấy không còn giữ được bình tĩnh được nữa…”

Tiếc thương một người vừa là lãnh đạo, vừa là người thầy, người anh và rồi Bình lại nghĩ đến số phận, đến tương lai của mình đang mịt mù phía trước mà lo lắng khôn nguôi. Kháng nghị của TANDTC giúp chị có thêm niềm tin, nhưng nhìn vào giấy triệu tập bị can trước mắt, chị lại thẫn thờ, hụt hẫng…

 

Bà con đến chia buồn trong đám tang Chánh án Hán Văn Nhuận

Thái Bình có ý nghĩa yên ổn, bình yên nhưng con đường cuộc đời của chị đến đây lại lắm chông gai. Tôi từ giã chị ra về, mới nhìn lại con đường đất vào làng Hoài Trung, xã Phước Thái, đến nhà chị mà tôi đã chụp trước đó - nó lồi lõm, nhấp nhô nhọc nhằn làm sao. Con đường đó không lẽ tượng trưng cho những nhọc nhằn mà chị đang trải qua. Chị nói rằng, con đường này ngày nắng thì gập ghềnh nhưng còn đi được, ngày mưa thì lầy lội, không thể đi xe vô nổi nhà…

Cuối con đường ấy là một căn nhà cấp 4 xập xệ chứa 4 số phận cũng “xập xệ” của gia đình chị Quảng Thị Thái Bình mà tôi phải hỏi đi hỏi lại, bác hàng xóm khẳng định tới 3 lần tôi mới dám chắc chắn đây là nhà của một thư ký Tòa án. Thấy tôi ái ngại nhìn ngôi nhà cũ kỹ, chị Bình nói, căn nhà làm 14 năm rồi, nợ tiền nhà chưa trả hết nhưng mái tole đã hỏng, trời mưa thì mẹ con chị phải ra ngủ phòng ngoài vì dột.

-Chị còn nợ Ngân hàng sao?!

-Dạ, còn hai khoản. Khoản vay Ngân hành Chính sách hồi em đi học thì trả dần còn 30 triệu, mỗi tháng em trả 750 ngàn. Khoản vay Ngân hàng Nông nghiệp để xây nhà gần 100 triệu, em trả đã gần hết, giờ mỗi tháng em trả 2,4 triệu.

-Vậy là hai khoản mất hơn 4 triệu rồi, lương và phụ cấp chị được bao nhiêu?

-Lương em được hơn 5 triệu, cộng phụ cấp được tất cả là 8,2 triệu. Mỗi vụ chị gái em mang đến cho 50 ký gạo, nên bốn bà con cũng sống qua ngày được anh à.

Khi chúng tôi tỏ ý sẽ tìm cách hỗ trợ chị đỡ phần nào khó khăn thì chị chối từ, chị nói Tạp chí Tòa án và nhiều tờ báo đã đưa tin khách quan, kịp thời là hỗ trợ chị về tinh thần rất lớn, quý lắm rồi, những ngày này báo chí là chỗ dựa của chị, chị cám ơn nhiều lắm rồi.

Cánh cửa gỗ đóng lại khi tôi vừa rời đi. Tiếng ken két kéo dài của cái bản lề cũ kỹ như một tiếng thở dài, đầy cam chịu. Bước trên con đường “của chị”, tôi thầm xót xa cho những số phận phía sau cánh cửa đó. Ngôi nhà ấy không có bàn ghế tiếp khách, tôi chỉ thấy có một cái ghế có mặt da rách nát, kê sát góc tường, chắc xin của ai đó. Ngôi nhà nhỏ thiếu cả không gian để trẻ nhỏ vô tư vui đùa…

Với đồng lương của một thư ký Tòa án, cáng đáng bốn người, ở vùng đất cằn khô chỉ nhiều nắng và gió này, không khó khăn mới là chuyện lạ. Hình ảnh chị Quảng Thị Thái Bình trong không gian hai người già, một trẻ nhỏ, khiến tôi thấy chị thật cô đơn, không ai trong nhà có thể chia sẻ với chị về kế sinh nhai cũng như những chông gai, rắc rối mà chị đang đối mặt… Nghĩ đến đó, lòng tôi chùng xuống, hoang hoải vô cùng.

Người thân của Chánh án Hán Văn Nhuận và nỗi đau chưa nguôi

Con đường vào làng Hữu Đức, thường ngày Chánh án Hán Văn Nhuận đi về còn gồ ghề hơn cả con đường vào nhà Thư ký Quảng Thị Thái Bình. Cũng là đường đất, cũng lồi lõm như chính số phận của anh – người đã dùng cái chết chỉ để khẳng định với người thân, với dòng tộc, với cộng đồng người Chăm rằng bản thân trong sạch.

Tôi lại phải chứng kiến một người nữa rơi lệ khi vừa bước chân vào nhà của anh Nhuận. Người ấy là vợ anh – chị  Huyền Trâm, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hậu Sanh.

-Anh Nhuận nói rằng anh sợ phải chết. Nhưng anh ấy sợ phải ở tù hơn. Họ nói rằng anh có tội. Và tội đó sẽ ở tù ít nhất từ 5 đến 10 năm. Con cháu và dòng tộc xem anh ấy là một tấm gương và nhiều người chọn ngành luật để noi theo. Anh ấy luôn bảo không có tội nhưng lại sợ những lời hù dọa rằng có tội, nếu anh đi tù thì mặt mũi nào nhìn bà con. 

 

Bố của Chánh án Hán Văn Nhuận hàng ngày vẫn ngồi nhìn ra sân như ngóng đợi con

Chị kể, sau 3 ngày “ác mộng” ở TP.Hồ Chí Minh, anh Nhuận trở về như người vô hồn. Anh kiệm lời với mọi người. Không chơi đùa với bọn trẻ. Lặng lẽ một mình đi và về. Ai khuyên gì, nói gì anh cũng lặng im. Nó trái hoàn toàn với tính cách của anh trước khi làm việc với điều tra viên.

Ngày Thư ký Quảng Thị Thái Bình bị khởi tố, anh rời công sở ngay khi nhận được tin nhắn “em bị khởi tố rồi anh Nhuận ơi”. Anh gọi cho chị. Chị tiếc nuối, hụt hẫng vì lúc đó không để điện thoại bên cạnh. Đến khi cầm điện thoại trên tay, chị đã không thể tin vào mắt mình khi thấy tin nhắn thông báo “đã uống thuốc” của anh.

Chị cầu cứu mọi người. Đổ xô đi tìm anh, nhưng tất cả đã quá muộn. Anh đã chọn con đường “bằng phẳng” hơn cho chính mình sau những tháng ngày sống trong u uất, hoảng loạn. Anh đã sợ sệt và chính việc thư ký trong vụ án bị khởi tố đã trở thành giọt nước tràn li, nó khiến anh không còn đủ bình tĩnh để có thể nghĩ được một điều gì khác ngoài việc giải thoát, lấy cái chết để bảo toàn danh dự của mình trước nguy cơ oan sai chụp xuống thân phận mình.

“Tại sao anh lại nông nổi như vậy chứ!” – chị lại khóc.

Mở bức ảnh với đôi mắt quầng thâm của anh sau 3 ngày làm việc với điều tra viên so sánh với bức ảnh trước đó, chị Sa Lat (tức Khánh Ly) em gái anh vẫn đặt câu hỏi rằng “họ tiêm vào đầu anh ấy cái gì mà tâm trạng anh lại tệ khủng khiếp đến như vậy?”

Sa Lat cũng là người học Luật, suốt mấy ngày đó chị đưa anh đến Cơ quan điều tra làm việc nên biết rất kỹ tình hình. Thấy anh hoảng loạn, chị nói: Sự việc chỉ có vậy, anh không có tội thì họ làm gì được anh?! Nhưng anh Nhuận lại nói: Thế này là họ muốn làm gì cũng được em à, họ muốn anh đi tù thì anh không thoát đâu…

-Vậy là anh Hai mất lòng tin. Mất lòng tin là mất tất cả… Sa Lat thở dài. Anh Nhuận giải thoát bản thân chỉ để muốn khẳng định mình trong sạch, không muốn lý lịch có một vết đen, không muốn danh dự, uy tín của dòng tộc bị hoen ố. Nhưng giờ anh Nhuận cũng đã đi rồi, có được minh oan thì anh cũng có còn được nhìn thấy anh cười, một nụ cười mãn nguyện nữa đâu...

Em gái của Chánh án Hán Văn Nhuận trao đổi với tôi bằng những lý trí cứng rắn, cố che giấu nỗi đau mà đôi mắt chị cho thấy sự kìm nén. Tôi ước rằng người đang ngồi đối diện với tôi đây, đang nói về người anh quá cố của mình có thể để cho cảm xúc dâng trào, chắc sẽ dễ chịu hơn đôi phần.

Có vẻ hiện tại chị chưa cho phép bản thân được sống với cảm xúc thật, chị cần lý trí để đi tìm công lý cho anh trai. Qua câu chuyện của chị, tôi thấy anh Hai của chị là một người Chánh án nhưng sẵn sàng chạy đi mua cho chị bao nước đá, ký đường, sẵn sàng là “tiếp viên” khi quán trà sữa của chị đông khách. Ra khỏi cơ quan, anh là một người bình thường vô cùng.

Chánh án Nhuận nhưng chưa từng có chút quan cách nào với bà con, cộng đồng. Anh luôn nhiệt tình với tất cả mọi người xung quanh, sẵn sàng bắt tay với người nhặt phân bò, sẵn sàng làm xe ôm 0 đồng trên đường đi làm khi gặp bà bầu chuyển dạ.

Chị nói với tôi, ước muốn của chị hiện tại là ba chị không phải cứ nửa đêm lại chạy ra mở cửa vì “anh Hai mày về”. Mặc dù ở tuổi hơn 80 như ông, người ta đã hiểu như thế nào ý nghĩa của những từ “chấp nhận sự thật”.

Tôi xót xa khi nghe chị kể về người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Càng xót xa hơn khi tôi hỏi về anh Nhuận mà ông nghẹn uất không thể nói nên lời. Tôn trọng nỗi đau của ông, tôi không dám hỏi gì thêm.

“Tôi mong một ngày nào đó đứng trước mộ anh Nhuận thắp nén nhang và được báo với anh rằng: Oan kia đã giải”

Đó là câu đầu tiên của Chánh án TAND tỉnh Ninh Thuận Lê Hưng Dũng trong buổi nói chuyện của chúng tôi.

Tôi và anh không nói nhiều về các căn cứ pháp luật, trong vụ án liên quan đến  Thư ký Quảng Thị Thái Bình và cố Chánh án Hán Văn Nhuận. Thế nhưng, ngay chính câu trả lời của anh, tôi cảm nhận được sự quyết tâm của người đứng đầu TAND tỉnh Ninh Thuận.

Ông Dũng cho rằng sau khi xem xét tất cả các tình tiết, vấn đề liên quan đến vụ án, việc quyết tâm bảo vệ và minh oan cho anh Nhuận, chị Bình đã được Ban lãnh đạo TAND tỉnh thống nhất, đồng lòng dựa trên tiêu chí thượng tôn pháp luật. “Cấp dưới của mình không phạm tội, chúng tôi thấy rõ mà im lặng thì tôi cảm thấy hổ thẹn với lòng, hổ thẹn với người đã khuất, với anh em đồng nghiệp và hơn hết là với tất cả những người dân đang sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”, Chánh án Lê Hưng Dũng điềm tĩnh nói.

“Tôi hi vọng một ngày gần nhất, mọi thứ được sáng tỏ, để tôi có thể đứng trước mộ anh Nhuận thực hiện nguyện vọng của mình. Cũng như để Thư ký Bình an tâm, tiếp tục ra sức cống hiến cho ngành Tòa án nói riêng, nền tư pháp nước nhà nói chung”.

Lắng nghe và ghi chép những lời chia sẻ của Chánh án Ninh Thuận tôi cảm thấy xúc động, và có thêm niềm tin vào lẽ phải và sự công chính. Gặp mọi người tôi biết rằng, đám tang anh Nhuận ngay giữa lúc dịch Covid còn diễn biến phức tạp, thế nhưng có hơn 1.000 người đến để đưa tiễn anh. Thế mới thấy lúc sống anh là người như thế nào, có được bà con chòm xóm, láng giềng yêu thương quý trọng hay không...

Tôi tin là ngày họ được minh oan không còn xa...

Sẽ có một Quyết định Giám đốc thẩm thỏa đáng để khẳng định có căn cứ khởi tố Thư ký Quảng Thị Thái Bình hay không, và qua đó nỗi oan khiên Chánh án Ninh Phước Hán Văn Nhuận mang theo về cõi ông bà sẽ được hóa giải – bước ra đường, ngước lên bầu trời Ninh Thuận hôm đó trong xanh, gió thổi xào xạc, tôi nghĩ ngày đó không xa…

 

Thư ký Quảng Thị Thái Bình cho chúng tôi xem Quyết định khởi tố

THẾ MỸ - NGUYỄN PHAN KHIÊM