(1).jpg)
Một số giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo
Trong thời gian qua, vẫn còn tình trạng một số người dân không biết hoặc là lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gửi đơn vượt cấp, không đúng thẩm quyền, mặc dù đã được giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn còn tái diễn. Vẫn còn trường hợp người dân lợi dụng quyền tố cáo để xúc phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người tiến hành tố tụng, gây khó khăn cho công tác xét xử của Tòa án. Bên cạnh đó, pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng chưa được hoàn thiện và hướng dẫn cụ thể, dẫn đến khó khăn khi áp dụng trên thực tế. Khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng có đặc thù riêng, do đó nếu áp dụng các văn bản hướng dẫn của Đảng và Chính phủ vào hoạt động tố tụng sẽ khó khăn và không phù hợp.
1. Quy định pháp luật
Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011).
Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực (khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018).
Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, Luật Tố tụng hành chính (Luật TTHC) năm 2015 cũng quy định về trình tự, thủ tục của quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các hoạt động tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có hành vi vi phạm phạm pháp luật, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Tại Điều 25 BLTTDS năm 2015 và Điều 28 Luật TTHC năm 2015 về cơ bản là giống nhau, theo đó quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, cá nhân có quyền tố cáo những hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào trong hoạt động tố tụng dân sự.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, xem xét và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo; thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết cho người đã khiếu nại, tố cáo”.
BLTTDS năm 2015 quy định khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự, gồm: 17 điều (từ Điều 499 đến Điều 515), trong đó quy định về tố cáo có 8 điều (từ Điều 509 đến Điều 514). Còn đối với Luật TTHC năm 2015 quy định tại Chương XXI: Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính, gồm: 17 điều (từ Điều 327 đến Điều 343), trong đó quy định về tố cáo có 07 điều (từ Điều 337 đến Điều 343).
Theo quy định tại Điều 590 BLTTDS năm 2015 và Điều 337 Luật TTHC năm 2015, thì: Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Để đảm bảo an toàn cho người tố cáo tránh lạm dụng việc tố cáo sai sự thật, vu khống người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng dân sự đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi người dân thực hiện quyền tố cáo, pháp luật đã quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của người tố cáo. Theo quy định tại Điều 510 BLTTDS năm 2015 và Điều 338 Luật TTHC năm 2015, người tố cáo có các quyền và nghĩa vụ sau: Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; Yêu cầu giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của mình; Yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trù dập, trả thù và có nghĩa vụ: Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; Nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.
Đối với người bị tố cáo trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính, đây là người được Nhà nước giao trách nhiệm tiến hành các hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Để tránh làm oan người bị tố cáo, đồng thời bảo đảm dân chủ, công khai trong việc giải quyết tố cáo, tại Điều 511 BLTTDS năm 2015 và Điều 339 LTTHC năm 2015 đã quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của người bị tố cáo sau: Được thông báo về nội dung tố cáo; Đưa ra bằng chứng để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật; Được khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được phục hồi danh dự, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo không đúng gây ra; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người tố cáo sai sự thật; Giải trình về hành vi bị tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu; Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lí của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; Bồi thường thiệt hại, hoàn trả hoặc khắc phục hậu quả do hành vi tố tụng dân sự trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.
Thẩm quyền giải quyết tố cáo được quy định tại Điều 512 BLTTDS năm 2015 và Điều 340 Luật TTHC năm 2015: Nguyên tắc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc cơ quan có thẩm quyền nào thì người đứng đầu cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết. Trong trường hợp người bị tố cáo là Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát thì Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết.
Về thời hạn giải quyết tố cáo trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính là khác nhau, theo đó: Trong tố tụng dân sự thì thời hạn giải quyết tố cáo quy định bằng tháng, cụ thể: Không quá 02 tháng kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tổ cáo có thể dài hơn nhưng không quá 3 tháng. Riêng đối với tố tụng hành chính thì thời hạn giải quyết tố cáo được quy định bằng ngày; cụ thể: 60 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể dài hơn, nhưng không quá 90 ngày.
Thủ tục giải quyết tố cáo theo quy định tại Điều 513 BLTTDS năm 2015 và Điều 341 Luật TTHC năm 2015, cơ bản là giống nhau, theo đó: Thủ tục giải quyết tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.
Trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo (Điều 514 BLTTDS năm 2015, Điều 342 Luật TTHC năm 2015) quy định: Để bảo đảm việc giải quyết nhanh chóng, có hiệu quả khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính đồng thời đề cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, pháp luật tố tụng dân sự và tố tụng hành chính quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đó, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm minh những người vi phạm pháp luật; áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn những thiệt hại có thể xảy ra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Trong trường hợp người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết, giải quyết trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 14 Luật Tố cáo năm 2018, quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Tòa án nhân dân.
BLTTHS, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được quy định rõ ràng nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân và tổ chức trong quá trình tố tụng hình sự, được quy định tại Chương XXIII của BLTTHS, gồm 15 điều, từ Điều 469 đến Điều 483 BLTTHS, theo đó quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình; Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
2. Vướng mắc, bất cập trong quy định
- Theo quy định tại Điều 140 BLTTDS, đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc việc Thẩm phán không quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Vậy, trong trường hợp Thẩm phán là Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án có quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc không quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại, kiến nghị có phải vẫn chính là Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án hay không?
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 141 BLTTDS thì quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án là quyết định cuối cùng. Trong trường hợp, đã có quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án nhưng đương sự không đồng ý mà tiếp tục tố cáo, trong quá trình xác minh đơn tố cáo nhận thấy quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án không đúng quy định pháp luật thì Tòa án cấp trên có được thụ lý tố cáo không?
- Theo quy định tại Điều 469 BLTTHS thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng…, tại Điều 475 BLTTHS quy định đối với khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra do Thủ trưởng Cơ quan điều tra xem xét, giải quyết lần đầu. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp, Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp xem xét, giải quyết là quyết định có hiệu lực cuối cùng.
Trong trường hợp khiếu nại quyết định của Thủ trưởng cơ quan điều tra thì Viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp sẽ giải quyết lần đầu, người khiếu nại có quyền khiếu nại Quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát lên Viện kiểm sát cấp trên và Quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên là quyết định cuối cùng.
Tương tự như vậy tại Điều 476 BLTTHS quy định về thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Phó Viện trưởng và Viện trưởng Viện kiểm sát.
Việc BLTTHS quy định như trên, theo chúng tôi là chưa hợp lý. Bởi lẽ, khi Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ điều tra là đã được Thủ trưởng cơ quan điều tra hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát ủy quyền bằng văn bản hoặc phân công nhiệm vụ thường xuyên. Do đó, khi Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ là thực hiện nhiệm vụ của Thủ trưởng cơ quan điều tra và Viện trưởng Viện kiểm sát chứ không phải với tư cách Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát. Vì vậy, quy định cấp Thủ trưởng Cơ quan điều tra hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết khiếu nại do sai phạm của cấp Phó thực hiện nhiệm vụ theo sự ủy quyền của mình là đảm bảo không khách quan, sẽ không phù hợp mà phải quy định cấp trên một cấp giải quyết.
- Hiện nay, văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục và biểu mẫu giải quyết khiếu nại, tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh trong tố tụng dân sự và quy trình cụ thể về tiếp công dân để áp dụng thống nhất chưa rõ ràng.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Một là, về tiếp công dân
Triển khai và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”; Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; Quy định số 11 -QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị “về trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ trong công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân trên địa bàn tỉnh”; Chỉ thị số 03/2022/CT-CA ngày 06/12/2022 của TANDTC về “Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân” và các văn bản pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bố trí phòng tiếp công dân, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất như: bàn ghế, quạt, camera… bảo đảm phục vụ cho công tác tiếp công dân, tiến hành niêm yết nội quy tại phòng tiếp công dân, công khai lịch tiếp công dân định kỳ của Lãnh đạo tại phòng tiếp công dân cũng như trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Việc phân loại, ghi sổ tiếp công dân phải được tiến hành đầy đủ, đúng quy định.
Tòa án tỉnh và các Tòa án cấp huyện cần bố trí thư ký tiếp công dân có phẩm chất chính trị, đạo đức, có chuyên môn nghiệp vụ tốt; có kỹ năng hướng dẫn, giải thích, vận động, thuyết phục, giúp đỡ người khiếu nại, tố cáo hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật; quá trình giải quyết đơn thư phải thận trọng, khách quan, không được sách nhiễu, trì hoãn, chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho công dân.
Lãnh đạo Tòa án tỉnh, Tòa án cấp huyện thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của UBND cùng cấp. Tại trụ sở cơ quan, lãnh đạo tiếp công dân định kỳ vào 01 ngày cố định hàng tháng, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, kịp thời thực hiện tiếp công dân đột xuất trong trường hợp có vụ, việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia. Qua đó lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, giải đáp được khúc mắc của họ, duy trì được tình hình ổn định, trật tự tại cơ quan. Sau khi tiếp công dân, lãnh đạo có ý kiến chỉ đạo giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của công dân và đôn đốc kiểm tra các tòa, phòng, công chức liên quan thực hiện. Việc tiếp đoàn công dân đông người thực hiện đúng pháp luật, đảm bảo an ninh, trật tự tại đơn vị.
Trong quá trình thực hiện công tác tiếp công dân, những trường hợp người dân ban đầu có thái độ, hành vi chưa đúng mực, cán bộ tiếp công dân cần khéo léo trong ứng xử, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của công dân, đồng thời nhắc nhở và phổ biến nội quy tiếp công dân đã được niêm yết để người dân có thái độ đúng mực, tôn trọng cơ quan, người tiếp công dân.
Hai là, về giải quyết khiếu nại, tố cáo:
Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị trong hoạt động tư pháp. Việc thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải đúng thẩm quyền, trình tự, thời hạn theo quy định của pháp luật và Quy chế của Tòa án nhân dân.
Tăng cường công tác phối hợp trong việc giải quyết những vụ việc bức xúc, nổi cộm, kéo dài, đông người, kịp thời trao đổi, có biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của công dân, tổ chức và Nhà nước.
Ba là, thực hiện tốt các giải pháp về công tác chuyên môn trọng tâm sau:
Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác xét xử; chú trọng làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ, việc dân sự và công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính. Triển khai thi hành có hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đặc biệt, trong quá trình nhận và xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, Tòa án chú trọng tuyên truyền Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho người khởi kiện, người yêu cầu, góp phần giảm số lượng các vụ việc phải thụ lý, giảm số vụ việc khiếu nại, tố cáo trong tố tụng.
Bốn là, hằng năm, có kế hoạch thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của các Tòa án cấp dưới.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện các quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh; chú trọng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, Quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
Tòa án chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp cùng cấp rà soát việc nhận đơn, thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để tồn đọng, kéo dài. Qua đó, có biện pháp chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tốn tại, hạn chế, khuyết điểm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phẩm chất đạo đức, kỷ luật công vụ, vi phạm pháp luật.
Năm là, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo đến công dân:
Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành, thực thi pháp luật của cán bộ, công chức Tòa án, góp phần hạn chế số vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhiều nơi, vượt cấp, tồn đọng, kéo dài, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trong quá trình giải quyết án, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn khéo léo lồng ghép tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo để từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện và chấp hành pháp luật. Thông qua việc tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, công chức tiếp công dân tuyên truyền các quy định của pháp luật về tiếp dân, khiếu nại, tố cáo cho người dân.
Sáu là, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho công chức và việc thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với người tiếp công dân, xử lý và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo:
Kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác tiếp dân và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo; lựa chọn những công chức có phẩm chất đạo đức tốt, nghiệp vụ tốt, có khả năng hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để người dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật. Phối hợp tổ chức được các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công chức.
Bảy là, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo:
Các số liệu về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cập nhật thường xuyên, kịp thời vào phần mềm thống kê của Tòa án nhân dân tối cao để phục vụ nhanh chóng, hiệu quả cho công tác thống kê, báo cáo khi có nhu cầu.
Thực hiện tốt việc công khai bản án, quyết định của Tòa án trên trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân để giúp người dân hiểu rõ hơn các quyền và nghĩa vụ của mình trước một sự kiện pháp lý xảy ra, từ đó làm giảm phát sinh việc tiếp tục khiếu nại, tố cáo sau khi đã có kết quả giải quyết.
Để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, chúng tôi kiến nghị TANDTC bổ sung một số quy định của pháp luật theo thẩm quyền và thực hiện một số giải pháp như:
Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục, biểu mẫu áp dụng trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng; ban hành mẫu sổ tiếp công dân; sổ thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo để việc áp dụng được thống nhất.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo như: số hóa các hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo trước khi đưa vào lưu trữ; có phần mềm quản lý công tác tiếp công dân; có hệ thống liên thông dữ liệu khiếu nại, tố cáo giữa các cấp Tòa án và cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Triển khai thực hiện chế độ bồi dưỡng cho người làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo theo quy định.
Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Với mong muốn để khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự, hành chính và hình sự được hoàn thiện, các cơ quan thực thi pháp luật và cá nhân chấp hành đúng quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự, hành chính và hình sự, rất mong Quốc hội, các cơ quan tư pháp ở Trung ương và địa phương sớm kiến nghị để sửa đổi, hướng dẫn đổi thống nhất trong việc thực hiện và áp dụng pháp luật thi hành án hình sự.
Trụ sở TANDTC - Ảnh: Khải Hoàn.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đề xuất mô hình Tòa án 3 cấp khi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Không áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ đối với Tạ Tấn P
-
Một số vấn đề về dấu hiệu định tội của tội "Tổ chức đánh bạc" quy định tại điểm d, đ khoản 1 Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Quy định 189-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương trong ngành Tòa án
Bình luận