Quy định về pháp nhân thương mại phạm tội

        1. Một số vấn đề chung về pháp nhân thương mại phạm tội

      Khoản 2 Điều 2 Bộ luật Hình sự được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015 (sau đây viết tắt là BLHS năm 2015) quy  định như sau: “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Quy định này không phải chỉ là để thực hiện quy định của Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 là: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” mà còn là để đấu tranh, ngăn chặn một thực tế của xã hội Việt Nam trong những năm vừa qua là: Có một số pháp nhân thương mại có hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, Sản xuất, buôn bán hàng giả.v.v.

         Đây là lần đầu, pháp luật hình sự nước ta quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội do pháp luật quy định.

         Quy định tại khoản 2 Điều 2 BLHS năm 2015, theo chúng tôi có một số vấn đề cần được quan tâm đối với cơ quan và người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự là:

          1.1. Pháp nhân thương mại 

         Theo quy định của BLDS được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2015 thì có các quy định về pháp nhân sau đây:

      – Về pháp nhân nói chung khoản 1 Điều 74 BLDS năm 2015 quy định:

“1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan,

Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này,

Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình,

Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.”

     – Về pháp nhân thương mại, khoản 2 Điều 75 BLDS năm 2015 quy định như sau:

“1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác”

– Về pháp nhân phi thương mại: Điều 76 BLDS năm 2015 quy định như sau: “Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên”. Pháp nhân phi thương mại bao gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.

     Như vậy pháp nhân thương mại là pháp nhân được thành lập theo quy định của BLDS năm 2015, có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 BLDS năm 2015 như sau: “Có cơ quan điều hành. Tổ chức nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật. Cụ thể pháp nhân thương mại, bao gồm: Doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

     Trường hợp doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác thành lập trước ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2017) mà có đủ các điều kiện quy định tại Điều 84 BLDS năm 2005 thì theo chúng tôi doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác đó là pháp nhân thương mại. Các điều kiện quy định tại Điều 84 BLDS năm 2005 như sau:

“a) Được thành lập hợp pháp,

b) Có cơ cấu, tổ chức chặt chẽ,

c) Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó,

d) Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập”

     1.2. Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội

     Theo quy định của BLHS năm 2015, pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Chương XI BLHS năm 2015, theo quy định khác của Phần thứ nhất BLHS năm 2015 không trái với quy định của Chương XI BLHS năm 2015.

a. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại: Điều 75 BLHS năm 2015 quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại.

– Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại.

– Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhan thương mại.

– Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 BLHS năm 2015.

     Bốn điều kiện quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự mà chúng tôi trình bày ở trên là bốn điều kiện pháp lý bắt buộc phải đủ, thiếu một điều kiện là pháp nhân thương mại không phải chịu trách nhiệm hình sự.

       b. Các tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự.

       Theo quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015, pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự các tội sau đây:

      Tội buôn lậu (Điều 188); Tội vận chuyển trái pháp hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189); Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190); Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191); Tội sản xuát buôn bán hàng giả (Điều 192); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Tội sản xuất buốn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi (Điều 195); Tội đầu cơ (Điều 196); Tội trốn thuế (Điều 200); Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 203); Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (Điều 209); Tội sử dụng thông tin nội bổ để mua bán chứng khoán (Điều 210); Tội thao túng thị trường chứng khoán (Điều 211); Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216); Tội vi phạm quy định về cạnh tranh (Điều 217); Tội xâm phạm xuyền tác giả, quyền liên quan (Điều 225); Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226); Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên (Điều 227); Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản (Điều 232); Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234); Tội gây ôi nhiễm môi trường (Điều 235); Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237); Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238); Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 239); Tội hủy hoại nguồn thủy sản (Điều 242); Tội hủy hoại rừng (Điều 244); Tội vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 245); Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại (Điều 246); Tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và tội rửa tiền (Điều 324).

c. Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

        Theo quy định tại Điều 33 BLHS năm 2015, hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội có hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Cụ thể:

          Hình phạt chính bao gồm:

            – Phạt tiền,

            – Đình chỉ hoạt động có thời hạn,

            – Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn,

         Hình phạt bổ sung bao gồm:

            – Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định,

            – Cấm huy động vốn,

            – Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.

        Đối với mỗi tội phạm mà pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung. Ngoài các hình phạt, trong giải quyết vụ án pháp nhân thương mại phạm tội, Tòa án có thể quyết định áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Điều 82 BLHS năm 2015 đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Cụ thể là:

        Tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy đối với:

   “Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội. Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán đổi chác những thứ ấy mà có hoặc thu lợi bất chính từ việc phạm tội. Vật thuộc loại nhà nước cấm lưu hành ..v..v..”

        Khi áp dụng hình phạt đối với pháp nhân thương mại, ngoài việc Tòa án phải căn cứ vào điều luật quy định về “Căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội” còn phải căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ, tính tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mà BLHS quy định áp dụng đối với pháp nhân thương mại và đặc biệt là hình phạt mà Tòa án quyết định phải phù hợp với điều luật quy định về hình phạt đó.

        Ví dụ 1: Tòa án quyết định áp dụng hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại, thì  mức phạt tiền phạt không được thấp hơn 50.000.000 đồng (năm mươi triệu). Vì Điều 77 BLHS năm 2015 quy định như vậy. Có nghĩa là, mức tiền phạt phải từ năm mươi triệu đồng trở lên.

        Ví dụ 2: Tòa án quyết định đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân thương mại thì quyết định đình chỉ hoạt động vĩnh viễn phảo phù hợp với quy định tại Điều 79 BLHS năm 2015.

         Nội dung quy định tại Điều 79 BLHS năm 2015 quy định có hai trường hợp đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Cụ thể như sau:

         Trường hợp 1: Quy định tại khoản 1 Điều 79 BLHS năm 2015 như sau: “Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây ra  thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra”. Trường hợp này là đình chỉ hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng nhiều người, đến sự cố môi trường, an ninh trật tự xã hội mà không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

       Trường hợp 2: Quy định tại khoản 2 Điều 79 BLHS năm 2015 như sau: “Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động”. Trường hợp này là đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động của Pháp nhân thương mại với căn cứ pháp luật là từ ngày pháp nhân thương mại được thành lập và bắt đầu hoạt động đến ngày bị phát hiện vi phạm tội thì Pháp nhân thương mại đó chỉ thực hiện tội phạm.

d. Quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội.

     Theo quy định tại Điều 86 BLHS năm 2015 thì khi xét xử cùng một lần mà pháp nhân thương mại phạm nhiều tội, Tòa án được quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:

       * Hình phạt chính:

       – Nếu hình phạt đối với từng tội cùng là phạt tiền, thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung.

       – Hình phạt đối với từng tội là đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với từng lĩnh vực cụ thể thì không tổng hợp.

       – Hình phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác.

       * Hình phạt bổ sung:

    – Nếu các hình phạt đối với từng tội cùng loại, thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do BLHS quy định đối với hình phạt đó, riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt bổ sung được cộng lại thành hình phạt chung.

     – Nếu các hình phạt đối với từng tội khác nhau, thì pháp nhân thương mại bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.

    BLHS năm 2015 còn quy định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án mà pháp nhân thương mại đã bị kết án.

h. Quy định về miễn hình phạt, xóa án tích đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

       Về miễn hình phạt: Theo quy định tại Điều 88 BLHS năm 2015 thì pháp nhân thương mại phạm tội có thể được miễn hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội đã khắc phục toàn bộ hậu quả và bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

       Về xóa án tích: Theo quy định tại Điều 89 BLHS năm 2015, Pháp nhân thương mại bị kết án được đương nhiên xóa án tích trong hai trường hợp sau:

       Trường hợp 1: Trong thời hạn hai năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án.

       Trường hợp 2: Trong thời hạn hai năm kể từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không có thực hiện hành vi phạm tội mới.

    Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân thương mại là năm năm (Điều 60 BLHS năm 2015 quy định.)

     1.3. Vị trí của pháp nhân thương mại phạm tội trong hoạt động tố tụng hình sự

    Theo quy định tại Điều 55 BLTTHS năm 2015 thì pháp nhan thương mại phạm tội trong hoạt động tố tụng hình sự với vị trí là người tham gia tố tụng. Tùy từng giai đoạn tố tụng pháp nhân thương mại phạm tội có sự thay đổi vị trí tham gia tố tụng. Cụ thể là:

     Một là: Vị trí người tham gia tố tụng là bị can. Vị trí bị can đối với pháp nhân thương mại phạm tội kể từ khi pháp nhân thương mại phạm tội bị khởi tố về hình sự. Vị trí bị can kéo dài đến trước ngày Tòa án có quyết định đưa ra xét xử.

     Hai là: Vị trí người tham gia tố tụng là bị cáo. Vị trí bị cáo đối với pháp nhân thương mại phạm tội kể từ khi bị Tòa án có quyết định đưa ra xét xử.

      Theo quy định tại các Điều 60, Điều 61 BLTTHS năm 2015 thì quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo là pháp nhân thương mại phạm tội được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.

     1.4. Trách nhiệm hình sự của cá nhân trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội

     Tại khoản 2 Điều 75 BLHS năm 2015 quy định: “Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”. Quy định này được hiểu là: Trường hợp pháp nhân thương mại có đủ bố điều kiện chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội đã thực hiện. Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân trong Hội đồng quản trị của pháp nhân thương mại đã quyết định dẫn đến pháp nhân thương mại phạm tội có đủ bốn yếu tố cấu thành tội phạm thì cá nhân đó cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.

     Đối với Giám đốc, Tổng Giám đốc điều hành của pháp nhân thương mại là người làm thuê của pháp nhân thương mại biết rõ công việc được giao làm là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn làm. Hậu quả là pháp nhân thương mại bị khởi tố về hình sự. Trường hợp này cá nhân là Giám đốc, Tổng Giám đốc của pháp nhan thương mại phạm tội cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.

     Ví dụ: Ông B là người làm thuê với chức danh Giám đốc điều hành của pháp nhân thương mại H được pháp nhân thương mại H giao vận chuyển 20 tấn hàng hóa từ kho hàng của pháp nhân thương mại H đến tỉnh N giao cho doanh nghiệp Đ đồng thời nhận 15 tấn hàng từ doanh nghiệp Đ  đem về kho hàng của pháp nhân thương mại H. Khi nhận 15 tấn hàn từ doanh nghiệp Đ, tỉnh N, ông B biết rõ 15 tấn hàng đó là hàng hóa mà Nhà nước cấm mua bán, vận chuyển, tàng trữ, nhưng ông B vẫn nhận và vận chuyển 15 tấn hàng cấm đó, bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ trên đường vận chuyển và pháp nhân thương mại A bị khởi tố về hình sự. Trường hợp này, theo chúng tôi, ông B phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vận chuyển hàng cấm. Vì ông B biết rõ số hàng hóa mà ông B vận chuyển là hàng mà Nhà nước Việt nam cấm lưu hành, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và ông B thực hiện hành vi với lỗi cố ý.

       2. Ý kiến đề nghị.

       Lần đầu pháp luật hình sự nước ta quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm quy định trong BLHS năm 2015. Đây là quy định mới, để việc thi hành quy định mới này đạt kết quả tốt, chúng tôi đề nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền một số vấn đề sau đây:

     Một là: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân, cơ quan tổ chức mà đặc biệt là tuyên truyền rộng rãi những quy định mới của BLHS năm 2015, trong đó có quy định về pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội được quy định trong BLHS

    Hai là: Tổ chức cho các pháp nhân thương mại trong cả nước học tập quy định của BLHS năm 2015 về pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm quy định trong BLHS.

     Ba là: Có văn bản pháp luật của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện quy định BLHS năm 2015 về quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội.

     Bốn là: Từng cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có kế hoạch và thực hiện tổ chức học tập các quy định mới của BLHS năm 2015, mà đặc biệt là, học tập để nhận thức thống nhất, thực hiện thống nhất các quy định của BLHS năm 2015 về pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm quy định trong BLHS năm 2015.

    Năm là: Từng co quan tiến hành tố tụng hình sự tự tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định mới của BLHS năm 2015, trong đó có việc nhận thức, việc thực hiện quy định về pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội. Thông qua việc kiểm tra, thanh tra để chấn chỉnh các vi phạm và giải đáp kịp thời  các vướng mắc, tồn tại.

Đỗ Văn Chỉnh