Tình tiết định khung hình phạt trong tội xâm phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý hiếm – Vướng mắc và kiến nghị
Năm 1994, sau khi tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Công ước về Đa dạng sinh học (CBD), Việt Nam đã thể hiện nghĩa vụ và cam kết bảo vệ động vật hoang dã với cộng đồng quốc tế bằng việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ ĐVHD, nguy cấp, quý, hiếm thuộc các phụ lục của CITES có giá trị áp dụng thực tiễn cao, đặc biệt là các quy định của pháp luật hình sự. Trong phạm vi bài viết này, tác giả bàn về quy định của pháp luật về một số tình tiết định khung hình phạt trong các tội xâm phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý hiếm theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015; những vướng mắc và kiến nghị.
Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định 02 tội danh xử lý hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm đó là tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” (quy định tại Điều 234) và tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” (quy định tại Điều 244). Tùy thuộc vào cấp độ, tính chất nguy cơ bị đe dọa tiêu diệt, diệt chủng của loài động vật mà pháp luật hình sư quy định các tình tiết định khung hình phạt ( định khung cơ bản – định tội, và định khung tăng nặng) khác nhau, cụ thể:
1. Đối với tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã”
1.1. Về các tình tiết định khung cơ bản
Khoản 1 Điều 234 quy định 03 tình tiết định khung cơ bản, theo đó người nào thực hiện một trong các hành vi sau có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã”, cụ thể là:
– Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB (theo quy định của Chính Phủ, hiện nay là Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019) hoặc Phụ lục II CITES trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc động vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng (Điểu a Khoản 1);
“Động vật hoang dã khác” được hiểu là các lại động vật rừng thông thường theo quy định của pháp luật và động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục III của CITES (Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thấm phán TANDTC).
– Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc của động vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng (Điểm b khoản 1);
– Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thu lợi bất chính hoặc trị giá dưới mức quy định hai trường hợp trên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm (Điềm c khoản 1).
“Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này” là trước đó đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi quy định định tại Điều 234 BLHS nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điều 234 BLHS (Khoản 8 Điều 2 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thấm phán TANDTC).
1.2. Về các tình tiết định khung tăng nặng
Như trên đã nêu trị giá động vật, bộ phạm cơ thể hoặc sản phẩm của động vật cũng như số tiền thu lời bất chính là một trong những tình tiết định khung cơ bản. Tùy theo trị giá động vật, bộ phạm cơ thể hoặc sản phẩm của động vật và số tiền thu lời bất chính mà người pham tội phải bị truy cưu trách nhiệm với các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt quy định tại các điểm g, h khoản 2 Điều 234 hay các điểm a, b khoản 3 Điều 234 BLHS, cụ thể:
– Động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II CITES trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng thì là tình tiết định khung theo điểm g khoản 2 Điều 234; trị giá từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì là tình tiết định khung theo điểm a khoản 3 Điều 234.
– Động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật động vật hoang dã khác trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng là tình tiết định khung theo điểm g khoản 2 Điều 234; trị giá từ 1.500.000.000 đồng trở lên thì là tình tiết định khung theo điểm a khoản 3 Điều 234.
– Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng là tình tiết định khung theo điểm h khoản 2 Điều 234; từ 500.000.000 đồng trở lên là tình tiết định khung theo điểm b khoản 3 Điều 234;
Ngoài trị giá động vật, bộ phạm cơ thể hoặc sản phẩm của động vật và số tiền thu lời bất chính, Điều 234 BLHS còn quy định một số tình tiết tăng nặng định khung khác đó là:
– Có tổ chức (điểm a khoản 2). Đây là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn (điểm b khoản 2). Đây là trường hợp người có chức vụ quyền hạn sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 234;
– Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức (điểm c khoản 2). Đây là trường hợp người phạm tội sử dụng danh nghĩa cơ quan tổ chức để thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 234;
– Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm (điểm d khoản 2) là sử dụng các loại vũ khí, tên tẩm thuốc độc, chất nổ, chất độc, đào hầm, hố, cắm chông, bẫy kiềng lớn, bẫy cắm chông, bẫy gài lao, bẫy điện, bẫy sập, khúc gỗ lớn, răng sắt lớn hoặc các công cụ, phương tiện nguy hiểm khác mà cơ quan có thẩm quyền quy định không được phép sử dụng để săn bắt.
-Săn bắt trong khu vực bị cấm (điểm đ khoản 2) là săn bắt động vật hoang dã trong khu bảo tồn, vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan hoặc săn bắt trong các khu vực khác có quy định cấm theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Săn bắt vào thời gian bị cấm (điểm đ khoản 2) là săn bắt động vật hoang dã vào mùa sinh sản hoặc mùa di cư của chúng. Việc xác định mùa sinh sản, mùa di cư của từng loài theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
– Vận chuyển, buôn bán qua biên giới là trường hợp người phạm tội đã hoặc đang đưa động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của chúng ra khỏi biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng đất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc ngược lại. Cũng được coi là buôn bán, vận chuyển qua biên giới nếu đã hoàn thành các thủ tục thông quan đối với động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của chúng.
– Tái phạm nguy hiểm (điểm i khoản 2). Đây là trường hợp người phạm tội đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
2. Đối với tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
Khác với Điều 234 Đối tượng tác động là động vật hoang dã nhóm II B hoặc nhóm II, nhóm III CITES. Đối tượng tác động trực tiếp của tội tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm là động vật nguy cấp, quý, hiếm là loài động vật có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học và môi trường, số lượng còn rất ít trong tự nhiên và có nguy cơ bị tuyệt chủng thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Động vật thuộc nhóm IB theo quy định của Chính Phú – Nghị định số 06/NĐ_CP ngày 22/01/2019, hoặc Phụ Lục I CITES). Do đó, các tình tiết khung cơ bản và định khung tăng nặng tại Điều 244 cũng khác Điều 234. Trong khi Điều 234 căn cứ vào trị giá động vật, bộ phạm cơ thể hoặc sản phẩm của động vật cũng như số tiền thu lời bất chính làm một trong những tình tiết định khung cơ bản. Còn Điều 244 lại căn cứ số lượng, trọng lượng của loài, lớp động vật nguy cấp, quý, hiếm để làm căn cứ xử lý hình sự và phân hóa mức độ phạm tội (Định tội và định khung hình phạt), cụ thể như sau:
2.1 Về các tình tiết định khung cơ bản
Điều 244 BLHS 2015 đã quy định rõ số lượng, trọng lượng của loài, lớp động vật nguy cấp, quý, hiếm để làm căn cứ xử lý hình sự. Số lượng tối thiểu để xử lý hình sự là:
– Đối với động vật, cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống, sản phẩm của động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép không phân biệt số lượng (Chỉ cần 1 cá thể) đều phải bị xử lý hình sự (điêm a, b khoản 1). Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hiện này được quy định tại Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 sửa đổi bổ sung Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về tiêu chí xác định loài, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
– Đối với ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam (Điểm c khoản 1);
– Đối với sừng tê giác có khối lượng từ 50 gam đến 01 kilôgam (Điểm c khoản 1);
– Đối với động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB và Phụ lục I Công ước CITES (không thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo về) thì số lượng từ 03 cá thể là lớp thú, từ 07 cá thể là lớp chim, bò sát và 10 cá thể là động vật lớp khác. (Điểm d, đ khoản 1).
2.2 Các tình tiết định khung tặng nặng
– Đối với động vật, cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống, sản phẩm của động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác bị xử lý theo khoản 2 Điều 244; từ 08 cá thể lớp thú trở lên, 11 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 16 cá thể động vật lớp khác trở lên thì bị xử lý theo khoản 3 Điều 244;
– Đối với ngà voi có khối lượng từ 20 kilôgam đến dưới 90 kilôgam thì bị xử lý theo khoản 2 Điều 244; khối lượng từ 90 kilôgam trở lên thì bị xử lý theo khoản 3 Điều 244
– Đối với sừng tê giác có khối lượng từ 01 kilôgam đến 09 kilôgam thì bị xử lý theo khoản 2 Điều 244; khối lượng từ 09 kilôgam trở lên thì bị xử lý theo khoản 3 Điều 244
– Đối với động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB và Phụ lục I Công ước CITES ( mà không thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo về) có số lượng từ 08 cá thể đến 11 cá thể lớp thú, từ 11 cá thể đến 15 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 16 cá thể đến 20 cá thể động vật lớp khác thì bị xử lý theo khoản 2 Điều 244; số lượng từ 12 cá thể lớp thú trở lên, 16 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 21 cá thể động vật lớp khác trở lên thì bị xử lý theo Khoản 3 Điều 244.
– Riêng đối với voi, tê giac, gấu hổ được quy định riêng, cụ thể:
+ Từ 01 cá thể đến 02 cá thể voi, tê giác hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 01 cá thể đến 02 cá thể voi, tê giác; từ 03 cá thể đến 05 cá thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 05 cá thể gấu, hổ bị xử lý theo Khoản 2 Điều 244;
+ Từ 03 cá thể voi, tê giác trở lên hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 03 cá thể voi, tê giác trở lên; 06 cá thể gấu, hổ trở lên hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 06 cá thể gấu, hố trở lên thì xử lý theo khoản 3 Điều 244;
Ngoài ra, khoản 2 Điều 244 cũng quy định một số tình tiết khác là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt như khoản 2 Điều 234 nêu trên như có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm; săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm; buôn bán, vận chuyển qua biên giới; và tái phạm nguy hiểm (Đã phân tích trên không nhắc lại).
3. Vướng mắc và đề xuất hướng dẫn
– Về tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Tình tiết này đều được quy định tại các điều 234 và 244 là tình tiết định tội khi trị giá, hay số lượng động vật dưới mức quy định. Trong khi các hành vi tại Điều 234, và Điều 244 đều là hành vi tương tự, đều vị phạm quy định về bảo vệ động vật thì theo quy định này một người nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành quy định tại Điều 234, chưa hết thời để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính mà sau đó lại có hành vi quy định tại Điều 244 với số lượng động vật chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cũng không xử lý trách nhiệm hình sự được người này, mặc dù họ đã bị xử lý về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật, nhưng vẫn vi phạm, và cần thiết phải áp dụng chế tài nghiêm khắc (Xử lý trách nhiệm hình sự).
Do đó, đề xuất sửa đổi tình tiết này tại cả hai điều 234 và điều 244 theo hướng nên quy đinh trường hợp người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 234, 244 hoặc đã bị kết án về tội 234, 244 chưa được xóa án tính mà còn vi phạm hành vi tại Điều 244, 234 đều bị xử lý trách nhiệm hình sự. Cụ thể tình tiết này tại các Điều 234, và 244 sửa như sau: “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại các điều 234 và điều 244 hoặc đã bị kết án về tội quy định định tại các điều 234 và điều 244, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”
– Về trị giá động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã (quy định tại điều 234). Đây vừa là tình tiết định khung cơ bản (định tội) vừa là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự. Việc định giá trị giá động vật, bộ phân cơ thể của động vật hoang dã được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ có hiệu lực từ 01/5/2018 (Nghị định số 30) và Thông tư số 43/2018/TT – BTC ngày 07/5/2018 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 25/6/2018 (Thông tư số 43). Cụ thể:
Khoản 2, khoản 3 Điều 15 Nghị định số 30 quy định về căn cứ định giá tài sản là hàng cấm như sau:
“2. Việc định giá tài sản là hàng cấm phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau:
a) Giá mua bán thu thập được trên thị trường không chính thức tại thời điểm và tại nơi tài sản là hàng cấm được yêu cầu định giá hoặc tại địa phương khác;
b) Giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu hàng cấm (nếu có);
c) Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp;
d) Giá thị trường trong khu vực hoặc thế giới của hàng cấm do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông báo hoặc cung cấp thông tin;
đ) Giá niêm yết, giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại Việt Nam;
e) Giá thị trường trong khu vực và thế giới của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại các thị trường này;
g) Các căn cứ khác giúp xác định giá trị của tài sản cần định giá do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự cung cấp và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tin cậy của các căn cứ này.
Các mức giá từ các nguồn thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được xác định tại thời điểm và tại nơi tài sản được yêu cầu định giá. Trường hợp thu thập nguồn thông tin về mức giá tài sản tại thời điểm khác hoặc ở địa phương khác thì mức giá đó cần được điều chỉnh phù hợp về thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá”
Khoản 4 Điều 3 Thông tư 43, hướng dẫn quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 30 quy định:
“a) Trường hợp tại thời điểm được yêu cầu định giá không thu thập được các mức giá của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự thì áp dụng tại thời điểm định giá hoặc gần thời điểm định giá nhưng không quá 02 năm (24 tháng) tính đến thời điểm định giá. Thời điểm định giá là thời điểm mà giá trị tài sản được phản ánh theo yêu cầu định giá của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
b) Trường hợp tại địa điểm được yêu cầu định giá không thu thập được các mức giá của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự thì mở rộng khu vực thu thập thông tin về giá sang các khu vực có đặc điểm thị trường tương tự với địa điểm được yêu cầu định giá. Trường hợp không thu thập được các mức giá của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự trong lãnh thổ Việt Nam, thì mở rộng việc thu thập giá tại khu vực và thế giới trên các trang thông tin điện tử chính thức của các cơ quan, tổ chức sản xuất, kinh doanh tại khu vực và thế giới”
Như vậy, việc định giá động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã phải căn cứ, thời điểm và nơi yêu cầu định giá. Do đó, mỗi thời điểm, mỗi địa phương lại định giá một trị giá khác nhau tương ứng với các khung khoản khác nhau theo quy định tại Điều 234 dẫn đến cùng một hành vi giống nhau, mức độ nguy hiểm cho xã hội giống nhau nhưng lại bị định khung hình phạt khác nhau tại các địa phương khác nhau.
Do đó, đề xuất bổ sung quy định để các cơ quan được trưng cầu định giá có thể phối hợp kịp thời cập nhật giá thị trường không chính thức của các loại động vật hoang dã phổ biến mà tội phạm thường xuyên vận chuyển, buôn bán để không có sự chênh lệch quá lớn giữa các địa phương khác nhau về cùng một (một số) động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm.
– Về định giá để định khung hình phạt liên quan đến các tội chiếm đoạt tài sản
Trong các tội chiếm đoạt tài sản như: Tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS); Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 BLHS); Tội cướp giật tài sản (Điều 171 BLHS)… đều quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt để định khung hình phạt. Do đó trong trường hợp người phạm tội có hành vi chiếm đoạt động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm, ngà voi, sừng tê giác … thuộc diện điều chỉnh của Điều 234 và Điều 244 BLHS thì phải tính trị giá các tài sản này mới định tội, định khung hình phạt đối với bị cáo được. Tuy nhiên, việc định giá động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm hiện nay là không đồng nhất, có địa phương định giá được, có địa phương không định giá được và việc định giá là không thống nhất trong cả nước như phân tích trên.
Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong các ví dụ sau cũng mới chỉ hướng dẫn về định tội trong các hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm mà chưa hướng dẫn về định giá:
“Ví dụ 1: Nguyễn Văn A trộm cắp 10 kilôgam ngà voi trị giá 130 triệu đồng, sau đó A đi bán cho Nguyễn Văn B thì bị bắt quả tang. Trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản và tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Ví dụ 2: Nguyễn Văn C trộm cắp 10 kilôgam ngà voi trị giá 130 triệu đồng. Trong khi C đang vận chuyển đi cất giấu thì bị phát hiện bắt giữ. Trường hợp này, C chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản”
Mặt khác, không nên coi động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm là tài sản theo nghĩa thông thường, vì việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển… đối với chúng đều bị cấm.
Do đó, có thể áp dụng tương tự đối với hành vi chiếm đoạt chất ma túy, đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự về tội danh xử lý các hành vi chiếm đoạt động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm theo hướng, bổ sung tội danh mới, tội chiếm đoạt động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm.
– Về trường hợp thu giữ được nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc các lớp khác nhau.
Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong các ví dụ sau cũng mới chỉ hướng dẫn về trường hợp chưa đủ số lượng theo từng lớp (quy định tại khoản 1) thì người có hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn xử lý trường hợp thu giữ được nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc các lớp khác nhau nhưng thuộc các điểm, khoản khác nhau Điều 244 BLHS.
Do đó, đề xuất Hội đồng Thẩm phán TANDTC có hướng dẫn để thống nhất đường lối xử lý nhằm nâng cao chất lượng đấu tranh phòng và chống tội phạm, bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm theo hướng trường hợp thu giữ được nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc các lớp khác nhau nhưng thuộc các điểm, khoản khác nhau Điều 244 BLHS thì áp dụng tất cả các điểm, khoản đó, và khi quyết định hình phạt ở mức cao của khung hình phạt.
Trong bài có sử dụng các tài liệu sau:
Bộ luật hình sự năm 2015;
Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ; và Thông tư số 43/2018/TT – BTC ngày 07/5/2018 của Bộ Tài chính
Báo cáo số 2031/BC-ĐKS ngày 10/7/2019 của Đoàn khảo sát Ủy ban tư pháp báo cáo kết quả khảo sát của Ủy ban tư pháp tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Quảng Bình về tình hình đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật vè tội phạm về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm và những khó khăn vướng mắc thể hiện tại các tỉnh được khảo sát đều gặp khó khăn về vấn đề này
Tham khảo một số bài đưa tin về việc các lực lượng chức năng thu giữ ngà voi, tê giác, vẩy tê tê… tại các sân bay, cảng trên Tạp chí TAND điện tử.
Ảnh: kenhthoitiet
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
Bình luận