Phạm vi xét xử phúc thẩm vụ án dân sự và thực tiễn xét xử tại Tòa án
Quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm vụ án dân sự theo pháp luật tố tụng dân sự tại Tòa án hiện nay có những bất cập. Thực tiễn công tác xét xử phúc thẩm khi xem xét, quyết định bản án sơ thẩm có kháng cáo theo trình tự thủ tục phúc thẩm tại Tòa án các cấp cho thấy còn có nhiều quan điểm khác nhau.
1. Quy định của pháp luật
Theo quy định tại khoản 6 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định nguyên tắc “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm”. Thực hiện chế độ hai cấp xét xử là một nguyên tắc xét xử của Tòa án thể hiện ở việc đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật và phải được thi hành.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, các cơ quan tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự, lao động, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình khi bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. BLTTDS năm 2015 đã quy định về thẩm quyền, tính chất của xét xử phúc thẩm, tại Điều 270 đã quy định: “Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.”.
Ngoài ra, để khắc phục tình trạng khiếu nại, tố cáo trong các vụ án dân sự, tránh trường hợp Tòa án xét xử oan, sai và vụ án bị kéo dài do bị hủy án phải xét xử sơ thẩm, phúc thẩm lại nhiều lần, BLTTDS năm 2015 đã bổ sung quy định Hội đồng giám đốc thẩm có quyền xem xét lại các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Thẩm quyền giám đốc thẩm được xác định bởi tính chất giám đốc thẩm và căn cứ vào cơ cấu hệ thống tổ chức của Tòa án. Theo quy định tại Điều 337 BLTTDS năm 2015 thì TANDTC, TANDCC mới có thẩm quyền “Giám đốc thẩm” các bản án, quyết định giải quyết vụ án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị. Việc cho phép Hội đồng giám đốc thẩm sửa án không vi phạm nguyên tắc Hiến định “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm” mà lại đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
2. Vướng mắc trong thực tiễn
Chúng tôi xin nêu một trường hợp có những quan điểm khác nhai trong giải quyết. Chị Đ.T.Đ và anh N.Đ.V đã ly hôn, theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và thỏa thuận của các đương sự số 06/2019/QĐST-HNGĐ ngày 28/01/2019 nhưng tài chung cũng như nghĩa vụ chung về tài sản thì không thỏa thuận được nên khởi kiện yêu cầu Tòa án thụ lý giải quyết phân chia tài sản chung; xác định nợ cũng như nghĩa vụ trả nợ chung.
Về trị giá còn lại của tài sản chung: Chị Đ và anh V, có khối tài sản chung như sau: Số tiền trên 143 triệu đồng đang được Ngân hàng NT tạm giữ (tiền còn dư do bán tài sản thế chấp) và số tiền được xác định bằng hiện vật là 343 triệu đồng. Tổng cộng là 487 triệu đồng.
Về nợ chung anh V và chị Đ còn nợ chung được xác định: Nợ chị V1 số tiền 488 triệu đồng; nợ ông B, bà T (bố, mẹ anh V) số tiền 200 triệu đồng; Nợ anh V2, chị S (em anh V) số tiền 100 triệu đồng; Nợ anh T số tiền 575 triệu đồng và nợ ông C, bà H (bố, mẹ chị Đ) số tiền 100 triệu đồng; Cộng: 1,46 tỷ đồng.
Tại bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 07/2021/HNGĐ-ST ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Tòa án nhân dân thị xã A, tỉnh G đã quyết định:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện “Chia tài sản sau khi ly hôn” của chị Đ. Xác định tài sản chung của anh V, chị Đ trị giá là 487 triệu đồng; Chia cho anh V được hưởng tương đương 70%, chia cho chị Đ được hưởng tương đương 30% trị giá tài sản chung.
2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện độc lập của ông C, bà H (bố mẹ chị Đ). Buộc chị Đ và anh V mỗi người trả ½ số tiền trên.
3. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện độc lập của chị V1, ông B; anh V2; anh T. Buộc bị đơn anh V phải trả nợ cho những người trên.
4. Không chấp nhận phần yêu cầu khởi kiện độc lập của chị V1, ông B, anh V2, anh T, về yêu cầu chị Đ có nghĩa vụ phải trả nợ cho những người trên.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên chi phí tố tụng, nghĩa vụ nộp án phí, quyền kháng cáo của các đương sự và nghĩa vụ thi hành án theo quy định của pháp luật
Sau khi nhận được bản án sơ thẩm chị Đ có kháng cáo về phần chia tài sản chung chị yêu cầu cấp phúc thẩm xét xử chia cho chị Đ với V mỗi người được nhận 50% khối tài sản chung.
Đối với anh V kháng cáo và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị V1; anh T; ông B, bà T, anh V2; chị S và bà H kháng cáo bản án sơ thẩm yêu cầu buộc anh V và chị Đ phải cùng có nghĩa vụ trả nợ cho Họ số tiền nêu trên.
Tại giai đoạn phúc thẩm đã xác định được anh V, chị Đ có nợ chung những người nêu trên. Trước khi bắt đầu phiên tòa phúc (giai đoạn cấp phúc thẩm đang thụ lý, giải quyết) chị Đ đã có văn bản rút kháng cáo, Thẩm phán đã ra thông báo rút kháng cáo phúc thẩm đối với chị Đ. (Khoản 3 Điều 284 BLTTDS).
Câu hỏi đặt ra ở đây là HĐXX phúc thẩm có quyền xem xét đến phần bản án sơ thẩm đối việc “Chia tài sản chung của anh V với chị Đ hay không ?”, trong khi đó phần chia tài sản chung của anh V với chị Đ được xác định đều có đóng góp công sức ngang nhau trong tạo lập khối tài sản chung vợ chồng và tài sản chung anh V với chị Đ được hình thành từ việc vay mượn của gia đình và những người thân trong gia đình, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm xét xử chia cho anh V được nhận 70%, chị Đ nhận 30 % là không đúng; Chị Đ với anh V không kháng cáo về nội dung này.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Theo quy định tại Điều 293 BLTTDS về phạm vi xét xử phúc thẩm thì “Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị.”. Trong vụ án trên do chị Đ và anh V không có kháng cáo và Viện kiểm sát không có kháng nghị về nội dung “Chia tài sản chung của anh V với chị Đ” nên Tòa án cấp phúc không xem xét về nội dung này. Mặc khác, chị Đ sau khi nhận bản án sơ thẩm thì chị Đ đã kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm xét xử về nội dung chia tài sản chung của anh V với chị Đ được nhận bằng nhau (50%), nhưng do chị Đ đã tự nguyện rút cáo kháng, Thẩm phán cấp phúc thẩm đã Thông báo về việc rút kháng cáo của chị Đ nên HĐXX phúc thẩm chỉ xem xét và sửa bản án sơ thẩm đối với nội dung về nghĩa vụ trả nợ chung đối số tiền nợ chung mà anh V với chị Đ phải trả.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Thống nhất như quan điểm thứ nhất theo quy định tại Điều 293 BLTTDS về phạm vi xét xử phúc thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị. Trong vụ án trên do cấp sơ thẩm có sai sót về nội dung và tố tụng như: Chưa xác minh, làm rõ về nguồn gốc hình thành tài sản và giải quyết chia tài sản chung theo quy định tại các điều 33, 39, 59 và Điều 60 của Luật Hôn nhân và gia đình, nhưng chia anh V được hưởng 70%, chị Đ được hưởng 30% đối với phần tài sản chung anh V, chị Đ là làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của các đương sự trong vụ án, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Do đó, căn cứ vào khoản 1 Điều 310 BLTTDS cần “Hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.”, đối với phần chia tài sản chung của anh V và chị Đ; Riêng phần nợ chung của chị Đ với anh Đ thì sửa bản án sơ thẩm.
Quan điểm thứ ba cho rằng: Sau khi nhận được bản án sơ thẩm chị Đ có kháng cáo về phần chia tài sản chung; Anh V kháng cáo về việc buộc chị Đ phải trả nợ chung khi Tòa án chia tài sản. Mặc dù, trước khi bắt đầu phiên tòa phúc chị Đ đã có văn bản rút kháng cáo, nhưng theo quy định tại Điều 293 BLTTDS về phạm vi xét xử phúc thẩm thì “Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo....” và theo tinh thần Điều 15 của Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của HĐTP TANDTC “Có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo: Là trường hợp việc giải quyết kháng cáo đối với phần này của bản án, quyết định sơ thẩm đòi hỏi phải xem xét, giải quyết đồng thời phần khác của bản án, quyết định sơ thẩm đó mặc dù phần này không bị kháng cáo”. Trong vụ án này ngay từ khi thụ lý sơ thẩm anh V với chị Đ đều có tranh chấp chia tài sản chung và nợ chung sau khi ly hôn. Do đó, cấp phúc thẩm sẽ xem xét lại toàn bộ nội dung của bản án sơ thẩm và căn cứ khoản 2 Điều 308; khoản 2 Điều 309 BLTTDS năm 2015: Sửa bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm về chia tài sản chung, nợ chung sau khi ly hôn.
3. Cần có hướng dẫn thống nhất
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc có cách hiểu khác nhau về phạm vi xét xử phúc thẩm theo quy định tại Điều 293 BLTTDS. Tuy nhiên, quan điểm của tác giả trong nội dung bài viết này là đồng ý với quan điểm thứ ba. Vì để đảm bảo quyền và lợi ích của các đương sự (Nguyên đơn, Bị đơn, người có quyền lợi ích vụ liên quan) theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nên trường hợp việc giải quyết vụ án tuy không có kháng cáo, kháng nghị đối với phần chia tài sản chung vợ chồng của bản án sơ thẩm nhưng khi giải quyết vụ án có liên quan đến những phần khác của bản án thì đòi hỏi phải xem xét, giải quyết đồng thời phần nợ chung của bản án sơ thẩm. Tránh trường hợp người nhận tài sản ít nhưng phải trả nợ nhiều, người nhận tài sản nhiều nhưng trả nợ ít; cũng như trốn tránh trách nhiệm trả nợ ... là không đảm bảo cho những người có quyền lợi nghĩa vụ có yêu cầu độc lập trong vụ án, cần áp dụng “lẽ công bằng” theo quy định tại Điều 6 BLDS năm 2015 để giải quyết các tranh chấp dân sự.
Ví dụ trong vụ án nêu trên đặt trường hợp chị Đ với anh V có tài sản chung nhiều hơn phần nợ chung, nhưng Tòa giao cho anh V được hưởng nhiều tài sản, còn chị Đ thì nhận ít tài sản thì chị Đ sẽ không có khả năng để thi hành án các khoản nợ mà anh V với chị Đ đã vay mượn chung. Mặc khác, nếu bản án sơ thẩm, phúc thẩm không xem xét, giải quyết triệt để các yêu cầu tranh chấp của đương sự trong vụ án thì dễ dẫn đến khiếu nại và bị kháng nghị theo tình tự thủ tục “Giám đốc thẩm”.
Do đó, nếu quy định Tòa án cấp phúc thẩm được sửa án sơ thẩm đối với các bản án, quyết định sơ thẩm có sai sót, dù không bị kháng cáo, kháng nghị thì không phải hủy án toàn bộ hoặc một phần bản án sơ thẩm để xét xử lại khiến vụ án kéo dài, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân, gây tốn kém, lãng phí ngân sách Nhà nước.
Trước đây Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của HĐTP TANDTC có hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011, nhưng Nghị quyết này tới thời điểm hiện nay hiệu lực thi hành không còn.
Để thực tiễn xét xử phúc thẩm đảm bảo, bảo vệ quyền và lợi ích của các đương sự trong tất cả các vụ án dân sự, lao động, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình thì Hội đồng thẩm phán TANDTC, các ngành Trung ương cần ban hành Nghị quyết, Thông tư liên tịch để hướng dẫn nội dung trên, thống nhất áp dụng pháp luật, tránh trường hợp có những Bản án, quyết định không đúng quy định pháp luật, gây bất lợi cho các đương sự trong vụ án và những người khác... có thể để lại hậu quả lớn, trốn tránh, gây khó khăn trách nhiệm trong công tác thi hành án dân sự sau này.
Trên đây là quan điểm của tác giả, mong được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đồng nghiệp và bạn đọc.
Phiên tòa xét xử vụ án dân sự của huyện Đak Pơ, Gia Lai - Ảnh: Nguyễn Thành Duy
Bài liên quan
-
Mức án cụ thể của 48 bị cáo kháng cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bảo đảm quyền kháng cáo của đương sự vắng mặt tại phiên tòa dân sự sơ thẩm trong trường hợp đương sự chết
sau thời điểm tuyên án nhưng còn trong thời hạn kháng cáo -
Kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự về kháng nghị tái thẩm
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng, tăng phụ cấp cho hội thẩm lên 900.000 đồng/ngày
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận