Quy định mâu thuẫn, khó thi hành
Thi hành án trong các vụ án tham nhũng lớn đang là một trong những điểm nghẽn của công tác thi hành án trong thời gian gần đây. Điển hình, trong vụ án tham nhũng tại Agribank - Chi nhánh Nam Hà Nội, Phạm Thị Bích Lương (ảnh) bị tuyên buộc liên đới bồi thường gần 1.400 tỷ đồng, nhưng đến nay, cơ quan thi hành án dân sự chỉ thu hồi được hơn 1 tỷ đồng và hiện tại không còn tài sản, chưa có điều kiện thi hành án.
Thực tiễn thi hành án cho thấy, việc thu hồi tài sản tham nhũng phụ thuộc vào điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, đặc biệt là các tài sản mà cơ quan thi hành án có thể kê biên, xử lý để bảo đảm thi hành án. Tuy nhiên, hiện nay giữa pháp luật dân sự và hình sự, tố tụng hình sự đang có nhiều mâu thuẫn, khiến cho thi hành án gặp khó khăn. Chẳng hạn, để bảo đảm việc thu hồi tài sản sau xét xử, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải chú ý đến việc xác minh, truy tìm tài sản của bị can, bị cáo để có biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán, cất giấu tài sản. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng hình sự chủ yếu quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh, làm rõ hành vi phạm tội mà chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm trong việc phát hiện, xác minh tiền, tài sản tham nhũng hay có nguồn gốc từ tham nhũng của bị can, bị cáo để có áp dụng biện pháp bảo đảm cần thiết để bảo đảm thu hồi tiền, tài sản tham nhũng sau xét xử.
Đơn cử, Điều 128, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định, kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại… chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại…; hoặc Điều 45, Bộ luật Hình sự 2015 quy định, tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định. Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên thì việc tịch thu tài sản và phạt tiền đều có thể được áp dụng đối với các bị can phạm tội về tham nhũng, nhất là các vụ án lớn. Nhưng, do Bộ luật Hình sự quy định, người phạm tội chỉ có thể bị phạt tiền mức cao nhất là 100.000.000 đồng nên sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cơ quan điều tra và viện kiểm sát rất ít áp dụng các biện pháp kê biên hay tịch thu tài sản vì không thể biết chắc rằng khi xét xử thì người phạm tội có bị tịch thu tài sản; hoặc phải bồi thường thiệt hại hay không. Trong trường hợp cần phải kê biên tài sản thì cũng rất khó xác định phần tài sản phải kê biên tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường như thế nào khi mà việc quyết định mức phạt, mức bị tịch thu, mức phải bồi thường hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng xét xử.
Vì những quy định mâu thuẫn như trên, đến khi cơ quan thi hành án xác minh thì đa phần người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị rất nhỏ so với nghĩa vụ phải thi hành vì đã tẩu tán, nhờ người khác đứng tên hoặc không xác định rõ phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác.
Theo daibieu.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận