Phạm nhân lao động ngoài trại giam – Nhiều ý kiến khác nhau
Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận kỹ là đưa phạm nhân đi lao động tại doanh nghiệp.
Điều 35a của dự thảo luật có nội dung: “Trại giam có thể phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức cho phạm nhân lao động cả trong và ngoài trại giam”.
Cải tạo, dạy nghề… chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng
Đồng tình với quy định về đưa phạm nhân đi lao động ngoài trại giam, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) nêu các lý do sau:
Thứ nhất, để bảo đảm quyền và nghĩa vụ lao động theo Hiến pháp năm 2013 phù hợp với điều ước quốc tế về nhân quyền, trong đó có quyền lao động, phù hợp với Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự và các bộ luật khác có liên quan.
Thứ hai, thể hiện quan điểm đổi mới trong tổ chức cải tạo phạm nhân tại các trại giam, tạo điều kiện để phạm nhân tham gia lao động phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cho phép của tổ chức cơ sở giam giữ.
Thứ ba, để bảo đảm tăng thêm thu nhập, giảm bớt gánh nặng chi phí ngân sách nhà nước dành cho cải tạo phạm nhân, tạo kinh phí góp phần tu sửa, cải tạo, nâng cấp cơ sở giam giữ phạm nhân, cải thiện đời sống phạm nhân, giúp phạm nhân hòa nhập và hướng thiện, chấp hành án tốt, sớm trở về với gia đình.
Về tổ chức cho phạm nhân lao động quy định tại Điều 33, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, theo khoản 3 dự thảo chỉ quy định về nguyên tắc trại giam chịu trách nhiệm bảo đảm về an ninh, trật tự, giám sát tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam. Tuy nhiên, trong quá trình lao động, sản xuất có trường hợp xảy ra tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp không do lỗi của phạm nhân. Lao động của phạm nhân trong trường hợp này là lao động đặc thù nhằm giáo dục phạm nhân, không có hợp đồng lao động giữa phạm nhân với doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sử dụng lao động. Do đó, quan hệ lao động trong trường hợp này hiện nay không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Lao động hiện hành.
Đại biểu đề nghị đối với trường hợp này, dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm của trại giam, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sử dụng lao động trong việc bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của phạm nhân hoặc thân nhân phạm nhân do để xảy ra tai nạn lao động hoặc mắc các bệnh nghề nghiệp không do lỗi của phạm nhân, trách nhiệm trước phạm luật do không bảo đảm điều kiện về an toàn lao động để xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Phạm nhân lao động tại trại giam – Ảnh BDM
Mặt khác, dự thảo luật cũng cần quy định rõ trong trường hợp trại giam phối hợp với các doanh nghiệp để tổ chức lao động cho phạm nhân thì phải ký kết hợp đồng lao động cụ thể và xác định rõ quyền, trách nhiệm của các bên liên quan trong hợp đồng lao động. Quy định của điều này liên quan đến quyền của phạm nhân được quy định tại Điều 27 của dự thảo luật, đại biểu đồng tình với phương án 2 quy định phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi các luật khác liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thực hiện được do họ đang chấp hành án tại các cơ sở giam giữ và lập luận như báo cáo thẩm tra đã nêu.
Về vấn đề sử dụng kết quả lao động của phạm nhân được quy định tại Điều 34. Đại biểu đồng tình với dự thảo. Kết quả lao động của phạm nhân sau khi trừ đi hết các chi phí, còn lại sử dụng vào bổ sung mức ăn của phạm nhân, quỹ hòa nhập cộng đồng, quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng và chi cho phạm nhân có thành tích lao động. Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định rõ tỷ lệ phần trăm phân bổ cho từng nội dung cụ thể. Do vậy, để đảm bảo đúng mục đích của giáo dục phạm nhân thông qua lao động sản xuất và bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động quản lý và giáo dục phạm nhân, đề nghị cần quy định rõ tỷ lệ phần trăm phân bổ cho từng mục, nội dung cụ thể.
Mặt khác, dự thảo cũng cần bổ sung và quy định rõ trong tường hợp mà phạm nhân có nghĩa vụ tài chính do bản án ấn định, ví dụ trường hợp phải bồi thường thiệt hại, phải nộp án phí, phải chấp hành hình phạt tiền là hình phạt bổ sung v.v… thì cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu phạm nhân phải dùng ít nhất 50% khoản thu nhập này để tích lũy và hoàn trả các khoản nợ trên. Đây là kinh nghiệm mà nhiều nước áp dụng và mang lại hiệu quả rõ rệt trong giáo dục, cải tạo phạm nhân.
Đại biểu chia sẻ: Tham khảo pháp luật Mỹ, Anh, cộng đồng Châu Âu, Mông Cổ v.v… thấy hầu hết các nước này đều quy định tất cả các phạm nhân có đủ điều kiện về sức khỏe đều phải làm việc và được nhận tiền lương tính theo giờ làm việc. Nhiều nước quy định cụ thể về mức lương tối thiểu phải chi trả cho phạm nhân và cơ chế phân bổ thu nhập cho phạm nhân tham gia vào hoạt động sản xuất. Trường hợp phạm nhân có các nghĩa vụ tài chính do bản án ấn định, cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu phạm nhân dùng ít nhất 50% khoản thu nhập này để tích lũy hoàn trả các khoản nợ trên.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy ( Bắc Kạn) đồng ý với dự thảo vì nhiều lý do, trong đó trước hết là quan điểm tổ chức cho phạm nhân lao động không chỉ nhằm cải tạo họ mà rất cần thiết phục vụ mục tiêu tái hòa nhập sau này bởi có những người tù 10 năm,15 năm nếu không lao động, không tay nghề khi mãn hạn tù sẽ khó khăn trong tìm kiếm việc làm, mặc cảm, tự ti và dễ tái phạm. Đại biểu cho rằng: Về nguyên tắc thì tổ chức cho phạm nhân lao động trong trại giam là tốt nhất nhưng trên thực tế nhiều trại ở miền Bắc và miền Trung diện tích rất hạn hẹp, nếu làm nông nghiệp thì không có đất để sản xuất, còn làm ngành nghề khác thì điều kiện ngân sách khó khăn rất khó để đầu tư nhà xưởng, máy móc đáp ứng nhu cầu. Thời gian qua việc kết hợp với doanh nghiệp tổ chức cho phạm nhân lao động trong trại giam đã được đặt ra nhưng mới chỉ thực hiện được ở một số trại. Bởi trong 54 trại trên cả nước thì có đến 34 trại đóng ở địa bàn vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, chi phí sản xuất cao nên các doanh nghiệp không đầu tư, ví dụ như trại Cồn Cát ở Sóc Trăng để đi được đến trại chúng tôi phải gửi xe ô tô ở Ủy ban nhân dân xã sau đó đi phà dọc sông Hậu và đi đò 6 km nữa mới vào đến trại. Hay trại An Điềm ở Quảng Nam đến mùa mưa là trại gần như bị cô lập với bên ngoài, sau khi nước rút còn rất nhiều cọng rơm rạ mắc trên cột điện v.v… với những điều kiện đó thì các doanh nghiệp không đầu tư. Trên thực tế việc tổ chức lao động ở một số trại vẫn là tổ chức cho phạm nhân trồng rau, chăn nuôi mang tính tự cấp, tự túc không có nhiều việc để làm.
Băn khoăn về tính khả thi
Tuy nhiên rất đồng tình nhưng đại biểu Trần Văn Mão vẫn có băn khoăn về tính khả thi, vì làm phát sinh nhiều bất ổn trong công tác quản lý phạm nhân thi hành án phạt tù khi đi ra lao động ngoài trại giam. Việc phạm nhân chấp hành hình phạt tù, phải bảo đảm mục đích hình phạt là trừng trị và giáo dục người phạm tội để thực thi trên thực tế. Đối với phạm nhân, việc giáo dục phạm nhân được thông qua nhiều hình thức, trong đó tổ chức cho phạm nhân lao động là một vấn đề cần thiết. Như vậy, lao động của phạm nhân là một biện pháp giáo dục chứ không nhằm tạo ra cơ sở vật chất để phục vụ đời sống của phạm nhân.
Tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam các năm qua tuy có giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Khi tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài khu vực trại giam, vấn đề bảo đảm an ninh trật tự, phòng ngừa phạm nhân mang vật cấm hoặc thậm chí là cả ma túy, điện thoại di động và các hành vi vi phạm khác là hết sức cần thiết. Nếu như nhà nước bố trí kinh phí bảo đảm máy móc, thiết bị phục vụ để kiểm soát an ninh tại các cơ sở sản xuất ngoài trại giam khi liên kết với các tổ chức kinh tế, các đơn vị và cá nhân khác thì bảo đảm tính khả thi là một vấn đề hết sức quan trọng.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 33 việc trại tạm giam liên kết với tổ chức, điểm, khu sản xuất ngoài khu vực trại tạm giam cho phép phạm nhân thì các cơ sở này vẫn phải bảo đảm theo quy chế quản lý giam giữ tại Điều 32 của dự thảo luật. Nó làm phát sinh bất lợi cho các cơ sở sản xuất, ảnh hưởng đến lợi ích và quan hệ đối tác của các doanh nghiệp và các tổ chức.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cũng bày tỏ một số vấn đề băn khoăn về vấn đề tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam. Đó là cơ sở pháp lý để đảm bảo việc đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam đã đủ chưa. Đây là vấn đề quan trọng.
Báo cáo của Bộ Công an tổng kết thí điểm việc đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam, riêng điều khoản về các cơ sở pháp lý trong việc liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp trong việc đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam thì ngay trong báo cáo cũng khẳng định việc liên kết lao động chưa được luật hóa, chưa được quy định bởi pháp luật dẫn đến khó khăn trong quá trình thực thi. Trong đó, cần quan tâm vấn đề đầu tư sản xuất đất trên đất của các trại giam quản lý cũng như vấn đề thu hút đầu tư của các doanh nghiệp thì việc này liên quan đến ngân hàng, đến vốn vay v.v… Nếu chưa đầy đủ cơ sở pháp lý, cần bổ sung cho đầy đủ.
Ngoài ra, việc tổ chức cho phạm nhân lao động trong trại giam hiện nay chủ yếu là lao động chân tay, sử dụng sức lao động nhiều. Ở nhiều phần việc rất dễ xảy ra rủi ro, tai nạn lao động. Do đó, để đảm bảo tính khả thi và chặt chẽ cũng như đảm bảo tính hiệu quả thì cần phải có sự ràng buộc chặt chẽ quy định rõ trách nhiệm của người lao động. Khi cho phạm nhân tham gia lao động thì chúng ta có đề nghị phạm nhân chấp thuận việc tham gia lao động đó nhưng đó đã đủ điều kiện pháp lý khi mà chúng ta ràng buộc trách nhiệm chưa. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của người quản lý cũng như trách nhiệm của người sử dụng lao động trong các quy định của luật để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả và tránh sự lạm dụng. “Tôi rất lo lắng và các cử tri cũng quan ngại có thể chúng ta sẽ bị xuyên tạc nếu có vấn đề gì xảy ra, làm sai đi bản chất của phạm nhân tham gia lao động ngoài trại giam” – đại biểu bày tỏ.
Đại biểu cũng quan ngại, nếu chúng ta xem xét từ xuất phát điểm chúng ta đưa phạm nhân ra ngoài cải tạo thông qua lao động. Chúng ta phải xem két kỹ cho các phạm nhân được hưởng quyền lợi. Nếu so sánh thì có thể dẫn đến sự mất công bằng giữa các phạm nhân, đồng thời chúng tôi cũng thấy rằng trong điều luật ghi rất nhiều nội dung ví dụ liên quan việc sử dụng tiền đó như thế nào, bỏ tiết kiệm v.v… tôi thấy không phù hợp. Nếu quy định quá lỏng lẻo chỗ này, không khéo dẫn đến lệch đi bản chất của việc lao động cải tạo nhằm giáo dục phạm nhân.
Mục đích giáo dục cải tạo hay lợi nhuận?
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam là nhằm mục đích cải tạo hay nhằm mục đích lợi nhuận. Theo như bản chất và nguyên tắc của hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự thì lao động phạm nhân nhằm mục đích giáo dục và cải tạo, như vậy mục đích của chúng ta xác định ở đây là giáo dục. Vấn đề đặt ra là có mâu thuẫn với mục đích của sản xuất kinh doanh và lợi nhuận không? Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của cá nhân và tổ chức là lợi nhuận thì liệu nó có mâu thuẫn không? Trường hợp này đại biểu cho rằng việc phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động thì phải đồng hành cùng mục đích của doanh nghiệp là lợi nhuận. Nếu không có lợi nhuận chắc chắn họ không làm. Nếu như thế lợi nhuận là do kết quả lao động của phạm nhân mang lại thì phải trích một phần vào ngân sách nhà nước nhằm bù đắp phần nào ngân sách nhà nước bỏ ra các chi phí để xử lý hành vi phạm tội của họ để đảm bảo chi phí giam giữ, cải tạo họ. Chúng ta thống nhất như thế thì nên nghiên cứu bổ sung thêm nội dung trích nộp ngân sách vào Điều 34 của dự thảo luật.
Vấn đề thứ hai, lao động của phạm nhân là biện pháp giáo dục được áp dụng bắt buộc cho phạm nhân và cũng là nghĩa vụ của họ. Phạm vi địa điểm lao động được điều luật quy định và cơ quan, người có thẩm quyền quản lý trại giam trên cơ sở luật định đó tổ chức cho phạm nhân lao động mà không phụ thuộc ý chí của họ là đi lao động trong đi lao động. Bởi vậy quy định việc đưa phạm nhân lao động ra khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giảm có sự đồng ý của phạm nhân là không cần thiết.
Vấn đề thứ ba, liên quan đến đảm bảo an ninh trật tự khi tổ chức lao động ngoài trại giam cần nghiên cứu thêm các vấn đề như thời gian đi lao động bao lâu? Nếu thời gian lao động kéo dài thì việc học tập của phạm nhân sẽ ra sao? Điều kiện đảm bảo an ninh trật tự nơi sản xuất của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mà phạm nhân sẽ đến lao động.
Có đại biểu băn khoăn ở góc độ khác: Nếu thực hiện chủ trương này liệu có đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp sử dụng lao động từ lực lượng phạm nhân với các doanh nghiệp sử dụng lao động từ công dân bình thường. Rõ ràng chi phí phải trả cho hai lực lượng lao động này là khác nhau, vậy tính công bằng trong cạnh tranh và yếu tố thị trường có bị vi phạm hay không. Mong muốn được xem xét làm rõ trước khi ra quyết định.
Vượt quá quy định của BLHS?
Không đồng tình với việc tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) phát biểu cho rằng phạm nhân do có hành vi vi phạm pháp luật, đe dọa quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nhà nước nên bị kết án phạt tù, trong khi đó dự thảo luật quy định quyền, nghĩa vụ, chế độ của phạm nhân theo đúng quy định của pháp luật lao động, lao động 8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần, được nghỉ các ngày chủ nhật, lễ tết, làm thêm giờ, được bồi dưỡng hiện vật bằng tiền. Do đó, nếu tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam thì không có sự khác biệt giữa người phạm tội đi lao động cải tạo với lao động bên ngoài xã hội và sẽ không mang tính răn đe.
“Mục tiêu chính cho phạm nhân lao động cải tạo chứ không phải làm kinh tế, việc phạm nhân chấp hành hình phạt tù là đảm bảo mục đích của hình phạt, trừng trị và giáo dục người phạm tội” đại biểu Hùng nhấn mạnh. Trại giam phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp gây tâm lý lo lắng cho người dân xung quanh khu vực lao động, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Việc tổ chức lao động ngoài trại giam ít nhiều làm tăng biên chế cảnh sát trại giam do bố trí cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ, giữ gìn trật tự tại nơi lao động sản xuất. Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là đối với người phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ, phải lao động học tập làm con người có ích cho xã hội. Nếu vì lý do trại giam có diện tích hạn chế, tập trung phạm nhân đông, số lượng lớn, kéo dài sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, thì Bộ Công an báo cáo Chính phủ để chỉ đạo các địa phương dành quỹ đất để mở rộng trại giam đáp ứng được nhiệm vụ của ngành trong việc giáo dục, cải tạo phạm nhân thông qua lao động, sản xuất trong trại, thậm chí liên doanh với các doanh nghiệp trong trại giam. Còn đã là phạm nhân, cần phải cách ly khỏi xã hội đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Nhất trí với đại biểu Hùng, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng chúng ta chưa hiểu một cách sâu sắc và không nên vận dụng một cách sai lệch các quy định về cách ly người bị hình phạt tù ra khỏi xã hội. Chúng ta xem lại định nghĩa hình phạt tù trong Bộ luật Hình sự, không nên có sự lạm dụng, đặc biệt đối với những phạm nhân này không chỉ cách ly mà còn hạn chế một số các quyền, việc thăm nom còn bị hạn chế vậy tại sao đưa họ ra ngoài.
“Việc để phạm nhân lao động cải tạo là hoàn toàn chính đáng. Cho lao động cải tạo, cho học nghề là chính đáng. Nhưng bắt buộc họ phải đi kiếm tiền là một việc làm không chính đáng. Đây chính là lao động bắt buộc. Các đại biểu vừa nãy có phát biểu rằng không nên quy định phải tạo sự đồng ý cho họ. Tôi cho rằng, để tránh câu chuyện để bắt buộc, người ta đã quy định là có sự đồng ý. Nhưng kể cả là có sự đồng ý thì cũng không được. Bởi vì một phạm nhân không thể không đồng ý nếu quản giáo hoặc giám thị yêu cầu lao động” – ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng) tranh luận lại với ý kiến của các đại biểu trước cho rằng: “Có một vấn đề nguyên tắc là khi chúng ta xây dựng pháp luật chúng ta phải căn cứ vào các luật cao hơn. Tôi không phản đối việc đưa điều khoản này nhưng chúng ta cần phải giải quyết hàng loạt vấn đề mang tính pháp lý đang nảy sinh trong điều khoản mà chúng ta đưa vào khoản 3 Điều 33 dự thảo luật”.
Đại biểu xin viện dẫn tại trang 9 của báo cáo dẫn ra điểm a khoản 1 Điều 3 của Bộ luật Hình sự có quy định đối với người bị phạt tù thì buộc phải chấp hành hình phạt tù tại cơ sở giam giữ. Điều 30 của Bộ luật Hình sự có quy định “hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật Hình sự do Tòa án quyết định áp dụng”. Điều 31 cũng quy định tương tự “Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân phạm tội mà còn giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa tội phạm, giáo dục người, pháp nhân khác tôn trọng pháp luật, ngăn ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm”, tức là tất cả những điều trên phải thực hiện được trong quá trình thi hành án. Vì vậy, trên cơ sở 3 viện dẫn này, đại biểu thấy có một số vấn đề sau: “Dự thảo luật thi hành án giao cho trại giam quyền được đưa phạm nhân ra khỏi cơ sở giam giữ thì theo quy định nào của pháp luật. Trại giam cụ thể là chức năng tư pháp nào, ai có thẩm quyền này. Việc này chưa được giải quyết trong dự luật này”.
Đại biểu Mai Bộ – Ảnh QH.VN
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cũng nhấn mạnh sự quan tâm đến tính pháp lý của vấn đề trong dự thảo Luật Thi hành án này có 2 điểm mà nó vượt quá quy định của Bộ luật Hình sự. Ở khoản 1 Điều 38 Bộ luật Hình sự quy định tù có thời hạn là buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định. Nghĩa là họ chấp hành hình phạt tạ cơ sở giam giữ chứ không phải là doanh nghiệp. “Cho nên, việc chúng ta thiết kế cho phạm nhân đi lao động ở ngoài trại, tôi cho rằng vượt quá quy định của Bộ luật Hình sự. Ở đây là cơ chế để thi hành những hình phạt đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự, chứ còn vượt quá thì sẽ có rất nhiều vấn đề mà các đại biểu khác nêu. Cho nên tôi chỉ đề cập là chúng ta thực hiện theo đúng quy định của luật này phải quy định những gì mà thôi” – nguyên Phó Chánh án TAQSTW chốt lại.
Không có nghĩa là phạm nhân đó là hoàn toàn ra khỏi trại giam
Điều khiển phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói: Ở đây cũng phải hiểu rằng, đưa lao động ra ngoài trại giam không có nghĩa là phạm nhân đó là hoàn toàn ra khỏi trại giam mà không phải thực hiện chế độ giam giữ ở trại giam nữa, mà vấn đề ở đây là tổ chức để quản lý phạm nhân đó ở ngoài trại giam thôi, nhưng họ vẫn đang thực hiện chế độ giam giữ tại trại giam.
Giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chỉ rõ về vấn đề lao động ngoài trại giam, khi xây dựng khung pháp lý đều đã có sự thống nhất giữa trại giam và doanh nghiệp; các quy định về điểm danh, giam giữ, gặp gỡ, tiếp xúc, thăm thân đều vẫn áp dụng theo quy định của trại giam; quy định rõ về tiêu chí sản xuất, lao động ngoài trại giam; có sự giám sát của các cơ quan chức năng, phù hợp với xu hướng xã hội hóa và công việc thi hành án trong tiến trình cải cách tư pháp.
Ngoài ra, về các nội dung khác mà đại biểu Quốc hội có đề cập, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý xác đáng, chi tiết, rõ ràng; phối hợp với các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện Dự luật.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội đã được ghi chép tổng hợp đầy đủ, trên cơ sở đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu, giải trình đồng thời chỉ đạo các cơ quan hữu quan chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận