Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
Trách nhiệm hình sự của hành vi vi phạm an toàn giao thông là hậu quả bất lợi mà người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự xâm phạm an toàn giao thông phải chịu theo quy định của BLHS.
Quy định của pháp luật
Hậu quả bất lợi về hình sự mà người thực hiện hành vi xâm phạm an toàn giao thông phải chịu bao gồm việc bị kết án (tuyên bố là phạm một tội cụ thể xâm phạm an toàn giao thông), áp dụng biện pháp trách nhiệm hình sự (hình phạt và biện pháp tư pháp).
Các tội phạm xâm phạm an toàn giao thông là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định tại các điều từ Điều 260 đến Điều 284 BLHS 2015, do người có năng lực trách nhiệm hình sự đạt độ tuổi do pháp luật quy định thực hiện một cách vô ý, xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không.
Trong đó, đối với các tội phạm sau đây, người thực hiện hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi gây ra một trong những hậu quả thiệt hại về thể chất hoặc vật chất do BLHS quy định: tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ; tội cản trở giao thông đường bộ; tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn; tội điều động người không đủ điều kiệnđiều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt; tội cản trở giao thông đường sắt; tội đưa vào sử dụng phương tiện, thiết bị giao thông đường sắt không bảo đảm an toàn; tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt; tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt; vi phaạm quy định ề điều khiển phương tiện giao thông đường thủy; tội cản trở giao thông đường thủy; tội đưa vào sử dụng giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn; tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy; tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy; tội cản trở giao thông đường không; tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông.
Theo quy định tại khoản 1 của các Điều 260, 261, 262, 263, 264, 267, 268, 269, 270, 271, 272, 273, 274, 275, 276, 278 và 281 BLHS 2015, thì một người thực hiện hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông chỉ bị coi là phạm một trong các tội nêu trên khi gây ra một trong những hậu quả thiệt hại sau đây: làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên; gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên.
Và theo quy định tại khoản 2 của các Điều 265, 266, 277, 279 và 280 BLHS 2015, thì những hậu quả thiệt hại sau đây bị coi là các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của: tội tổ chức đua xe trái phép; tội đua xe trái phép; tội vi phạm quy định về điều khiển tàu bay; tội đưa vào sử dụng tàu bay, thiết bị bảo đảm an toàn bay không bảo đảm an toàn và tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển tàu bay: làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Một số trường hợp có thể xảy ra trên thực tế
Với quy định nêu trên của BLHS 2015, thì có một số trường hợp có thể xảy ra trên thực tế:
Thứ nhất, là vi phạm quy định về an toàn giao thông làm chết 01 người và 01 người bị thương dưới 61%; Thứ hai, là vi phạm quy định về an toàn giao thông làm chết 01 người và thiệt hại về tài sản cho người khác dưới 100.000.000 đồng; Thứ ba, là vi phạm quy định về an toàn giao thông gây thiệt hại về tài sản cho người khác từ 100.000.000 đồng trở lên và gây tổn hại cho sức khỏe cho 01 người dưới 61%.
Trong các trường hợp nêu trên, Viện kiểm sát và Tòa án chỉ áp dụng điểm a (làm chết người) hoặc điểm d (gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên) khoản 1 của các Điều 260, 261, 262, 263, 264, 267, 268, 269, 270, 271, 272, 273, 274, 275, 276, 278 và 281 BLHS 2015 để truy tố và xét xử bị cáo về tội phạm tương ứng. Nghĩa là người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hậu quả làm chết 01 người hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên mà không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hậu quả làm 01 người bị thương dưới 61% và gây thiệt hại về tài sản dưới 100.000.000 đồng. Vậy thì việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị tổn hại về sức khỏe dưới 61% và thiệt hại về tài sản dưới 100.000.000 đồng thế nào? Họ tham gia tố tụng vụ án hình sự với tư cách gì? Hiện nay, có ý kiến cho rằng, trong các trường hợp nêu trên, người bị thương dưới 61% hoặc gây thiệt hại về tài sản dưới 100.000.000 đồng chỉ tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng và việc bồi thường thiệt hại được giải quyết theo thủ tục dân sự cho nên phải tách vụ án mà không xác định tư cách tố tụng của họ là người bị hại hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.
Chúng tôi cho rằng, để giải quyết đúng đắn vụ án này cần xuất phát từ mối quan hệ giữa hành vi phạm tội, cấu thành tội phạm (trong đó có cấu thành tội phạm và cấu thành định khung hình phạt), hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra và nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Theo đó:
- Hành vi phạm tội là biểu hiện ra bên ngoài hoạt động của con người do nhận thức chi phối và ý chí điều khiển xâm phạm quan hệ xã hội được pháp luật hình sự. Đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện (dưới dạng hành động hoặc không hành động) một cách có lỗi, xâm phạm (gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho) quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ;
- Cấu thành tội phạm là sự mô tả tội phạm trong luật hình sự[1]. Theo đó, cấu thành tội phạm là khái niệm pháp lý mô tả tội phạm, nhóm tội phạm hoặc một tội phạm cụ thể trong luật hình sự. Về ý nghĩa pháp lý, thì cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự, để định tội danh và định khung hình phạt. Cho nên, cấu thành tội phạm là những điều kiện cần và đủ để coi một hành vi nguy hiểm cho xã hội là tội phạm. Nghĩa là, một hành vi xã hội (hành vi xảy ra trong xã hội) chỉ bị coi là phạm một tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS khi hành vi đó có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm;
- Hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra là những biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, bao gồm: sự biến đổi tình trạng bình thường của thực thể tự nhiên của con người; sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng vật chất là khách thể của tội phạm; sự biến đổi xử sự của con người; sự biến đổi khác (như sự biến đổi từ tình trạng an toàn sang tình trạng mất an toàn của công trình, phương tiện…)[2]. Hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho quan hệ xã hội được thể hiện dưới dạng: thiệt hại về thể chất; thiệt hại về vật chất; thiệt hại về phi vật chất; và các biến đổi khác[3]. Hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra có thể được nêu hoặc mô tả trong cấu thành tội phạm. Theo đó, đối với các tội phạm có cấu thành vật chất thì hậu quả thiệt hại là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm nên được nêu hoặc mô tả trong cấu thành tội phạm. Còn đối với các tội phạm có cấu thành hình thức thì hậu quả thiệt hại không nhất thiết phải được nêu hay mô tả trong cấu thành tội phạm.
Ví dụ: tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức và theo quy định tại khoản 1 Điều 168 BLHS 2015, thì hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội cướp tài sản không được mô tả trong cấu thành tội cướp tài sản. Tuy không được mô tả trong cấu thành tội cướp tài sản nhưng cướp tài sản trị giá dưới 50.000.000 đồng cũng chỉ bị coi là phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều 168 BLHS 2015. Bởi lẽ, chỉ cướp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng trở lên mới bị xử phạt theo quy định tại các điểm tương ứng (điểm đ khoản 2, a khoản 3 và a khoản 4 Điều 168). Do vậy có thể hiểu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cướp tài sản trị giá dưới 50.000.000 đồng là có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 168 chứ hậu quả thiệt hại (giá trị tài sản bị cướp dưới 50.000.000 đồng) không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội cướp tài sản.
Theo quy định của BLHS, thì hầu như chỉ có hậu quả thiệt hại về thể chất (tính mạng, sức khỏe) và thiệt hại về vật chất là được nêu trong cấu thành tội phạm của các tội phạm có cấu thành vật chất và cấu thành định khung hình phạt của tất cả các tội phạm có cấu thành vật chất và nhiều tội phạm có cấu thành hình thức. Còn thiệt hại về phi vật chất và các biến đổi khác của đối tượng tác động của tội phạm hầu như không được nêu trong cấu thành tội phạm và cấu thành định khung hình phạt của tất cả các tội phạm [4].
Về mối quan hệ giữa hành vi phạm tội, cấu thành tội phạm (trong đó có cấu thành tội phạm và cấu thành định khung hình phạt), hậu quả thiệt hại và bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra thì:
- Hành vi phạm tội là hiện tượng xã hội cụ thể, tồn tại khách quan chứa đựng (và có nội hàm rộng hơn) hành vi khách quan của cấu thành tội phạm. Một hành vi phạm tội có thể chứa đựng (bao gồm) nhiều hơn một hành vi thuộc mặt khách quan của một cấu thành tội phạm. Cho nên, có thể có trường hợp một hành vi phạm tội cấu thành nhiều hơn một tội phạm cụ thể. Ví dụ: Hành vi giết người nhằm chiếm đoạt tài sản cấu thành tội giết người và tội cướp tài sản. Sự nhiều hơn một hành vi thuộc mặt khách quan của một cấu thành tội phạm còn được thể hiện bởi ngoài việc đủ điều kiện là hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành một tội phạm cụ thể, hành vi phạm tội còn thuộc một trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 52 BLHS 2015.
- Hậu quả thiệt hại do một hành vi phạm tội đã gây ra là những thiệt hại thực tế đã xảy ra. So với sự ghi nhận trong BLHS với nghĩa là một dấu hiệu của cấu thành tội phạm hoặc một tình tiết định khung hình phạt, thì hậu quả thiệt hại thực tế đã xảy ra có thể bao gồm những hậu quả thiệt hại đã được hoặc không được BLHS ghi nhận là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm hoặc tình tiết định khung hình phạt của một tội phạm cụ thể. Trong BLHS 1985 và BLHS 1999, hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra nếu không được ghi nhận là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm hoặc tình tiết định khung hình phạt của một tội phạm cụ thể thì được ghi nhận là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc hiệt nghiêm trọng). Do vậy, trường hợp phạm tội gây hậu quả thiệt hại nhưng hậu quả thiệt hại đó không được BLHS ghi nhận là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm hoặc tình tiết định khung hình phạt của một tội phạm cụ thể, thì Tòa án vẫn có thể áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để xử phạt nặng hơn đối với trường hợp không gây ra một trong những thiệt hại đó.
Ví dụ: Theo Thông tư số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVI “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật Hình sự năm 1999, trong trường hợp A trộm cắp một lô thuốc chữa bệnh cho gia súc trị giá 40 triệu đồng nên người chủ sở hữu lô thuốc đó không có thuốc để kịp thời chữa bệnh cho đàn gia súc dẫn đến đàn gia súc trị giá 100 triệu đồng bị chết, thì giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 40 triệu đồng và hậu quả thiệt hại là 100 triệu đồng[5]. Người phạm tội bị áp dụng khoản 1 Điều 138 (vì giá trị tài sản bị trộm cắp dưới 50 triệu đồng) và điểm k (gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng) khoản 1 Điều 48 (vì đàn gia súc trị giá 100 triệu đồng bị chết) Bộ luật Hình sự năm 1999[6]. Tuy nhiên, nếu hành vi nêu trên xảy ra sau khi BLHS 2015 có hiệu lực pháp luật, thì Tòa án không thể căn cứ vào quy định tại Điều 173 hoặc Điều 52 để xử phạt nặng hơn trường hợp nêu trên gây hậu quả thiệt hại là 100 triệu đồng mà chỉ có thể căn cứ vào Điều 50 BLHS để đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi trộm cắp là gây ra hậu quả thiệt hại là đàn gia súc trị giá 100 triệu đồng bị chết và quyết định hình phạt. Do vậy, rất cần hoàn thiện BLHS 2015 theo hướng bổ sung các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc hiệt nghiêm trọng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Hướng xử lý
Từ những vấn đề đã được đề cập, chúng tôi cho rằng, trong các trường hợp nêu trên, Tòa án phải:
- Thứ nhất, áp dụng điểm a hoặc điểm d khoản 1 của các Điều 260, 261, 262, 263, 264, 267, 268, 269, 270, 271, 272, 273, 274, 275, 276, 278 và 281 BLHS 2015 để truy tố và xét xử bị cáo về tội phạm tương ứng.
Ví dụ: Trường hợp vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ làm chết 01 người và 01 người bị thương dưới 61% hoặc gây thiệt hại về tài sản cho người khác dưới 100.000.000 đồng, thì Tòa án phải áp dụng điểm a (làm chết người) khoản 1 Điều 260 BLHS 2015 để xử phạt bị cáo về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ;
Trường hợp vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại về tài sản cho người khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng và gây tổn hại cho sức khỏe cho 01 người dưới 61%, thì Tòa án phải áp dụng điểm d (gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên) khoản 1 Điều 260 BLHS 2015 để xử phạt bị cáo về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
- Thứ hai, căn cứ vào Điều 50 BLHS 2015 để đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội. Theo đó, tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội thể hiện bởi ngoài việc gây hậu quả làm chết 01 người hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên, hành vi phạm tội còn gây hậu quả làm 01 người bị thương dưới 61% hoặc gây thiệt hại về tài sản dưới 100.000.000 đồng. Do vậy, mức án mà người phạm tội phải nặng hơn mức án đối với người phạm tội trong trường hợp chỉ làm chết 01 người hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên mà không kèm theo việc gây tổn hại cho sức khỏe cho 01 người dưới 61% hoặc gây thiệt hại về tài sản cho người khác dưới 100.000.000 đồng. Nghĩa là người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hậu quả làm 01 người bị thương dưới 61% và gây thiệt hại về tài sản dưới 100.000.000 đồng.
- Thứ ba, việc giải quyết hậu quả (bồi thường thiệt hại) do hành vi phạm tội gây ra được thực hiện đối với cả người bị chết, người bị gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên, người bị thương dưới 61% hoặc bị gây thiệt hại về tài sản dưới 100.000.000 đồng theo nguyên tắc việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự quy định tại Điều 30 BLTTHS 2015.
- Thứ tư, đại diện người bị chết tham gia tố tụng với tư cách là đại diện bị hại; người bị thương dưới 61% và người bị gây thiệt hại về tài sản (từ đủ 100.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 100.000.000 đồng) đều tham gia tố tụng với tư cách là bị hại trong vụ án hình sự. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 62 BLTTHS 2015, thì bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần hoặc tài sản do tội phạm gây ra.
[1] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự Việt Nam, Phần chung, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2020, tr.86.
[2] Trường Đại học Luật Hà Nội, Tlđd, tr.127-130.
[3] Trường Đại học Luật Hà Nội, TLđd, tr.131.
[4] Bởi lẽ, chỉ có một số ít tội phạm ghi nhận “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” là tình tiết định tội như quy định tại khoản 1 Điều 172, 173, 174, 178… của BLHS 2015.
[5] Tòa án nhân dân tối cao, Các văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành pháp luật, Hà Nội, 2005, tr.59.
[6] Tòa án nhân dân tối cao, Tlđd, tr.59.
Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Đồng Nai - Ảnh: TL
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận