Bộ Ngoại giao thông tin về bảo hộ công dân Đoàn Thị Hương
Chiều 14/3, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ ngoại giao, các phóng viên đã đặt câu hỏi về các biện pháp của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo hộ công dân Đoàn Thị Hương.
Tại buổi họp báo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Trong những ngày qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp bảo hộ công dân, đảm bảo công bằng, quyền và lợi ích hợp pháp cho Đoàn Thị Hương. Chiều ngày 12/3/2019, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah; tiếp đó, ngày 13/3, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cũng có thư gửi Tổng Chưởng lý Malaysia Tommy Thomas; ngày 14/3/2019, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã gặp Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Zamruni Khalid, đề nghị phía Malaysia bảo đảm xét xử công bằng, khách quan, trả tự do cho công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương.
Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã thăm lãnh sự đối với Đoàn Thị Hương ngay sau phiên tòa ngày 11/3. Tại phiên tòa sáng nay, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Lê Quý Quỳnh cũng trực tiếp tham dự phiên tòa để kịp thời hỗ trợ công dân Đoàn Thị Hương khi cần thiết. Đại sứ Lê Quý Quỳnh đã gặp và thăm hỏi, động viên Đoàn Thị Hương ngay sau khi kết thúc phiên tòa.
Cần phải nói thêm rằng, ngay từ khi vụ việc xảy ra, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp xúc với công dân Đoàn Thị Hương và gia đình, giải thích, hỗ trợ pháp lý, tìm luật sư, tìm kiếm nhân chứng theo đúng quy định của pháp luật sở tại và thông lệ quốc tế. Đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia thường xuyên tiếp xúc với Đoàn Thị Hương và có mặt tại các phiên tòa, sẵn sàng hỗ trợ Đoàn Thị Hương khi cần thiết. Việt Nam cũng nhiều lần nêu vụ việc trong trao đổi các cấp kể cả cấp cao với Malaysia, đề nghị phía Malaysia xét xử công bằng, đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương.”.
Diễn biến vụ việc
Đoàn Thị Hương, sinh ngày 31/5/1988, trú quán tại thôn 3, xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. Hương bị coi là 1 trong 2 nữ nghi phạm trong vụ ám sát Kim jong nam tại Malaysia ngày 13 tháng 2 năm 2017.
Ngày 15 tháng 2, Đoàn Thị Hương bị bắt giữ tại sân bay Kuala Lumpur do bị nhận dạng dựa trên camera an ninh của sân bay trùng với một trong hai người phụ nữ đã tiếp cận ông Kim. Theo luật cô bị giữ 7 ngày để điều tra. Cô khai là không biết tên của nạn nhân, và cô tưởng đây là một trò đùa trên truyền hình. Sau khi hành động, cô không thấy những người bạn của mình và đã lên taxi rời khỏi sân bay.
Ngày 1 tháng 3, lúc 10h15 sáng (giờ Malaysia) tại phiên tòa luận tội, Tòa kết luận Đoàn Thị Hương đã phạm tội giết người và theo điều 302 bộ luật hình sự của Malaysia, tội này phải chịu án tử hình. Đoàn Thị Hương trả lời rõ ràng: “Tôi vô tội.”
Sau khi phiên tòa công bố cáo trạng kết thúc, Tòa công bố sẽ đưa vụ án ra xét xử vào ngày 13 tháng 4: “Chúng tôi cần thêm thời gian để thu thập tất cả các tài liệu cần thiết.”
Ngày 13 tháng 4, tại Tòa án Tối cao Sepang, Selangor, các công tố cho biết họ chưa có đủ tài liệu cần thiết và sẽ xử tiếp vào ngày 30 tháng 5.
Ngày 29 tháng 9 năm 2017, luật sư của Đoàn Thị Hương, ông Hisyam Teh thông báo Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah sẽ không nhận tội trước phiên tòa xét xử sẽ diễn ra vào ngày 2 tháng 10 và dự kiến kết thúc vào ngày 30 tháng 10.
Ngày 14 tháng 3 năm 2019, Tòa án Malaysia bác yêu cầu rút lại cáo trạng và trả tự do cho Đoàn Thị Hương. Đoàn Thị Hương là nghi phạm duy nhất còn phải ngồi tù, và sẽ tiếp tục ra tòa vào ngày 1 tháng 4 năm 2019.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
1 Bình luận
Tien Phan
21:25 26/12.2024Trả lời