Quy định mới nhất về đăng ký thi đua

Trong phạm vi bài viết này, tác giả đi sâu phân tích các quy định mới của Luật năm 2022 về “đăng ký thi đua”- một trong những chủ đề đã có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương.

Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 được Quốc hội khóa V thông qua tại kỳ họp thứ 3, ngày 15/6/2022 (sau đây viết tắt là Luật năm 2022). So với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003, được sửa đổi, bổ sung các năm 2005, 2009, 2013 (sau đây viết tắt là Luật năm 2003) thì Luật năm 2022 có nhiều điểm mới cơ bản, trong đó có quy định về đăng ký thi đua. Đây cũng là nội dung quan trọng, liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng thi đua khi bình xét thi đua, đề nghị khen thưởng hằng năm trong các cơ quan, đơn vị.

Theo Luật năm 2003 và các Luật sửa đổi, bổ sung các năm 2005, 2009, 2013 đều có quy định và kế thừa một trong những nguyên tắc cơ bản, rường cột của thi đua là “đăng ký tham gia thi đua” hay còn gọi tắt là “đăng ký thi đua”. Điểm b khoản 1 Điều 10 Luật năm 2003 quy định một trong những căn cứ để xét tặng danh hiệu thi đua là “Đăng ký tham gia thi đua”. Điều đó có nghĩa là việc thi đua mặc dù là “tự nguyện”, nhưng các tập thể, cá nhân “bắt buộc” phải “đăng ký thi đua” và cũng là một trong những điều kiện để cơ quan có thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua. Không đăng ký thi đua thì không được xét tặng danh hiệu thi đua. Trên cơ sở quy định của Luật, các Bộ, ngành, tỉnh đều có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết nội dung này như: quy định bắt buộc phải ghi rõ trong đăng ký thi đua hàng năm về: tên tập thể, cá nhân đăng ký thi đua; tên danh hiệu thi đua đăng ký… Do đó, khi xét danh hiệu thi đua cuối năm, nhiều tập thể, cá nhân đã không được xét do “không đăng ký thi đua” theo quy định, hướng dẫn, mặc dù tập thể, cá nhân đó đạt thành tích xuất sắc, nổi trội trong phong trào thi đua.

Luật năm 2022 đã sửa đổi cơ bản nội dung này bằng quy định tuy vẫn duy trì, kế thừa nguyên tắc “tự nguyện” trong thi đua, nhưng đã bỏ nội dung “đăng ký tham gia thi đua” là một trong những điều kiện để xét tặng danh hiệu thi đua (Điều 7). Xung quanh nội dung quy định này còn có một số ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể Luật năm 2022, cụ thể:

Có ý kiến cho rằng Luật đã bỏ quy định “bắt buộc” đăng ký thi đua thì văn bản của Bộ, ngành không được quy định trái Luật, tức không được quy định đăng ký thi đua là “bắt buộc” trong văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, ngành.

Có ý kiến cho rằng cần thiết quy định đăng ký thi đua trong văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành, tuy nhiên quy định theo hướng “tùy nghi”, là “tự nguyện”, không “bắt buộc”, tức cá nhân, tập thể có thể đăng ký hoặc không đăng ký thi đua. Nếu cá nhân không đăng ký thi đua từ đầu năm thì cuối năm vẫn đủ điều kiện bình xét các danh hiệu thi đua nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định.

Tác giả bài viết nghiêng về quan điểm thứ 2. Quan điểm này cũng phù hợp với tình hình thực tế và gần như là thói quen của các tập thể, cá nhân trong các cơ  quan, đơn vị như là nề nếp, diễn ra hơn 20 năm từ khi có Luật năm 2003 đến nay. Thực tế, số trường hợp không đăng ký thi đua cũng rất ít, gần như là không có. Việc đăng ký thi đua đầu năm có một số ý nghĩa sau:

 - Gắn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức phong trào thi đua với việc tổ chức cho tập thể, cá nhân tự nguyện đăng ký thi đua để có cơ sở lập danh sách thống kê, theo dõi, có kế hoạch và biện pháp giúp đỡ, tạo điều kiện cho tập thể, cá nhân phấn đấu lập thành tích, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của các danh hiệu thi đua.

 - Giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cá nhân đối với việc đăng ký thi đua, đồng thời có kế hoạch phấn đấu để đạt được mục tiêu cụ thể đã đăng ký.

 - Quy định “tự nguyện” đăng ký tham gia thi đua cũng không trái pháp luật. Vì đây là quy định “tùy nghi”, nghĩa là cá nhân, tập thể có thể đăng ký hoặc không đăng ký. Nếu đăng ký thì cơ quan, đơn vị lập danh sách để tổng hợp, theo dõi, có kế hoạch giúp đỡ cụ thể được. Còn nếu không đăng ký thì cá nhân đó vẫn có thể được xét tặng các danh hiệu khi tổng kết phong trào thi đua cuối năm nếu đủ các tiêu chuẩn, điều kiện khác.

Việc không quy định cá nhân, tập thể phải “đăng ký tham gia thi đua” giống như đối tượng thi đua đang phấn đấu, “đang bơi” mà không xác định rõ mục đích đến, như vậy rất khó cho cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch giúp đỡ, tạo điều kiện để đạt thành tích phù hợp với từng mục tiêu đề ra, từng danh hiệu thi đua cụ thể đều có quy định về tiêu chuẩn, điều kiện rõ ràng.

NGUYỄN VIỆT HÙNG (Vụ Thi đua-Khen thưởng TANDTC)

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trao Cờ thi đua Chính phủ năm 2023 cho Văn phòng TANDTC- Ảnh: PV