Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế, xã hội với nhiều phát biểu thiết thực
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Giải pháp tháo gỡ để ngành Y tế khôi phục năng lực
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp. Hồ Chí Minh) đóng góp ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu đề xuất có ngay giải pháp tháo gỡ để ngành Y tế khôi phục năng lực và điều kiện hoạt động như trước thời kỳ Covid-19.
Những giải pháp này cần đồng bộ từ quy định, các quy định về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế cho đến việc tăng thu nhập, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y tế công cũng như tồn tại, vướng mắc trong bảo hiểm y tế. Nếu hệ thống y tế không được củng cố, ngay cả về người và cơ sở vật chất chẳng những không đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ với hàng chục triệu nhân dân, người lao động, cán bộ, công viên chức, cán bộ hưu trí và người dân diện chính sách, càng không thể chống chịu được khi dịch bệnh bùng phát lại hay phát sinh mới.
Đại biểu cho rằng, cần khẩn trương hoàn thành giải ngân theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Vì trong 9 tháng qua, mới giải ngân được 20%. Đồng thời, có Nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công viên chức theo nguyên tắc lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động, chăm lo một phần cho gia đình. Lưu ý mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là ngày ba bữa cơm, mỗi năm 2 bộ quần áo như thời bao cấp.
Trước mắt, để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp nhất không đủ cho mức sống tối thiểu cần được tăng lương ngay lập tức kể từ ngày 01/01/2023. Mặt khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị ưu tiên quan tâm đến hai ngành Y tế, Giáo dục và những người hưởng lương hưu hay trợ cấp thu nhập thấp, các đối tượng thu nhập cao hơn thì tăng chậm và ít hơn và để chia sẻ khó khăn chung và tiến tới ban hành Luật về lương tối thiểu.
Đại biểu Trần Khánh Thu
Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid đã gây ra ảnh hưởng nặng nề, nhưng dưới sự chỉ đạo Lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, nền kinh tế đang dần được phục hồi. Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại, nhất là trong lĩnh vực y tế. Hiện nay, nhân lực y tế chưa có được chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý, dẫn tới tình trạng ồ ạt rời khỏi khu vực công; công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh còn nhiều bất cập; việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn nhiều vướng mắc.
Để hoàn thành các mục tiêu chăm sóc sức khỏe, bảo vệ nhân dân, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ và nhân dân tiếp tục chia sẻ những khó khăn, thách thức với ngành y tế trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục. Trong lúc chưa thể sửa đổi các văn bản pháp luật, đại biểu đề nghị Chính phủ trình Quốc hội các giải pháp cấp bách, đưa vào Nghị quyết Kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ ngay.
Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15; đề nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn đọng liên quan đến chi phí khám, chữa bệnh đang chưa được thanh toán do chưa được do vượt tổng mức thanh toán.
Ngoài ra, Chính phủ cần khẩn trương đôn đốc giải ngân gói đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, kiến nghị Quốc hội cho việc phân bổ ngân sách nhà nước cần dành nguồn lực thích hợp cho ngành y tế ổn định và phát triển.
Về chính sách, chế độ cho ngành y tế, giáo dục, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa tới hai ngành y tế và giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông từ chế độ lương, phụ cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, thuốc men, sách giáo khoa, chương trình giảng dạy để có thể tạo sự chuyển biến rõ rệt ngay trong năm 2023.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo
Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) nêu rõ, đối với đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, theo báo cáo của Chính phủ là có tăng nhưng tỷ lệ này đang giảm đột ngột và chững lại trong năm 2022. Số người tham gia bảo hiểm xã hội theo nhóm đối tượng do nhà nước hỗ trợ đóng đã giảm mạnh, phần lớn là đối tượng vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Đại biểu phân tích thêm, số người tham gia bảo hiểm y tế do Nhà nước hỗ trợ mức đóng đã giảm mạnh. Khoảng 3,1 triệu người không còn được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế do không còn ở trong địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn. Điều đó cho thấy công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế chưa đồng đều, chưa hướng đến được những đối tượng cần đùm bọc, sẻ chia. Về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đại biểu cho rằng còn vướng mắc tồn tại nhiều năm trong thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tỷ lệ chi tiền túi của người dân trong chi thường xuyên cho y tế còn cao, điều này cho thấy quỹ bảo hiểm y tế chưa bao phủ được nhu cầu và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân.
Qua tiếp xúc cử tri và qua giám sát của Ủy ban Xã hội, đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ ngành có liên quan cần tiếp tục rà soát các quy định hiện hành, xác định rõ những vướng mắt, bất cập, kịp thời bổ sung sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý để thống nhất thực hiện trên cả nước, cần thực hiện thanh quyết toán dứt điểm số tiền phát sinh trước năm 2021.
Giải trình về những tồn tại trong công tác quản lý đất đai
Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết 23, đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đề nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công; triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và ba Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm.
Đại biểu Phạm Đình Thanh
Để chuẩn hóa hồ sơ hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất phù hợp với thực tế để tích hợp vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch tỉnh, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét giao cho các tỉnh Tây Nguyên chủ động thực hiện điều tra, kiểm kê rừng, phân bố chỉ tiêu rừng và đất lâm nghiệp làm cơ sở triển khai Quy hoạch thời ký 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Quan tâm đến về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai với kỳ vọng có nhiều nội dung giải quyết triệt để các tồn tại, hạn chế điểm nghẽn, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Điện Biên) đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai lần này cần có những quy định cụ thể về đất đai, tôn giáo nhằm đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, có sự kết nối với hiện đại, đảm bảo phát huy nguồn lực tôn giáo trong xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình ý kiến của đại biểu về công tác quản lý đất đai, khẳng định, đây là vấn đề hết sức quan trọng và bày tỏ sự đồng tình, thống nhất về nhận xét của đại biểu về những vấn đề tồn tại, bất cập hiện nay.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng cho biết khi Trung ương thông qua Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao và trong Báo cáo tổng kết về Luật Đất đai (sửa đổi) đã nêu rõ các tồn tại, yếu kém và được đại biểu chỉ ra tại phiên họp này.
“Có nhiều nguyên nhân của tình trạng lãng phí đất đai, như chậm giải phóng mặt bằng, quy hoạch thay đổi, các nhà đầu tư kém năng lực và pháp luật đất đai, pháp luật liên quan có sự chồng chéo”… Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định.
Việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu, trong đó, từ nay đến năm 2024 nên ban hành các nghị quyết của Quốc hội, hoặc nghị định của Chính phủ và các vấn đề liên quan tại địa phương, theo thẩm quyền đưa ra cơ chế giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc phổ biến hiện nay đối với 4 tỉnh, thành phố và sau đó tính toán triển khai đối với các địa phương khác trong cả nước. Chủ trương nhất quán là bám sát nguyên tắc không làm thất thoát tài sản của nhà nước, không hợp thức hóa những sai phạm.
Bộ trưởng cũng cho biết, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này sẽ tập trung vào các công cụ như quy hoạch, kế hoạch, định giá và hầu hết các phương thức giao đất là đấu thầu và đấu giá để đảm bảo công khai, minh bạch…
Tình hình cung ứng xăng dầu
Về vấn đề xăng dầu thiếu thật hay thiếu giả, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị cần phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận, đánh giá để có giải pháp căn cơ lâu dài. Theo đại biểu, cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dẩu là bằng chính sách tài khóa thông qua thuế và phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan.
Phát biểu giải trình làm rõ một số nội dung tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, trong phiên thảo luận tại Tổ và Hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã quan tâm cho ý kiến về một số vấn đề thuộc trách nhiệm của ngành công thương, đặc biệt là tình hình cung ứng xăng dầu trên phạm vi cả nước, nhất là tại hai thành phố lớn là Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
Về tình hình cung ứng xăng dầu trên phạm vi cả nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đồng tình và chia sẻ những nỗi băn khoăn của các đại biểu Quốc hội. Xăng dầu là vật tư chiến lược, có ý nghĩa sống còn của mọi nền kinh tế, vấn đề khủng hoảng năng lượng đã, đang và sẽ ngày càng trở nên trầm trọng trong phạm vi toàn cầu. Ở nước ta, theo quy định hiện hành, vấn đề quản lý cung ứng, kinh doanh xăng dầu được giao cho 7 bộ, ngành, cơ quan chức năng và chính quyền 63 tỉnh, thành phố thực hiện. Để làm tốt công tác này, cần có sự hợp tác chặt chẽ, nhuần nhuyễn, hiệu quả, nhất là trong bối cảnh có nhiều biến động.
Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chính là lập kế hoạch tạo nguồn cung ứng, cùng chính quyền địa phương quản lý hệ thống kinh doanh xăng dầu trên cả nước. Tuy nhiên, ngành Công Thương cần sự ủng hộ, giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại trong việc cho vay, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp xăng dầu, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hệ thống phân phối.
Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng và các địa phương đã nỗ lực cố gắng trong quyết sách cấp trong chỉ đạo điều hành thông qua các công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn và cả chính sách xã hội. Vì thế, thị trường xăng dầu nước ta cơ bản được ổn định, tổng nguồn cung không thiếu, giá cả hợp lý và luôn ở nhóm nước có mức giá bán lẻ thấp nhất trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ ở hệ thống phân phối, thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ ở Tp. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam là điều rất đáng tiếc và bất thường. Bởi dù hoàn cảnh khó khăn giống nhau nhưng phần lớn các tỉnh, thành phố, nhất là phía Bắc và miền Trung thì không xảy ra như vậy.
Về giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Tập trung chỉ đạo hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối, kinh doanh phân phối chia sẻ nguồn cung trong dự trữ của mình để kịp thời chi viện, ứng cứu trong điều hành; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về tiếp cận nguồn vốn bảo lãnh tín dụng, đây được xem là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp xăng dầu có thể tồn tại, phát huy vai trò quan trọng của mình trong cung ứng cho xã hội cho mặt hàng đặc biệt này.
Đồng thời, để doanh nghiệp xăng dầu không lỗ và có lỗ thì cũng trong khả năng chịu được ở thời điểm thị trường xăng dầu có nhiều biến động thì Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành chức năng tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ và cùng các cơ quan chức năng tiếp tục sử dụng công cụ thuế, phí, quỹ xăng dầu và chính sách an sinh khi cần thiết để điều hành giá bán lẻ xăng dầu phù hợp với biến động giá thế giới, đáp ứng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai phần mềm quản lý, phân phối kinh doanh xăng, dầu thống nhất trực tiếp từ Bộ Công Thương đến các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối và thực hiện phân phối; từ các tỉnh, thành phố đến các đại lý bán lẻ trong cả nước nhằm bảo đảm tính khách quan, chính xác, minh bạch, kịp thời. Khẩn trương triển khai được rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu.
Bài liên quan
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nâng cao chất lượng xét xử giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan đến đất đai
-
Nâng tầm dịch vụ y tế tại Phú Quốc với Bệnh viện Quốc tế Mặt trời do Sun Group đầu tư xây dựng
-
Quy định về thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp của Luật Đất đai năm 2024 từ góc nhìn về thẩm quyền hủy quyết định cá biệt
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận