Phát hiện nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng qua thanh tra đột xuất

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, căn cứ vào chỉ đạo của các cấp, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất có tính phức tạp, quy mô lớn, phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Chuyển hồ sơ nhiều vụ việc nghiêm trọng sang cơ quan điều tra để xử lý

Ngày 5/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Tham gia chất vấn, đại biểu Phạm Nam Tiến (Đoàn Đắk Nông) nêu rõ: “Hiện nay còn 40% đến 50% số tài sản chưa được thu hồi lại trong các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương chỉ đạo. Đề nghị Tổng Thanh tra cho biết giải pháp căn cơ nào đặt ra cho việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn? Bên cạnh đó, thời gian qua Thanh tra Chính phủ đã rất nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra còn ít so với tỷ lệ các vụ việc được phát hiện sau thanh tra. Đề nghị Tổng thanh tra cho biết nguyên nhân của vấn đề này?”.

Trả lời đại biểu Phạm Nam Tiến, Tổng Thanh tra Chính phủ chia sẻ đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn, vướng mắc, phức tạp. Thời gian qua, các cơ quan theo chức năng đã là thực hiện tốt những công việc về thu hồi tài sản tham nhũng và đạt tỷ lệ là năm sau cao hơn năm trước. Kết quả 9 tháng đầu năm thì thanh tra tiến hành đôn đốc 5.586 kết luận thanh tra, qua đó thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021, xử lý hơn 1.700 tổ chức và hơn 4.800 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng. Về thi hành án thì đã thi hành xong hơn 1.800 vụ việc với hơn 15.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 2.700 vụ với 43.000 tỷ đồng có điều kiện thi hành, tăng hơn 11.800 tỷ đồng và tăng 290% so với năm 2021.

Tuy nhiên, Tổng Thanh tra thừa nhận, tỷ lệ thu hồi tham nhũng vẫn còn thấp. Do đó, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tập trung thực hiện Chỉ thị 04 của Ban Bí thư, hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản nhũng.

Trong quá trình điều tra, thanh tra khi phát hiện dấu hiệu tội phạm phải chủ động có biện pháp ngăn chặn, kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo xử lý. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thu hồi tài sản, tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài. Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, nên tập trung ưu tiên xử lý kinh tế, không nên chuyển từ kinh tế sang hình sự. Đây là quan điểm chung của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những gì có thể xử lý được về mặt kinh tế thì xử lý kinh tế và không hình sự hóa.

Trả lời đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) về việc chỉ đạo thanh tra đột xuất, phòng chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, căn cứ vào chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian vừa qua đã có nhiều cuộc thanh tra đột xuất có tính phức tạp, quy mô lớn; từ đó phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Trong quá trình thanh tra đã phát hiện, kiến nghị, chuyển hồ sơ nhiều vụ việc nghiêm trọng sang cơ quan điều tra để xử lý và đồng thời chuyển nội dung sai phạm của cán bộ, đảng viên sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền, góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. “Các cuộc thanh tra đột xuất này đều được tiến hành với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao nhất để kết luận và báo cáo Ban Chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Đề cao trách nhiệm, ngăn chặn vi phạm đạo đức công vụ của đoàn thanh tra

Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ đánh giá về số lượng, chất lượng và đạo đức công vụ của lực lượng thanh tra?

Trả lời, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, hoạt động thanh tra còn gặp khó khăn khi cán bộ ít. “Thanh tra Chính phủ chỉ có 408 cán bộ công chức, trong đó công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng chỉ hơn 200 người nên rất khó khăn trong hoàn thành yêu cầu nhiệm vụ”, ông Đoàn Hồng Phong nói.

Tổng Thanh tra cũng nhấn mạnh, cán bộ, công chức ngành thanh tra cơ bản đã chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước về đạo đức công vụ. Tuy nhiên, theo ông, còn có trường hợp chưa chấp hành, vi phạm, điển hình là vụ việc Thanh tra Bộ Xây dựng ở Vĩnh Phúc… Đặc biệt vừa qua, trên cơ sở giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 45, trong đó có quy định những điều nghiêm cấm như cán bộ thanh tra không được nhận tiền, quà của đối tượng thanh tra, không được giao lưu dưới bất kỳ hình thức nào với đối tượng thanh tra; không được bỏ lọt vi phạm phải chuyển cơ quan điều tra.

Tổng Thanh tra Chính phủ thông tin thêm: Tới đây sẽ có quy chế tổ chức hoạt động các đoàn thanh tra để nêu cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, ngăn chặn những sai phạm đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành thanh tra, các thành viên trong các đoàn thanh tra. Đồng thời người đứng đầu ngành Thanh tra cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội, cũng như cử tri cả nước giám sát cán bộ ở các đoàn thanh tra khi làm ở các bộ, ngành, địa phương. “Nếu phát hiện sai phạm theo điều cấm thì chúng tôi sẽ xử lý theo quy định”, Tổng Thanh tra khẳng định.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn TP Hà Nội): “Với trách nhiệm của mình là người đứng đầu thì Tổng Thanh tra Chính phủ đã triển khai những nội dung gì liên quan đến trách nhiệm nêu gương của mình trong hệ thống thanh tra?, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, bản thân luôn luôn có tinh thần thực hiện trách nhiệm nêu gương theo tất cả các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước quy định. Gương mẫu từ việc lãnh đạo, chỉ đạo, trực tiếp thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi xem xét các vấn đề trọng trách.

“Đối với phòng, chống tham nhũng, tôi luôn lãnh đạo, chỉ đạo, yêu cầu cán bộ, Đảng viên và nhất là đối với cán bộ, đảng viên làm trực tiếp công tác thanh tra phải thực hiện đầy đủ những điều Đảng viên không được làm và thực hiện đầy đủ những quy định như Nghị quyết 45 và tới đây là quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động của thanh tra, làm tất cả những gì để có thể làm gương và tạo khí thế, động lực cho cán bộ trong ngành nói chung cũng như Thanh tra Chính phủ nói riêng”, Tổng Thanh tra khẳng định.

Liên quan đến chất vấn của các đại biểu về kết quả xử lý sau thanh tra với tập thể, cá nhân, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: Trong kết quả 9 tháng đầu năm đối với xử lý cán bộ của toàn ngành thì đã xử lý 1.714 tổ chức và 4.988 cá nhân và trong quá trình chuyển cơ quan điều tra là 76 vụ, 93 đối tượng. Người đứng đầu ngành Thanh tra thừa nhận, việc xử lý sau thanh tra còn có những hạn chế và trong thời gian tới sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo làm sao đẩy nhanh thực hiện đúng theo các kết luận của thanh tra, kể cả Thanh tra Chính phủ cũng như thanh tra các địa phương.

Nguyên nhân là theo Luật Cán bộ công chức, thẩm quyền kỷ luật cán bộ công chức do người đứng đầu quản lý tiến hành theo phân cấp và thông qua hội đồng kỷ luật. Cơ quan thanh tra không có quyền xử lý, mà chỉ kiến nghị. Như vậy có sự khác nhau về chế tài giữa xử lý kỷ luật Đảng. Khi phát hiện sai phạm, Uỷ ban Kiểm tra có thể thực hiện ngay quy trình xử lý cán bộ, còn thanh tra phải kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền xử lý. Bên cạnh đó, còn quy định khác nhau về thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng và hành chính. Vì thế, có trường hợp đề nghị kỷ luật Đảng khi xem xét thì thời hiệu xử lý hành chính đã hết.

 

Theo dangconsan.vn

VY ANH