Quyền im lặng dưới góc nhìn khoa học luật tố tụng hình sự và những vấn đề đặt ra

Bài viết phân tích bản chất của quyền im lặng dưới góc nhìn khoa luật luật tố tụng hình sự, góp phần có cái nhìn đúng đắn hơn về nội hàm của quyền im lặng, từ đó đặt ra những vấn đề đối với hoạt động điều tra, giải quyết vụ án hình sự.

BLTTHS năm 2015 được ban hành đã đánh dấu một bước phát triển mới của hoạt động lập pháp tố tụng hình sự Việt Nam trong việc kế thừa, phát huy những thành tựu lập pháp, kinh nghiệm thực tiễn và các tri thức tố tụng hình sự Việt Nam với việc kết hợp, tiếp thu có chọn lọc những thành tựu của khoa học luật tố tụng hình sự cùng kinh nghiệm lập pháp tiên tiến của nhiều nước trên thế giới. Những nội dung được sửa đổi, bổ sung trong BLTTHS năm 2015 đã thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách tư pháp và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, là cơ sở pháp lý quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Lâu nay, chúng ta vẫn thường nghe nhiều đến quyền của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo như: quyền trình bày lời khai, quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa… nhưng quyền im lặng thì lại không đề cập đến. Vậy vấn đề được đặt ra là khi cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai thì người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can có quyền được giữ im lặng hay không?

Tại Việt Nam hiện nay chưa có văn bản pháp lý nào chính thức quy định về quyền im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Trong khi đó, trên thế giới quyền im lặng đã được quy định từ rất lâu trong Bộ luật tố tụng hình sự của nhiều nước và tỏ ra có hiệu quả trong việc đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong hoạt động tố tụng hình sự.

Ở Việt Nam hiện nay còn rất nhiều tranh luận về quyền im lặng, có ý kiến ủng hộ đưa quyền im lặng vào luật, số khác lại cho rằng chưa đến lúc quy định quyền này, cũng có những ý kiến băn khoăn, nêu ra những khó khăn nếu quyền này được thực thi. Nguyên nhân của sự bất đồng này một phần bắt nguồn từ việc chưa hiểu rõ, hiểu đúng nội hàm của quyền im lặng.

1.Quyền im lặng trong pháp luật tố tụng hình sự trên thế giới

1.1. Về lịch sử ra đời và nội dung biểu hiện của quyền im lặng

Theo kết quả nghiên cứu công bố tại một hội thảo do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức vào năm 2015 cho thấy, các nhà khoa học thuộc hệ thống thông luật (Common Law) nhận định quyền im lặng có thể ra đời từ giữa thế kỷ XVII ở nước Anh, như là sự phản kháng đối với Tòa án cung đình (Star  Chamber)  hay  Tòa  án  giáo hội (Court of High Commission), đặc biệt chống lại việc áp dụng cực hình hoặc ép buộc khai báo, xét xử bí mật, không có luật sư bào chữa hoặc luật sư chỉ có quyền bào chữa hạn chế. Quyền này dựa trên quyền “không tự buộc tội” của bị cáo.

Còn các nhà khoa học thuộc hệ thống dân luật (Civil Law) thì cho rằng quyền im lặng bắt nguồn từ “quyền suy đoán vô tội”, nguyên tắc “ai buộc tội, người đó phải chứng minh” của luật La Mã cổ đại. Tuy vậy, khi nhắc đến quyền im lặng phần đông nhiều người vẫn hiểu quyền im lặng xuất phát từ lời cảnh báo Miranda (Miranda warning) đã trở thành án lệ theo một phán quyết ngày 13/6/1966 của Tòa án tối cao Hoa Kỳ trong vụ Miranda kiện Arizona mà sau này trở thành nguyên tắc cơ bản về quyền im lặng trong luật về tố tụng hình sự của Hoa Kỳ. Từ đó, “Miranda warning” được dùng như công cụ hữu hiệu nhất để bảo vệ quyền của nghi phạm hình sự nhằm tránh việc tự buộc tội chính mình do bị bức cung.

Vụ việc Miranda là một trong 4 trường hợp xảy ra trong công tác xét xử của Toà án tối cao đó là Vignera kiện chống lại New York (1966), Westover kiện chống lại nhà nước Mỹ (1966) và California kiện Stewart (1966). Mỗi trường hợp đề cập sự thú tội hợp pháp do cảnh sát thu được từ những đối tượng nghi vấn đang bị giam giữ và không có sự hiểu biết về những quyền hiến pháp và sự bảo vệ khi họ bị coi là người bị nghi vấn trong vụ phạm tội. Theo Toà án tối cao, việc Miranda thú tội là kết quả của việc cảnh sát sử dụng phương pháp tra tấn trong suốt cuộc hỏi cung của họ. Vì vậy, sự kết án về Miranda đã bị thay đổi và toà án đã đưa ra một bộ hướng dẫn hành động cho cảnh sát trước khi hỏi cung người bị tình nghi tại đồn cảnh sát. Những quyết định trong những trường hợp sau đã cô đọng những quyền của những người bị tình nghi được trình bày trong lời cảnh báo Miranda.

Theo Toà án tối cao Hoa Kỳ, trước khi thẩm vấn, cảnh sát phải thông báo cho nghi phạm hình sự như sau: “Ông/bà có quyền im lặng khi bị thẩm vấn/ Bất cứ điều gì ông/bà nói hay làm đều có thể được sử dụng để chống lại ông/bà trước toà./ Ông/bà có quyền tham khảo luật sư trước khi trả lời thẩm vấn và quyền có luật sư bên cạnh khi bị thẩm vấn bất kể bây giờ hay sau này. Nếu ông/bà không có khả năng thuê luật sư, một luật sư sẽ được chỉ định cho ông/bà. Nếu bây giờ ông/bà muốn trả lời thẩm vấn mà không cần có luật sư hiện diện thì ông/bà vẫn có quyền ngưng trả lời vào bất cứ lúc nào cho đến khi luật sư hiện diện.”

1.2. Quyền im lặng trong pháp luật tố tụng hình sự thế giới

Quyền được im lặng là một chuẩn mực đã được pháp luật của nhiều quốc gia thừa nhận, theo đó người bị cáo buộc có quyền từ chối đưa ra ý kiến hay trả lời câu hỏi của giới chấp pháp cả trước và trong quá trình xét xử.

Quyền im lặng được xem là một quyền quan trọng của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự, là một yêu cầu quan trọng của một phiên tòa công bằng là một vấn đề rất quan trọng của luật nhân quyền quốc tế, được thể hiện thông qua một tập hợp các bảo đảm tố tụng nhằm: (i) Bảo vệ các quyền tự do và an ninh cá nhân của con người (về tính mạng, thân thể, danh dự, nhân phẩm); và (ii) Đảm bảo quá trình xét xử được công bằng. Quyền im lặng không được quy định cụ thể trong luật nhân quyền quốc tế, nhưng được coi là quyền và (ii) Quyền không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội. Dưới góc độ luật nhân quyền quốc tế, trong một kết luận của Ủy ban nhân quyền đã nêu: bất kì ai bị bắt giữ về một cáo buộc hình sự cần được thông báo về quyền giữ im lặng trong quá trình thẩm vấn của cảnh sát.

Ở cấp độ khu vực, Công ước châu Mỹ về quyền con người cũng khẳng định rằng bất kỳ người bị buộc tội nào đều không bắt buộc phải làm nhân chứng chống lại chính mình hoặc nhận tội.

Tại Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị của Liên Hợp Quốc năm 1966 mà Việt Nam đã ký kết tham gia năm 1982,cụ thể tại điểm g, khoản 3 Điều 14 quy định trong quá trình xét xử về một tội hình sự, mọi người đều có quyền được hưởng một cách đầy đủ và hoàn toàn bình đẳng những đảm bảo tối thiểu sau đây: “Không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội.”

Quyền im lặng được ghi nhận trong Chỉ thị 2012/12/EU của Quốc hội Âu Châu, cụ thể: “Nhà cầm quyền phải thông báo ngay lập tức cho những người bị tình nghi, bị buộc tội, bằng lời nói hay qua giấy tờ với ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu về quyền im lặng không phải khai báo của họ. Thông báo phải xảy ra vào đúng thời điểm, để nghi phạm, hay người bị buộc tội có thể ứng dụng quyền này. Chỉ thị này phải được đưa vào luật quốc gia trong các nước Liên minh châu Âu muộn nhất vào ngày 2 tháng 6 năm 2014.”

Tại một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, họ quy định quyền im lặng là quyền không khai báo khi không có sự tư vấn, chứng kiến của luật sư. Theo đó, khái niệm im lặng không có nghĩa là không nói bất cứ điều gì mà im lặng là chưa khai khi chưa có sự hiện diện của luật sư. Hiểu theo cách như trên thì im lặng chỉ được thực hiện trong một giới hạn nhất định, khi chưa có luật sư thì người bị bắt, người bị tạm giữ sẽ không khai báo bất cứ điều gì có liên quan đến nội dung vụ việc.

Chúng ta cần hiểu im lặng có nội hàm rộng hơn không khai báo. Không khai báo không đồng nhất với im lặng, không khai báo là không nói bất cứ điều gì có liên quan vụ việc, trường hợp đặc biệt người bị bắt, người bị tạm giữ vẫn khai nhưng khai báo quanh co, chối tội, khai không đúng sự thật thì vẫn nằm trong khái niệm không khai báo. Trong trường hợp này, im lặng là không khai bất cứ điều gì có liên quan đến vụ việc trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình tố tụng. Kể cả trong trường hợp có luật sư là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì im lặng vẫn hiện hữu và vẫn có thể được thực hiện. Vì vậy, một khi quyền im lặng vẫn có hiệu lực thì đồng nghĩa họ có quyền im lặng trong suốt quá trình tố tụng, thậm chí cho đến khi họ ra trước Tòa án.

Theo Luật Tố tụng của Đức, trước khi hỏi cung một người bị tình nghi, về một vi phạm hay tội phạm của người đó thì phải thông báo “theo luật anh ta được tự do trình bày hay không về những cáo buộc nhất là những lời khai buộc mình có tội” và bất cứ lúc nào, cả trước khi hỏi cung, được quyền tham khảo một luật sư theo sự lựa chọn.

Tại Pháp, Luật về suy đoán vô tội và tăng quyền của nạn nhân ban hành ngày 15/6/2000 có quy định: Luật sư có quyền tham gia ngày từ giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng, tức là ngay khi bị can bị bắt giữ, bị tạm giam. Bị can có quyền giữ im lặng cho đến khi có mặt luật sư.

2. Quyền im lặng trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam

Tại Việt Nam, quyền im lặng đã được quy định trong một số điều khoản của BLTTHS thể hiện cam kết bảo vệ quyền con người trong hoạt động tố tụng hình sự, đồng thời cũng là sự cụ thể hoá các cam kết quốc tế của Việt Nam về đảm bảo quyền con người về dân sự và chính trị. Chúng ta không thể tìm thấy thuật ngữ "Quyền im lặng" trong BLTTHS này mà nó thể hiện dưới một ngôn ngữ pháp lý khác được quy định tại các nội dung, các điều luật cụ thể.

Nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13, BLTTHS năm 2015: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do BLTTHS năm 2015 quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội. Nguyên tắc này đòi hỏi sự buộc tội phải dựa trên những chứng cứ xác thực, được làm sáng tỏ. Mọi sự ngờ đối với người bị buộc tội đều được kiểm tra, chứng minh làm rõ. Nếu không chứng minh làm sang tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội thì phải kết luận họ không có tội.

Về trách nhiệm chứng minh, xác định sự thật của vụ án được quy định tại Điều 15, BLTTHS năm 2015: "Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội".

Người bị buộc tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ buộc phải chứng minh sự vô tội của mình. Điều này có nghĩa, người bị buộc tội có quyền đưa ra các chứng cứ để chứng minh mình không phạm tội nhưng không có nghĩa vụ bắt buộc phải chứng minh rằng mình vô tội. Quy định này tạo ra khả năng cho người bị buộc tội lựa chọn dùng hay không dùng quyền này.

“Quyền im lặng” của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được quy định tại các điều 58, 59, 60, 61 BLTTHS năm 2015. Điểm d khoản 1 Điều 58 quy định người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt có quyền: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc hải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.”

Điểm c khoản 1 Điều 59 quy định về người bị tạm giữ có quyền: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc hải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.”

Điểm d khoản 1 Điều 60 quy định bị can có quyền ““Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc hải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.”

Điểm h khoản 1 Điều 61 quy định bị cáo có quyền: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc hải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.”

Như vậy, mặc dù không dùng chính xác thuật ngữ “quyền im lặng”, nhưng việc quy định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” đã thể hiện nội hàm của quyền im lặng. Đây có thể xem là một bước tiến của luật tố tụng hình sự Việt Nam trong quá trình hội nhập với luật pháp và các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc tham gia. Có thể hiểu rằng trong quá trình tố tụng người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp/người bị bắt/người bị tạm giữ/ bị can/ bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc thừa nhận mình có tội. Trong phiên tòa, nếu xét thấy cơ quan tố tụng đưa ra những câu hỏi, bằng chứng bất lợi cho họ thì họ cũng có quyền giữ im lặng. Có thể xem quyền im lặng là một thành tựu quan trọng của nền tư pháp nhân loại, việc ứng dụng quyền im lặng là đảm bảo tính dân chủ trong hoạt động xét xử của tòa án.

Thực tế, trước đây BLTTHS năm 2003 đã có một số quy định ban hành có đề cập tới một phần nội hàm của quyền im lặng mặc dù không được quy định một cách rõ ràng. Cụ thể:

Điểm c, khoản 2 Điều 48 và điểm c, khoản 2 Điều 49 quy định người bị tạm giữ, bị can có quyền “Trình bày lời khai”. Thực chất, đây chính là một phần của quyền im lặng vì đã là quyền thì họ có thể trình bày lời khai hoặc không thực hiện việc trình bày lời khai. Việc họ không trình bày lời khai hoàn toàn thông qua việc họ im lặng trước cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, không cần thiết quy định “quyền im lặng” của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nữa. Thực tế họ có thể im lặng (nếu họ muốn), cơ quan tiến hành tố tụng không có quyền bắt họ phải khai báo bằng các biện pháp không hợp pháp.

Bên cạnh đó, tại Điều 72 có quy định “lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.” Hoặc Điều 84 quy định “Người bị bắt, người thi hành lệnh bắt và người chứng kiến phải cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên.”

Có thể thấy BLTTHS năm 2003 không ban hành quy định về quyền im lặng hoặc quyền không khai báo của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nhưng các quy định trên có thể được áp dụng để diễn giải và thực hiện quyền này.

Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự luôn coi trọng việc xử lý tội phạm hơn là bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời mặc định bị can, bị cáo phải khai báo tội trạng, không khai báo là ngoan cố, chống đối và vì vậy sẽ bị nghiêm trị. Từ những nhận thức sai lầm đó dẫn tới việc không giải thích rõ về quyền khai báo của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và thực tế đã xảy ra không ít các vụ việc mớm cung, dụ cung, ép cung, bức cung, sử dụng nhục hình để tra tấn đối với người bị tình nghi phạm tội nhằm có được lời khai nhận tội.

BLTTHS năm 2015  đã ban hành một cách rõ ràng về quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” hay quyền im lặng, thừa nhận và bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, Việt Nam từ ngày độc lập tới nay, là quốc gia áp dụng mô hình tố tụng thẩm vấn - mô hình đề cao vai trò của cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt nhấn mạnh vào giai đoạn điều tra. Hơn nữa, một nhiệm vụ mà các cơ quan tiến hành tố tụng phải đáp ứng là yêu cầu giải quyết nhanh chóng và kịp thời các vụ án hình sự, đảm bảo ngăn ngừa các hành vi phạm tội. Việc đề cao vai trò và nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng đã vô tình bỏ quên tính công bằng, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, trong đó có quyền im lặng. Vì vậy, cần có những biện pháp cụ thể để các quy định pháp luật trên được tôn trọng và áp dụng trong thực tiễn tố tụng hình sự.

3. Những vấn đề đặt ra đối với hoạt động điều tra

Trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bao giờ cũng phải dung hòa giữa lợi ích nhà nước với lợi ích cá nhân. Nếu mở rộng quá nhiều quyền cho cá nhân sẽ dẫn tới quá trớn, tùy tiện thậm chí chống đối, bất hợp tác. Trong điều kiện dân trí, nhận thức và truyền thống pháp lý của nước ta cùng với một đội ngũ luật sư còn khiêm tốn thì việc quy định thêm quyền nói chung và quyền im lặng nói riêng cũng cần cân nhắc và có lộ trình phù hợp, theo từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế xã hội. Trước mắt, các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và cơ quan điều tra nói riêng, trong quá trình điều tra giải quyết vụ án hình sự  phải giải thích với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo về quyền trình bày lời khai một cách trung thực, thành khẩn và quyền tiếp cận, nhờ luật sư bào chữa hoặc trợ giúp pháp lý để đảm bảo quyền con người nói chung và quyền công dân nói riêng.

Tuy nhiên, từ việc được ghi nhận bằng quy định của pháp luật tới việc thực thi trên thực tế có thể còn là một khoảng cách rất xa và cần nhiều sự nỗ lực đồng bộ để “người bị tình nghi phạm tội”  thật sự có được quyền này. Một vấn đề được đặt ra đó là, làm sao trong quá trình giải quyết vụ án hình sự việc vận dụng quyền im lặng đem lại hiệu quả cao nhất, vừa tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân của người bị buộc tội vừa đảm bảo không gây khó khăn, cản trở cho quá trình giải quyết vụ án hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng. Quả thực đây là một vấn đề rất khó bởi lẽ căn cứ vào từng vụ việc khác nhau thì việc vận dụng quyền im lặng cũng sẽ khác nhau. Có thể chia thành hai trường hợp:

+ Vận dụng quyền im lặng mang chiều hướng tích cực: Đối với những vụ án khi mà chứng cứ buộc tội chưa đủ sức thuyết phục hoặc có sức thuyết phục không cao thì cơ quan tố tụng (Tòa án/ Viện Kiểm sát/ Cơ quan điều tra) phải dựa vào lời khai trước đó của bị can/ bị cáo hoặc lời khai trước tòa để làm căn cứ xem xét vụ việc. Như vậy, trường hợp bị can/ bị cáo sử dụng quyền im lặng (không khai báo chứng cứ chống lại mình) quả nhiên sẽ làm khó cho các cơ quan tiến hành tố tụng, bởi theo luật họ là cơ quan có trách nhiệm chứng minh một công dân nào đó là có tội và theo nguyên tắc suy đoán vô tội nếu không có chứng cứ thì họ không thể tuyên ai đó có tội được. Mặc khác, theo luật bồi thường nhà nước nếu xử oan sai thì họ phải  đối diện với nhiều nguy cơ pháp lý không tốt. Như vậy, bản thân Điều tra viên trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, cần vận dụng thông minh và đúng lúc những quy định của pháp luật vừa đảm bảo tôn trọng sự thật khách quan, không làm oan người vô tội vừa để bảo vệ mình trước những rủi ro pháp lý.

+ Vận dụng quyền im lặng mang chiều hướng tiêu cực: Đây là trường hợp mà người bị buộc tội không khai báo từ đầu kể cả tình tiết pháp lý có lợi cũng như bất lợi cho mình. Trong trường hợp này nếu cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được hành vi cấu thành tội phạm thì việc không khai báo có thể bị tước mất một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là "thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải" theo luật. Chúng ta không nên hiểu là im lặng mọi lúc, mọi nơi sẽ tốt mà cần phải biết khi nào nên im lặng khi nào không.

Bàn về vấn đề này, có thể thấy chính sách pháp luật của nhà nước ta luôn khoan hồng với những người thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đây cũng là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi lượng hình. Nếu quyền im lặng được áp dụng trong suốt quá trình tố tụng thì sẽ là bất lợi không chỉ đối với người bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo mà còn ảnh hưởng đến quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, dễ bỏ lọt tội phạm, nhất là những vụ án có tình tiết phức tạp, có đồng phạm. Trong khi với điều kiện phương tiện kỹ thuật hình sự phục vụ điều tra còn nhiều hạn chế thì việc phải nâng cao nghiệp vụ điều tra bằng cách tăng cường kỹ thuật khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai từ nhân chứng, tìm kiếm các thông tin khác sẽ rất khó khăn và tốn kém, không thể so sánh được với các nước phát triển. Vì thế việc củng cố và thu thập chứng cứ của cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ít chắc chắn hơn, việc bỏ lọt tội phạm hoặc không đủ chứng cứ kết tội là điều dễ xảy ra. Bỏ lọt tội phạm nhiều sẽ đe dọa đến cuộc sống bình yên của nhân dân, luật pháp không nghiêm, không công bằng.

Sau đây, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện quyền im lặng của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trên thực tế:

Một là tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy định của pháp luật thông qua các phương thức khác nhau để tất cả các cá nhân, cơ quan, tổ chức đều ý thức được đây là quyền cơ bản của con người, nhờ vậy quyền im lặng được đảm bảo thực thi trên thực tế.

Hai là pháp luật cần quy định rõ rằng lời khai của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo chỉ có giá trị pháp lý sau khi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được cơ quan tiến hành tố tụng thông báo và giải thích cụ thể các quyền và nghĩa vụ của mình đặc biệt là quyền im lặng. Điều này là rất quan trọng bởi lẽ pháp luật không quy định chính xác thuật ngữ “quyền im lặng” mà quy định là quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.” Chính vì vậy, cần phải có sự giải thích rõ để người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hiểu và lựa chọn thực hiện quyền của mình hay không.

Ba là quyền im lặng cần phải được thực hiện đồng bộ với những nội dung khác như quyền được có luật sư hoặc người khác bào chữa, quyền được cung cấp luật sư nếu bản thân không có khả năng tìm luật sư hay người bào chữa khác; có quyền những không buộc phải chứng minh là mình vô tội; quyền không đưa ra các chứng cứ bất lợi cho mình.

Kết luận

Có thể nói rằng, quyền im lặng là bước tiến dài của việc tôn trọng quyền con người trong xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật. Quyền im lặng là sự phòng vệ rất tự nhiên của người bị buộc tội. Trong bối cảnh các quy định này chưa rõ ràng, thay đổi liên tục, còn có cách hiểu khác nhau, ngay cả các cơ quan tiến hành tố tụng cũng có cách giải thích chưa thống nhất thì quyền im lặng không buộc phải chứng minh vô tội có ý nghĩa rất lớn. Nếu im lặng bị coi là ngoan cố, còn tranh luận để đòi hỏi cách hiểu thống nhất và bào chữa cho mình bị coi là chối tội thì sẽ đẩy người bị buộc tội vào thế bất lợi. Việc quy định rõ ràng quyền im lặng trong pháp luật tố tụng hình sự là hết sức cần thiết nhằm tránh hiện tượng oan sai, bức cung, nhục hình, các sai phạm trong tố tụng hình sự của các chủ thể tiến hành tố tụng. Thực tiễn tố tụng hình sự của nhiều nước có nền tư pháp phát triển như Anh, Hoa Kỳ, CHLB Đức… có quy định về chế định quyền im lặng đã chứng minh điều này.

Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 7 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á và Học viện Quân y

 

 

 

 

 

 

 

 

 

VÕ HOÀNG QUỐC (Vụ I, Văn phòng Chính phủ)