Phải xác định Nguyễn Huy N là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

Sau khi đọc bài viết “Xác định tư cách tố tụng trong tội chống người thi hành công vụ như thế nào?” của tác giả Nguyễn Thị Mai đăng ngày 29/3, tôi cho rằng Nguyễn Huy N là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Tôi có quan điểm đồng tình với quan điểm thứ hai và đây cũng là quan điểm của tác giả đó là phải xác định “Nguyễn Huy N là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án” mới đúng pháp luật với các phân tích mà tác giả đã nêu. Tôi xin phản biện lại quan điểm thứ nhất, khi có nhận định cho rằng “Nguyễn Huy N là bị hại trong vụ án”. Quan điểm này theo tôi là chưa phù hợp với quy định của pháp luât. 

Thứ nhất, theo hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 của Chính phủ thì “1.Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội. 2.Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao..

Khoản 1 Điều 330 BLHS quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì….”.

Qua liệt kê một số quy định trên cho chúng ta thấy: Hành vi khách quan mà người thực hiện hành vi phạm tội ở đây hướng tới mặc dù nhằm vào người thi hành công vụ; theo đó, người thi hành công vụ có thể bị tấn công bằng vũ lực, đe dọa bằng vũ lực hoặc có bị các hành vi cưỡng ép của người phạm tội. Tuy nhiên, hậu quả xảy ra không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội Chống người thi hành công vụ mà tội phạm hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện các hành vi chống đối, kháng cự hoặc cưỡng ép người thi hành công vụ thực hiện các hành vi trái pháp luật.

Khách thể mà người phạm tội xâm hại ở đây là trật tự công cộng, xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người thi hành công vụ và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của Nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công. Do vậy, hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, gây ra thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người  có đủ dấu hiệu cấu thành của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc làm chết người thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng.

Thứ hai, trở lại vụ án cho thấy: Nếu xác định anh Nguyễn Huy N là bị hại chỉ xảy ra trong trường hợp truy tố xét xử Lê Xuân H về 2 tội đó là: “Chống người thi hành công vụ” và “Cố ý gây thương tích”. Thì việc xác định tư cách của anh N là bị hại trong tội “Cố ý gây thương tích” và là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trong tội “Chống người thi hành công vụ”. Tuy nhiên, thực tế trong vụ án này mặc dù anh N bị xây xát nhẹ do hành vi của H gây ra nhưng anh N đã từ chối giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể và không yêu cầu H phải bồi thường gì nên không có cơ sở các định thương tích để xử lý H về hành vi cố ý gây thương tích. Do đó, chỉ truy tố xét xử Lê Xuân H về tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 1 Điều 330 BLHS nên phải xác định tư cách tố tụng của anh Nguyễn Huy N trong vụ án này là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án mới đúng quy định của pháp luật.

Trên đây là quan điểm của tôi xin được trao đổi với tác giả và quý bạn đọc.

 

Tòa án nhân dân huyện Thạch Thành, Thanh Hóa xét xử vụ án chống người thi hành công vụ - Ảnh: Thu Hà

 

ThS ĐỖ NGỌC BÌNH (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)