Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân
Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến từ kỳ họp thứ 6.
Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày, cho biết: Về thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án (Điều 15), nhiều ý kiến tán thành Dự thảo luật về việc Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ; nhiều ý kiến không tán thành Dự thảo luật và đề nghị quy định trong một số trường hợp cần thiết, Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử.
UBTVQH nhận thấy Nghị quyết 27 yêu cầu: "Nghiên cứu, làm rõ... những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử". Luật Tổ chức TAND năm 2014 không quy định cụ thể về phạm vi thu thập chứng cứ của Tòa án. Các luật tố tụng quy định các hoạt động/biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ, trong đó BLTTDS và Luật Tố tụng hành chính quy định: Nếu đương sự không thu thập được thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ. Từ đó, nhiều đương sự không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, ỉ lại cho Tòa án thu thập, dẫn tới nhiều Tòa án quá tải công việc.
Do đó, cần rà soát để quy định lại cho chặt chẽ. Thực tiễn cho thấy, nếu tòa án không thu thập chứng cứ trong một số trường hợp thì có thể gặp khó khăn trong việc giải quyết vụ án.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và một số cơ quan, tổ chức hữu quan, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 15 dự thảo Luật theo hướng quy định Tòa án trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ và hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ để thể chế hóa Nghị quyết 27 và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, đồng thời rà soát, bố cục lại các khoản trong điều luật cho phù hợp hơn.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cơ bản đồng tình với quy định trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác các bên tự thu thập chứng cứ, tuy nhiên không phải với tất cả các trường hợp, đối với những người yếu thế trong xã hội, người nghèo, cận nghèo nhất là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí hạn chế, đề nghị nên giữ quy định Tòa án có trách nhiệm thu thập chứng cứ, vì những lý do sau:
Thứ nhất, Nghị quyết 27-NQ/TW của của Ban chấp hành Trung ương Đảng có nêu: Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh. Nghiên cứu làm rõ những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử. Do đó, việc giữ quy định Tòa án thu thập chứng trong trường hợp này chính là góp phần thực hiện công bằng trong việc tiếp cận pháp luật, vì người yếu thế, người nghèo điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu thốn về vật chất, tinh thần, hạn chế trong giao tiếp xã hội, nhà nước không hỗ trợ thì rất thiệt thòi và cũng chính là quy định cụ thể những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ
Thứ hai, việc quy định Tòa án không phải thu thập chứng cứ cần xem xét điều kiện thực tiễn nước ta đó là: trình độ dân trí một bộ phận người dân còn hạn chế, ý thức pháp luật chưa cao, việc người dân tiếp cận các cơ quan công quyền để đề nghị cung cấp hồ sơ giấy tờ không phải lúc nào cũng thuận tiện và được hỗ trợ ngay nhất là trong vụ án hành chính vì muốn có tài liệu cung cấp cho Tòa án phải gặp cơ quan hành chính; số lượng vụ việc có luật sư tham gia tố tụng trên tổng số các vụ việc Tòa án đã giải quyết còn thấp, mới đạt 8,15%; việc hỗ trợ qua hoạt động trợ giúp pháp lý không phải lúc nào cũng thuận lợi.
Khi lấy ý kiến tham gia vào dự án luật, nhiều cán bộ công tác tại Tòa án địa phương đồng tình nên giữ quy định Tòa án hỗ trợ thu thập chứng cứ cho người yếu thế, người nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số nếu không là rất thiệt thòi cho đối tượng này và cũng khó khăn cho việc thụ lý giải quyết án. Do đó đề nghị Quốc hội cần cân nhắc và giữ quy định trên.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình dự phiên thảo luận
Nhiệm kỳ Thẩm phán và thẩm quyền xét xử
Về nhiệm kỳ của Thẩm phán (Điều 100), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, nhiều ý kiến tán thành với dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán một lần đến khi nghỉ hưu; một số ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.
UBTVQH nhận thấy, Thẩm phán là chức danh tư pháp đặc thù do Chủ tịch nước bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ xét xử và các nhiệm vụ khác theo quy định của luật. Quy định như dự thảo Luật là tiếp tục đổi mới về nhiệm kỳ Thẩm phán và thể chế hóa Nghị quyết số 27: “Đổi mới… thời hạn bổ nhiệm,… nhất là đối với đội ngũ Thẩm phán”. Quy định này góp phần bảo đảm nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Trường hợp Thẩm phán có vi phạm thì bị xử lý theo quy định. Do đó, UBTVQH đề nghị giữ quy định như dự thảo Luật.
Về đổi mới TAND cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 Điều 4), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, nhiều ý kiến không tán thành quy định đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm. Nhiều ý kiến tán thành dự thảo Luật về đổi mới TAND theo thẩm quyền xét xử.
UBTVQH nhận thấy, việc đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm theo thẩm quyền xét xử, nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án này thì không thay đổi. Các Tòa án vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh; TAND phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm một số vụ án. Quy định này chưa thống nhất về tổ chức với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương và phải sửa đổi một số luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời phát sinh một số chi phí (như sửa con dấu, biển hiệu, các loại biểu mẫu, giấy tờ). Do đó, UBTVQH đề nghị cho giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện.
Do đại biểu Quốc hội còn có ý kiến khác nhau và TANDTC tiếp tục đề nghị đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm, nên UBTVQH đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) tán thành với đề xuất theo Kết luận số 2818 và báo cáo giải trình tiếp thu dự án Luật Tổ chức TAND của UBTVQH.
Trong đó, UBTVQH nêu rõ, trên thế giới việc thành lập tòa án chuyên biệt đã trở thành xu thế tất yếu. “Đối với nước ta, rất cần thiết thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết một số vụ án đặc thù như: hành chính, phá sản và sở hữu trí tuệ”, đại biểu Thủy nói.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đề nghị lấy phiếu xin ý kiến các đại biểu về nội dung này. Ông nói: “Chúng ta có 487 đại biểu Quốc hội, các đại biểu phát biểu chỉ trên dưới 30 mà thôi, chưa biết mấy trăm đại biểu còn lại ủng hộ phương án nào. Đề nghị nên lấy phiếu để không ai so bì gì được”.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho hay ông đồng ý với phương án 2, đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm. Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng việc đổi mới này đã thể chế hoá, đáp ứng yêu cầu tại các nghị quyết của Đảng. “Một trong những vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng Toà án độc lập; Toà án trở thành trung tâm, xét xử là trọng tâm”- ông Thịnh nói và cho rằng có như vậy, xét xử mới công bằng, bảo đảm công lý; Nhân dân mới tin vào pháp luật, tin vào Toà án, và xa hơn nữa là Nhân dân tin vào chế độ.
Mặt khác, TS Luật Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh Toà án là cơ quan xét xử của nhà nước, Toà án thực hiện thẩm quyền tài phán quốc gia chứ không phải Toà án cấp huyện hay cấp tỉnh. Ông cũng dẫn lại ý kiến của Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) nhận định việc xét xử các vụ án hành chính mà người bị kiện là Chủ tịch tỉnh rất khó. Nếu không độc lập, Toà án rất khó xét xử công bằng, rất khó cho việc bảo đảm công lý.
“Chúng ta phải thay đổi, sự thay đổi này phù hợp với xu hướng của thế giới. Gần như các nước trên thế giới họ đều làm vậy cả rồi. Bây giờ chúng ta mới làm hơi muộn rồi, nhưng là cần thiết”- theo ĐBQH Khánh Hoà.
Một lý do khác, ông Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng quy định nói trên phù hợp với truyền thống tư pháp nước nhà, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập các Toà án của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Bảo vệ Tòa án
Liên quan đến quy định về bảo vệ Tòa án (Điều 140), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, có ý kiến đề nghị cần quy định bảo vệ trụ sở TANDTC, TANDCC trong dự thảo Luật, UBTVQH nhận thấy: tại khoản 2 Điều 11 Luật Cảnh sát cơ động quy định: “Chính phủ quy định danh mục mục tiêu bảo vệ,… do Cảnh sát cơ động bảo vệ;…”. Trên cơ sở quy định này, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2021/NĐ-CP ngày 30/3/2021 (kèm theo Danh mục các mục tiêu quan trọng về chính trị,… do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm canh gác, bảo vệ”, trong đó có trụ sở TANDTC).
Các đại biểu tại Hội trường
Bên cạnh đó, hiện nay, toàn quốc có 3 trụ sở TANDCC. Đây là nơi xét xử nhiều vụ án lớn, phức tạp và cũng là nơi lưu giữ nhiều hồ sơ, tài liệu mật, nhất là các tài liệu của các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia, các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng với mức án cao nhất là tử hình.
Căn cứ vào vị trí, vai trò của TANDTC, các TANDCC, việc đề xuất bảo vệ trụ sở các Tòa án này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để thống nhất với Luật Cảnh sát cơ động, đa số ý kiến UBTVQH đề nghị chỉnh lý như khoản 3 Điều 140 dự thảo Luật. Trên cơ sở quy định này và thực tế yêu cầu cần thiết bảo vệ trụ sở TANDCC, VKSNDCC, UBTVQH đề nghị Chính phủ bổ sung Danh mục các mục tiêu bảo vệ tại Nghị định số 39/2021/NĐ-CP phù hợp với thẩm quyền được Luật Cảnh sát cơ động quy định.
Có ý kiến thành viên UBTVQH và TANDTC đề nghị cần quy định bảo vệ Tòa án trong dự thảo Luật, cụ thể là: trụ sở TTANDTC, TANDCC là mục tiêu quan trọng về chính trị được lực lượng Cảnh sát nhân dân canh gác, bảo vệ theo quy định của pháp luật. Trụ sở các Tòa án khác được Tòa án bố trí lực lượng bảo vệ. Kinh phí và điều kiện bảo đảm hoạt động của lực lượng bảo vệ do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Về phương án ghi âm, ghi hình tại tòa
Liên quan tới hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp (khoản 3 Điều 141), có ý kiến đề nghị quy định hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp như luật tố tụng hiện hành. Có ý kiến đề nghị rà soát quy định để không trái với nguyên tắc Tòa án xét xử công khai.
Về vấn đề này, Điều 141 dự thảo của TANDTC trình Quốc hội tại kỳ họp 6 quy định: “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa phiên tòa, phiên họp”.
Quá trình thảo luận nội dung này còn ý kiến khác nhau. UBTVQH cho hay có ý kiến đề nghị quy định về hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp như luật tố tụng hiện hành; có ý kiến đề nghị rà soát để không trái với nguyên tắc Tòa án xét xử công khai.
UBTVQH cho rằng tại phiên tòa, việc ghi âm, ghi hình ảnh phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật. Quy định này còn góp phần bảo đảm tính tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác.
Đa số ý kiến UBTVQH đề nghị chỉnh lý khoản 3, khoản 4 Điều 141 theo hướng: việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa; việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định. Đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 4 về việc Tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn khi cần thiết và việc cung cấp kết quả ghi âm, ghi hình được thực hiện theo quy định của pháp luật; giao Chánh án TANDTC quy định chi tiết khoản này.
Một số ý kiến trong UBTVQH cho rằng quy định về ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, phiên họp trong dự thảo Luật là hẹp hơn so với quy định của các luật tố tụng. Để tạo thuận lợi cho hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, ý kiến này đề nghị giữ như quy định hiện hành.
Ngoài ra, hai ý kiến khác trong UBTVQH và TANDTC đề nghị quy định khoản 3 Điều 141 như sau: Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp; trường hợp ghi âm, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
Đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 4 về việc Tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.
Bài liên quan
-
Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các Luật và về Pháp lệnh vừa được Quốc hội thông qua
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân tới Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Nhiều quyết sách mang tính lịch sử trước kỷ nguyên mới
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận