Quyền bình đẳng về tuyển dụng, đào tạo, thăng tiến cho lao động nữ

Hiến pháp quy định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” (Điều 16 khoản 1); “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội” và “Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (Điều 26).

Bất bình đẳng giới

Quy mô dân số liên tục tăng trong các năm qua, cùng với lợi thế cơ cấu dân số vàng đã cung cấp nguồn nhân lực vô cùng lớn cho thị trường lao động tại Việt Nam, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam cao nhất trong khu vực Đông Nam Á với mức 76,8%, độ tuổi từ 25-49 tuổi tham gia vào lực lượng lao động rất cao từ 95,2%-96,7%. Trong đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở phụ nữ là 76,8% cũng là tỷ lệ khá cao có thể bị hiểu nhầm là một chỉ báo về mức độ bất bình đẳng giới tương đối thấp trong tham gia lực lượng lao động khi tỷ lệ này ở nam giới cũng chỉ ở mức 81,9%. Tuy nhiên, nhìn sâu hơn thì điều đó lại gây ra “gánh nặng kép” một cách không tương xứng và phụ nữ Việt Nam phải đối mặt với nhiều bất bình đẳng có tính chất dai dẳng do vị thế việc làm có sự khác biệt tương đối rõ ràng giữa nam và nữ và bất bình đẳng công việc không được trả công trong lao động gia đình.

Theo một nghiên cứu của Tổng cục Thống kê, trong các vùng kinh tế, sự chênh lệch giữa tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2019 ở nam và nữ cao nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long khi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 66,1%, nam là 83,8% (chênh lệch 17,7 điểm phần trăm), tiếp đến là Đông Nam Bộ có tỷ lên tương ứng là 64,2% và 79,1% (chênh lệch 14,9 điểm phần trăm), vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền trung có 75,2% và 83,3% (chênh lệch 8,1 điểm phần trăm), Tây Nguyên 80,3% và 87,7% (chênh lệch 7,4 điểm phần trăm), Đồng bằng Sông Hồng 70,8% và 76,8% (chênh lệch 6 điểm phần trăm), Trung du và miền núi phía Bắc có  mức chênh lệch thấp nhất cả nước là 3,5 điểm phần trăm khi các tỷ lệ tương ứng lần lượt là 84,5% và 88%.

Số liệu về vị thế việc làm cho thấy những bất lợi đáng kể của phụ nữ khi tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận và làm công việc ổn định thấp hơn nam giới. Xem xét số liệu về cơ cấu lao động trong nền kinh tế theo vị thế làm việc cho thấy chỉ 43% phụ nữ có việc làm là lao động làm công ăn lương, so với 51,4% nam giới có việc làm. Trong khi lao động gia đình không được trả công ở nam giới là 9,2%, con số này ở nữ giới cao gấp hơn 2 lần, 19,4% trong năm 2019. Tỷ lệ nữ làm công ăn lương tăng từ 37,9% trong năm 2017 lên 43% trong năm 2019, số liệu này cho thấy tính khả thi của mục tiêu đề ra tại chỉ tiêu 1, mục tiêu 2 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đề ra “tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030”. Chỉ tiêu 2 mục tiêu 2 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới cũng đề ra “Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030”. Hiện tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp có xu hướng giảm dần nhưng vẫn chiếm đến 35,9% ở nữ giới và 33,2% ở nam giới trong năm 2019.

 

Lao động nữ cần được quan tâm nhiều hơn nữa - Ảnh: TL

Bất bình đẳng giới còn được thể hiện trong sự khác biệt về tiếp cận giáo dục và đào tạo nói chung và lao động đang là việc đã qua đào tạo nói riêng. Nguồn lao động dồi dào và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao nhưng chỉ hơn 1/5 số lao động có việc làm đã qua đào tạo (22,6% năm 2019) và có sự khác biệt rõ rệ giữa nam giới và nữ giới khi cứ 4 lao động nam có việc làm thì có 1 người đã qua đào tạo (tỷ lệ 25%), ở nữ giới thì cứ 5 lao động có việc làm thì mới có 1 người đã qua đào tạo (tỷ lệ 20%). Tỷ lệ này đặc biệt thấp với lao động nữ thuộc khu vực nông thôn (chỉ đạt 12,3% năm 2019) chỉ bằng gần 1/3 tỷ lệ của khu vực thành thị (36,3%).

Như vậy, có thể nói dù đã có nhiều tiến bộ trong bình đẳng giới. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới trong lao động và tiếp cận việc làm ở nước ta vẫn còn và có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn; giữa các vùng kinh tế – xã hội. Điều này đòi hỏi sự cố gắng nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành trong thu hẹp dần khoảng cách bất bình đẳng này.

2. Những quy định của pháp luật

Công ước ILO số 111 coi mọi sự phân biệt, loại trừ hoặc ưu đãi dựa trên giới tính, có tác động triệt bỏ hoặc làm phương hại sự bình đẳng về cơ may hoặc về đối xử trong việc làm hoặc nghề nghiệp là phân biệt đối xử, cần được loại bỏ (Điều 1 khoản 1 điểm a).Theo điều 5 khoản 1 điểm a Bộ luật Lao động (BLLĐ) hiện hành, người lao động (NLĐ) có quyền làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp.

Người sử dụng lao động (NSDLĐ) có trách nhiệm đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp việc làm, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác (Điều 136 khoản 1 BLLĐ).

NSDLĐ có trách nhiệm tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ (Điều 136 khoản 2 BLLĐ). 

 2.1. Trong lĩnh vực tuyển dụng

Ngoài các quy định chung bảo đảm quyền lợi cho tất cả người lao động ngay từ quá trình tuyển dụng, như: NLĐ không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động; thời gian thử việc (không quá: 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp; ​60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên, 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; 06 ngày làm việc đối với công việc khác); tiền lương của NLĐ trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó (Điều 26 BLLĐ) v.v...

Để khắc phục tình trạng bất bình đẳng về tuyển dụng giữa nam và nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm, nhà nước quy định áp dụng một số biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, đó là: Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng (Điều 13 Luật Bình Đẳng giới -BĐG; Quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động (Điều 13, Khoản 3, Điểm a, Luật BĐG).

Nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam; ưu tiên nữ trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam (Điều 19 Khoản 1, Điểm đ, e, Luật Bình Đẳng giới).

Theo đó, NSDLĐ không được áp dụng các điều kiện khác nhau trong tuyển dụng lao động nam và lao động nữ đối với cùng một công việc mà nam, nữ đều có trình độ và khả năng thực hiện như nhau, không được từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế lao động nam hoặc lao động nữ vì lý do giới tính (Điều 8 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP).

Nghiêm cấm việc lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt NLĐ hoặc để tuyển dụng NLĐ với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật (Điều 8 Khoản 6 BLLĐ).

 Khuyến khích NSDLĐ ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ; ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới đối với lao động nữ trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn (Điều 78 Khoản 3 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).

Như vậy, khi lao động có đủ điều kiện về tiêu chuẩn, độ tuổi, trình độ chuyên môn… mà công việc cần thì dù là nam hay nữ cũng đều được tuyển dụng vào vị trí tương ứng. Nếu vi phạm có thể bị xử phạt, ví dụ, nếu NSDLĐ áp dụng các điều kiện khác nhau trong tuyển dụng lao động nam và lao động nữ, có thể bị xử phạt tới 10.000.000đ (Điều 8 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới). Mức phạt này đang được nghiên cứu tăng lên trong thời gian tới.

Lưu ý: Mọi sự phân biệt, loại trừ hoặc ưu đãi thuộc một công việc nhất định và căn cứ trên những đòi hỏi vốn có của công việc đó thì sẽ không coi là phân biệt đối xử (Điều 1 khoản 2 Công ước ILO số 111), ví dụ: quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ mang thai, các loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ v.v…

2.2. Trong lĩnh vực đào tạo

NLĐ được tự do lựa chọn đào tạo nghề nghiệp, tham gia đánh giá, công nhận kỹ năng nghề quốc gia, phát triển năng lực nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu việc làm và khả năng của mình (Điều 59 Khoản 1, BLLĐ).

 Nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng; bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo; bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ (Điều 14 Luật BĐG).     

Sau khi được tuyển dụng, lao động nữ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hoặc học nghề, nâng cao trình độ, nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu công việc (Điều 13 Khoản 3, Luật BĐG và Điều 5 Khoản 1, Điểm a BLLĐ).

Do đó,  NSDLĐ không được thu học phí học nghề, tập nghề; phải ký hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp; Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, người tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận. Thời hạn tập nghề không quá 03 tháng (Điều 61 BLLĐ).

Pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật (Điều 8 khoản 4 BLLĐ).

Đối với hành vi vận động, ép buộc có tổ chức nhiều người nghỉ học vì lý do giới tính hoặc từ chối tuyển sinh đối với người có đủ điều kiện vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng vì lý do giới tính sẽ bị phạt từ 5.000.000 – 10.000.000đ. Hành vi quy định tuổi đào tạo, tuổi tuyển sinh khác nhau giữa nam và nữ bị phạt từ 10.000.000 – 20.000.000đ (Điều 9 Khoản 2,3 Nghị định 55/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới).

Tổ chức và cá nhân vi phạm buộc phải khôi phục quyền lợi hợp pháp của người bị xâm hại và phải yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ các quy định về tuổi đào tạo, tuyển sinh có định kiến giới, phân biệt đối xử về giới đã vi phạm nêu trên (Điều 9 Khoản 4 Nghị định 55/2009/NĐ-CP).

2.3. Đảm bảo bình đẳng về thăng tiến

Nhà nước quy định nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức (Điều 11 Khoản 4 Luật BĐG) hoặc nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh (Điều 13 Khoản 2 Luật BĐG).

Các cơ quan, tổ chức cần bảo đảm nam, nữ bình đẳng trong việc làm, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm và hưởng phúc lợi (Điều 34 Luật BĐG).

NSDLĐ có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến… cho NLĐ (Nghị định số 55/2009/NĐ-CP).

Hành vi không thực hiện hoặc cản trở việc bổ nhiệm nam, nữ vào cương vị quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới bị coi là hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới (Điều 40 Luật BĐG). Hành vi này có thể bị phạt tiền từ 3.000.000đ đến 5.000.000 (Điều 6 Khoản 4 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP). Mức phạt này đang được nghiên cứu tăng lên trong thời gian tới.

2.4. Vi phạm hành chính

Phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong tuyển dụng lao động được xem là hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động theo Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ. Đối tượng vi phạm ngoài việc bị xử phạt tiền còn buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo đó, khoản 1, Điều 8, Nghị định số 125/2021/NĐ-CP quy định: Phạt cảnh cáo đối với hành vi vận động, xúi giục người khác lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp theo định kiến giới.

Trong khi đó, các hình thức phạt tiền, biện pháp khắc phục hiệu quả … được quy định tại các khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5, Nghị định số 125/2021/NĐ-CP.  Cụ thể như sau:

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động; Ép buộc hoặc nghiêm cấm người khác lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp vì định kiến giới; Phân biệt đối xử về giới trong phân công công việc dẫn đến chênh lệch về thu nhập; Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế người lao động thuộc một giới tính nhất định.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đặt ra và thực hiện các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới.

4. Các hành vi vi phạm quy định riêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới bị xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp của người bị xâm phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này; Buộc sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức, cá nhân có sự phân biệt đối xử về giới đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.

Một nội dung đáng lưu ý được quy định tại Nghị định số 125/2021/NĐ-CP là việc, mức phạt tiền đối với hành vi trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, còn mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo khoản 2, Điều 5).

Nghị định số 125/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022./.

Công nhân ngành than - Ảnh: Vinacomin

CAO THANH LOAN (tổng hợp)