Quy định về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 – một số tồn tại, hạn chế và kiến nghị hoàn thiện
Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là chế định được ghi nhận từ khá sớm trong các Bộ luật Tố tụng dân sự và dần được hoàn thiện trong các lần sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng chế định này cho thấy vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục được nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế; từ đó đưa ra đề xuất, kiến nghị cụ thể.
Quy định của pháp luật về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2021.
Đối với chế định về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự cũng đã có những điều chỉnh, bổ sung cụ thể hơn, rõ ràng hơn so với các BLTTDS trước đây.
Điều 70 BLTTDS năm 2015 quy định đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng. Khi tham gia tố tụng, đương sự có các quyền, nghĩa vụ quy định cụ thể tại Điều luật này. Trong đó, tại khoản 18 Điều 70 BLTTDS năm 2015 quy định, đương sự có quyền: “Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật này”.
Tại khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015 quy định các căn cứ để Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, bao gồm:
“a) Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó;
b) Đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật;
c) Chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế;
d) Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án;
đ) Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án;
e) Cần đợi kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà Tòa án đã có văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ;
g) Theo quy định tại Điều 41 của Luật phá sản;
h) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, trên thực tế khi áp dụng một số điều luật của Bộ luật này về tạm đình chỉ vụ án dân sự cho thấy, một số quy định vẫn chưa rõ ràng nên đã phát sinh bất cập, vướng mắc. Trong bài viết, tác giả phân tích làm rõ một số tồn tại, hạn chế; từ đó nêu kiến nghị, đề xuất cụ thể.
Thực trạng vướng mắc khi áp dụng quy định về quyền đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của đương sự
Trường hợp Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo đề nghị của đương sự quy định tại khoản 18 Điều 70 BLTTDS năm 2015 không được liệt kê cụ thể tại khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015, nhưng có thể hiểu, trường hợp này thuộc quy định tại điểm h khoản 1 Điều 214 là các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tác giả thấy rằng, việc hiểu quy định này vẫn còn những quan điểm chưa thống nhất[1]. Tác giả cho rằng, quy định tại điểm h khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015 cần được hiểu theo hướng bao gồm quy định tại khoản 18 Điều 70 BLTTDS năm 2015 để bảo đảm tính thống nhất trong hiểu và áp dụng trong thực tiễn. Theo tác giả, quyền đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án là quyền do pháp luật tố tụng dân sự quy định, nếu đề nghị đó là hợp pháp và có căn cứ thì Tòa án chấp nhận. Còn trường hợp đề nghị không có căn cứ thì Tòa án không chấp nhận. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc xác định trường hợp nào đề nghị tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của đương sự được chấp nhận và trường hợp nào đề nghị này không được chấp nhận. Ví dụ: Trường hợp nguyên đơn đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do đương sự vào bệnh viện chữa bệnh hay trường hợp đương sự đi nước ngoài công tác mà nguyên đơn không thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng được hoặc đương sự cần có thời gian thu thập thêm chứng cứ giao nộp cho Tòa án… thì đề nghị này có chấp nhận hay không?
Do vậy, hiện nay vẫn còn quan điểm khác nhau về việc đương sự có đơn đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án vì một lý do nào đó được xem là hợp lý thì Tòa án có được tạm đình chỉ giải quyết vụ án hay không. Vấn đề này trong thực tiễn có Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, có Tòa án không chấp nhận tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Điều này cho thấy sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật giữa các Tòa án hiện nay. Đây là một tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Tác giả xin nêu ví dụ cụ thể sau:
Ông Nguyễn Văn A khởi kiện yêu cầu bà Nguyễn Thị C trả cho ông khoản tiền vay bà C mượn ông là 500 triệu đồng. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, ông A bị ốm và phải vào điều trị lại Bệnh viện B (có hồ sơ bệnh án) và ông cho rằng, không có người nào khác biết về việc ông A cho bà C mượn tiền nên không nắm được tình tiết vụ việc, do vậy không ủy quyền cho ai thay ông A tiếp tục tham gia tố tụng. Ông A đã làm đơn đề nghị tạm đình chỉ giải quyết vụ án gửi Tòa án.
Việc giải quyết yêu cầu này của ông A có hai quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, Tòa án không chấp nhận tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo yêu cầu của ông A. Vì yêu cầu của ông A không thuyết phục do việc chứng minh quan hệ của ông A với bà C đã có các giấy vay nợ, nên ông A hoàn toàn có thể ủy quyền cho người khác để tiếp tục tham gia tố tụng.
Quan điểm thứ hai lại cho rằng, căn cứ quy định tại khoản 18 Điều 70 BLTTDS năm 2015 có quy định quyền của đương sự là: “Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định của Bộ luật này”. Đồng thời, BLTTDS năm 2015 cũng quy định, Tòa án căn cứ vào điểm h khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015: “Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án là có cơ sở.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi lẽ, cần tôn trọng quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự quy định tại Điều 5 BLTTDS năm 2015. Trường hợp này, ông A có đơn đề nghị Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và có xuất trình hồ sơ bệnh án kèm theo để chứng minh đề nghị của ông A là có căn cứ hợp lý thì Tòa án cần chấp nhận đề nghị này để bảo vệ, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của ông A.
Tuy nhiên, như đã phân tích, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc xác định trường hợp nào thì đề nghị tạm đình chỉ vụ án dân sự của đương sự được chấp nhận và trường hợp nào không được Tòa án chấp nhận nên thực tiễn áp dụng tại các Tòa án vẫn mang tính tùy nghi, chủ yếu phụ thuộc vào đánh giá, nhận định chủ quan của Tòa án. Do vậy, việc áp dụng trong thực tiễn thiếu thống nhất, công lý và công bằng chưa thực sự được bảo đảm một cách tốt nhất.
Về kháng cáo quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015 thì khi có một trong các căn cứ được liệt kê thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Ví dụ, khi có căn cứ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án là: “Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án”.
Đây là một trong những căn cứ để Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khá phổ biến; tuy nhiên, thực tiễn ra quyết định tạm đình chỉ trong trường hợp này cũng gặp một số vướng mắc, liên quan đến quyền kháng cáo. Cụ thể:
Tại khoản 5 Điều 215 BLTTDS năm 2015 quy định: “Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”.
Như vậy, trong trường hợp Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với căn cứ nêu tại điểm d khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015, trong thời hạn luật định, do không đồng ý với quyết định tạm đình chỉ vụ án, nguyên đơn có đơn kháng cáo (sau đây gọi chung là người có đơn kháng cáo) đối với quyết định tạm đình chỉ vụ án nêu trên. Tòa án cấp sơ thẩm chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp phúc thẩm để xem xét theo trình tự phúc thẩm. Tuy nhiên, quá trình giải quyết của Tòa án cấp phúc thẩm phát sinh tình huống pháp lý hiện còn các quan điểm khác nhau như sau:
Trong quá trình Tòa án cấp phúc thẩm đang xem xét đối với kháng cáo của người có đơn kháng cáo thì Tòa án cấp sơ thẩm ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án vì lý do tạm đình chỉ không còn. Đồng thời, tại phiên họp phúc thẩm[2], người có đơn kháng cáo cũng rút kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm. Trường hợp này, khoản 5 Điều 314 BLTTDS năm 2015 quy định về thủ tục phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo như sau:
“5. Khi xem xét quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng phúc thẩm có quyền:
a) Giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;
b) Sửa quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;
c) Hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết vụ án”.
Như vậy, khi xem xét quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo thì Hội đồng phúc thẩm có quyền ra một trong các quyết định nêu trên. Tuy nhiên, đối với trường hợp mà tác giả viện dẫn ở trên thì khoản 5 Điều 314 BLTTDS năm 2015 lại không có quy định. Theo đó, trường hợp tại phiên họp phúc thẩm, người có đơn kháng cáo rút quyết định kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm thì chưa có quy định Hội đồng phúc thẩm xử lý trường hợp này như thế nào? Đồng thời, tại mẫu số 72-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định mẫu Quyết định giải quyết việc kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án thì phần căn cứ để ra quyết định là căn cứ vào Điều 314 BLTTDS năm 2015. Như vậy, theo quy định tại khoản 5 Điều 314 BLTTDS năm 2015 thì không quy định điều chỉnh trường hợp tác giả nêu ra. Vậy, lúc này hội đồng phúc thẩm vẫn phải xem xét kháng cáo của người có đơn kháng cáo để ra một các quyết định cuối cùng quy định tại khoản 5 Điều 314 BLTTDS năm 2015 hay ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án, chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm tiếp tục giải quyết vụ án theo Điều 289, Điều 295 BLTTDS năm 2015. Do chưa có quy định rõ ràng, cụ thể nên việc áp dụng trong thực tiễn giải quyết tình huống pháp lý nêu trên có chưa thống nhất, gây vướng mắc cho cơ quan, người tiến hành tố tụng, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và các chủ thể có liên quan.
Một số kiến nghị hoàn thiện
Để khắc phục các vướng mắc, hạn chế về tạm đình chỉ vụ án dân sự như đã phân tích trên, tác giả kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể quy định tại khoản 18 Điều 70 BLTTDS năm 2015, trong đó, cần đưa ra các căn cứ cụ thể để xác định đề nghị tạm đình chỉ giải quyết vụ án nào của đương sự là hợp lý và trường hợp nào thì không hợp lý để Tòa án ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp đề nghị này của đương sự.
Đối với trường hợp xem xét quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo cần bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 314 BLTTDS năm 2015 như sau:
““5. Khi xem xét quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng phúc thẩm có quyền:
…
d) Đình chỉ giải quyết xét xử phúc thẩm khi người kháng cáo rút toàn bộ nội dung kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ nội dung kháng nghị”.
Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án được ban hành khi có những căn cứ xác định theo quy định của luật. Việc Tòa án ban hành quyết định này nhằm bảo đảm tốt nhất việc giải quyết chính xác, khách quan nội dung vụ án dân sự, từ đó bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021.
2. Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
3. Luật Phá sản năm 2014.
4. Xem: https://www.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2136, truy cập 20/5/2024.
[1] Xem: https://www.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2136, truy cập 20/5/2024.
[2] Xem thêm Điều 374 BLTTDS năm 2015.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận