Phải xét xử Trần Văn Q về tội Cố ý gây thương tích

Sau khi nghiên cứu bài viết “Trần Văn Q phạm tội gì?” của tác giả Dương Đình Mạnh đăng ngày 01/3/2024, tôi nhất trí với quan điểm thứ nhất, phải truy tố, xét xử Q về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS năm 2015.

Trước tiên, về hành vi khách quan: Khi tham gia giao thông giữa  Q và H có va chạm nhẹ, H đã hỏi thăm nhưng bị Q chửi. Sau đó Q rủ G đi đánh H. Q, G đã dùng mỗi người một khúc gỗ xông vào đánh liên tiếp vào vùng đầu H làm H gục ngã tại chỗ.

Công cụ Q, N sử dụng là  3 đoạn cây gỗ (kích thước 192x3,8x6,5 cm; 122x7x5,2 cm; 125x5x8 cm), đây được xem là “phương tiện nguy hiểm” (căn cứ tinh thần tại điểm c mục 2.2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003). Tiếp nữa là vị trí tấn công trên cơ thể nạn nhân, Q và G đánh vào vùng đầu của anh H được xem là bộ phận xung yếu trên cơ thể, khi bị đánh dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng mà nhận thức của Q, G buộc phải biết có khả năng dẫn đến chết người.

- Về cường độ tấn công, thời gian, không gian Q, G thực hiện hành vi đánh H: Anh H đang đứng trước khu vực nhà kho, không hề biết Q, G đến đánh mình, có thể nói H đang ở trong tư thế bị động, lúc này H không có khả năng chống cự nhưng Q, G  vẫn dùng khúc gỗ đập liên tiếp nhiều nhát vào vùng đầu H làm anh H gục tại chỗ, có một khúc gỗ bị gãy đôi, điều này thể hiện Q, G thực hiện hành vi đánh H rất quyết liệt, tàn nhẫn với cường độ mạnh, liên tục, khi có người gần đó đến can ngăn thì Q, G mới lên xe mô tô bỏ về. Với tính chất, mức độ quyết liệt như vậy, có thể khẳng định Q, G hướng đến hậu quả chết người đối với H.

- Về hậu quả: H bị một vết thương vùng đỉnh thái dương 2%; một vết thương mày trái, một vết trên môi 12%; nứt sọ trán - thái dương - đỉnh phải 9%; tụ máu ngoài màng cứng vùng trán - đỉnh phải, tụ máu dưới màng cứng vùng thái dương phải chèn ép não thất bên phải, dập não xuất huyết vùng thái dương trái 21%. Mặc dù, H không chết, nhưng với một chuỗi hành vi liên tiếp của Q, G thể hiện sự hung hãn, côn đồ, quyết liệt đã trực tiếp đe dọa tước đoạt tính mạng của H và thái độ của Q, G là để mặc cho hậu quả chết người xảy ra. Việc H không chết là nằm ngoài ý thức của Q, G (không có người can ngăn và đưa H đi cấp cứu kịp thời thì có lẽ H đã chết). Do vậy, hành vi của Q, G thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội “Giết người” thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015.

Theo lập luận trên, rõ ràng hành vi của Q, G đủ dấu hiệu cấu thành tội “Giết người”. Tuy nhiên, sau khi thực hiện hành vi phạm tội Q bỏ trốn khỏi địa phương. Ngày 08/01/2019, G bị TAND huyện PT, tỉnh GL xử phạt 03 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS năm 2015.

Ngày 05/9/2023, cơ quan chức năng bắt được Q, đã ra quyết định phục hồi điều tra. Ngày 28/11/2023, VKSND huyện PT, tỉnh GL ban hành cáo trạng truy tố Q về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS năm 2015. Theo tôi, quyết định của VKSND huyện PT về việc truy tố Q là đúng theo quy định của BLTTHS năm 2015, bởi vì hành vi phạm tội của Q, G trong vụ án này là đồng phạm, hai người phải chịu trách nhiệm hình sự với một tội danh theo quy định của BLHS, năm 2019 TAND huyện PT đã xét xử G về tội “Cố ý gây thương tích”, bản án đối G không bị kháng cáo, kháng nghị; về kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm cũng đã hết thời hạn (Điều 379 BLTTHS năm 2015 quy định: Việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật), nên năm 2023 bắt được Q thì phải truy tố, xét xử Q về tội danh như đã xét xử đối với G trước đây.

Vụ án này, rõ ràng hành vi của Q, G có dấu hiệu của tội “Giết người” nhưng không thể xét xử Q về tội này được, do bản án trước đây đối với G về tội “Cố ý gây thương tích” đã có hiệu lực pháp luật, bị cáo G đã chấp hành xong hình phạt tù. Bây giờ muốn xét xử Q về tội “Giết người” thì cơ quan chuyên môn cấp trên phải hủy bản án về tội “Cố ý gây thương tích” đối với G để xét xử lại toàn bộ vụ án, nhưng trường hợp này không thể thực hiện được vì không có căn cứ để hủy.

Quan điểm thứ hai cho rằng hành vi của Q bị truy tố, xét xử về tội “Giết người” là không phù hợp, vì án này Q, G là đồng phạm nên không thể xét xử hai người hai tội danh khác nhau.

Theo đánh giá của tôi, năm 2019, TAND huyện PT xét xử G về tội “Cố ý gây thương tích” là chưa đúng; việc Tòa án và Viện Kiểm sát cấp trên không phát hiện ra sai sót của Tòa án, Viện kiểm sát cấp dưới để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm cũng là một thiết sót. Do vậy, vụ án này theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo Q thì phải xét xử Q về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS năm 2015.

Trên đây là quan điểm của tôi về việc định tội danh đối với bài viết “Trần Văn Q phạm tội gì?”, mong nhận được sự thảo luận, trao đổi của bạn đọc, đồng nghiệp.

 

 

ĐẶNG THẾ THANH (Tòa án quân sự Khu vực 2 Quân khu 5)

 Tòa án nhân dân huyện Đăk Pơ, Gia Lai xét xử sơ thẩm vụ án - Ảnh: TL