QUY ĐỊNH VỀ TỘI PHÁ HỦY CÔNG TRÌNH, CƠ SỞ, PHƯƠNG TIỆN QUAN TRỌNG VỀ AN NINH QUỐC GIA TRONG BLHS NĂM 2015
Tội “Phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia” được quy định tại Điều 231 BLHS năm 1999. Tội danh này trước đây được quy định tại Điều 94 thuộc Chương I - “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” của BLHS năm 1985. Đến BLHS năm 1999 cũng như trong BLHS năm 2015 được chuyển sang Chương Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được nêu lên những điểm sửa đổi, bổ sung trong BLHS năm 2015 về Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia so với BLHS năm 1999; những khó khăn, vướng mắc sẽ gặp phải khi áp dụng tội danh này; từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị.
Khoản 1 Điều 303 BLHS năm 2015 quy định: Người nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin – liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm.
Qua quy định trên cho thấy, chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do luật quy định (từ đủ 14 tuổi trở lên).
Khách thể của tội phạm
Tội phạm xâm phạm sự an toàn của các công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, xâm phạm sở hữu nhà nước.
Ngoài đối tượng tác động là công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, Điều 303 BLHS năm 2015 đã bổ sung cơ sở quan trọng về an ninh quốc gia cho đầy đủ đối tượng cần được bảo vệ của Điều luật này.
Mặt khách quan của tội phạm
Là hành vi phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin – liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học- kỹ thuật, văn hóa và xã hội.
Các hành vi khách quan này phải không nhằm chống chính quyền nhân dân, nếu không sẽ cấu thành Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại Điều 114 BLHS năm 2015.
Mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý.
Về hình phạt
Điều 303 BLHS năm 2015 quy định vẫn gồm 2 khung hình phạt chính giống như quy định của Điều 231 BLHS năm 1999; trong đó, khung 1 là khung cấu thành cơ bản (khoản 1), với hình phạt tù từ ba năm đến mười hai năm, khung 2 là khung hình phạt tăng nặng (khoản 2), với hình phạt tù mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân. Ngoài ra còn quy định hình phạt bổ sung ngay trong khoản 4 Điều 303 (người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm).
Như vậy, tại khoản 2 Điều 303 đã bỏ hình phạt tử hình đối với tội phạm này. Việc quy định bỏ hình phạt tử hình nhằm thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta là thu hẹp phạm vi quy định áp dụng hình phạt tử hình đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện quan trọng; thể hiện tính nhân đạo trong pháp luật hình sự của nước ta, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới.
Điểm đáng chú ý là khoản 3 Điều luật này quy định hình phạt đối với người chuẩn bị phạm tội này là từ 01 năm đến 05 năm. Việc quy định như vậy thể hiện sự tiến bộ về mặt kỹ thuật lập pháp trong pháp luật hình sự ở Việt Nam.
Một điểm mới nữa là, tại khoản 2 Điều 303 đã cụ thể hóa tình tiết định khung tăng nặng “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” (quy định tại điểm b khoản 2 Điều 231 BLHS năm 1999) bằng các hậu quả cụ thể, như: Làm công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động; làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 200% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Trước đây do chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên việc áp dụng tình tiết này để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp phạm tội cụ thể là rất khó khăn, khó có được sự thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng; dẫn đến có hai khả năng thực tế có thể xảy ra liên quan đến trách nhiệm thụ lý, giải quyết của cơ quan chức năng:
Một là, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tốn thời gian, công sức để xác minh, thu thập, củng cố chứng cứ khởi tố, điều tra, truy tố theo điểm b khoản 2 Điều 231 BLHS, với tình tiết “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Nhưng khi chuyển hồ sơ đến Toà án thì Toà án lại không áp dụng tình tiết này, vì không thống nhất trong việc nhận định, đánh giá về tính chất, mức độ hậu quả.
Hai là, ngay từ ban đầu Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự với tình tiết “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” theo điểm b khoản 2 Điều 231 BLHS, vì cho rằng không có văn bản hướng dẫn nên không xác định được hậu quả như thế nào gọi là đặc biệt nghiêm trọng; hơn nữa hai cơ quan này cũng không biết chắc chắn Toà án có thống nhất nhận định quan điểm xử lý theo điểm b khoản 2 Điều 231 BLHS hay không; trong khi đó, việc khởi tố, điều tra, truy tố về tình tiết này có thể tốn nhiều thời gian, công sức và uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, nên không truy cứu về tình tiết này thì tốt hơn.
Như vậy, khi xảy ra hai khả năng nêu trên đều không có lợi cho công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này[1].
Nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trên, BLHS năm 2015 đã quy định cụ thể hậu quả mang tính chất định tính, tạo sự thống nhất trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Khó khăn, vướng mắc có thể gặp phải khi áp dụng Điều 303 BLHS năm 2015
Thực tiễn xử lý các hành vi phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia trong thời gian qua cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp còn gặp khó khăn trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật để xác định thế nào là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia để xác định tội danh.
Khi có vụ việc xảy ra, sau khi xác định công trình bị xâm hại chưa được các cơ quan có thẩm quyền (quy định tại Điều 9 Nghị định 126/2008 ngày 11/12/2008) lập hồ sơ đề nghị đưa vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương thường quyết định khởi tố điều tra và xử lý về tội “trộm cắp tài sản” (Điều 138 BLHS) hoặc tội “huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (Điều 143 BLHS) nếu giá trị thiệt hại của công trình từ 02 triệu đồng trở lên, hoặc không xử lý hình sự những vụ việc gây thiệt hại có giá trị dưới 02 triệu đồng. Bởi vậy, đã có không ít các trường hợp người thực hiện hành vi xâm hại các công trình quan trọng về an ninh quốc gia như: Hệ thống đường sắt, đường dây tải điện cao thế, đường cáp viễn thông, công trình giao thông vận tải, thuỷ lợi, thuỷ điện… nhưng chỉ bị xử lý về tội danh có khung hình phạt thấp hơn hoặc có trường hợp không xử lý về hình sự là bỏ lọt tội phạm, làm hạn chế hiệu quả đấu tranh phòng ngừa loại tội “phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”[2].
Công văn số 144 ngày 20/8/2009 của TANDTC và Công văn số 1269 ngày 14/9/2009 của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an hướng dẫn, trong khi chưa có Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, Cơ quan điều tra phải có văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền (theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 126/2008) kết luận công trình đó có đủ tiêu chí xác định là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia (theo Điều 7 Nghị định số 126/2008) hay không. Để có được kết luận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như hướng dẫn nêu trên đang còn gặp khó khăn, vướng mắc, vì các điều 10, 11, 12 Nghị định số 126/2008 và Thông tư số 72 ngày 18/12/2009 của Bộ Công an mới chỉ quy định, hướng dẫn về việc thành lập, thành phần, nguyên tắc hoạt động, trình tự thủ tục tiến hành thẩm định của Hội đồng thẩm định ở cấp Trung ương do Bộ Công an quyết định thành lập mà chưa có quy định hướng dẫn nào về các Hội đồng thẩm định ở cấp Bộ, Ngành hoặc địa phương.
Mặt khác, để có kết luận chính xác làm căn cứ khởi tố vụ án theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, đòi hỏi phải có đội ngũ các chuyên gia có trình độ chuyên môn để tiến hành khảo sát, đánh giá xem công trình đó nếu bị xâm hại sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với nền kinh tế quốc dân, đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đến môi trường sinh thái, đến khả năng phòng thủ và bảo vệ an ninh Tổ quốc… theo các tiêu chí được quy định tại Điều 7 Nghị định số 126/2008. Do đó, ở nhiều ở địa phương, vụ án đã được khởi tố về tội “phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”, đến khi hết thời hạn điều tra vẫn chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến mỗi địa phương lại xử lý vụ án theo những cách khác nhau như: Tạm đình chỉ điều tra, thay đổi sang các tội danh khác như: “Trộm cắp tài sản” hoặc “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Nhiều trường hợp cùng một loại công trình bị xâm hại nhưng ở mỗi địa phương lại có kết luận khác nhau dẫn đến việc xử lý không thống nhất về tội danh[3].
Có thể nói, nguyên nhân của những vướng mắc trên là do chưa có danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Khi áp dụng Điều 303 BLHS năm 2015, nếu Chính phủ không kịp thời ban hành danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, thì cũng sẽ gặp phải những khó khăn, vướng mắc như trên khi áp dụng Điều 231 BLHS năm 1999.
– Việc Điều 303 BLHS năm 2015 quy định khung hình phạt với sự chênh lệch giữa mức hình phạt thấp nhất và mức hình phạt cao nhất lớn như vậy (Khoản 1: Từ 3 đến 12 năm; khoản 2: Từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân) nên tạo ra quyền tuỳ nghi quá rộng cho cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là Toà án; dẫn đến khó tránh khỏi việc lợi dụng yếu tố chủ quan trong quá trình áp dụng hình phạt để xử lý những trường hợp phạm tội cụ thể.
Đề xuất, kiến nghị
Từ những khó khăn, vướng mắc trên, chúng tôi có một số đề xuất, kiến nghị sau:
Thứ nhất, Chính phủ cần sớm ban hành danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, giúp cho việc thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật khi xử lý các hành vi phạm tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.
Thứ hai, như đã đề cập ở trên, việc quy định khung hình phạt quá rộng, do vậy, trong tương lai khi sửa đổi BLHS nhà làm luật cần điều chỉnh lại các khung hình phạt một cách hợp lý hơn, tránh việc lạm dụng khi quyết định hình phạt./.
[1] Thạc sĩ Thái Văn Đoàn, Cần sửa đổi, bổ sung Điều 231 Bộ luật Hình sự về Tội “Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, tạp chí Kiểm sát số 4/2012, tr 54, 55.
[2] Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh, Kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật để xử lý hành vi phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, tạp chí Kiểm sát số 01/2012, tr 49.
[3] Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh, Kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật để xử lý hành vi phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, tạp chí Kiểm sát số 01/2012, tr 50.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận