Sát hại người yêu, rồi lái xe của người yêu gây tai nạn, tội gì?
Quá trình tâm sự, giữa A và B xảy ra mâu thuẫn nên A đã dùng dao gọt hoa quả có sẵn trên xe đâm chết chị B, sau đó A lái xe của chị B đi qua những nơi hai người có nhiều kỷ niệm rồi bất ngờ gây tai nạn... Hành vi của A có cấu thành tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” hay không?
Nguyễn Văn A và chị Lê Thị B yêu nhau. Ngày 25/8/2019, là sinh nhật của chị B, khoảng 20 giờ 20 phút, chị B điều khiển xe ô tô của mình đến đón A đi chơi. Hai người lái xe đến khu công viên trung tâm của thành phố ngồi trong xe nói chuyện. Quá trình tâm sự, giữa A và B xảy ra mâu thuẫn nên A đã dùng dao gọt hoa quả có sẵn trên xe đâm chết chị B.
Sau khi giết chết chị B, Nguyễn Văn A tự ý lấy chiếc xe ô tô của B chở xác chị B đi nhiều nơi. Mục đích là để thăm lại những nơi hai người lúc đang yêu nhau từng đi. Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 26/8/2019, khi đi trên đường cao tốc do thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ A đã để xe ô tô của chị B do A điều khiển đâm vào 01 chiếc xe khách đang dừng đỗ bên đường. Hậu quả xe ô tô do A điều khiển bị thiệt hại 135.000.000 đồng. Xe tô khách thiệt hại 15.000.000 đồng. Tổng thiệt hại về tài sản của vụ tai nạn giao thông nói trên là 150.000.000 đồng.
Quá trình điều tra xác định, trước đó Nguyễn Văn A không được chị B giao xe. Sau khi giết chị B, A tự ý lấy xe chở xác chị B đi.
Quan điểm thứ nhất: Hành vi của Nguyễn Văn A ngoài đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người” quy định tại Điều 123 BLHS còn đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 260 BLHS. Cho nên, cần phải khởi tố Nguyễn Văn A về cả 02 tội nêu trên.
Quan điểm thứ hai: Một số người cho rằng hành vi của Nguyễn Văn A chỉ cấu thành tội “Giết người” mà không cấu thành tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Bởi vì, thiệt hại về tài sản gây ra ở đây chỉ tính thiệt hại của chiếc xe ô tô khách là 15.000.000 đồng không đủ định lượng về tài sản thiệt hại quy định tại điểm d khoản 1 Điều 260 BLHS. Còn đối với chiếc xe ô tô của chị B mà A mà điều khiển gây tai nạn, lúc này A đang chiếm hữu chiếc xe này nên thiệt hại 135.000.000 đồng của chiếc xe này không tính là thiệt hại cho người khác mà hành vi vi phạm giao thông đường bộ của A gây ra.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, bởi vì: Trước khi bị giết, chị Lê Thị B không giao xe ô tô của mình cho A điều khiển. A đã giết chị B và chiếm hữu bất hợp pháp đối với chiếc xe ô tô này, nên không thể coi chiếc xe ô tô của chị B hiện tại đang do A chiếm hữu để loại trừ thiệt hại của chiếc xe ô tô trong vụ tai nạn giao thông. Do đó, thiệt hại về tài sản trong vụ tai nạn giao thông trên là 150.000.000 đồng đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 260 BLHS.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý độc giả.
Xe ô tô gây tai nạn trên đường Trần Phú, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) khiến nhiều người bị thương – Ảnh minh họa của Đình Thi /NLĐ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
1 Bình luận
Tôn Sách
08:00 24/12.2024Trả lời