Quyền giữ bí mật thông tin sức khỏe của người bệnh

Bài viết giải quyết nhiều câu hỏi liên quan đến quyền giữ bí mật thông tin sức khỏe của người bệnh và những chế tài xử lý vi phạm khi có hành vi xâm phạm quyền xảy ra.

1.Đặt vấn đề

Trước tình hình dịch bệnh COVID -19 [1] đang ngày càng lan rộng trên thế giới, đặc biệt ở các quốc gia Châu Á và Châu Âu, nhiều vấn đề pháp lý nổi bật được đặt ra liên quan đến quyền của người bệnh nói chung và bệnh truyền nhiễm nói riêng. Trong đó quyền giữ bí mật thông tin sức khỏe của người bệnh là một trong những quyền đang bị xâm phạm và lợi dụng nhiều nhất, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người bệnh và để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc. Tuy nhiên, trước tình hình cả thế giới đang quằn mình chống dịch thì cuộc chiến giải quyết những vấn đề sức khỏe lại được ưu tiên hơn cuộc chiến bảo vệ quyền, đặc biệt là quyền giữ bí mật thông tin sức khỏe của người bệnh, vì vậy mà vấn nạn xâm phạm quyền dưới nhiều hình thức ngày càng lan rộng và có xu hướng trầm trọng ơn.

2.Nội dung quyền giữ bí mật thông tin sức khỏe của người bệnh

2.1. Thông tin sức khỏe của người bệnh

Theo định nghĩa của Luật khám bệnh, chữa bệnh thì “Người bệnh là người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh”. [2] Tuy nhiên, như thế nào là “thông tin sức khỏe của người bệnh” thì lại không được đề cập. Về vấn đề này, có thể tham khảo Luật Trách nhiệm giải trình và cung cấp thông tin bảo hiểm y tế 1996 (Health Insurance Portability and Accountability Act – HIPAA) của Hoa Kỳ. Đây là luật Liên bang của Hoa Kỳ, thiết lập các quy tắc về những người có thể xem và tiếp nhận thông tin sức khỏe của bệnh nhân. Luật này cho phép bệnh nhân có quyền đối với các thông tin sức khỏe của mình và khi nào thì các thông tin này được chia sẻ. Đạo luật cũng yêu cầu các bác sĩ, dược sĩ và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác, và chương trình y tế của bệnh nhân giải thích quyền lợi của họ và cách thông tin sức khỏe của họ có thể được sử dụng hoặc chia sẻ. [3] Sau đó, Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ (The U.S. Department of Health and Human Services – HHS) [4] đã ban hành “Các tiêu chuẩn về quyền riêng tư của thông tin sức khỏe cá nhân có thể nhận dạng” (The Standards for Privacy of Individually Identifiable Health Information (Privacy Rule)) để thi hành đạo luật nêu trên. Theo đó, những thông tin sức khỏe được bảo vệ (protected health information – PHI) là những thông tin, bao gồm các dữ liệu nhân khẩu học giúp nhận dạng được cá nhân đó, liên quan đến: [5]

– Thông tin về sức khỏe hoặc tình trạng sức khỏe thể chất hoặc tinh thần trong quá khứ, hiện tại hoặc tương lai;

– Thông tin về cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cá nhân;

– Thông tin thanh toán trong quá khứ, hiện tại hoặc tương lai cho việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cá nhân.

Và PHI có thể bao gồm đến 18 loại thông tin nhận dạng [6] bao gồm: Tên; tất cả các số nhận dạng địa lý nhỏ hơn một tiểu bang, ngoại trừ ba chữ số ban đầu của mã zip; ngày (không bao gồm năm) liên quan trực tiến đến một cá nhân; số điện thoại; số fax; địa chỉ email; số an sinh xã hội; số hồ sơ bệnh án; số bảo hiểm y tế; số tài khoản ngân hàng; số chứng chỉ, giấy phép; số nhận dạng xe và số seri (bao gồm cả biển số xe); số định dạng thiết bị và số seri; đường dẫn tham chiếu tài nguyên trên internet (URLs); số địa chỉ IP; định danh sinh trắc học (bao gồm in ngón tay, võng mạc và giọng nói); hình ảnh đầy đủ của khuôn mặt và bất kỳ hình ảnh nào giúp nhận dạng; bất kỳ số nhận dạng, đặc điểm nhận dạng, mã nhận dạng nào khác ngoại trừ mã nhận dạng được điều tra viên sử dụng để mã hóa dữ liệu.

Như vậy, tuy không được quy định cụ thể, rõ ràng, nhưng những thông tin sức khỏe của người bệnh theo pháp luật Việt Nam vẫn được ngầm hiểu, bao gồm những thông tin liên quan đến khả năng nhận dạng người bệnh trong hướng dẫn của Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ. Bởi theo quan điểm của người làm trong ngành, HIPAA đã trở thành quy chuẩn hành nghề hàng đầu của giới y khoa.[7]

2.2. Quyền giữ bí mật thông tin sức khỏe của người bệnh

Theo nội dung của Điều 8 Luật khám bệnh, chữa bệnh thì người bệnh có quyền được tôn trọng bí mật riêng tư, bao gồm quyền được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án. Người mắc bệnh truyền nhiễm càng không bị hạn chế quyền này.[8] Với hồ sơ bệnh án điện tử thì người bệnh cũng có quyền tương tự.[9] Theo đó, hồ sơ bệnh án là tài liệu y học, y tế và pháp lý; mỗi người bệnh chỉ có một hồ sơ bệnh án trong mỗi lần khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.[10] Hồ sơ bệnh án giấy bao gồm:[11]

– Bệnh án: Gồm 2 phần là phần hành chính (Họ tên tuổi bệnh nhân, giới tính, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, nơi ở, địa chỉ cơ quan, họ tên người thân và địa chỉ khi cần liên lạc, số hồ sơ) và phần chuyên môn (do bác sĩ ghi chép);

– Các loại giấy tờ kèm theo bệnh án, bao gồm: Phiếu theo dõi chức năng sống; các phiếu theo dõi đặc biệt; phiếu chăm sóc; phiếu truyền dịch, truyền máu; phiếu thử phản ứng thuốc; phiếu cam kết; phiếu tổng hợp thuốc và dụng cụ tiêu hao; phiếu thanh toán viện phí; phiếu điều trị; các biên bản (hội chẩn, duyệt mổ, tổng kết 15 ngày điều trị, báo cáo tử vong); giấy chuyển viện, ra viện; các phiếu xét nghiệm cận lâm sàng (máu, nước tiểu, siêu âm, điện tim, X-quang).

Còn hồ sơ bệnh án điện tử bao gồm hồ sơ bệnh án nội trú, hồ sơ bệnh án ngoại trú và các loại hồ sơ bệnh án khác theo quy định của Bộ Y tế.[12] Những nội dung trong hồ sơ bệnh án điện tử cũng là những nội dung được đề cập trong hồ sơ bệnh án bản giấy và được mã hóa dưới dạng điện tử.

Như vậy, những thông tin của người bệnh trong hồ sơ bệnh án, dù là hồ sơ giấy hay hồ sơ điện tử thì chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.[13] Về vấn đề này, khoản 2 Điều 32 BLDS 2015 có quy định một số trường hợp liên quan đến việc sử dụng hình ảnh của cá nhân mà không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ, bao gồm: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Như vậy, ngoài những trường hợp luật định thì việc sử dụng công hình ảnh, thông tin cá nhân và thông tin về tình hình sức khỏe của người khác đều trái pháp luật.

2.3. Chủ thể được quyền tiếp cận thông tin sức khỏe của người bệnh

Theo quy định tại khoản 4 Điều 59 Luật Khám bệnh chữa bệnh thì có ba nhóm chủ thể được quyền tiếp cận thông tin sức khỏe của người bệnh, sau khi được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm:

– Sinh viên thực tập, nghiên cứu viên, người hành nghề trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ cho việc nghiên cứu hoặc công tác chuyên môn kỹ thuật;

– Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về y tế trực tiếp quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, thanh tra chuyên ngành y tế, cơ quan bảo hiểm, tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, luật sư được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền cho phép;

– Người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh được nhận bản tóm tắt hồ sơ bệnh án nếu có yêu cầu bằng văn bản

Tuy nhiên, những nhóm chủ thể này khi sử dụng thông tin trong hồ sơ bệnh án phải giữ bí mật và chỉ được sử dụng đúng mục đích như đã đề nghị với người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.[14] Riêng đối với những người hành nghề trong cơ sở khám chữa bệnh thì việc giữ bí mật tình trạng bệnh của người bệnh, những thông tin mà người bệnh đã cung cấp cũng như hồ sơ bệnh án được xem như một trong những nguyên tắc trong hành nghề khám, chữa bệnh và là nghĩa vụ đối với nghề nghiệp.[15]

3.Hệ lụy của việc xâm phạm quyền giữ bí mật thông tin sức khỏe của người bệnh

Xâm phạm quyền giữ bí mật thông tin sức khỏe của người bệnh gây ra nhiều hệ lụy, trước hết là cho người bệnh và sau là cho sức khỏe và môi trường sống của cộng đồng, cụ thể:

3.1. Đối với người bệnh

– Thứ nhất: Nếu những thông tin cá nhân cũng như những thông tin về tình hình sức khỏe của người bệnh lộ ra bên ngoài thì hàng loạt vấn đề được đặt ra khi người bệnh chưa kịp có sự chuẩn bị, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Ví dụ nếu phải nằm viện thì người bệnh bị hạn chế khả năng điều khiển doanh nghiệp, hay quản lý tài khoản ngân hàng, tạo điều kiện cho những đối tượng có toan tính xấu thực hiện ý định của mình; hoặc những thông tin về việc mắc bệnh có thể ảnh hưởng đến sự thăng tiến trong nghề nghiệp hay chức vụ của người bệnh; hoặc nếu không may người bệnh bị tử vong thì sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề liên quan đến thừa kế và tranh chấp tài sản; .[16]

– Thứ hai: Tạo cho người bệnh tâm lý hoang mang, lo sợ, thậm chí bị stress và ảnh hưởng đến tiến trình điều trị bệnh. Điển hình là vụ nữ bệnh nhân Covid – 19 số 17 tại Việt Nam trong đại dịch toàn cầu đã có biểu hiện của stress, vì đọc được thông tin cộng đồng mạng bày tỏ thái độ giận dữ với mình. Trước đó hình ảnh, danh tính và nhiều thông tin khác liên quan đến bệnh nhân này được đăng tải công khai trên mạng và nhận được những bình luận trái chiều, trong đó chủ yếu là những nhận xét tiêu cực.[17] Tuy nhiên, trong đó cần phân biệt, những thông tin công khai nào là cần thiết và đơn vị, tổ chức, cá nhân nào có quyền công khai; những thông tin nào được đăng tải nhằm mục đích hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người bệnh.[18]

3.2. Đối với cộng đồng

Việc xâm phạm quyền giữ bí mật thông tin sức khỏe của người bệnh không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân người bệnh mà còn gây tác động xấu đến những người khác sống trong cộng đồng và để lại nhiều hệ lụy cho môi trường sống của cộng đồng. Cụ thể, do tình trạng xâm phạm thông tin cá nhân của người bệnh, đặc biệt là người mắc bệnh truyền nhiễm đang ngày càng lan rộng. Dẫn đến những hành động tiêu cực như công kích, phân biệt đối xử, kỳ thị người mắc bệnh, từ đó ảnh hưởng nhất định tới tâm lý của những người đang ở mức độ nghi nhiễm và những người mang bệnh khác, khiến họ cảm thấy hoang mang, sợ hãi sự kỳ thị, xa lánh, từ đó trốn tránh và tự điều trị bệnh tại nhà thay vì đến cơ sở khám chữa bệnh.[19] Điều này gây ra sự lây nhiễm chéo tại cộng đồng trong trường hợp đây là bệnh truyền nhiễm. Hơn nữa, vấn nạn này còn làm ảnh hưởng đến việc tìm kiếm, phát hiện bệnh nhân mới, khiến cho thông tin thống kê về số người mắc bệnh bị sai lệch, từ đó làm giảm hiệu quả của công tác phòng ngừa và chữa trị bệnh.

4.Cách thức hạn chế xâm phạm quyền giữ bí mật thông tin sức khỏe của người bệnh

Để hạn chế tối đa việc xâm phạm quyền giữ bí mật thông tin sức khỏe của người bệnh, việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (EMR) và số hóa kho hồ sơ bệnh án trên phạm vi toàn quốc là vấn đề cần thiết bởi tác động của những hệ lụy đã đề cập. Đây là phiên bản số của hồ sơ sức khỏe giấy do Bộ Y tế quy định, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Mỗi người dân có 1 hồ sơ sức khỏe điện tử được theo dõi và lưu trữ suốt đời.[20] Theo đó hồ sơ bệnh án điện tử mang lại một số lợi ích như sau:

– Thứ nhất, khắc phục những hạn chế của hồ sơ bệnh án bằng giấy

Sự ra đời của Thông tư số 46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử là một bước tiến trong tiến trình đơn giản hóa thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh, cũng như y bác sĩ, hướng đến việc điều trị hiệu quả, chất lượng. Trước hết, ngay tại quầy tiếp nhận bệnh nhân, nhân viên y tế chỉ quét mã vạch trên thẻ bảo hiểm y tế để tìm phòng khám, bệnh lý của bệnh nhân vì tất cả hồ sơ của bệnh nhân bệnh viện này đã được lưu trữ trên hệ thống máy tính, do đó mà người bệnh tiết kiệm được thời gian chờ và cũng không cần sử dụng sổ khám chữa bệnh như trước đây.[21] Tại khâu khám bệnh, các y bác sĩ có thể dựa vào hồ sơ bệnh án điện tử để nắm được bệnh sử của bệnh nhân, các hình ảnh y tế và kết quả xét nghiệm qua hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) và hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS) một cách nhanh chóng bất cứ nơi nào có internet, [22] từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả thay vì phải xem qua rất nhiều hồ sơ giấy và nghe lời kể bệnh sử từ bệnh nhân. Nhân viên y tế cũng không cần phải liên tục lên xuống các khoa, phòng để lấy kết quả xét nghiệm. Do đó khi khắc phục được những hạn chế của hồ sơ bệnh án bằng giấy thì đồng nghĩa với việc thông tin trong hồ sơ bệnh án của bệnh nhân sẽ khó bị thất lạc hơn và vì thế mà thông tin sức khỏe của bệnh nhân cũng an toàn hơn.

– Thứ hai, dễ phát hiện khi có hành vi xâm phạm hồ sơ bệnh án của bệnh nhân

Theo quy định tại điều 10 Thông tư số 46/2018 thì phần mềm hồ sơ bệnh án điện tử phải có khả năng ghi vết tất cả các giao dịch, tương tác của người dùng trên phần mềm hồ sơ bệnh án điện tử bao gồm ngày, thời gian khi xem, nhập mới, chỉnh sửa, hủy, khôi phục dữ liệu, thông tin trong hồ sơ bệnh án điện tử. Bản thân cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng phải thực hiện các biện pháp sau đây: Kiểm soát truy cập của người dùng gồm xác thực người dùng, phân quyền người dùng theo từng vai trò công việc, thiết lập khoảng thời gian giới hạn cho phép người dùng truy cập vào phần mềm; bảo vệ, ngăn chặn việc truy cập trái phép vào hồ sơ bệnh án điện tử; phương án hoặc quy trình phục hồi dữ liệu trong trường hợp có sự cố; phương án phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và loại bỏ phần mềm độc hại. Thêm vào đó, việc liên thông, trao đổi dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được mã hóa trong quá trình trao đổi dữ liệu và ngay cả thông tin khám, chữa bệnh của người bệnh cũng phải được mã hóa theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế. Những quy định này góp phần hạn chế sự xâm phạm quyền giữ bí mật thông tin sức khỏe của người bệnh và có cơ sở xử lý người vi phạm.

5.Hình thức xử lý khi vi phạm quyền giữ bí mật thông tin sức khỏe của người bệnh

Khi có hành vi vi phạm quyền giữ bí mật thông tin sức khỏe của người bệnh, nhiều hình thức xử lý được đặt ra bao gồm xử phạt hành chính và xử lý hình sự, tùy thuộc vào mức độ của hành vi xâm phạm. Việc xử lý này được áp dụng đối với tất cả mọi người, trừ những trường hợp luật định đã đề cập.

Về hình thức xử phạt vi phạm hành chính, Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định:[23] Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện các biện pháp quản lý, kỹ thuật cần thiết để bảo đảm thông tin cá nhân không bị mất, đánh cắp, tiết lộ, thay đổi hoặc phá hủy khi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng; thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Đối với quyền của cá nhân với hình ảnh, BLDS 2015 cũng quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc xâm phạm hình ảnh của cá nhân ngoài những mục đích đã đề cập ở trên là trái pháp luật. Theo đó, người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.[24] Về việc xử dụng trái phép hình ảnh của cá nhân, Điều 10 Nghị định 56/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá – thông tin nêu rõ: Phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng với hành vi đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó hoặc thân nhân người đó, trừ các trường hợp tìm thân nhân của nạn nhân, ảnh của người đã bị khởi tố hình sự hoặc đang chấp hành hình phạt tù giam, ảnh thông tin về các hoạt động tập thể. Tương tự, điểm e, khoản 2 Điều 8 Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản cũng quy định phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng với hành vi đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó.

Về hình thức xử lý hình sự: Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội làm nhục người khác thì thì hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác sẽ bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Đối với Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, được quy định tại Điều 288 BLHS 2015, thì tùy từng mức độ mà khung hình phạt thấp nhất có thể là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đến khung hình phạt cao nhất là phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

 

 

[1] Tên Tiếng anh là “Coronavirus disease 2019”, là một bệnh đường hô hấp cấp tính truyền nhiễm gây ra bởi một chủng virus corona mới, SARS-CoV-2 (trước đây được gọi tạm thời là 2019-nCoV)

[2] Khoản 3 Điều 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009

 [3] Tham khảo trực tuyến tại: https://www.hhs.gov/sites/default/files/ocr/privacy/hipaa/understanding/consumers/brch_understanding_hipaa_vietnamese.pdf, truy cập ngày 12/03/2020

[4] Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ là một bộ cấp nội các của Chính phủ liên bang Hoa Kỳ đặc trách về việc bảo vệ sức khỏe cho tất cả người Mỹ và cung ứng các dịch vụ thiết yếu cho con người. Khẩu hiệu của bộ là “cải thiện sức khỏe, an toàn và hạnh phúc của nước Mỹ”.

[5] HHS (2003), Summary of the HIPAA privacy rule, page. 4.

[6] Wikipedia, Nguồn tham khảo: https://en.wikipedia.org/wiki/Protected_health_information, truy cập ngày 12/03/2020

[7] Võ Xuân Quang, tham khảo nguồn trực tuyến: http://www.yersinclinic.com/vi/document/248/chuyen-rieng-tu, truy cập ngày 12/03/2020

[8] Khoản 3 Điều 33 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007

[9] Điều 10 Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 quy định hồ sơ bệnh án điện tử

[10] Khoản 1 Điều 59 Luật khám bệnh, chữa bệnh

[11] Tham khảo trực tuyến tại: https://nhom5lopysi4nt.jweb.vn/san-pham/ho-so-benh-an.html, truy cập ngày 12/03/2020

[12] Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 46/2018/TT-BYT

[13] Khoản 2 Điều 8 Luật khám bệnh, chữa bệnh

[14] Khoản 5 Điều 59 Luật khám bệnh, chữa bệnh

[15] Khoản 2 Điều 3 và khoản 5 Điều 37 Luật khám bệnh, chữa bệnh

[16] Tlđd, chú thích số 07

[17] Ngọc Thắng, tham khảo trực tuyến tại: http://ttvn.toquoc.vn/gioi-tre/benh-nhan-thu-17-nhiem-covid-19-co-bieu-hien-stress-vi-doc-thong-tin-cong-dong-mang-gian-du-voi-minh-2202073195420512.htm, truy cập ngày 13/03/2020.

[18] Hoàng Lam, tham khảo trực tuyến tại: https://news.zing.vn/tiet-lo-danh-tinh-nguoi-nhiem-covid-19-co-bi-xu-ly-post1057107.html, truy cập ngày 13/03/2020.

[19] Mỹ Quyên, tham khảo trực tuyến tại: https://thanhnien.vn/gioi-tre/can-dung-viec-cong-khai-danh-tinh-hinh-anh-benh-nhan-va-nguoi-lien-quan-covid-19-1193766.html, truy cập ngày 13/03/2020.

[20] Thùy Linh, Cao Nguyên, tham khảo trực tuyến tại: https://dantri.com.vn/suc-khoe/benh-an-dien-tu-co-bao-ve-duoc-thong-tin-ca-nhan-20180811165229221.htm, truy cập ngày 13/03/2020.

[21] Tham khảo trực tuyến tại: https://tuoitre.vn/benh-an-dien-tu-giup-nguoi-benh-giam-cho-doi-20190304103339638.htm, truy cập ngày 13/03/2020.

[22] Điều 11, 12 Thông tư số 46/2018

[23] Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

[24] Điều 32 BLDS 2015

[25] Điểm c, khoản 1, Điều 10 Nghị định 56/2006/NĐ-CP ngày 06/06/2006 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá – thông tin

 

THs NGUYỄN PHƯƠNG THẢO ( Gv Khoa Luật Hình sự - Đại học Luật TP HCM)