Quá trình xây dựng tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người trong BLHS năm 2015 và những vấn đề cần hoàn thiện

Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người được quy định tromh BLHS năm 2015 đã giúp cho các cơ quan áp dụng pháp luật có căn cứ để vận dụng vào thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh chống loại tội phạm này. Tuy vậy, quá trình thực hiện cho thấy điều luật cũng cần tiếp tục sửa đổi bổ sung cho hoàn thiện hơn.

1. Một số quan niệm trước khi tội phạm hóa hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người

Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007 gồm 06 chương, 40 điều được xây dựng trên quan điểm vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học, không vì mục đích thương mại và phù hợp với quy định của Hiến pháp, quá trình hội nhập quốc tế của nước ta. Sự ra đời của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết đã tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện các hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác ở nước ta. Để thực hiện tốt hoạt động này, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 56/2008/NĐ-CP ngày 29/4/2008 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng mô và Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Việc ban hành tương đối đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các hoạt động về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, góp phần chữa bệnh mang lại sự sống cho nhiều bệnh nhân, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo, từ đó nâng cao hiểu biết về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân[1]. Bên cạnh những mặt tích cực trên, cũng đã xuất hiện những hành vi mua bán, chiếm đoạt, mô, bộ phận cơ thể người. Những hành vi này có tính chất mức độ nguy hiểm cao nhưng ở thời điểm này chưa được quy định trong BLHS. Thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đã phát hiện ra những vi phạm trong hoạt động này, tuy vậy chưa các chế tài hành chính là không đủ răn đe, việc truy cứu trách nhiệm hình sự là không thể khi mà các hành vi này chưa được quy định trong BLHS. Điều đó đặt ra yêu cầu bức thiết trong quá trình xây dựng, sửa đổi BLHS cần thiết phải hình sự hóa hành vi chiếm đoạt, mua bán trái phép mô hoặc các bộ phận cơ thể người.

Các nội dung về hành vi chiếm đoạt, mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể người được đề cập tương đối sớm trong quá trình sửa đổi BLHS năm 1999. Việc tiến hành tổng kết thi hành BLHS năm 1999 và tiến hành sửa đổi BLHS được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 tại Nghị quyết số 07/2011/QH13 ngày 06/8/2011 của Quốc hội khóa XIII.

Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành BLHS chỉ rõ một số hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa được quy định trong BLHS, điển hình như: như hành vi buôn bán người với mục đích bóc lột lao động; hành vi lạm dụng lao động trẻ em, đối xử tàn tệ để bóc lột sức lao động trẻ em; hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để đe dọa người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính; hành vi thành lập hoặc tham gia vào tổ chức tội phạm; hành vi chiếm đoạt, mua bán trái phép mô tạng, các bộ phận cơ thể người, thai nhi; hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ do người đi bộ tham gia giao thông thực hiện; hành vi lợi dụng bán hàng đa cấp để chiếm đoạt tiền, tài sản; hành vi tuyển dụng lao động, du học sinh bất hợp pháp; hành vi bảo kê, đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen; các hành vi liên quan đến bảo hiểm xã hội như chiếm dụng nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng hoặc gây thất thu ngân sách nhà nước; tổ chức gian lận bảo hiểm xã hội; gian lận bảo hiểm xã hội; cố ý tạo điều kiện cho người khác gian lận bảo hiểm xã hội.v.v… Có thể thấy báo cáo đã đề cập đến hành vi chiếm đoạt, mua bán trái phép mô tạng, các bộ phận cơ thể người, thai nhi là hành vi nguy hiểm cho xã hội cần tội phạm hóa, theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ-TW đã chỉ ra: “Quy định là tội phạm đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế”.

Báo cáo về thực tiễn thi hành BLHS năm 1999 trong Công an nhân dân của Bộ Công an cũng đề cập đến hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người, cụ thể theo Bộ Công an, cần thiết phải bổ sung vào BLHS quy định tội phạm đối với một số hành vi: Bóc lột, lạm dụng lao động trẻ em; hành vi chiếm đoạt, mua bán trái phép mô, tạng, các bộ phận cơ thể người, thai nhi; hành vi thiếu trách nhiệm trong việc nuôi, nhốt, quản lý động vật hoang dã gây hậu quả nghiêm trọng; hành vi rải đinh hoặc vật nhọn trên đường giao thông gây hậu quả nghiêm trọng…[2].

Tham luận của Vụ pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp đề cập dưới dưới góc nhìn từ yêu cầu của các Công ước quốc tế, cho rằng việc nội luật hóa các cam kết quốc tế trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã là thành viên là một trong những nghĩa vụ mang tính bắt buộc đối với quốc gia thành viên. Việt Nam đã tham gia vào nhiều điều ước quốc tế có liên quan đến lĩnh vực pháp luật hình sự như Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, các Khuyến nghị về chống rửa tiền của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền… nhưng qua nghiên cứu cho thấy, một số quy định trong các điều ước quốc tế nói trên vẫn chưa được nội luật hóa vào các quy định của BLHS. Trong các điều ước quốc tế này có quy định các hành vi phạm tội như hành vi hối lộ công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công; hành vi hối lộ trong lĩnh vực tư; hành vi tham ô tài sản trong lĩnh vực tư; làm giàu bất hợp pháp; trách nhiệm hình sự của pháp nhân; rửa tiền; các hành vi liên quan đến mua bán, môi giới mua bán, chiếm đoạt thai nhi hoặc các bộ phận cơ thể người; mua, bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em hay các quy định liên quan đến hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức vẫn chưa được nội luật hóa hoặc sửa đổi trong BLHS. Vì vậy, việc nghiên cứu để tiến tới hình sự hóa và quy định thành tội danh các hành vi phạm tội đã được quy định trong các điều ước quốc tế ở trên là cần thiết nhằm thực thi có hiệu quả các cam kết quốc tế, tạo hình ảnh tốt đẹp cho Việt Nam trên trường quốc tế.

Tổng kết thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của các địa phương cũng đã chỉ ra bên cạnh các hoạt động mua bán người thì cũng có những hoạt động mua bán bộ phận cơ thể người, đặc biệt khi khoa học công nghệ, y học ngày càng phát triển khi có thể cấy ghép mô, tạng. Bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại với mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy, nghiên cứu khoa học thì cũng có những mặt trái ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội như hoạt động về mua bán, chiếm đoạt mô, tạng vì mục đích thương mại đã và đang âm thầm diễn ra và cần thiết phải hình sự hóa[3].

Như vậy việc quy định một tội phạm về mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người vào trong BLHS là vấn đề không phải bàn cãi, vấn đề quan trọng là quy định như thế nào, cấu thành tội phạm như thế trong BLHS.

2. Quy định của BLHS năm 2015

Về tên điều luật có tồn tại một số ý kiến khác nhau như tội chiếm đoạt, mua bán trái phép mô, tạng, các bộ phận cơ thể người, thai nhi[4], hoặc có quan điểm không đề cập đến mô, tạng mà chỉ để cập đến thai nhi hoặc bộ phận cơ thể người như tội mua bán, môi giới mua bán, chiếm đoạt thai nhi hoặc các bộ phận cơ thể người[5]; Cũng có quan điểm cho rằng chỉ đề cập đến hành vi chiếm đoạt, mua bán mô tạng, các bộ phận cơ thể người như đề nghị bổ sung tội chiếm đoạt, mua bán mô tạng, các bộ phận cơ thể người[6]. Quá trình xây dựng các Dự thảo tên tội danh và nội dung cũng có những nhận thức và sự thay đổi liên tục. Dự thảo đầu tiên vào ngày 12/01/2015 chưa quy định thành một tội danh độc lập về mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người mà chỉ quy định để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân là tình tiết định khung tăng năng trách nhiệm hình sự ở một số tội phạm (giết người; mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em), ngoài ra tại Dự thảo quy định một tội danh độc lập là tội xâm phạm quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác tại chương các tội xâm phạm quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân với giải thích của Ban soạn thảo là xâm phạm đến quyền mới được bổ sung trong Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm[7].

Tại khoản 1 Dự thảo quy định: “Người nào có hành vi cản trở, ép buộc người khác thực hiện quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm[8]. Đến Dự thảo trình Quốc hội vào tháng 4 năm 2015 và cả dự thảo xin ý kiến nhân dân tháng 7 năm 2015 đã bổ sung tội danh khá gần với quy định của BLHS hiện hành, cụ thể tên tội danh là Tội mua bán, chiếm đoạt mô, tạng, các bộ phận cơ thể người[9]. Quá trình thảo luận, góp ý của các nhà khoa học và cán bộ thực tiễn chỉ ra định nghĩa tạng thực tế là bộ phận cơ thể người, cụ thể, tạng được hiểu là các bộ phận cơ thể có nhiệm vụ chuyển hoá và tàng trữ tinh, khí, thần, huyết, tân, dịch. Có 5 tạng: tâm (tim), can (gan), tỳ (lách), phế (phổi), thận (2 quả thận). Tiếp thu các ý kiến đó, tên tội danh được quy định trong BLHS năm 2015 được hoàn thiện như hiện nay là tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.

Về cấu thành tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Tội này được xếp vào chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, đối tượng tác động là mô, bộ phận cơ thể của người khác. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006: “Mô là tập hợp các tế bào cùng một loại hay nhiều loại khác nhau để thực hiện các chức năng nhất định của cơ thể người” có thể bao gồm giác mạc, da, xương, mạch máu, van tim…[10]. Bộ phận cơ thể người là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định như tay, chân, đầu, tim, gan, thận… Nếu mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể của chính mình thì không cấu thành tội phạm quy định tại Điều 154 của BLHS.

Tuy vậy, nếu như bộ phận cơ thể người có thể là đối tượng mua bán tương đối phổ biến, xảy ra nhiều trong thực tiễn thì trường hợp mua bán, chiếm đoạt mô dường như không thực tế, việc mua bán, trao đổi, giao dịch mô dường như không có ảnh hưởng đến sức khỏe bởi lẽ mô là tập hợp của tế bào, tế bào là một thực tế có thể tái sinh, không bị mất đi vĩnh viễn. Trên thực tế các thẩm mỹ viện sử dụng các công nghệ làm đẹp để hút mô mỡ, cắt mô biểu bì (da bụng) để làm săn chắc vòng bụng của phụ nữ; cấy mỡ tự thân để làm đầy cằm, độn mông, giảm hóp má… Tất cả những hành vi đó đều là sử dụng (có thể là mua bán, chiếm đoạt) mô của cơ thể người khác nhưng lại không xem đó là bất hợp pháp. Bởi lẽ, việc sử dụng đó không gây nguy hiểm cho sức khỏe, mà ngược lại còn tốt hơn rất nhiều so với các công nghệ làm đẹp khác[11]. Ngược lại, hành vi mua bán, chiếm đoạt thai nhi trước đây đã từng được thảo luận cần thiết phải tội phạm hóa thì lại không được được vào trong BLHS.

Tội phạm quy định dưới dạng giản đơn phần quy định nêu lại tên hành vi mà không mô tả chi tiết hành vi khách quan, có thể hiểu hành vi mua bán tương tự với với hành vi ở tội mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi, cụ thể có thể trường hợp chuyển giao hoặc tiếp nhận bộ phận cơ thể người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất nhất định. Đối với hành vi chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người được hiểu là trường hợp người phạm tội sử dụng các hành vi như dùng bạo lực, cưỡng ép, bắt cóc...tác động lên thân thể nạn nhân để lấy bộ phận trên cơ thể nạn nhân, mục đích của hành vi chiếm đoạt có thể không vì lợi nhuận, mà có thể vì bất cứ mục đích nào. Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh đầy đủ hành vi mà người phạm tội thực hiện nhưng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một khoản khung nhất định tại Điều 154.

BLHS đã quy định hai hành vi là mua bán, chiếm đoạt nhưng chưa quy định hành vi môi giới mua bán, đây cũng là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Mặc dù theo lý luận khoa học luật hình sự có thể truy cứu trách nhiệm hình sự xử lý về tội phạm quy định tại Điều 154 với vai trò là người đồng phạm khác.

Một số vấn đề đáng lưu ý để phân biệt, xác định trách nhiệm hình sự tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người với một số tội phạm có liên quan như tội giết người hoặc tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác: Thứ nhất, nếu người phạm tội có hành vi giết người nhằm chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người với bất cứ mục đích gì thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 123 tội giết người mà không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại Điều 154 của BLHS; Thứ hai, trường hợp người phạm tội đã lấy bộ phận cơ thể quyết định sự sống của nạn nhân (ví dụ: tim, buồng gan...), làm nạn nhân chết thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự[12]; Thứ ba, trường hợp mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi mà để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người hoặc tội mua bán người dưới 16 tuổi với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Thứ tư, trường hợp mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc dẫn đến chết người thì không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại Điều 134 hoặc Điều 138 mà truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại Điều 154 của BLHS với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm e khoản 2 hoặc điểm d khoản 3 Điều 154.

3. Một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện

Dưới góc nhìn lập pháp, tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người được quy định ở một vị trí phù hợp với cách quy định giản đơn là nêu lại tên điều luật ở phần quy định đã giúp cho các cơ quan áp dụng pháp luật có căn cứ để vận dụng vào thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh chống loại tội phạm này. Tuy vậy, để tiếp tục hoàn thiện hơn chúng tôi cho rằng cần giải quyết thêm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, không cần thiết quy định đối tượng tác động của tội phạm quy định tại Điều 154 là mô, đồng thời bổ sung thêm đối tượng tác động là thai nhi nhằm bảo vệ sinh mệnh đang hình thành, bảo vệ các chuẩn mực đạo đức trong xã hội.

Thứ hai, bổ sung hành vi môi giới mua bán trong tội phạm quy định tại Điều 154 của BLHS nhằm đảm bảo nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự, đây chính là dạng hành vi phổ biến trong thực tiễn, các đối tượng chính là cầu nối giữa người mua và người bán, nhiều vụ án chỉ phát hiện, bắt giữ được các đối tượng môi giới và người bán. Quy định hành vi này trong Bộ luật Hình sự là một khẳng định xác định vai trò, vị trí trung tâm của hành vi nguy hiểm cho xã hội cần thiết phải xử lý.

Thứ ba, chúng tôi đồng tình với một ý kiến cho rằng chế tài áp dụng đối với chủ thể thực hiện tội phạm còn chưa thực sự phù hợp[13], mức phạt bổ sung tối thiểu 10 triệu đồng là quá thấp nếu so sánh với các tội phạm khác trong nhóm các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người.

Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng Điều 154 có thể chỉnh sửa như sau:

“Điều 154. Tội môi giới, mua bán, chiếm đoạt bộ phận cơ thể người hoặc thai nhi

1. Người nào môi giới, mua bán, chiếm đoạt bộ phận cơ thể người khác hoặc thai nhi thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

…4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

 

TAND TPHCM xét xử các bị cáo trong đường dây mua bán thận xuyên quốc gia - Ảnh: Tỷ Huỳnh


[1] Bộ Tư pháp, Báo cáo Tổng kết, đánh giá 14 năm thi hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, Bộ Tư pháp, 2020.

[2] Bộ Công an, Thực tiễn thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 trong lực lượng công an nhân dân. Một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Tài liệu Hội nghị Tỏng kết thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ Tư pháp, tr104-112, 2014.

[3] UBND tỉnh Lâm Đồng, Thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, một số bất cập và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, 3/2014.

[4] Bộ Tư pháp, Báo cáo kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự, 3/2014; Bộ Công an, Thực tiễn thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 trong lực lượng công an nhân dân…ttđd.

[5] Vụ Pháp luật Quốc tế-Bộ Tư pháp, Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự nhằm đáp ứng yêu cầu của các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, 3/2014.

[6] UBND tỉnh Lâm Đồng,Ttđd.

[7] Quốc hội, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, 2020, tr7.

[8] Ban soạn thảo BLHS, Dự thảo lần 1 của Bộ luật Hình sự, 01/2015, tr141.

[9] Ban soạn thảo BLHS, Dự thảo các lần 4/2015, 7/2015.

[10] Báo cáo Tổng kết, đánh giá 14 năm thi hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, tlđd.

[11] Đồng Nông Phúc, Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người và một số bất cập, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xay-dung-phat-luat/toi-mua-ban-chiem-doat-mo-hoac-bo-phan-co-the-nguoi-va-mot-so-bat-cap truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2021.

[12] Hướng dẫn tại mục 1 Điều 6 Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của BLHS.

[13] Đồng Nông Phúc, Tlđd.

NGUYỄN THÀNH TRUNG (Toà án nhân dân tối cao)