Quảng Nam vinh dự được tiên phong thí điểm bán tín chỉ carbon rừng
Vừa qua Quảng Nam vừa được Chính phủ đồng ý lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng (CO2). Xuất khẩu tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam mỗi năm có thể thu về hàng trăm USD, không những giúp phát triển kinh tế mà còn giúp các công tác bảo vệ rừng và môi trường.
Văn phòng chính phủ vừa có công văn số 3479/VPCP-NN gửi cho Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Quảng Nam vào ngày 26.5.2021, về chủ trương xây dựng và triển khai Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+) tại tỉnh Quảng Nam. Thời gian thí điểm dự án 5 năm (2021-2025).
Có thể đóng góp cho Việt Nam thu về hàng trăm USD
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết sau khi có công văn của Văn phòng chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam đã khẩn trương tiến hành làm các thủ tục liên quan. Sau khi hoàn tất các thủ tục để lập dự án sẽ tiến hành đấu thầu quốc tế và mời các doanh nghiệp nước ngoài tham gia.
UBND tỉnh Quảng Nam sẽ dự tính xuất khẩu 5,2 triệu tín chỉ carbon rừng trong giai đoạn (2021-2025). Cụ thể, trong năm 2021 sẽ bán 1,2 triệu tấn CO2 (tương đương 1,2 triệu tín chỉ) của các năm 2018, 2019 và 2020 (bình quân mỗi năm sẽ bán 400.000 tấn CO2). Từ năm 2021 đến năm 2025, mỗi năm sẽ bán bình quân 0,8 triệu tấn CO2. Giá bán ít nhất 5 USD/tấn CO2, khi đề án được thực hiện sẽ mang lại cho tỉnh Quảng Nam với nguồn thu từ 110 tỉ đến 130 tỉ đồng/năm, cao hơn với nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, bằng 2-2,5 lần đầu tư ngân sách hàng năm của Trung ương và địa phương vào lâm nghiệp.
Lực lượng cán bộ Kiểm lâm khảo sát địa hình bảo vệ và phát triển rừng.
Nếu đề án được triển khai hiệu quả thì cũng sẽ giúp tỉnh Quảng Nam giữ nguyên 466.113 ha diện tích rừng tự nhiên hiện có, trong vòng 10 năm từ 2021 – 2030 sẽ tăng lên 20%, vào năm 2025 sẽ tăng lên khoảng 61% độ che phủ rừng. Sản lượng 50.5864 ha thực hiện vào việc trồng rừng, phục hồi rừng và làm giàu rừng sẽ đạt khoảng 7 triệu/m3 gỗ vào năm 2030, làm giảm phát thải 14,17 triệu tấn CO2 từ rừng vào năm 2030.
Ông Bửu cho hay: “Tỉnh Quảng Nam rất vinh dự khi được chọn là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện đề án. Kinh phí thu được từ bán tín chỉ carbon rừng sẽ được tái sử dụng cho việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Nhà nước sẽ có cơ chế để người dân địa phương trực tiếp tham gia tuần tra, bảo vệ, trồng rừng, bảo quản, lưu giữ carbon… Khi thu nhập tăng lên, chắc chắn người dân sẽ dần từ bỏ thói quen xâm phạm rừng, tham gia ngày càng tích cực hơn vào công tác giữ gìn, bảo vệ hệ sinh thái rừng”.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết sau khi đề án này được triển khai tại Quảng Nam, tự tin: “Bây giờ là giai đoạn nâng cao chất lượng rừng và làm kinh tế rừng”.
Thách thức và cơ hội rất lớn
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới thực hiện các dự án này như: Indonesia, Campuchia, Brazil, Colombia, Ecuador,...dự án này đã mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế tài chính, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ rừng và phát triển rừng. Như vậy tại Việt Nam, chủ trương của Chính phủ cho tỉnh Quảng Nam thí điểm bán tín chỉ carbon rừng đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Theo giáo sư Phạm Văn Điển, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, nhận định rằng cơ hội tham gia thị trường carbon quốc tế của Việt Nam là rất lớn, vì thỏa thuận Paris đã có hiệu lực thi hành với sự cam kết mạnh mẽ và rất có trách nhiệm của cả cộng đồng quốc tế.
Tuy vậy, ông Điển nhìn nhận cho rằng một trong những khó khăn hiên nay nhất là các quy định pháp lý về việc thương mại tín chỉ carbon rừng chưa đầy đủ, chưa cụ thể để hướng dẫn cho việc mua bán tín chỉ giảm phát thải. Theo ông, Việt Nam còn thiếu một số quy định về hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống giám sát các cấp (quốc gia, ngành, tiểu ngành, cơ sở sản xuất) một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế, chưa rõ về lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng ngành, tiểu ngành, thiếu hướng dẫn pháp lý bảo đảm việc mua bán tuân thủ và linh hoạt theo yêu cầu của từng thị trường khác nhau.
Ông Nguyễn Tuấn Quang, phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, cho hay từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ là giai đoạn chuẩn bị, thực hiện các hoạt động nghiên cứu quy chế về mặt xây dựng thị trường tín chỉ carbon rừng. Các quy định về việc triển khai thực hiện cho phép đơn vị tham gia vào dự án trao đổi tín chỉ carbon rừng, nhằm tăng cường năng lực cho các bên tham gia. Điều tra, đánh giá xác định tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ được phân bổ cho các cơ sở tham gia thị trường.
Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Quốc Trị cho rằng nếu bán được tín chỉ carbon rừng sẽ thêm nguồn lực rất lớn cho địa phương được thí điểm cũng như các địa phương sau này được triển khai, bời về bản chất, dù không bán được tín chỉ carbon rừng thì chúng ta vẫn phải đầu tư để trồng rừng và bảo vệ rừng.
Theo ông Trị, “Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, trong đó một nội dung quan trọng về tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước. Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022, cùng với Luật Bảo vệ môi trường 2020”.
Trên cả nước, hiện nay có duy nhất tỉnh Quảng Nam đang xây dựng đề án bán tín chỉ carbon rừng cho một công ty quốc tế và hiện có thêm 5 công ty nước ngoài thăm dò đầu tư, mua tín chỉ carbon rừng tại tỉnh này. Nếu đề án này được thông qua tỉnh này sẽ thu về mỗi năm khoảng từ 5 - 7 triệu USD.
Ảnh – Cán bộ Kiểm lâm Quảng Nam băng rừng, lội suối tuần tra bảo vệ rừng.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận