Phải đưa Công ty bảo hiểm y tế vào tham gia tố tụng trong vụ án hình sự

Sau khi nghiên cứu bài viết “Tư cách tố tụng của công ty bảo hiểm y tế trong vụ án vi phạm an toàn giao thông” trên Tạp chí TAND điện tử số ra ngày 15/6/2020, tôi cho rằng cần phải đưa Công ty bảo hiểm y tế vào tham gia tố tụng trong vụ án hình sự để giải quyết triệt để vụ án.

Qua nội dung bài viết trao đổi, trước hết cần xác định hành vi của Lê Văn P đã cấu thành tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 BLHS. Về xác định tư cách tham gia tố tụng của Công ty bảo hiểm y tế trong vụ án, tôi có một số ý kiến sau:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 48 BLHS, người phạm tội phải sữa chữa bồi thường thiệt hại vật chất do hành vi phạm tội gây ra. Thiệt hại vật chất bao gồm thiệt hại về tài sản, về sức khỏe, về tính mạng… Theo quy định tại các điều 590, 591 BLDS thì những thiệt hại về sức khỏe và về tính mạng được xác định là chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, điều trị, bồi dưỡng phục hồi sức khỏe, chi phí mai táng… Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe, tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Nghĩa là khi có hành vi phạm tội gây ra thiệt hại cho người khác về tài sản, sức khỏe, tính mạng thì phải bồi thường.

Theo nội dung vụ án, Công ty bảo hiểm thành phố N đã chi trả chi phí cứu chữa, điều trị cho bệnh nhân Trần Đ là 2.450.000đ và bệnh nhân Nguyễn Thị L là 15.900.000đ. Đây là khoản chi phí phát sinh từ hành vi gây tai nạn giao thông của Lê Văn P gây ra nên cần phải xác định nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của P đối với khoản chi phí này.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 5 Điều 40 Luật Bảo hiểm y tế có quy định: “Quyền của tổ chức bảo hiểm y tế yêu cầu người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm y tế hoàn trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh mà tổ chức bảo hiểm y tế đã chi trả”. Như vậy, khoản tiền chi phí cứu chữa, điều trị mà Công ty bảo hiểm y tế thành phố N đã chi trả phải buộc Lê Văn P hoàn trả lại. Công ty bảo hiểm y tế thành phố N có quyền yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại khi quyền lợi của mình bị thiệt hại.

Thứ ba, thực tế xét xử các vụ án hình sự có vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với khoản chi phí cứu chữa, điều trị đã được bảo hiểm y tế chi trả thời gian qua vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa được hướng dẫn cụ thể. Cụ thể là không đưa cơ quan bảo hiểm y tế vào tham gia tố tụng vì cho rằng đó là quan hệ theo hợp đồng mua bán bảo hiểm, dẫn đến việc trùng thu khoản tiền bảo hiểm y tế đã chi trả và khoản tiền người phạm tội chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra trong vụ án hình sự.

Từ các phân tích trên, để giải quyết triệt để vụ án, tôi cho rằng cần phải đưa cơ quan bảo hiểm y tế vào tham gia tố tụng trong vụ án hình sự nêu trên. Về tư cách tham gia tố tụng của cơ quan bảo hiểm y tế sẽ có 02 trường hợp: Nếu cơ quan bảo hiểm y tế không có đơn yêu cầu giải quyết bồi thường khoản tiền cứu chữa và điều trị thì xác định cơ quan bảo hiểm y tế là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; nếu cơ quan bảo hiểm y tế có đơn yêu cầu giải quyết bồi thường khoản tiền cứu chữa và điều trị thì xác định cơ quan bảo hiểm y tế là nguyên đơn dân sự.

Trên đây là quan điểm về giải quyết vụ việc, xin trao đổi cùng bạn đọc và đồng nghiệp./.

 TAND quận Liên Chiểu, Đà Nẵng xét xử vụ án lao động tranh chấp tiền lương và bảo hiểm xã hội  giữa người lao động với công ty – Ảnh: Ngọc Yến / báo Đà Nẵng

NGUYỄN XUÂN KỲ ( Tòa án quân sự Quân khu 5)