Phong tục đón năm mới trên thế giới có gì thú vị?
Năm mới, với mọi người ở các nước khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Không phải năm mới ở đâu cũng phảng phất hương vị cây thông và tuyết trắng. Ở mỗi nước khác nhau có những cách chào đón năm mới theo các phong tục truyền thống riêng. Có bao nhiêu dân tộc là có bấy nhiêu phong tục năm mới, từ ngắm pháo hoa đến thưởng thức các món ăn đặc biệt.
Úc: Năm mới là vào ngày 1/1 hàng năm. Đây là một ngày lễ của cả nước. Mọi người thường đi dã ngoại và cắm trại trên biển. Vào ngày cuối cùng trong năm, tiệc mừng năm mới thường tổ chức. Đến thời khắc giao thừa, người dân Úc sẽ khuấy động không gian bằng tiếng huýt sáo, lục lạc, còi xe và đổ chuông nhà thờ nhằm chào đón năm mới.
Đan Mạch: Người Đan Mạch tin rằng, trong những ngày đầu tiên của năm, nếu trước cửa nhà có thật nhiều dĩa bể thì đó sẽ là một dấu hiệu tốt cho gia đình. Những chiếc dĩa cũ được để dành trong cả năm để chờ quăng chúng ra trước nhà của bạn bè trong đêm giao thừa. Nếu trước nhà ai đó có càng nhiều dĩa bể, có nghĩa là nhà họ có rất nhiều bạn bè.
Áo: Người dân Áo gọi đêm giao thừa là Sylverterabend, tức Đêm của Thánh Sylvester. Vào ngày này, tiệc rượu ăn mừng thường được tổ chức. Đồ trang trí và rượu sâm panh là phần không thể thiếu của buổi tiệc. Khi thời khắc giao thừa đến, tiếng kèn trumpet sẽ vang lên từ các nhà thờ và lúc này mọi người sẽ hôn nhau mừng năm mới đến.
Bỉ: Đêm giao thừa ở Bỉ được gọi là Sint Sylvester Vooranvond hay Đêm Thánh Sylvester. Ở đây, người ta cũng tổ chức tiệc ăn mừng và khi giao thừa, họ sẽ hôn nhau và gửi đến nhau những lời chúc may mắn. Ngày đầu tiên của năm mới được gọi là Nieuwjaarrsdag. Vào ngày này, trẻ em sẽ dùng những mảnh giấy được trang trí đẹp mắt để viết thư gửi cho cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu, sau đó đọc những lá thư này.
Anh Quốc: Anh Quốc cũng có tập tục xông đất cho năm mới. Người Anh tin rằng, sau đêm giao thừa, vị khách nam đầu tiên đến thăm nhà sẽ đem lại may mắn cho gia chủ. Khi đến thăm, người khách này sẽ mang kèm một món quà như tiền, bánh mì hoặc than đá nhằm chúc gia chủ sẽ đủ đầy những món này trong suốt năm.
Tuy nhiên, người Anh rất kiêng kỵ những người có tóc vàng hoặc đỏ hoặc là phụ nữ đến xông đất bởi họ tin rằng những người này sẽ mang đến sự xui xẻo. Tại London, người dân thường tập trung quanh quảng trường Trafalgar Square và Piccadilly Circus để chờ đón tiếng chuông ngân từ tháp đồng hồ Big Ben mừng năm mới đến.
Pháp: Người Pháp gọi năm mới là Jour des Etrennes, tức món quà ngày đầu năm. Để mừng năm mới, mọi người trong gia đình thường tề tựu, tổ chức tiệc mừng và tặng quà cho nhau.
Đức: Chì nung chảy được thả vào nước sẽ tạo thành những hình dạng khác nhau, người ta dựa theo những hình dạng đó để đoán biết tương lai bản thân. Vào đêm giao thừa, khi ăn xong mọi người sẽ chừa lại một ít thức ăn trên đĩa và để đến sau nửa đêm. Đây là một cách cầu chúc cho sự ấm no trong năm mới.
Hy Lạp: Ngày 1/1 hàng năm là một ngày rất quan trọng đối với người dân Hy Lạp. Đây là ngày Thánh Basil và cũng là ngày đầu năm mới. Thánh Basil là một vị thánh rất tốt với trẻ em. Người thường xuất hiện vào ban đêm và để lại quà tặng cho trẻ em trong những đôi giày của chúng. Vào ngày Thánh Basil, mọi người quây quần bên nhau, dùng bữa và trao cho nhau những món quà yêu thương.
Hungary: Ở Hungary, người dân thường chào đón năm mới bằng cách đốt hình nộm hay còn gọi là vật tế thần mang tên “Jack Straw”. Hình nộm này tượng trưng cho những điều xấu xa và xui xẻo của năm cũ và việc đốt hình nộm mang ý nghĩa xua tan những điều không may và chào đón may mắn đến trong năm mới.
Ấn Độ: Người Ấn Độ chào đón năm mới bằng lễ hội ánh sáng Diwali. Mọi người sẽ tặng thiệp và quà cho nhau. Đồng thời, họ cũng sẽ cố gắng hoàn thành tất cả mọi việc trước thời điểm giao thừa.
Ba Lan: Đêm giao thừa còn được gọi là Đêm của Thánh Sylvester nhằm tưởng nhớ Đức giáo hoàng Sylvester I. Truyền thuyết kể rằng người đã làm thất bại âm mưu phá hủy thế giới của một con rồng hung ác vào năm 1000.
Ecuador: Quốc gia ở Nam Mỹ này có lễ hội Ano Viejo được tổ chức bằng cách tạo ra những hình nộm được trang trí sao cho giống hệt với người thật bằng giấy báo cũ và pháo nổ. Người ta đặt hình nộm ở bên ngoài nhà mình. Họ cho rằng hình nộm đại diện cho những chuyện xảy ra trong năm qua. Tại lúc giao thừa, mỗi gia đình sẽ đốt hình nộm. Pháo, giấy báo cũ sẽ cháy mang theo những điều không vui của năm cũ và đón năm mới về.
Hà Lan: Để mừng năm mới, người Hà Lan thường đốt cây thông Noel trên đường để làm hiệu và đốt pháo hoa.
Bồ Đào Nha: Vào đêm giao thừa, người Bồ Đào Nha sẽ chọn và ăn 12 trái nho từ một chùm nho khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm. 12 trái nho tượng trưng cho 12 tháng hạnh phúc trong năm mới.
Xứ Wales: Khoảng 3 - 4 giờ sáng ngày đầu năm mới, các bé trai trong làng sẽ cầm theo những nhánh cây thường xanh đi khắp các nhà rắc lên những người mà họ gặp và rắc vào từng phòng của mỗi nhà nhằm đem lại sự may mắn trong năm mới. Vào ngày này, trẻ em đi khắp làng ca hát và sẽ được thưởng tiền và bánh kẹo.
Nga: Grandfather Frost, người mặc bộ đồ xanh khác màu với đồ của ông già Noel, sẽ xuất hiện trong đêm giao thừa với một túi đầy đồ chơi cho trẻ em.
Scotland: Ở Scotland, đêm giao thừa còn được gọi là Đêm của Nến. Để chuẩn bị cho năm mới, mọi người thường dọn dẹp nhà cửa và thanh lọc nhà bằng nghi lễ đốt nhánh cây bách xù và đem xông khắp nhà. Người Scotland cũng có tập tục xông đất đầu năm. Người xông đất là người đầu tiên đặt chân vào trong nhà vào ngày đầu năm. Người này sẽ đem đến điềm may cho gia chủ trong năm mới.
Nam Phi: Năm mới sẽ được chào đón bằng tiếng chuông nhà thờ reo vang và tiếng súng nổ. Vào ngày đầu năm mới, khắp nơi đều tưng bừng không khí lễ hội.
Nam Mỹ: Người dân sẽ đặt trước nhà một con bù nhìn và đốt nó vào lúc giao thừa.
Tây Ban Nha: Tất cả mọi thứ kể cả những tác phẩm kịch nghệ và phim ảnh đều ngừng hoạt động vào đêm giao thừa. Khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm, mọi người sẽ ăn 12 trái nho. Mỗi trái nho như là lệ phí để trả cho sự may mắn trong 12 tháng trong năm mới. Đôi lúc, nho còn được nhâm nhi cùng với rượu vang.
Mỹ: Người dân chào đón năm mới bằng những bữa ăn và tiệc tùng nhảy múa. Trong thời khắc giao thừa, mọi người sẽ trao nhau nụ hôn và chúc nhau “Năm mới vui vẻ”.
Nhật: Năm mới ở Nhật được gọi là Oshogatsu, đây là dịp để tổ chức các lễ hội tưng bừng và vào thời điểm này các doanh nghiệp đều nghỉ lễ. Người Nhật trang hoàng cửa chính của ngôi nhà bằng những nhành lá thông hoặc tre và các sợi dây. Họ tin rằng những thứ này mang lại cho họ sức khỏe, cuộc sống cao niên và xua đuổi những linh hồn quỷ dữ.
Dây thừng là biểu trưng cho niềm hạnh phúc và sự may mắn. Trẻ em được nhận otoshidamas - tiền mừng tuổi trong ngày đầu tiên của năm mới. Người Nhật thường gửi thiệp chúc mừng năm mới cho bạn bè, tổ chức tiệc tất niên để tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới.
Vào ngày 31 tháng 12, các quả chuông sẽ rung 108 lần để xua đi 108 điều không may. Khi bước sang năm mới, người Nhật thường nở nụ cười nhằm cầu mong cho thật nhiều may mắn sẽ đến với mình.
Ảnh: Màn bắn pháo hoa mừng năm mới ở Cầu cảng Sydney
Bài liên quan
-
Hàng ngàn phần quà hấp dẫn dành tặng chủ thẻ ghi nợ quốc tế SHB đầu năm mới
-
Đón năm mới hoành tráng tại "Lễ hội hoa hướng dương" phong cách cowboy lớn nhất trong năm ở Van Phuc City
-
Sắp xếp đơn vị hành chính thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025
-
Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực của Tòa án nhân dân tối cao kỳ 2019 – 2023
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn đại biểu kiều bào tham dự Chương trình "Xuân Quê hương 2025"
-
Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
-
Tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
Bình luận