Phát huy truyền thống 65 năm, Tạp chí Tòa án nhân dân góp phần xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân ngày càng vững mạnh và phát triển
Ngày 14/01/1954, tờ Nội san Tư pháp, tiền thân của Tạp chí Tòa án nhân dân ngày nay, ra đời. Sau 65 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự trưởng thành và lớn mạnh của toàn hệ thống Tòa án nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao phó. Nhân ngày kỷ niệm đặc biệt này, PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã có bài viết nhìn lại quá trình phát triển của Tạp chí và những chỉ đạo định hướng trong thời gian tới, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.
Đặt vấn đề
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng báo chí và những người làm báo. Theo quan điểm của Người, báo chí là một bộ phận quan trọng của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho dân tộc cũng như xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân ta, đất nước ta. Trong thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng (tháng 5/1949), Người đã nêu rõ: Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện giáo dục, và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Theo Hồ Chủ tịch thì, mục đích chung của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hòa bình thế giới [1] . Trong bài nói chuyện của mình tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8/9/1962, Người căn dặn: “Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Người cũng đã chỉ rõ “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới.”[2] ; “Báo chí của ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ…” [3]. Tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là, báo chí có vai trò quan trọng không thể thay thế trong việc tuyên truyền xây dựng đảng, báo chí đảm nhiệm hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động, huấn luyện giáo dục và chính người làm báo cũng là chiến sĩ cách mạng và vũ khí sắc bén của họ là cây bút, trang giấy. Lịch sử đã chứng minh về hiệu lực và hiệu quả của báo chí Việt Nam được thể hiện và phát huy khi thực sự trở thành mắt xích của sự nghiệp cách mạng của Đảng. Báo chí của chúng ta đã thực sự bảo vệ chính nghĩa, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Điều này đã trở thành chân lý, có giá trị trường tồn trong các giai đoạn lịch sử khác nhau của dân tộc, đối với tất cả các cơ quan báo chí thuộc các ngành, các cấp, các địa phương trong cả nước ta…
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền chụp ảnh lưu niệm với Tập thể Tạp chí Tòa án nhân dân năm 2016.
Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Tạp chí Tòa án nhân dân cũng đã góp phần cùng với các cơ quan báo chí khác của Việt Nam tuyên truyền sâu rộng pháp luật cho nhân dân, là “hành trang” cho những người làm công tác xét xử trong và ngoài hệ thống Tòa án vận dụng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chân lý, là nguồn tư liệu, đồng thời, là diễn đàn để các nhà khoa học nghiên cứu lý luận, cùng đội ngũ cán bộ làm công tác thực tiễn có thể nghiên cứu và trao đổi các kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng nhằm góp phần kịp thời và có hiệu quả cho công tác xét xử của Tòa án góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người…
Trải qua 65 năm, với nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, Tạp chí Tòa án nhân dân luôn bám sát thực tiễn xét xử, nhiệm vụ công tác, cũng như các mặt hoạt động khác của hệ thống TAND để tuyên truyền, trao đổi đầy đủ, nhanh chóng và cung cấp kịp thời các thông tin cần thiết nhằm đảm bảo tối ưu cho hoạt động xét xử, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua từng thời kỳ cách mạng.
Có thể khẳng định rằng, Tạp chí Tòa án nhân dân đã cùng tiến bước trên chặng đường dài của lịch sử dân tộc, Tạp chí Tòa án nhân dân đã luôn đứng vững và phát triển, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự trưởng thành và lớn mạnh của toàn hệ thống Tòa án nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao phó, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chính nghĩa, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng như Bác Hồ hằng mong muốn…
1.Quá trình trưởng thành và lớn mạnh của Tạp chí Tòa án nhân dân trong 65 năm qua
Nhìn lại 65 năm qua để thấy được hành trình phát triển của Tạp chí Tòa án nhân dân đầy thử thách khó khăn, nhưng cũng đã trưởng thành, lớn mạnh. Ngày 14/01/1954, tờ Nội san tư pháp (tiền thân của Tạp chí Tòa án nhân dân ngày nay) ra đời, với vai trò chỉ là bản tin nội bộ. Quy mô hoạt động nhỏ lẻ, việc in ấn và phát hành thô sơ, hạn hẹp, kỳ xuất bản không ổn định ( lúc thì 2 tháng ra một số, thậm chí 3 tháng mới ra một số; số trang in không ổn định, lúc 31 trang, lúc lại 32; …). Cho đến nay, công tác biên tập, in ấn, phát hành đã mở rộng và phát triển mạnh mẽ: Mấy chục năm trở lại đây, (đặc biệt là từ 2004 đến nay), Tạp chí đã xuất bản đều đặn duy trì cả số trang và số kỳ xuất bản. Số lượng phát hành đạt 192.000 bản trong một năm. Tạp chí Tòa án nhân dân có đội ngũ cộng tác viên nhiệt tình và đông đảo, luôn đồng hành cùng đơn vị trên mọi chặng đường phát triển. Đội ngũ này đã đóng góp nhiều ý kiến chân thành, thẳng thắn, góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới và phát triển của đơn vị. Tạp chí Tòa án nhân dân đã luôn chú trọng đến việc đổi mới không chỉ hình thức mà đặc biệt quan tâm đến nội dung truyền tải (kịp thời xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, bám sát vào các vấn đề vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật; đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm của toàn hệ thống Tòa án nhân dân qua từng thời kỳ).
Tạp chí Tòa án nhân dân đã có những đột phá trong cải tiến về nội dung, chuyên mục, đưa tin tuyên truyền, tập trung thông tin những vấn đề quan trọng, liên quan đến việc triển khai thực hiện những quy định mới của các Bộ luật, đạo luật mới được Quốc hội thông qua. Trong những năm qua, Tạp chí Tòa án nhân dân đã có những cải tiến, đổi mới trong việc xây dựng các chuyên mục, chuyên trang bám sát các vấn đề vướng mắc, bất cập trong quá trìnháp dụng pháp luật, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm của toàn hệ thống Tòa án nhân dân. (ngoài các chuyên mục “Nghiên cứu”, “Diễn đàn”, “Bình luận”, “Pháp luật thực tiễn” , “ Trao đổi ý kiến “, “ Tham khảo” ,“ Triển khai thi hành Hiến pháp”; “ Góp ý sửa đổi Bộ luật…” tập trung vào những vấn đề sửa đổi, bổ sung các Luật, Bộ luật, các vấn đề vướng mắc trong áp dụng pháp luật vào công tác xét xử; các đồng chí còn xây dựng được các chuyên mục mới, có hiệu quả trong việc tuyên truyền cho các nhiệm vụ trọng tâm của Tòa án nhân dân như: “Xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân”; Thông tin hoạt động của Tòa án”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” …
Bên cạnh việc phản ánh những vướng mắc, bất cập của pháp luật và quá trình áp dụng pháp luật cũng như các nhiệm vụ của Tòa án nhân dân, Tạp chí Tòa án nhân dân còn có nhiều đóng góp trong hoạt động nghiên cứu khoa học, áp dụng pháp luật có hiệu quả, thiết thực trong các giai đoạn phát triển của hệ thống Tòa án nhân dân thông qua xuất bản các cuốn sách và các loại chuyên đề khác nhau. Những ấn phẩm này đã giúp cho bạn đọc trong và ngoài ngành có thêm nguồn tư liệu quan trọng trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật tốt hơn, đồng thời, có cái nhìn đầy đủ, toàn diện, chính xác và sâu sắc hơn về hoạt động của Tòa án. Có thể điểm qua một số các chuyên đề mà Tạp chí đã biên soạn và xuất bản như: Các chuyên đề về dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình, phá sản, tuyển tập bản án, quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; “Tòa án quân sự trung ương 70 năm xây dựng và trưởng thành” và “ Tòa án nhân dân – 70 năm một chặng đường phát triển”; “Các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ”;“Hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân” và gần đây nhất là chuyên đề về “Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán”. Cùng với các số chuyên đề, các đồng chí còn xuất bản nhiều cuốn sách quan trọng, có giá trị ứng dụng thiết thực như :“So sánh Bộ luật Hình sự năm 1999 với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)… Tất cả các tài liệu này đều được lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao qua các thời kỳ cũng như bạn đọc trong và ngoài hệ thống ghi nhận và đánh giá cao.
Tạp chí Tòa án nhân dân đã lớn mạnh cả về tổ chức và hoạt động. Từ buổi sơ khai và quá nửa chặng đường phát triển, đơn vị hoạt động trong phạm vi đơn vị cấp phòng. Đến năm 1990, ghi dấu ấn đặc biệt quan trọng đối với đơn vị, đó là, đơn vị được hoạt động như một vụ, có Tổng biên tập, có tài khoản và con dấu riêng. Và cho đến thời điểm hiện nay, mặc dù lượng cán bộ, biên tập viên, nhân viên còn rất khiêm tốn, nhưng cũng đã có bộ máy hoàn thiện cơ bản: Có Tổng biên tập, các Phó Tổng biên tập, các Ban độc lập với các Trưởng phó ban; đặc biệt là có Hội đồng biên tập. Bộ máy hoạt động theo Quy chế và Tổ chức hoạt động được lãnh đạo Tòa án tối cao phê duyệt… Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xã hội hóa thông tin như hiện nay, để đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng và đảm bảo truyền tải thông tin nhanh chóng, kịp thời những vấn đề thời sự của đất nước, những vấn đề pháp luật được dư luận quan tâm, tháng 9/2017, Tạp chí TAND điện tử thuộc Tạp chí TAND đã được thành lập. Đây là sự kiện quan trọng đánh giá sự trưởng thành, bắt kịp xu hướng báo chí của đơn vị Tạp chí Tòa án nhân dân. Bằng kênh thông tin này, nhiều bài viết về hệ thống TAND có ý nghĩa và sức lan tỏa rộng lớn, được nhiều bạn đọc quan tâm và đánh giá cao, số lượng người truy cập lên đến hàng vạn người…
Bên cạnh những thành tích đặc biệt mà các đồng chí đã đạt được thì cũng còn những bất cập đang tồn tại cần sớm được tháo gỡ. Mặc dù hiện nay, số lượng phát hành của tờ tạp chí giấy và lượng truy cập với điện tử tương đối ổn định, nhưng chưa thực sự xứng tầm. Trong xu thế báo chí truyền thông phát triển nhanh như hiện nay, thì rất cần sớm đổi mới toàn diện từ việc in ấn, biên tập, phương thức phát hành…
2.Những thành tích đáng ghi nhận của Tạp chí Tòa án nhân dân trong 65 năm qua
Trong suốt quá trình phát triển, Tạp chí đã có những đóng góp quan trọng phục vụ hoạt động của hệ thống TAND nói riêng và sự nghiệp cách mạng của đất nước, dân tộc nói chung. Với những thành quả công tác nêu trên, nên liên tục trong nhiều năm, đơn vị đã được công nhận là “Tập thể lao động xuất sắc”. Tập thể Tạp chí TAND không chỉ được lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao mà còn được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghi nhận, khen thưởng bằng các hình thức khác nhau. Ngày 30/9/1984, Tập san TAND vinh dự được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Trong các năm 2014 và 2018, Tạp chí Tòa án nhân dân đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng “Bằng khen” vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Sự kiện trọng đại này đã đánh dấu mốc son lịch sử, là niềm vinh dự tự hào cho cả chặng đường phát triển của đơn vị. Có thể thấy, với chặng đường lịch sử vẻ vang của mình, 65 năm qua, Tạp chí TAND ngày càng góp phần quan trọng trong việc xây dựng hệ thống TAND lớn mạnh như ngày nay. Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao luôn ghi nhận sự những đóng góp và cống hiến của các đồng chí.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua để thấy tự hào về những thành tích mà các đồng chí đã đạt được, nhưng cũng là dịp để nhìn nhận lại những gì mà đơn vị còn hạn chế, khuyết thiếu. Tôi mong muốn và hy vọng rằng, các tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động công tác tại Tạp chí TAND sẽ nỗ lực hơn, quyết tâm hơn để ghi tiếp những trang sử mới cho truyền thống tốt đẹp của hệ thống Tòa án nói chung và Tạp chí TAND nói riêng trong những năm tới đây.
3.Định hướng trong thời gian tới
Là một đơn vị báo chí trong hệ thống các cơ quan báo chí Việt Nam, nhưng với vai trò là cơ quan thông tin pháp lý và các hoạt động của TAND tối cao và các Tòa án khác; là diễn đàn khoa học pháp lý, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, lý luận về giải quyết, xét xử các vụ việc, tổ chức, hoạt động của TAND và bình luận án lệ; nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong công tác xây dựng các TAND trong sạch, vững mạnh; xây dựng phong trào thi đua yêu nước trong các TAND… trong những năm qua, Tạp chí Tòa án nhân dân đã luôn nghiêm túc triển khai các Nghị quyết Trung ương về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí; Kế hoạch số 38- KH/CCTP ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương về đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp. Trong nhiều năm qua, Tạp chí thực sự là diễn đàn khoa học, tham gia đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật; xây dựng thể chế… nên chất lượng công tác tuyên truyền luôn được đẩy mạnh; hiệu quả và chất lượng thông tin cao, do đó, đảm bảo phục vụ rất tốt mọi mặt hoạt động của Tòa án. Hiệu ứng của công tác tuyên truyền đã lan tỏa đến toàn thể các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong cả nước, góp phần quan trọng trong việc giúp cho mọi người dân trong xã hội có cái nhìn sâu sắc và đầy đủ hơn về những đóng góp quan trọng của Tòa án nhân dân đối với công cuộc đổi mới của đất nước nói chung, công cuộc cải cách tư pháp nói riêng. Do đó, có rất nhiều người cập nhật, tìm hiểu về hiệu quả công tác của Tòa án trong các hoạt động khác nhau, bao gồm: Triển khai việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội tại Tòa án nhân dân thông qua quá trình thực hiện nhiệm vụ xét xử các loại vụ án; Xây dựng và triển khai những đề án đổi mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân trong quá trình thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quá trình triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 và các Luật và Bộ luật tố tụng ; xây dựng các phong trào thi đua và các gương điển hình tiên tiến…. Những kết quả đạt được của hệ thống Tòa án đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; đảm bảo môi trường chính trị ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, tạo thế và lực cho sự phát triển bền vững của Tòa án trong những năm qua và các giai đoạn tiếp theo.
Thời gian tới, nhiệm vụ cải cách tư pháp của Tòa án sẽ tập trung khẩn trương hơn, cao độ hơn. Cùng với đó là công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng tiếp tục được tăng cường, kỷ cương kỷ luật trong thực thi công vụ, chất lượng hiệu quả của công tác xét xử được nâng lên để đáp ứng yêu cầu của xã hội. Tất cả những điều này không chỉ đặt ra yêu cầu mà còn tác động sâu, rộng tới mọi mặt hoạt động của Tòa án. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là, Tạp chí TAND cần phải nỗ lực hết mình để bắt kịp tiến trình chung của toàn hệ thống. Các đồng chí cần phát huy nội lực, đẩy mạnh đổi mới công tác tuyên truyền, nghiên cứu, trao đổi, nhằm góp phần xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân ngày một vững mạnh, phát triển. Theo đó, trong thời gian tới, các đồng chí cần phải tập trung để triển khai một số nội dung sau đây:
Một là: Tạp chí phải tích cực nghiên cứu, giới thiệu các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, pháp luật của Nhà nước, nhất là vấn đề liên quan đến cải cách tư pháp và hoạt động xét xử để giúp cho việc nghiên cứu, áp dụng của đội ngũ thẩm phán, thẩm tra viên và các chức danh tư pháp trong và ngoài hệ thống Tòa án.
Hai là: Đảm bảo thực hiện tốt nhất chức năng là diễn đàn trao đổi kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm thực tiễn, tổng kết xét xử, giải đáp nghiệp vụ, giới thiệu các giải pháp hữu ích và các phiên tòa rút kinh nghiệm.
Ba là: Tuyên truyền nhanh chóng, đầy đủ và kịp thời mọi mặt hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân, góp phần quảng bá vị thế, hình ảnh của Tòa án nhân dân trong tiến trình cải cách tư pháp và thực hiện quyền tư pháp của Tòa án.
Bốn là: Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, ban biên tập, phóng viên, cộng tác viên có trách nhiệm, tâm huyết, chuyên nghiệp, sắc sảo, nhạy bén, trung thực, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong tình hình mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong xu thế hoạt động báo chí phát triển nhanh và mạnh, để giữ vững vị thế và bản sắc của mình, toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của Tạp chí cần phát huy truyền thống tốt đẹp 65 năm qua, nêu cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, đoàn kết, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, sáng kiến… nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Tòa án nhân dân tối cao đã tin tưởng giao phó. Hiệu quả công tác tuyên truyền càng cao, thì sẽ đóng góp nhiều hơn vào việc nâng cao vị thể cho Tòa án nhân dân, đặc biệt trong việc triển khai thực hiện quyền tư pháp, hoàn thành sứ mệnh bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…, trên cơ sở đó, góp phần quan trọng và tích cực hơn trong việc xây dựng và củng cố Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
[1]Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 423
[2]Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 422
[3]Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 423
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận