Thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức
Thời hiệu xử lý kỷ luật là một quy định quan trọng trong pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. Việc quy định thời hiệu xử lý kỷ luật góp phần bảo đảm tính khách quan trong xử lý kỷ luật, từ đó tăng cường tính răn đe, giáo dục pháp luật, thống nhất việc áp dụng pháp luật, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Bài viết tập trung phân tích một số vấn đề pháp lý về thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, đồng thời nêu bất cập của pháp luật về chế định này và đề xuất kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Dẫn nhập:
Ngày 13 tháng 11 năm 2008, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Cán bộ, công chức (sau đây viết tắt là Luật CBCC), có hiệu lực từ ngày 01/01/2010 và ngày 15/11/2010, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Viên chức, có hiệu lực từ ngày 01/01/2012. Việc tách chế độ quản lý cán bộ, công chức và viên chức tại 02 luật đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh cải cách chế độ công chức, công vụ, đồng thời thu hút, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức có đủ phẩm chất, trình độ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công cuộc xây dựng tổ quốc. Quá trình áp dụng Luật CBCC trên thực tế cho thấy rằng, các quy định trong Luật CBCC nhìn chung đáp ứng với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, đến nay sau 15 năm thực hiện Luật CBCC và 24 năm thực hiện Luật Viên chức, đặc biệt là sau khi có Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và chủ trương của Đảng tại các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4, 5, 6 và 7 khóa XII thì một số quy định của Luật CBCC và Luật Viên chức đã bộc lộ nhiều bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung để đồng bộ với các quy định mới của Đảng. Chính vì vậy, Luật CBCC sửa đổi 2019 (Luật Sửa đổi) đã được ban hành vào ngày 25 tháng 11 năm 2019. Điển hình trong Luật này là chế định về thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, bài viết của tác giả nghiên cứu quy định về thời hiệu xử lý cán bộ, công chức, đồng thời đưa ra kiến nghị hoàn thiện.
1.Tóm tắt:
Thời hiệu xử lý kỷ luật là một quy định quan trọng trong pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. Việc quy định thời hiệu xử lý kỷ luật góp phần bảo đảm tính khách quan trong xử lý kỷ luật, từ đó tăng cường tính răn đe, giáo dục pháp luật, thống nhất việc áp dụng pháp luật, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Bài viết tập trung phân tích một số vấn đề pháp lý về thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, đồng thời nêu bất cập của pháp luật về chế định này và đề xuất kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
Abstract: The statute of limitations for disciplinary action is an important regulation in the law on disciplinary action against officials and civil servants. The regulation of the statute of limitations for disciplinary action contributes to ensuring objectivity and fairness in disciplinary action, consolidating deterrence and legal education, unify the application of laws and improve the operational efficiency of the state agency system. The article analyses a number of theoretical and legal issues related to the statute of limitations for disciplining officials and civil servants, and expresses some inadequacies and limitations of the law, thereby proposing a solution. A Number of proposals to supplement and amend legal regulations on disciplinary action and statute of limitations for disciplinary action against civil servants.
Từ khóa: Thời hiệu, kỷ luật, cán bộ, công chức.
2. Quy định của pháp luật về thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức
Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức, viên chức, người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Theo quy định của Luật CBCC thì thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Cho đến khi Luật Sửa đổi ra đời thì quy định này có thay đổi đáng kể tại Điều 80 như sau:
- 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
- 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định bằng hình thức khiển trách.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 76/2022/QH15 đã quy định thời hiệu xử lý kỷ luật 05 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách, 10 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên. Và đến Nghị định 71/2023/NĐ-CP ra đời cũng chiểu theo Nghị quyết 76/2022/QH15 quy định giống thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức của Nghị quyết 76/2022/QH15.[1]
Như vậy, từ Luật CBCC, Luật Sửa đổi, Nghị quyết 76/2022/QH15, Nghị định 71/2023/NĐ-CP thì thời hiệu xử lý kỷ luật của cán bộ, công chức đã tăng về thời gian. Điều này hoàn toàn hợp lý vì quy định như vậy đồng bộ với quy định của Đảng về xử lý kỷ luật trong Quy định 69/QĐ-TW ngày 06 tháng 7 năm 2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.[2] Hơn thế nữa, trên thực tế, có một số trường hợp, cán bộ, công chức sau khi xử lý kỷ luật đảng xong thì hết thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính nên cơ quan có thẩm quyền không xử lý được.
Ngoài ra Nghị định 71/2023/NĐ-CP còn quy định xác định thời điểm có hành vi vi phạm:
“Đối với hành vi vi phạm xác định được thời điểm chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm chấm dứt; đối với hành vi vi phạm chưa chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm phát hiện; đối với hành vi vi phạm không xác định được thời điểm chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm có kết luận của cấp có thẩm quyền.” Đây là điểm tiến bộ của Nghị định so với Luật CBCC và Luật Sửa đổi đã xác định rõ về thời điểm có hành vi vi phạm.
3. Thực trạng của pháp luật thời hiệu xử lý cán bộ, công chức
Luật Sửa đổi đã quy định mới đối với các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:
- Cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;
- Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
- Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
Nội dung này Luật Cán bộ công chức 2008 không quy định về vấn đề này. Theo quy định tại Điều 4 của Hiến pháp 2013 thì “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Chính lẽ đó, nội dung mới về không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật này trong Luật Sửa đổi cũng tương thích với thời hiệu xử lý kỷ luật của đảng viên tại Điều 4 Quy định 69/QĐ-TW của Ban chấp hành Trung ương về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm[3], tương thích với Hiến pháp vì Đảng là lực lượng lãnh đạo xã hội.
Tuy nhiên, Luật Sửa đổi còn có những bất cập sau đây khi quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức:
Thứ nhất, hành vi “ít nghiêm trọng”, “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng” chưa có điều luật nào quy định về khái niệm “ít nghiêm trọng”, “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng”. Tại Luật CBCC, Nghị định 112/2020/NĐ-CP, Nghị quyết 76/2022/QH15, Nghị định 71/2023/NĐ-CP cũng không quy định.
Thứ hai, xác định thời hiệu trong trường hợp cán bộ, công chức có nhiều hành vi vi phạm vả cán bộ, công chức thực hiện một hành vi vi phạm thì thời hiệu như nhau.
Ví dụ, ngày 01/9/2020, Ông Nguyễn Văn A là công chức có 02 hành vi vi phạm, hành vi thứ nhất bị xử lý với hình thức khiển trách, hành vi thứ hai bị xử lý với hình thức cảnh cáo. Theo Luật Sửa đổi và Nghị định 71/2023/NĐ-CP thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi thứ nhất là 05 năm, hành vi thứ 2 là 10 năm. Dựa trên nguyên tắc xử lý kỷ luật[4] thì Ông Nguyễn Văn A áp dụng hình thức kỷ luật chung là cảnh cáo.[5] Như vậy, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với Ông Nguyễn Văn A là 10 năm theo hình thức cảnh cáo, ngày 02/9/2030 thì hết thời hiệu xử lý kỷ luật. Như vậy, một công chức thực hiện 2 hành vi vi phạm có mức độ là khiển trách và cảnh cáo thì thời hiệu xử lý kỷ luật cũng giống như thực hiện 1 hành vi vi phạm ở mức độ cảnh cáo, điều này trở nên bất hợp lý.
4. Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức
Đối chiếu những bất cập của pháp luật về thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, tác giả đề nghị những giải pháp sau:
Một là, cần có văn bản giải thích về hành vi vi phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng của cán bộ, công chức.
Hai là, hướng dẫn chi tiết về một số hành vi như “Có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ” hay “Sử dụng thông tin, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị để vụ lợi”, thế nào là “Có thái độ hách dịch, cửa quyền”, “Vụ lợi”.
5. Kết luận
Trong quy trình xử lý kỷ luật cán bộ, công chức thì bên cạnh hình thức kỷ luật thì thời hiệu kỷ luật cũng rất quan trọng, bởi lẽ hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật mà pháp luật không trao cho chủ thể có thẩm quyền có quyền xử lý do hết thời hiệu thì tính thượng tôn của pháp luật không còn nữa. Mặc dù Luật CBCC, Luật Sửa đổi, Nghị quyết 76/2022/QH15 và các nghị định đã sửa đổi nhiều lần về vấn đề này nhưng trong thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều hạn chế cần được hoàn chỉnh trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo
- Cao Vũ Minh (2023), Thời hiệu xử lý kỷ luật công chức và những nội dung cần hoàn thiện, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (01).
- Nguyễn Lân (1998), Từ điển từ và ngữ Việt Nam, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
- Bộ Tư pháp (2006), Viện khoa học pháp lý, Từ điển Luật học, NXB từ điển bách khoa, NXB Tư pháp.
- Luật Cán bộ, Công chức số 22/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008 của Quốc Hội được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 52/2019/QH14 ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
- Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 63/2020/QH14 ngày 18 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
- Nghị quyết số 76/2022/QH15 ngày 15 tháng 11 năm 2022 kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
- Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
- Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức
[1] Điều 5 Nghị định 71/2023/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
[2] Điều 4. Thời hiệu kỷ luật
Thời hiệu kỷ luật tổ chức đảng vi phạm như sau:
- 5 năm (60 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khiển trách.
- 10 năm (120 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức cảnh cáo.
[3] Điều 4. Thời hiệu kỷ luật
2. Thời hiệu kỷ luật được tính từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm đến khi tổ chức đảng có thẩm quyền kết luận vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật. Nếu tổ chức đảng hoặc đảng viên có hành vi vi phạm mới trong thời hạn được quy định tại Điểm a, b Khoản này thì thời hiệu kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mới.
b) Thời hiệu kỷ luật đảng viên vi phạm như sau:
Không áp dụng thời hiệu kỷ luật đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khai trừ; vi phạm chính trị nội bộ; vi phạm quốc phòng, an ninh, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp.
[4] Điều 2 Văn bản hợp nhất số 5/VBHN-BNV Nghị định về xử lý cán bộ, công chức, viên chức.
[5] Tlđd 4.
Bài liên quan
-
Hà Nội: Thông qua Nghị quyết quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức
-
Định hướng phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính
-
Sửa Luật Cán bộ, công chức gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy
-
Đề xuất chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm nghỉ hưu, nghỉ chờ hưu
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Ngành Tòa án nhân dân “Đoàn kết, Trách nhiệm, Kỷ cương, Liêm chính, Đổi mới, Vượt khó, Hiệu quả”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận