Ông D có được hưởng thừa kế toàn bộ di sản theo di chúc chung của cha mẹ?

Ngày 10/3/1999, cụ T và cụ N lập “Văn tự trao quyền sở hữu nhà ở” cho ông D được toàn quyền sử dụng thửa đất số 69. “Văn tự trao quyền sở hữu nhà ở” được đánh máy, có chữ ký của hai cụ, có xác nhận của Trưởng khu, người làm chứng là bà G và chứng thực của UBND xã vào ngày 17/3/1999. Tuy nhiên, đến năm 2005, cụ N thay đổi, không cho ông D thừa kế phần nhà đất của mình…

1.Quy định của pháp luật về di chúc chung của vợ chồng

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Như vậy, bất cứ cá nhân nào có tài sản cũng có quyền được lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi chết.

Pháp luật dân sự các thời kỳ quy định không giống nhau về hiệu lực di chúc chung của vợ chồng. Cụ thể: Điều 671 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995 quy định về Hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng: “Trong trường hợp vợ, chồng lập di chúc chung mà có một người chết trước, thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật; nếu vợ, chồng có thoả thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết, thì di sản của vợ, chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia từ thời điểm đó”. Điều 668 BLDS năm 2005 quy định: “Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết”. Căn cứ quy định nêu trên thì khi muốn sửa chữa, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung của vợ chồng phải được sự đồng ý của người còn lại. Ngoài ra, nếu một người đã chết thì người còn lại chỉ được sửa đổi, bổ sung di chúc với phần tài sản của mình. Lúc này, để phân chia và xác định phần tài sản của người này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Xuất phát từ những bất cập phát sinh từ di chúc chung của vợ chồng, BLDS năm 2015 đã không còn những quy định biệt lệ về di chúc chung của vợ chồng như quy định của pháp luật trước đây. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, BLDS năm 2015 không quy định về di chúc chung không có nghĩa là cấm lập di chúc chung. Thực tế, nhiều bản di chúc chung của vợ chồng được lập trong thời kỳ BLDS năm 1995 và năm 2005 có hiệu lực pháp luật vẫn đang tồn tại. Thực tế áp dụng luật, việc thực hiện di chúc chung rất phức tạp, khó khăn và nhiều bất cập. Vụ án dưới đây là một ví dụ.

2.Nội dung vụ án

Nguồn gốc diện tích đất 135m2 thuộc thửa đất số 69 là tài sản chung của cụ T (chết năm 2003) và cụ N (chết năm 2010) tạo dựng khi còn sống. Hai cụ có 4 người con chung là bà A, ông B, bà C, ông D. Ngày 10/3/1999, cụ T và cụ N lập “Văn tự trao quyền sở hữu nhà ở” cho ông D được toàn quyền sử dụng thửa đất số 69 nêu trên. “Văn tự trao quyền sở hữu nhà ở” được đánh máy, có chữ ký của hai cụ, có xác nhận của Trưởng khu, người làm chứng là bà G và chứng thực của UBND xã vào ngày 17/3/1999.

Ngày 25/9/2005, cụ N có Đơn đề nghị xin rút quyền thừa kế, không cho ông D thừa kế diện tích đất thửa đất 69. Theo Biên bản xác minh ngày 30/3/2018 thể hiện: “Trước đây vào năm 2004 thì ông D có hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đối với diện tích đất ở thửa 69 và Ủy ban có thu tiền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên sau đó không được cấp Giấy chứng nhận vì cụ N - mẹ ông D, xin rút quyền thừa kế, không thừa kế diện tích trên cho ông D. Hiện hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông D và đơn đề nghị rút quyền thừa kế của cụ N do thời gian đã lâu, cán bộ phụ trách luôn thay đổi nên không còn lưu giữ để cung cấp cho Tòa án”. Tại Bản di chúc của cụ N lập ngày 16/10/2007 có nội dung: “Nay tôi vẫn còn minh mẫn và tỉnh táo, tôi viết di chúc này để lại thửa đất 69 cho con thứ tôi là B và anh B có quyền làm bìa đỏ mang tên anh B. Việc lập di chúc này tôi nhờ chị T viết hộ theo đúng lời đọc của tôi”.

Năm 2010 cụ N mất, toàn bộ diện tích đất trên vẫn do vợ chồng ông D quản lý, sử dụng. Đến nay diện tích thửa 69 vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do có tranh chấp. Nay bà A và bà C khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ N theo pháp luật; bị đơn là ông D không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì cho rằng thửa đất đang tranh chấp là tài sản ông được thừa kế theo di chúc.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2018/DSST ngày 07/11/2018 của TAND tỉnh H quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: (i) Xác định ½ quyền sử dụng đất thửa đất số 69 là di sản thừa kế theo di chúc của cụ T cho ông D; (ii) Xác định khối di sản của cụ N là ½ quyền sử dụng đất thửa đất số 69, chia cho mỗi đồng thừa kế của cụ N được hưởng giá trị phần di sản bằng nhau.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 193/2019/DSPT ngày 11/11/2019 của TANDCC A quyết định sửa bản án sơ thẩm: Xác định quyền sử dụng đất tại thửa đất số 69 là di sản thừa kế theo di chúc và tặng cho có điều kiện của cụ T và cụ N cho ông D theo “Văn tự trao quyền sở hữu nhà ở”. Ông D có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

3. Quan điểm về vụ án

Về vụ án nêu trên, tác giả có quan điểm bình luận như sau: “Văn tự trao quyền sở hữu nhà ở” được đánh máy, có chữ ký của hai cụ, có xác nhận của Trưởng khu, người làm chứng là bà G và chứng thực của Ủy ban nhân dân xã vào ngày 17/3/1999.  Đồng thời, các đương sự xác định thời điểm này lập Văn tự, hai cụ vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn và đã định đoạt khối tài sản chung của vợ chồng thừa kế cho ông D.

Tại Điều 655 BLDS năm 1995 quy định về Di chúc hợp pháp:

“1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

4. Di chúc bằng văn bản không có chứng nhận, chứng thực như quy định tại Điều 660 của Bộ luật này chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này”.

Và Điều 660 BLDS năm 1995 quy định: “Người lập di chúc có thể yêu cầu Công chứng nhà nước chứng nhận hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng thực bản di chúc’.

Như vậy,  có căn cứ xác định “Văn tự trao quyền sở hữu nhà ở” do cụ T và cụ N lập ngày 10/3/1999 là hợp pháp.

Năm 2003, cụ T chết, phần di chúc liên quan đến phần di sản của cụ T trong khối tài sản chung của cụ T và cụ N thừa kế cho ông H là 1/2 giá trị quyền sử dụng đất tại thửa đất số 69 có hiệu lực, còn phần di chúc liên quan đến tài sản của cụ N là ½ giá trị quyền sử dụng đất theo di chúc năm 1999 vẫn chưa có hiệu lực theo quy định tại Điều 671 BLDS năm 1995.

Ngày 25/9/2005, cụ N đã có Đơn đề nghị xin rút quyền thừa kế, không cho ông D thừa kế diện tích đất tại thửa đất số 69 và cụ đã lập Bản di chúc ngày 16/10/2007. Do đó, có cơ sở xác định cụ N đã thể hiện ý chí hủy bỏ di chúc lập cùng với cụ T ngày 10/3/1999. Trong trường hợp này, Tòa án cấp sơ thẩm xác định cụ N đã thay đổi di chúc cụ N lập cùng với cụ T ngày 10/3/1999; từ đó, xác định phần di sản của cụ N tương ứng với 1/2 giá trị quyền sử dụng đất tại thửa đất số 69 và chia thừa kế theo pháp luật là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm xác định quyền sử dụng thửa đất số 69 là di sản thừa kế theo di chúc của cụ T và cụ N cho ông D theo “Văn tự trao quyền sở hữu nhà ở” lập ngày 10/3/1999 là không phù hợp với ý chí định đoạt phần di sản thừa kế của cụ N.

Trên đây là ý kiến của tác giả đối với vụ án, rất mong nhận được trao đổi của bạn đọc.

 

Bên dòng sông Tô Lịch - Ảnh: Thái Vũ

 

Luật gia CHU THANH TÙNG