Rồng và cô gái cưỡi rồng sau vụ án đất đai
Rồng trong văn hóa Việt rất đa dạng, phong phú. Trải qua lịch sử hàng ngàn năm, hình tượng rồng cũng thay đổi qua từng thời kỳ nhưng điều dễ thấy là rồng Việt khác rồng Trung Hoa mà hình tượng cô gái cưỡi rồng là một trong những biểu hiện điển hình…
Tấm bia đặc biệt ở làng Thổ Ngõa
Văn bia “Tân tạo bi ký các bức đẳng từ” lập năm Thịnh Đức thứ 5 (1657) ở đình làng Thổ Ngõa, xã Tiên Lữ, huyện Quốc Oai, Hà Nội là một tấm bia lớn, khắc chữ cả hai mặt với khoảng 2500 chữ. Nội dung bia ghi về vụ tranh chấp đất đai giữa hai xã Tiên Lữ và Sơn Lộ.
Bia kể rằng người xã Sơn Lộ, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai khải bẩm sai sự thật rằng họ bị thôn Thổ Ngõa, xã Tiên Lữ cưỡng tranh đất bờ ruộng ở xứ Đê Đốt và đất dưới chân núi Mai Lĩnh. Thừa ty Nha môn của bản phủ nhận tiền rồi xử thiên vị cho dân Sơn Lộ thắng kiện. Sau quan nha phát hiện ra trong sổ địa bạ đã ghi khu đất đó từ xưa đã thuộc về người thôn Thổ Ngõa, nên quan đã xét xử công minh, trả lại cho Thổ Ngõa vùng đất tranh chấp. Dân làng vui mừng đã khắc bia để ghi lại vụ án này, dựng phía bên phải của đình để lưu lại cho hậu thế.
Nội dung văn bia thì không nhiều người biết do bia đã sứt mẻ, chữ mờ, nhưng hình tượng người phụ nữ ngực trần, khắc rõ cả đầu ti, cưỡi trên con rồng ở trán bia thì ai cũng thấy. Có nhà nghiên cứu mô tả và bình về hình ảnh này như sau: “Thật rộn ràng khúc hoan ca, bà tiên ngực trần, đang ngồi trên lưng rồng, hai tay dang rộng, đang múa điệu múa mà ta chỉ còn thấy trong các vở tiên múa của các phường rối nước. Càng ngắm càng thấy bà tiên này đẹp quá, một vẻ đẹp ngồn ngộn, đẫy đà và phồn thực… Xiêm áo để đâu mà ngực trần lộ rõ nhũ hoa, gió sao thổi mạnh thế để váy tốc cao lộ cặp đùi dài và căng tròn như thế. Quả là một tấm bia rất giàu giá trị tư liệu lịch sử về điền địa, pháp luật và đặc biệt còn rất độc đáo về mỹ thuật”[1].
Tấm bia “Chiêu Thiền tự tạo lệ bi” dựng ở chùa Láng (Hà Nội) năm Thịnh Đức 4 (1656) do chúa Trịnh Tráng lập trước tấm bia đình Thổ Ngõa một năm cũng có hình tiên nữ cưỡi rồng khoe đôi gò bông đảo như thế chỉ không khắc rõ đầu ti.
Trán bia đình làng Thổ Ngõa
Tôi nghĩ rằng, vì rồng là con vật không có thật nên các nhà nghiên cứu coi các cô gái cưỡi rồng là tiên nữ, nhưng hình tượng người nữ rất thực, rất đời. Hôm xuống thăm chùa Keo Hành Thiện (Nam Định) tôi cũng được chạm tay vào tấm bia dựng ngay tam quan có hai cô gái với mũ áo xiêm y đầy đủ đang cưỡi rồng. Ở rất nhiều ngôi đình vùng đồng bắng Bắc Bộ có hình tượng cô gái cưỡi rồng, đặc biệt là nhiều hình tượng người nữ phô bộ ngực tròn vo, đầy sức sống, dường như đối nghịch với rồng, một linh vật uy nghi, tượng trưng cho uy quyền tối thượng như ở đình Cao Đài (Nam Định), đình Thắng (Bắc Giang)… Từ ngôi vị cao nhất, chót vót trên nóc đình, trên ngai thờ… rồng đã trở thành vật cưỡi cho các cô gái hồn nhiên ở ngay trong ngôi đình, được coi như tiểu triều đình nơi làng xã. Thật thú vị. Các nhà nghiên cứu cho biết, hình tượng cô gái cưỡi rồng xuất hiện trong ba thế kỷ XVI, XVII, XVIII.
Người ta còn ghi lại câu chuyện bên Trung Hoa, vua Minh Thái tổ - Chu Nguyên Chương đã xử chết họa gia Trịnh Tứ khi vẽ bức tranh “Thủy mẫu thừa long đồ”, trong đó Thủy mẫu – một người đàn bà, cưỡi lên trên con rồng. Điều đó khiến vua Minh nổi giận, dù Thủy mẫu là tín ngưỡng bản địa cổ sơ[2] trong vùng Triết Giang.
Hình tượng tiên cưỡi rồng ở đình Thắng, Bắc Giang
Câu chuyện đó thêm một dẫn chứng cho thấy điều Nguyễn Trãi đã khẳng định trong “Bình Ngô đại cáo”:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc – Nam cũng khác…
Dưới chế độ cũ, trong một xã hội tiểu nông theo phụ hệ chúng ta vẫn mặc định rằng địa vị người phụ nữ rất thấp kém, hoàn toàn phụ thuộc thì nhìn ngắm những cô gái hồn nhiên, tung tẩy cưỡi rồng trên đình, khiến ta phải suy ngẫm thêm về quá khứ. Nhiều khi nói vậy mà chưa hẳn vậy. Người xưa nói: Lệnh ông không bằng cồng bà; Của chồng công vợ… và coi người phụ nữ là “nội tướng” trong nhà, cai quản chỉ huy kinh tế gia đình, làm hậu phương vững chắc cho chồng, địa vị không phải không cao.
Lai lịch con rồng
Rồng vốn rất quen thuộc trong văn hóa Việt, thấp thoáng từ những cặp lưỡng long triều nhật trên mái đình cong, trên các bát hương, trên kiệu bát cống, trên ngai thờ, trên các trang trí cung đình đến nơi dân dã… Câu hỏi đặt ra là rồng xuất hiện ở nước ta từ khi nào?
Theo các kết quả nghiên cứu[3] rồng là sản phẩm chung của nhân loại, một nguồn gốc dễ được chấp nhận cho rằng rồng này nở từ vùng Trung cận đông, khởi thủy là con rắn Mutx hutx, tức là rắn bóng loáng. Con rắn đó sang phương Tây, dần biến thành rồng lửa, phần nhiều biểu hiện cho cái ác. Sang phía Đông, nó nhập với con rắn địa phương thành loại rồng, hay rắn thần có sức mạnh mang lại điều tốt lành. Đó là rắn Naga nhiều đầu, rắn vĩnh cửu Vasuki của Ấn Độ.
Rồng được định hình trong tâm thức Việt từ khi nào thì không ai rõ, nhưng bằng hình tượng thì từ thời đồ đồng đã có bóng dáng cá sấu được đặt tên là giao long. Trong truyền thuyết thì chỉ có truyện Âu Cơ và Lạc Long Quân, được san định vào thời tự chủ, gán Lạc Long Quân với rồng, trong khi truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh và việc xây Loa Thành thời nhà Thục vẫn chưa thấy bóng dáng của rồng. Mãi đến thời Triệu Quang Phục mới thấy nói có Thần nhân cưỡi rồng từ trên trời xuống. Đây là giai đoạn đạo Phật bắt đầu được nhân dân tôn sùng, vua Việt đã tự nhận mình là Phật Tử (hậu Lý Nam Đế). Có một Phật thoại kể rằng, do được nghe Phật giảng pháp, rồng đã giác ngộ, biến thành cái thuyền đưa Phật đi hoằng dương Phật pháp, do đó có thể đặt ra giả thiết là rồng đã theo đạo Phật vào đất Việt rồi hội với con rắn, chủ nguồn nước, mà thành con rồng Việt.
Ở Trung Hoa rồng được nâng nó lên thành một biểu tượng cho vương quyền tối cao kể từ thời Hán. Thời Đường, Tống phân định chi tiết trang phục quy định thứ bậc mà theo đó chỉ có hoàng đế mới được sử dụng đồ án rồng. Sang tới nhà Nguyên, năm 1270, Hốt Tất Liệt quy định chặt chẽ nghiêm cấm tạo tác, sử dụng đồ án rồng năm móng trong trang phục và đồ gia dụng của bá quan và thường dân. Không ít kẻ bị chết chém vì luật định này.
Hai triều đại Minh Thanh, rồng tiếp tục đẩy lên đỉnh điểm. Có một thực tế là hầu như không thể thấy hình ảnh rồng trong dân gian và ngược lại ở nơi cung vua như Tử cấm thành thì rồng xuất hiện mọi nơi mọi chỗ. Tựu trung có bốn chữ nói lên được mức độ tối thượng của hình tượng rồng: Cao - Đa - Toàn - Lệ. “Cao” là rồng phải là linh vật được chạm khắc tô vẽ nơi cao nhất. “Đa” là nhiều về số lượng, tư thế, dáng vẻ. “Toàn” là thân thể bao giờ cũng được vẽ toàn thân. “Lệ” là tráng lệ thể hiện công phu tài khéo, tinh xảo.
Chạm khắc rồng ở đền vua Đinh, Hoa Lư, Ninh Bình
Ở nước ta, tới thời Đinh Tiên Hoàng, rồng vẫn chỉ là linh vật hỗ trợ, nhưng đến thời Lê Hoàn thì con rồng đã được coi như bản mệnh của vua. Đó là xu hướng tôn sùng đạo Phật và phần nào đồng nhất với nhà vua. “Hiện tượng này đạt đỉnh cao ở thời Lý, sau đó chức năng này nhạt dần để con rồng sống chung thủy với chủ nhân của nó là văn hóa xóm làng”- nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền nhận định.
Rồng Việt
Dưới thời Lý, rồng xuất hiện khá nhiều, hiện nay chúng ta còn thấy trên hương án chùa Phật Tích, cột chùa Dạm (Bắc Ninh), những cột thờ ở vườn Bách Thảo (Hà Nội), đế bia tháp Chương Sơn (Nam Định), đế bia chùa Long Đọi (Hà Nam) và trên các đồ thờ, đồ gốm… Rồng thời Lý có phần đầu khá lớn, có bờm dài và phần thân luôn luôn uốn nhiều khúc theo kiểu rắn, có thể có vảy hoặc không có vảy, rất khác biệt với con rồng Trung Hoa khi đó. Do đó, có thể khẳng định đây là rồng hoàn toàn được sáng tạo theo trí tuệ và tình cảm của người Việt, thể hiện tâm hồn, mơ ước của người Việt, mang đậm sắc thái riêng.
Rồng Việt khi đó được gọi theo tên Hán Việt là “long xà”, bởi lấy gốc từ con rắn, con trăn thuộc vùng trũng và sông nước làm thân rồng, cho nó uốn lượn thoăn thoắt, thu nhỏ dần về đuôi, trên thân mọc ra bốn cái chân với những móng cong nhọn sắc của chim, thêm chiếc đầu ngóc lên với bờm dài mượt, môi trên quyện với răng nanh và được bao thành chiếc mào như ngọn lửa, trên đầu không có sừng nhưng có hoa văn hình chữ S là dấu hiệu của mây, mưa, sấm, chớp, miệng vờn viên ngọc… Như vậy “bản thân con rồng có cả yếu tố âm và yếu tố dương, môi trường sống của nó gợi ra vùng trời nhưng cơ bản là gắn với mặt đất, là con vật lưỡng tính và lưỡng cư, rất được người Việt coi trọng”- nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ viết[4].
Con rồng thời Lý phản ánh ý thức “giải Hoa” của người Việt, không muốn lệ thuộc vào văn hóa Trung Hoa, vốn bị Nho giáo chi phối nặng nề. Thời Lý chú ý nhiều đến Phật giáo như sự cưỡng lại những giáo điều của quân xâm lược, khẳng định tính chất độc lập của đất nước vốn “rành rành định phận tại sách trời”.
Rồng trên cột đá chùa Dạm
Sang thời Trần ở thế kỷ XIII, rồng chỉ tìm thấy trên những di tích gắn với triều đình, nhưng đến nửa cuối thế kỷ XIV, rồng đã xuất hiện trên đồ thờ, thậm chí cả kiến trúc chùa làng. Hiện vật còn thấy là những cặp rồng trên hương án tạc bằng đá, rồng nâng tòa sen. Hình tượng rồng ở tháp Phổ Minh (Nam Định) rõ ràng đã có những ảnh hưởng từ rồng Trung Hoa. Bên cạnh đó, những con rồng chạm nổi trên các “bẩy” ở chùa Bối Khê (Hà Nội) khiến người ta nghĩ ngay tới thủy quái Makara, thần nước phương Nam.
Những tượng rồng ở thành nhà Hồ (Thanh Hóa), thành bậc lăng An Sinh (Quảng Ninh), chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Trăm Gian (Hà Nội)… dù ở công trình nào cũng vẫn bề thế, uy nghi, với một trình độ nghệ thuật độc đáo, có tiếp nhận yếu tố bên ngoài nhưng cơ bản là phát triển từ ngọn nguồn bản địa.
Thời Lê sơ và thời Mạc, rồng trên kiến trúc ảnh hưởng nhiều của phương Bắc hơn, như mắt tròn trong hốc sâu, sừng nai, tai thú, trán lạc đà, thân rắn, miệng chó sói, thân rắn, vảy cá chép, chân cá sấu, móng chim ưng. Đơn cử những con rồng trên trán bia Vĩnh Lăng, trên bia ở lăng Thánh Tông và Hoàng hậu Ngọc Giao… với chân năm móng. Từ đây, rồng năm móng tượng trưng cho vua. Sang thời Mạc thì rồng có xu hướng động và thoải mái so với thời Lê sơ.
Chậu hoa trang trí hình rồng ở Đại nội Huế
Vào đầu thời Nguyễn rồng thường mập và có khúc đuôi xoắn, nhưng đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX thì chỉ có lông đuôi xoắn lại, thân rồng có tỷ lệ mảnh mai, động tác bò với chân cao, vây lưng lớn… như cố tình tạo sự hung tợn. Ở Huế nhiều rồng sinh động, uyển chuyển trên mái các công trình kiến trúc cung đình rất đẹp mắt. Chúng ta còn có thể thấy nhiều bậc thềm bằng đá, trong đó có nhiều hình tượng rồng bằng vân xoắn hoặc vân triện có tính mỹ thuật cao.
Rồng với dân gian
Ngoài những địa chỉ cao sang nơi uy quyền, rồng còn xuất hiện và lưu giữ rất nhiều ở văn hóa làng xã, nhất là đình chùa, với nhiều biểu hiện sinh động, mang đến những bất ngờ thú vị cho người xem, nhất là hình tượng người nữ cưỡi rồng.
Bên cạnh đó, hình thức rồng chầu mặt trời cũng khá phổ biến nhưng có nhiều biến thể khác nhau, như rồng định đớp bông cúc mãn khai (đền vua Đinh, Ninh Bình), đôi khi mặt trời ẩn trong mây với hình tượng rồng ngậm viên ngọc.
Tiên cưỡi rồng trên đình làng
Vào khoảng cuối thế kỷ XVII, rồng đã có thêm những “biến tấu” trên các công trình kiến trúc, trên bia đá, đồ thờ như các con vật bình thường hóa rồng, nhiều nhất là lân hóa rồng gọi là long mã, cá hóa rồng, rồi cây trúc, cây mai cũng hóa rồng.
Đặc biệt có nhiều mảng đục chạm rồng kèm theo người như cảnh trai gái tình tự, cảnh đấu vật hay tả cảnh mả táng hàm rồng với hình tượng một người cầm hộp đang nhét vào miệng rồng… Cũng có khi có nhiều con thú nhỏ như rắn, thạch sùng lèo trèo ngay trên râu rồng, thậm chí còn có cảnh rồng phủ thú ở đình Thổ Hà (Bắc Giang) hay rồng phủ nhau ở đền vua Đinh (Ninh Bình). Có nơi chạm đôi rồng chầu vào một chú bé cởi trần đội vương miện, cưỡi trên lưng con nai.
Chuẩn bị đón xuân Giáp Thìn, 2024 linh vật rồng được trang trí ở nhiều địa phương, lớn và đẹp mắt nhất có lẽ là rồng ở trước Trường Quốc học Huế và đường hoa Nguyễn Huệ, thành phố Hồ Chí Minh. Tiếc là không địa phương nào, báo nào tìm hiểu và phát huy tinh thần “dân chủ làng xã” mạnh mẽ và chất dân dã, hồn nhiên như thế của các cụ ngày xưa.
Phối cảnh linh vật rồng đón Tết Giáp Thìn 2024 ở Tp Huế - Ảnh trong bài của nhiều tác giả
[1] [2]Trần Hậu Yên Thế - https://mythuatms.com/hoc-ve-hinh-tuong-tien-cuoi-rong-trong-mt-viet-d2320.html
[3] Trần Lâm Biền, Trang trí mỹ thuật truyền thống người Việt, NXB Văn hóa Dân tộc, HN 2001
[4] Chu Quang Trứ, Tượng cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc, NXB Mỹ thuật, Hà Nội 2016
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: Thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận