
Tội phạm về mua bán người ở Việt Nam một số bất cập và hướng hoàn thiện
(TCTA) - Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau giai đoạn đại dịch Covid 19, nạn mua bán người trên thế giới cũng như ở Việt Nam diễn ra vô cùng phức tạp, khó lường. Dự báo trong tương lai, tội phạm về mua bán người vẫn là mối quan tâm của nhân loại tính đến năm 2030 . Tuy nhiên, quy định của pháp luật xử lý tội phạm này vẫn còn nhiều điểm bất cập. Do đó, chúng tôi viết về tội phạm về mua bán người ở Việt Nam một số bất cập và hướng hoàn thiện .
1. Khái quát tình hình tội phạm về mua bán người ở Việt Nam những năm gần đây
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 800.000 đến 1.000.000 người bị mua bán, lợi nhuận các băng nhóm phạm tội thu về khoảng 32 tỷ đô la[1]. Trong thời gian gần đây, tội phạm về mua bán người trên thế giới có xu hướng gia tăng. Theo Báo cáo về nạn mua bán người (TIP) năm 2024, trong năm 2023, 133.943 nạn nhân đã được xác định, tăng so với mức 115.324 nạn nhân của năm 2022; số vụ kết án của năm 2023 là 7.115 vụ, tăng so với mức 5.577 vụ án vào năm 2022[2].
Tại Việt Nam, tình hình tội phạm về mua bán người cũng có diễn biến rất phức tạp, có xu hướng gia tăng bao gồm cả mua bán người trong nội địa và đưa ra nước ngoài. Theo báo cáo của Bộ Công an, trong khoảng thời gian 05 năm (kể từ ngày 01/01/2018 đến 31/12/2022), Việt Nam đã ghi nhận 394 vụ việc liên quan đến tội phạm về mua bán người với 837 đối tượng vi phạm pháp luật; trong đó xử lý hình sự 386 vụ và 808 đối tượng. Tội phạm về mua bán người có xu hướng gia tăng. Nếu trong năm 2022 các lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 90 vụ/247 đối tượng phạm các tội về mua bán người liên quan đến 222 nạn nhân bị mua bán, thì trong 8 tháng đầu năm 2023, số nạn nhân bị mua bán đã lên đến 254 người. Trong khoảng 6 tháng đầu năm 2024, theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm đã ghi nhận, Việt Nam xảy ra 98 vụ án liên quan đến tội phạm về mua bán người với 234 đối tượng liên quan; số vụ án được phát hiện và khởi tố tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023[3]. Thủ đoạn của tội phạm về mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt như lừa gạt (việc nhẹ lương cao, lấy chồng nước ngoài để đổi đời, xuất khẩu lao động, nhận làm con nuôi…), dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực bắt cóc, cưỡng ép… Các băng nhóm phạm tội khai thác triệt để công nghệ cao để phạm tội như sử dụng mạng xã hội Facebook, Instagram, Zalo, Weibo, Tinder, Momo, Wechat… để kết bạn, hẹn hò, dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân nhằm những mục đích bóc lột khác nhau như vì tiền bạc, để lấy bộ phận cơ thể, cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục hoặc mục đích vô nhận đạo khác… Đặc biệt, thời gian gần đây, số nạn nhân bị lừa gạt đưa ra nước ngoài (như Campuchia, Lào, Myanmar…) và bị ép buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến ngày càng gia tăng, diễn biễn cực kỳ phức tạp. Để đấu tranh chống, ngăn ngừa tội phạm về mua bán người, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều các biện pháp khác nhau thể hiện tinh thần quyết liệt trong đấu tranh với loại tội phạm này. Đối với biện pháp hình sự, BLHS Việt Nam năm 2015 đã quy định 02 tội: Tội mua bán người (Điều 150 BLHS) và tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151 BLHS). Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP). Đây là những công cụ pháp lý hữu hiệu của nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về mua bán người, góp phần không nhỏ vào quá trình xử lý loại tội phạm này trên thực tế và duy trì trật tự, an toàn xã hội.
2. Một số bất cập của pháp luật hình sự nước ta khi quy định tội phạm về mua bán người và hướng hoàn thiện
Quy định của pháp luật hình sự nước ta trong xử lý tội phạm về mua bán người đã bộc lộ một số bất cập nhất định. Cụ thể:
Thứ nhất, quy định của Điều 150 BLHS về tội mua bán người, Điều 151 BLHS về tội mua bán người dưới 16 tuổi còn có một số điểm chưa thực sự tương thích với Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị tội buôn đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (sau đây gọi tắt là Nghị định thư Palermo).
Theo Điều 3 Nghị định thư Palermo [4], “mua bán người” được hiểu như sau:
a) Mua bán người là việc tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và tiếp nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách đe dọa, sử dụng bạo lực hay các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc cho hoặc nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người kiểm soát đối với những người khác vì mục đích bóc lột.
Hành vi bóc lột ở đây ít nhất là bao gồm bóc lột vì mục đích mại dâm hoặc các hành vi bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hay lấy các bộ phận cơ thể.
b) Việc một nạn nhân của việc mua bán người chấp nhận sự bóc lột có chủ ý được nêu tại Khoản (a) trên đây sẽ không được tính đến nếu bất kỳ một cách thức nào nêu trong Khoản (a) đã được sử dụng.
c) Việc tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay nhận trẻ em nhằm mục đích bóc lột sẽ bị coi là mua bán người ngay cả khi việc này được thực hiện không cần dùng đến bất kỳ một cách thức nào được nói tại Khoản (a) trên đây.
d) “Trẻ em” có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi.
Đối chiếu khoản 1 Điều 150, khoản 1 Điều 151 BLHS năm 2015 với quy định của Nghị định thư Palermo, có thể rút ra một số nhận xét sau:
- Về hành vi khách quan: Điều 150 cũng như Điều 151 BLHS quy định hành vi mua bán người cũng như mua bán người dưới 16 tuổi bao gồm 05 hành vi: chuyển giao, tiếp nhận, tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp. Quy định như vậy là tương thích với Nghị định thư Palermo bởi vì Nghị định thư Palermo cũng quy định các loại hành vi mua bán người gồm 05 hành vi: “tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao và tiếp nhận người.”
- Về thủ đoạn phạm tội: khoản 1 BLHS năm 2015 quy định các thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng để thực hiện hành vi mua bán người. Đó là: 1) Dùng vũ lực; 2) Đe dọa dùng vũ lực; 3) Lừa gạt; 4) Dùng thủ đoạn khác; còn Nghị định thư Palermo đã liệt kê các thủ đoạn phạm tội bao gồm thủ đoạn sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực, các hình thức ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa gạt, hay lạm dụng quyền lực hoặc đưa vào vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc đưa hay nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người đang kiểm soát người khác. Như vậy, Nghị định thư Palermo đã sử dụng kỹ thuật liệt kê mô tả cụ thể, chi tiết và rõ ràng các thủ đoạn phạm tội; còn khoản 1 Điều 150 BLHS tuy có sử dụng kỹ thuật liệt kê nhưng liệt kê chưa được cụ thể, chi tiết giống như Nghị định thư Palermo khi dùng cụm từ “thủ đoạn khác”. Với cách mô tả như vậy sẽ có 2 mặt: 1) về ưu điểm là có thể không bị sót thủ đoạn mà người phạm tội đã sử dụng trên thực tế; 2) về hạn chế, do mô tả khái quát “thủ đoạn khác” nên nội hàm thuật ngữ còn chung chung, chưa rõ, đòi hỏi phải có văn bản dưới luật giải thích hoặc hướng dẫn thì mới có thể áp dụng đúng trên thực tế. Như vậy, nhìn chung quy định về thủ đoạn phạm tội theo khoản 1 Điều 150 BLHS về cơ bản là tương thích với quy định tương ứng của Nghị định thư Palermo khi đã nêu được 03 thủ đoạn phổ biến là lừa gạt, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực. Bên cạnh đó, do mô tả khái quát là “thủ đoạn khác” nên phạm vi của thủ đoạn phạm tội theo Điều 150 BLHS thậm chí còn rộng hơn so với quy định tương ứng của Nghị định thư Palermo.
Trong trường hợp đối tượng bị mua bán là người dưới 16 tuổi thì khoản 1 Điều 151 BLHS năm 2015 không quy định thủ đoạn phạm tội là dấu hiệu bắt buộc. Quy định này nhằm xử lý nghiêm khắc người có hành vi mua bán trẻ em – những người còn non nớt, nhận thức còn hạn chế và cần được quan tâm, chăm sóc, bảo vệ đặc biệt. Do đó, chỉ cần người phạm tội thực hiện hành vi khách quan với mục đích tương ứng (quy định tại điểm a,b,c khoản 1 Điều 151 BLHS) là bị truy cứu TNHS về tội mua bán người dưới 16 tuổi và cơ quan tiến hành tố tụng không cần phải chứng minh thủ đoạn phạm tội đối với đối tượng phạm tội. Quy định như trên của khoản 1 Điều 151 là phù hợp với Nghị định thư Palermo.
- Về mục đích phạm tội: theo BLHS năm 2015, các hành vi khách quan nói trên được thực hiện với mục đích “để giao, nhận tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác; để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này. Còn Nghị định thư quy định mục đích phạm tội là “bóc lột” (như bóc lột mại dâm, các hình thức bóc lột tình dục khác, cưỡng bức lao động, làm phục vụ, bắt làm nô lệ hoặc những hành động tương tự như nô lệ, lao động khổ sai hoặc lấy nội tạng hoặc các hình thức bóc lột khác”.
Như vậy, khoản 1 Điều 150 cũng như khoản 1 Điều 151 BLHS đã cụ thể hóa mục đích “bóc lột”. Đó là “để giao, nhận tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác; để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.”
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 150 cũng như khoản 1 Điều 151 BLHS khi mô tả về dấu hiệu mục đích phạm tội thì còn có điểm chưa thực sự tương thích với Nghị định thư Palermo. Cụ thể, theo Nghị định thư Palermo, hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp phải có mục đích bóc lột, nhưng cả khoản 1 Điều 150 cũng như khoản 1 Điều 151 BLHS đều quy định các hành vi này có mục đích là “để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này”. Để phù hợp với Nghị định thư Palermo cũng như để nhất quán với mục đích bóc lột đã được cụ thể hóa ở điểm a, b khoản 1 Điều 150 BLHS, điểm a, b khoản 1 Điều 151 thì các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp phải có mục đích “bóc lột” nghĩa là “để giao, nhận tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác; để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.”
Do vậy, để phù hợp với Nghị định thư Palermo, khoản 1 Điều 150 và khoản 1 Điều 151 BLHS năm 2015 nên sửa lại theo hướng quy định mục đích phạm tội đối với cả 05 hành vi khách quan - “tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao và tiếp nhận người” đều phải là “mục đích bóc lột” nghĩa là 05 hành vi này phải có mục đích “ giao, nhận tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác; để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.”
Đối với tội mua bán người dưới 16 tuổi còn có điểm chưa tương thích khác là đối tượng bị mua bán của tội này theo khoản 1 Điều 151 BLHS là những người dưới 16 tuổi (còn đối tượng bị mua bán của tội mua bán người là những người từ đủ 16 tuổi trở lên). Khi so sánh với Nghị định thư Palermo, có thể nhận thấy, theo Nghị định thư Palermo, đối tượng trẻ em bị mua bán là những người dưới 18 tuổi, trong khi đó đối tượng bị mua bán của tội mua bán người dưới 16 tuổi theo khoản 1 Điều 151 BLHS là người dưới 16 tuổi. Như vậy, có thể xác định nếu nạn nhân bị mua bán có độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì sẽ áp dụng Điều 150 BLHS để xử lý người phạm tội về tội danh mua bán người. Và như vậy, có thể thấy nội dung quy định trên của khoản 1 Điều 151 BLHS chưa thực sự tương thích với Nghị định thư Palermo. Điều này dẫn đến hậu quả là hành vi mua bán người (ở độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi) thì chưa bị xử lý nghiêm khắc theo đúng bản chất của hành vi phạm tội (trong BLHS năm 2015, quy định về tội mua bán người dưới 16 tuổi có đường lối xử lý nghiêm khắc hơn tội mua bán người). Do vậy, để phù hợp với Nghị định thư Palermo cũng như chính sách hình sự của nhà nước ta, tên của Điều 151 BLHS năm 2015 nên sửa lại là tội mua bán người dưới 18 tuổi.
Thứ hai, BLHS năm 2015 quy định chủ thể chịu trách nhiệm hình sự đối với tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi còn hẹp khi chỉ quy định cá nhân chịu TNHS mà không quy định pháp nhân thương mại phải chịu TNHS về các tội này. Theo quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 33 tội danh, chủ yếu thuộc ba nhóm: tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về môi trường và tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng nhưng không có tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi. Trong khi đó, thực tiễn ở nước ta cho thấy nhiều trường hợp, hành vi mua bán người được ngụy trang dưới vỏ bọc pháp nhân thương mại tuyển dụng, xuất khẩu lao động như công ty môi giới lao động, công ty du lịch hoặc tổ chức nước ngoài núp bóng, trá hình hoạt động nhân đạo nhưng thực chất là mua bán người. Việc chưa quy định pháp nhân thương mại phải chịu TNHS về tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi là hạn chế của BLHS hiện hành. Việc chưa mở rộng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại đối với 02 tội danh nói trên đã tạo ra khoảng trống pháp lý đáng kể, gây ảnh hưởng nhất định cho công tác điều tra, truy tố các tổ chức phạm tội đứng sau hoạt động mua bán người đặc biệt trong bối cảnh các tổ chức mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, xuyên quốc gia gia tăng. Hiện nay, trên thế giới, có nhiều quốc gia như Vương quốc Thái Lan, Cộng hòa Pháp… đã quy định rõ trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với các tội danh liên quan đến mua bán người[5]. Do vậy, BLHS nên sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định pháp nhân thương mại phải chịu TNHS về tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi. Điều này không chỉ thể hiện sự phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm về mua bán người ở nước ta hiện nay mà còn nhằm phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia mà Việt Nam là quốc gia thành viên[6]. Do vậy, Điều 76 BLHS năm 2015 cần bổ sung Điều 150, Điều 151 vào danh mục các tội danh pháp nhân thương mại phải chịu TNHS.
Tóm lại, từ những phân tích ở trên, rất mong các nhà làm luật nghiên cứu, xem xét ý kiến của nhóm nghiên cứu, từ đó có thể xây dựng, hoàn thiện hơn quy định của BLHS nước ta cũng như các quy định dưới luật có liên quan đối với tội phạm về mua bán người, từ đó, góp phần giảm hiệu quả loại tội phạm này trên thực tế./.
[1] Trần Hoàng Tùng (2024), “Đấu tranh ngăn chặn tội phạm về mua bán người”, Tạp chí Xây dựng Đảng, tại địa chỉ: https://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/dau-tranh-ngan-chan-toi-pham-mua-ban-nguoi-21494 ngày truy cập 31/10/2024.
[2] Office to Monitor and Combat Trafficking in Persons (2024), 2024 Trafficking in Persons Report, United States Department of State.
[3] Minh Anh, Việt Khoa (2024), “6 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 98 vụ án mua, bán người”, Báo Nhân Dân điện tử, tại địa chỉ: https://nhandan.vn/6-thang-dau-nam-2024-ca-nuoc-xay-ra-98-vu-an-mua-ban-nguoi-post824992.html ngày truy cập 31/10/2024.
[4] Xem Nghị định thư về về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị tội buôn đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Bản tiếng Anh), truy cập tại nguồn: https://www.ohchr.org/en/instruments-mechanisms/instruments/protocol-prevent-suppress-and-punish-trafficking-persons
[5] Luật Phòng, chống mua bán người Vương quốc Thái Lan năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2015 tại Điều 53 quy định “Bất kỳ pháp nhân nào phạm tội mua bán người thì sẽ bị xử phạt bằng mức tiền phạt từ 200.000 đến 1.000.000 Baht”.
Bộ luật Hình sự Cộng hoà Pháp năm 1993 sửa đổi, bổ sung năm 2025 quy định tại Điều 225-4-6: “Các pháp nhân bị kết án hình sự, theo các điều kiện quy định tại Điều 121-2, đối với các tội phạm được quy định trong phần này sẽ phải chịu trách nhiệm, ngoài tiền phạt theo các thủ tục quy định tại Điều 131-38, đối với các hình phạt quy định tại Điều 131-39”…
[6] Điều 10. Trách nhiệm pháp lý của pháp nhân
1. Mỗi Quốc gia thành viên sẽ ban hành những biện pháp cần thiết phù hợp với những nguyên tắc pháp lý của họ, để xác định trách nhiệm pháp lý của pháp nhân trong việc tham gia các tội phạm nghiêm trọng liên quan đến nhóm tội phạm có tổ chức và trong việc thực hiện những hành vi phạm tội được xác định tại điều 5, 6, 8 và 23 của Công ước này.
2. Tuỳ theo những nguyên tắc pháp lý của Quốc gia thành viên, trách nhiệm pháp lý của pháp nhân có thể là hình sự, dân sự hay hành chính.
Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng xét xử vụ án Mua bán người dưới 16 tuổi. Ảnh minh họa: Thanh Duyên.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào và Chủ tịch nước Lương Cường dự lễ khánh thành Bến số 3, Cảng quốc tế Lào – Việt
-
Người khởi kiện có bắt buộc xác nhận địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện hay không?
-
Thanh Hóa: Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày được nâng cao
-
Nhất trí cùng nhau nỗ lực đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững
-
Kiên Giang: Đưa Tết đến cùng cán bộ, chiến sĩ vùng biển đảo Tây Nam
Bình luận