Quyền tiếp cận tài liệu học tập của người học theo Luật Giáo dục đại học và trong môi trường số hiện nay

Bài viết tập trung phân tích một số quy định về quyền tiếp cận tài liệu học tập của người học theo Luật Giáo dục đại học hiện tại và nhu cầu cũng như cơ chế thực thi quyền này trong môi trường số hiện nay. Từ đó, đề xuất ghi nhận quyền tiếp cận tài liệu học tập vào trong Luật Giáo dục sửa đổi sắp tới và khuyến khích phát triển thư viện số để quyền này được thực hiện dễ dàng, đơn giản, thuận tiện hơn.

Đặt vấn đề

Điều 39 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”. Luật Giáo dục năm 2019 đã cụ thể hóa quyền này, trong đó ghi nhận học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập (khoản 1 Điều 13). Học tập là quá trình thu nhận kiến thức, kỹ năng và các giá trị tốt đẹp khác từ trong trường học hoặc thông qua các hoạt động được thực hiện bên ngoài trường học một cách chính thức. Điều này có nghĩa là, khi nói đến quyền học tập của công dân chính là nói đến nhiệm vụ của trường học, của người dạy và trên nữa là nói đến chính sách giáo dục của một quốc gia.

Trong Điều 5 Luật Giáo dục đại học năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2018 (gọi tắt là Luật Giáo dục đại học) ghi nhận mục tiêu chung của giáo dục đại học là đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo người học có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; .... (khoản 1), và mục tiêu cụ thể là đào tạo ra những sinh viên có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành được đào tạo; ... (khoản 2).

Những mục tiêu trên cần dựa vào những nguồn tri thức đã được ghi nhận trước đó trong các nguồn tài liệu học tập. Chúng có thể tồn tại ở dạng bản in, bản kỹ thuật số, bản ghi âm, video hoặc tương tác, ... Việc tiếp cận nguồn tài liệu phù hợp có giá trị rất lớn trong việc hỗ trợ người học tiếp cận dễ dàng đến những giá trị tri thức mà họ mong muốn tìm kiếm. Bài viết chỉ ra việc cần thiết phải ghi nhận quyền tiếp cận tài liệu học tập trong Luật Giáo dục đại học và cơ chế thực thi quyền này trong môi trường số hiện nay.

1. Quyền tiếp cận tài liệu học tập theo quy định của Luật Giáo dục đại học

Quyền được tiếp cận nguồn tài liệu học là quyền của người học và quyền này được thực hiện thông qua các quy định pháp luật ghi nhận quyền của người học và những quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm của giảng viên, của các cơ sở giáo dục đại học và các chính sách giáo dục của nhà nước trong Luật Giáo dục đại học cùng các văn bản luật khác có liên quan đến hoạt động giáo dục đại học.

1.1. Quyền của người học

Người học là người đang học tập và nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục đại học, gồm sinh viên của chương trình đào tạo đại học; học viên của chương trình đào tạo thạc sĩ; nghiên cứu sinh của chương trình đào tạo tiến sĩ (Điều 59 Luật Giáo dục đại học). Quyền của những người này được quy định tại Điều 60 Luật Giáo dục đại học, bao gồm tham gia lao động và hoạt động xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh, trật tự, phòng, chống tiêu cực, gian lận trong học tập và thi cử, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; được tôn trọng và đối xử bình đẳng, không phân biệt đối xử về giới, dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân; được tạo điều kiện trong học tập; ... Quyền “được tạo điều kiện trong học tập” có bao gồm quyền được tiếp cận tài liệu học tập hay không chưa được xác định cụ thể. Như vậy, Luật Giáo dục đại học chưa ghi nhận đúng tầm quan trọng của quyền tiếp cận tài liệu học tập đối với người học như vai trò vốn có của nó.

1.2. Trách nhiệm của giảng viên

Quy định về trách nhiệm đối với giảng viên tại Điều 55 Luật Giáo dục đại học được liệt kê trong đó bao gồm: giảng dạy, phát triển chương trình đào tạo, thực hiện đầy đủ, bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo; nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng đào tạo; học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy; ... Trong các nhiệm vụ được ghi nhận thì nhiệm vụ giới thiệu hay cung cấp nguồn tài liệu học tập phù hợp cũng không được ghi nhận. Và trách nhiệm này có thuộc “nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và quy định khác của pháp luật có liên quan” hay không cũng chưa được nêu rõ. Cho thấy, trách nhiệm liên quan đến quyền tiếp cận nguồn tài liệu học tập cho người học phù hợp chuyên môn, học phần học cũng chưa được đặt ra trong đạo luật này.

1.3. Trách nhiệm của cở sở giáo dục

Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục tại Điều 28 Luật Giáo dục đại học như xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển cơ sở giáo dục đại học; triển khai hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; phát triển các chương trình đào tạo theo mục tiêu xác định; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của giảng viên, viên chức, nhân viên, cán bộ quản lý và người học;... cũng không có nội dung liên quan đến nghĩa vụ giới thiệu hay cung cấp nguồn tài liệu học tập phù hợp với chuyên ngành đào tạo cho người học. Và nội dung này có trong “các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật” hay không cũng chưa được xác định cụ thể. Tương tự như vậy, với Viện Hàn lâm, cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ, tại điểm c khoản 1 Điều 29 Luật Giáo dục đại học, nhiệm vụ này cũng chưa được đặt ra.

Trách nhiệm này chỉ được Luật Giáo dục đại học ghi nhận một lần tại khoản 1 Điều 31 là xây dựng và thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giảng dạy, nghiên cứu khoa học; xây dựng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thiết bị, giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập; bảo đảm chất lượng và thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đại học;... dành cho cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.

Như vậy, từ các hướng tiếp cận quy định về quyền của người học, trách nhiệm của giảng viên, của cơ sở giáo dục đã cho thấy quyền tiếp cận nguồn tài liệu học chưa được ghi nhận đúng với giá trị vốn có của nó trong quá trình học tập, nghiên cứu ở môi trường giáo dục đại học và cả sau đại học.

1.4. Chính sách ưu tiên của Nhà nước dành cho người học thuộc đối tượng ưu tiên và chính sách xã hội

Về chính sách ưu tiên cho người học thuộc đối tượng hưởng ưu tiên và chính sách xã hội theo khoản 7 Điều 60, Điều 62 Luật Giáo dục đại và các điều 84, 85, 85 Luật Giáo dục năm 2019 đã quy định: Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi về lãi suất, điều kiện và thời hạn vay tiền để người học có điều kiện học tập; sinh viên theo học chương trình đào tạo đại học có thể được nhận trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt và còn được nhận học bổng nếu đạt thành tích học tập cao; chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo; v.v... Việc có thể xem chi phí liên quan đến tài liệu học tập là “chi phí sinh hoạt” không cũng chưa xác định được cụ thể dẫn đến sự khó khăn và tùy tiện trong việc thực hiện, sử dụng các khoản vay tài chính dành cho người học.

2. Cơ sở thực thi quyền tiếp cận tài liệu học tập trong môi trường số hiện nay

Trước bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, Việt Nam tất yếu phải tham gia. Nhu cầu thay đổi giáo dục đại học còn xuất phát từ sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Dưới tác động của cuộc cách mạng này, kiến thức chuyên môn bị lạc hậu rất nhanh, tri thức mới và thông tin khoa học sẽ được tạo ra với cấp số nhân và có thể lưu giữ bằng những phương tiện rất gọn nhẹ1. Đào tạo đại học trong môi trường số, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển của hệ thống công nghệ thông tin, pháp luật đã có những quy định về tiêu chuẩn, yêu cầu cụ thể đối với hoạt động đào tạo ở bậc giáo dục đại học, đặc biệt là đào tạo trực tuyến; học liệu số; bảo đảm an toàn thông tin và quyền truy cập của người dùng. Hoạt động cung cấp nguồn tài liệu liệu học tập cũng cần phải phù hợp với bối cảnh này.

Quyền tiếp cận tài liệu học tập được thực hiện bằng nhiều phương thức, một trong những phương thức quan trọng đó là thông qua hoạt động thư viện, mà hoạt động thư viện lại gắn liền với quyền tác giả của các tác phẩm được sử dụng. Cho nên, cơ chế thực thi quyền này của người học phải được bảo đảm bảo bởi các quy định trong pháp luật thư viện pháp luật sở hữu trí tuệ. Tìm hiểm các văn bản pháp luật này cho thấy cơ chế thực thi quyền này ở thời điểm hiện tại trong môi trường giáo dục đại học hiện đại, môi trường số hiện nay.

​​​​​​​2.1. Quyền tiếp cận tài liệu học tập thông qua pháp luật về thư viện

Khoản 1 Điều 14 Luật Thư viện 2019 quy định: Thư viện đại học là thư viện có tài nguyên thông tin phục vụ người học và người dạy trong cơ sở giáo dục đại học. Thư viện đại học có chức năng, nhiệm vụ là phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với mục tiêu, nội dung, chương trình, lĩnh vực, ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của cơ sở giáo dục đại học; tiếp nhận, bổ sung và tổ chức khai thác khóa luận, đề án, luận văn, luận án, kết quả nghiên cứu khoa học của người học và người dạy trong cơ sở giáo dục đại học; xây dụng tài liệu nội sinh, cơ sở dữ liệu học liệu, tài nguyên học liệu mở; tổ chức không gian đọc; hướng dẫn sử dụng sản phẩm thư viện và dịch vụ thư viện; hoàn thiện kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin; củng cố, mở rộng kiến thức cho người học, người dạy và cán bộ quản lý, ... được ghi nhận cũng tại khoản 2 Điều 14 này. Quy định này bắt buộc, trong cơ sở giáo dục đại học phải có thư viện đại học và đây là nơi để người học có thể tiếp cận được các nguồn tài liệu học tập từ kết quả của của hoạt động nghiên cứu sáng tạo của những người đi trước và các nguồn “tài nguyên thông tin phù hợp với mục tiêu, nội dung, chương trình, lĩnh vực, ngành đào tạo”.

Bên cạnh đó, thư viện đại học còn có thể “thực hiện liên thông với thư viện trong nước và nước ngoài” (điểm đ khoản 2 Điều 14 Luật Thư viện 2019). Có nghĩa là người học không chỉ có thể tiếp cận với nguồn tại liệu học tập tại cơ sở đào tạo đại học mình đang theo học mà còn có thể sử dụng nguồn tài liệu học tập ở những cơ sở khác kể cả nước ngoài thông qua hoạt động liên thông thư viện. Liên thông thư viện là hoạt động liên kết, hợp tác giữa các thư viện nhằm sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên, tiện ích, kết quả xử lý và các sản phẩm, dịch vụ thư viện (khoản 7 Điều 3 Luật Thư viện 2019). Đây là hoạt động phối hợp trong thu thập, bổ sung tài nguyên thông tin, dữ liệu số dùng chung và hợp tác trong xây dựng mục lục liên hợp; chia sẻ, sử dụng chung tài nguyên thông tin giữa các thư viện; chia sẻ kết quả xử lý tài nguyên thông tin và sản phẩm thông tin thư viện; liên kết tổ chức dịch vụ thư viện phục vụ người sử dụng thư viện. Việc liên thông có thể thực hiện theo khu vực địa lý; theo nhóm thư viện có chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ tương đồng; theo lĩnh vực, nội dung tài nguyên thông tin; liên thông giữa các loại thư viện (khoản 1 Điều 29 Luật Thư viện năm 2019).

Thêm nữa, tại khoản 2 Điều 3 Luật Thư viện 2019 còn quy định về xây dựng và cung cấp dịch vụ thư viện số. Thư viện số là thư viện hoặc bộ phận của thư viện có tài nguyên thông tin được xử lý, lưu giữ dưới dạng số mà người sử dụng thư viện truy cập, khai thác thông qua thiết bị điện tử và không gian mạng. Có thể hiểu một thư viện số có thể có các hoạt động như một thư viện thông thường hoặc là một bộ phận của thư viện truyền thống nhưng tài liệu được lưu trữ và cung cấp dưới dạng số thông qua không gian mạng. Việc phát triển tài nguyên thông tin số được dựa trên cơ sở thu thập tài liệu số hoặc số hóa tài liệu của thư viện. Người sử dụng được cung cấp quyền truy cập trực tiếp tới tài nguyên thông tin số và các dạng khác (Điều 31 Luật Thư viện năm 2019). Thông qua hoạt động của thư viện số, quyền tiếp cận nguồn tài liệu học tập người học sẽ được trở nên dễ dàng, thuận tiện, không còn bị giới hạn bởi không gian sinh sống, học tập; tiết kiệm chi phí, thời gian; kích thích học tập nghiên cứu, phát triển kỹ năng sáng tạo; ... hơn việc sử dụng thư viện truyền thống.

Để đảm bảo tốt hơn nữa quyền tiếp cận tài liệu học tập của người học và để hiện thực hóa những quy định trên, Thông tư số 14/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định năm tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục đại học và mỗi tiêu chuẩn đều được xác định rất chi tiết như: (i) Về tài nguyên thông tin, số bản sách cho mỗi tên giáo trình ít nhất 50 bản sách/1.000 người học; số bản sách cho mỗi tên tài liệu tham khảo ít nhất 20 bản sách/1.000 người học, ... (ii) Về cơ sở vật chất, số chỗ ngồi trong các phòng đọc được tính tối thiểu cho 5% tổng số người học và bảo đảm định mức 2,4 m2/01 chỗ (không bao gồm không gian mở); tổng diện tích các phòng đọc không nhỏ hơn 200 m2; …

Những tiêu chuẩn này hiện thực hóa các quy định tại Điều 32 Luật Thư viện 2019 về hiện đại hóa thư viện được xây dựng trên tinh thần phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, bảo đảm triển khai vận hành thư viện số và tự động hóa thư viện; triển khai phòng đọc kho mở, hệ thống cung cấp tài liệu tự động; hệ thống tự mượn, tự trả tài liệu; nghiên cứu, ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, hệ thống dữ liệu lớn, điện toán đám mây, truy cập mở, thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại khác phù hợp với xu thế phát triển của thế giới trong hoạt động thư viện; xây dựng mạng thông tin thư viện tiên tiến, kết nối các thư viện trong nước và nước ngoài; ...

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Điều 36 Luật Thư viện 2019 đã kịp thời có quy định về hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy việc liên thông, liên kết, giao lưu chia sẻ giữa các thư viện trong nước và quốc tế, từ đó tạo ra các nguồn lực để các thư viện trong nước phát triển, góp phần đa dạng hóa nguồn tài liệu học tập, nghiên cứu hướng tới đáp ứng hơn nữa cho nhu cầu người học.

Trên các cơ sở đó, hệ thống Thư viện Đại học Quốc gia TP.HCM, trung tâm Tri thức số của Đại học Quốc gia Hà Nội đã được thiết lập. Thông qua các thư viện số này, không gian học tập đa dạng hơn, thay vì những phòng thí nghiệm hay phòng mô phỏng truyền thống thì người học có thể trải nghiệm học tập bằng không gian ảo, có thể tương tác người với người, người với máy như thật thông qua các phần mềm mô phỏng công nghệ thực tế ảo2. Ngoài ra, ở các thư viện số, các công nghệ số mới nhất còn giúp giải quyết các nhiệm vụ chính trong quá trình hoạt động giáo dục mà các trường đại học hiện đại dựa trên các công nghệ truyền thống chưa thể giải quyết được hoặc giải quyết với hiệu quả thấp3. Hệ thống các thư viện số này bên cạnh các thư viện truyền thống có sẵn đảm bảo quyền tiếp cận tài liệu học tập của người học trong giáo dục đại học sẽ được thực hiện khi quyền này được ghi nhận chính thức.

2.2. Quyền tiếp cận tài liệu học tập của người học và vấn đề quyền tác giả

Trong các trường hợp ngoại lệ về quyền tác giả, tại khoản 7 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) đã sửa đổi điểm e khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, người học có thể “tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại”. Quy định này cho phép người học được quyền tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập không cần phải xin phép và không phải trả tiền cho tác giả hay chủ sở hữu quyền tác tác phẩm mình sao chép.

Đối với hoạt động thư viện, ngoại lệ quyền tác giả được áp dụng trong những hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại, bao gồm sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện để bảo quản, với điều kiện bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện, lưu trữ; sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép cho người khác phục vụ nghiên cứu, học tập; sao chép hoặc truyền tác phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính, với điều kiện số lượng người đọc tại cùng một thời điểm không vượt quá số lượng bản sao của tác phẩm do các thư viện nói trên nắm giữ, trừ trường hợp được chủ sở hữu quyền cho phép và không áp dụng trong trường hợp tác phẩm đã được cung cấp trên thị trường dưới dạng kỹ thuật số (Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022). Sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện là việc sao chép không quá ba bản để bảo quản, với điều kiện các bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện, lưu trữ4.

Như vậy, vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong việc triển khai thư viện số là các quy định về quyền tác giả có liên quan đến số hóa tài liệu và liên thông thư viện đã được giải quyết từ những quy định trên. Riêng về quy định “giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện” thì pháp luật về thư viện là khuyến khích và tạo điều kiện cho việc tiếp cận và sử dụng tài nguyên thông tin của người sử dụng thư viện, trừ các nguồn tài nguyên thuộc diện “hạn chế”. Vì vậy, có thể hiểu là thư viện có thể phục vụ tài liệu số khi người học có yêu cầu hợp lý. Về vấn đề được phép “sao chép hoặc truyền tác phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính”. Tức là được truyền liên thông tài liệu số với điều kiện hạn chế số lượng người đọc tại cùng một thời điểm không áp dụng nếu đã có bản kỹ thuật số trên thị trường. Đây là một quy định rất mở cho liên thông thư viện trong hoạt động phục vụ người học.

Nhìn chung, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến hoạt động thư viện, có thể nói đã tháo gỡ những nút thắt trong việc số hóa tài liệu và chuyển đổi số của các thư viện, góp phần nâng cao đáng kể khả năng tiếp cận thông tin, tiếp cận nguồn tài liệu học tập của người học trong cơ sở giáo dục nói chung và cơ sở giáo dục đại học nói riêng. Có thể nhận thấy rằng, những quy định này càng đảm bảo hơn nữa cơ chế thực thi quyền tiếp cận tài liệu học tập cho người học khi quyền này được ghi nhận chính thức trong một văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao như Luật Giáo dục hay Luật Giáo dục đại học trong thời gian gần nhất.

Kết luận

Quyền tiếp cận nguồn tài liệu học tập là một trong những quyền thiết yếu và cơ bản của người học trong hoạt động nghiên cứu khoa học và học tập, đặc biệt ở môi trường giao dục đại học. Quyền này của người học cũng chính là nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục đại học, nhiệm vụ của giảng viên trên cơ sở hoạch định chính sách, quy định pháp luật của nhà nước. Cơ sở để thực thi quyền này của người học trên thực tế đã có điều kiện để triển khai và còn có thể triển khai tốt hơn nữa thông qua các quy định về hoạt động của thư viện theo Luật Thư viện 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này; thông qua các quy định sử dụng tác phẩm trong hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học của tự thân người học và trong thư viện theo Luật sở hữu trí tuệ hiện hành và các văn bản hướng dẫn.

Vì vậy, việc quyền tiếp cận nguồn tài liệu học tập chưa được ghi nhận thành một quyền có tên gọi chính thức trong Luật Giáo dục đại học hiện nay là một sự thiếu sót cần nhanh chóng được bổ sung trong thời gian sớm nhất để quyền này được phát huy đúng vai trò và chức năng của nó đối với người học trong môi trường giáo dục đại học, môi trường tư duy tự chủ của người học trên cơ sở định hướng của người dạy trong điều kiện nguồn tài liệu học tập phong phú, đa dạng và ngày càng dễ dàng tiếp cận trong môi trường số hóa. Đồng thời, cần triền khai rộng hơn nữa tổ chức thư viện số trong cơ sở giáo dục đại học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học cũng như tận dụng nguồn tài nguyên chung đối với thư viện số liên thông.

 

ThS. LÊ THỊ MINH NGUYỆT (Khoa Luật - Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM)

Tài liệu tham khảo

1. Hiến pháp năm 2013.

2. Lut Giáo dc năm 2019.

3. Lut Giáo dc đi hc năm 2012 (sa đi, b sung năm 2018).

4. Lut Thư vin năm 2019.

5. Lut S hu trí tu năm 2005 (sa đi, b sung năm 2022).

6. Ngh đnh s 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 ca Chính ph quy đnh chi tiết mt s điu và bin pháp thi hành Lut S hu trí tu v quyn tác gi, quyn liên quan.

7. Thông tư s 14/2023/TT-BGDĐT ngày 17/7/2023 ca B Giáo dc và Đào to v quy đnh tiêu chun thư vin cơ s giáo dc đi hc.

8. Phm Ngc Dương, Nguyn Đc Ca, Hoàng Th Minh Anh, Nguyn L Hng, Nguyn Hoàng Giang, ng dng công ngh s trong giáo dc đi hc ca Canada: kinh nghim và khuyến ngh, Tp chí Giáo dc, 25(2), 2025, tr.59-64.

9. Trn Th Minh Tuyết, Đi mi giáo dc đi hc Vit Nam: Thc trng và gii pháp, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/825408/doi-moi-giao-duc-dai-hoc-o-viet-nam--thuc-trang-va-giai-phap.aspx.

10. Nguyn Th Thu Vân, Chuyn đi s trong các cơ s giáo dc đi hc, Tp chí Qun lý nhà nưc, 309, 2021, tr.18-23.


1 Trn Th Minh Tuyết, Đi mi giáo dc đi hc Vit Nam: Thc trng và gii pháp, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/825408/doi-moi-giao-duc-dai-hoc-o-viet-nam--thuc-trang-va-giai-phap.aspx, truy cp ngày 10/5/2025.

2 Nguyn Th Thu Vân, Chuyn đi s trong các cơ s giáo dc đi hc, Tp chí Qun lý nhà nưc, 309, 2021, tr.18-23.

3 Phm Ngc Dương, Nguyn Đc Ca, Hoàng Th Minh Anh, Nguyn L Hng, Nguyn Hoàng Giang, ng dng công ngh s trong giáo dc đi hc ca Canada: kinh nghim và khuyến ngh, Tp chí Giáo dc, 25(2), 2025, tr.59-64.

4 Điu 29 Ngh đnh 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 ca Chính ph quy đnh chi tiết mt s điu và bin pháp thi hành Lut S hu trí tu v quyn tác gi, quyn liên quan.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: Trường ĐH Ngoại Ngữ - Tin Học TP.HCM.