Sơ kết về hoà giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Toà án hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc
Ngày 27/3/2019, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị Sơ kết thí điểm về đổi mới, tăng cường hoà giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Toà án hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc.
Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Tống Anh Hào, Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Phó trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hoà giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Toà án nhân dân, Trưởng Đoàn công tác số 1, Toà án nhân dân tối cao; ông Vũ Trí Giang, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc; lãnh đạo TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc; các Giám đốc Trung tâm hoà giải, đối thoại tại tỉnh Vĩnh Phúc; Hoà giải viên, Đối thoại viên.
TANDTC đã có quyết định và hướng dẫn về tiếp tục mở rộng thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hoà giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND. Trên cơ sở đó Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hoà giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp làm Trưởng ban.
Ngày 16/10/2018, Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định thành lập 6 Trung tâm Hoà giải, đối thoại tại Toà án, lựa chọn và bổ nhiệm 33 Hoà giải viên, Đối thoại viên. Bố trí, sắp xếp nơi làm việc của các Trung tâm Hoà giải, đối thoại tại Trụ sở Toà án nơi thực hiện thí điểm.
Từ ngày 01/11/2018 đến ngày 15/3/2019, các Trung tâm Hoà giải đối thoại tại Tòa án hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận 827 đơn. Trong đó: Tranh chấp dân sự 171 đơn, hôn nhân gia đình 635 đơn, tranh chấp kinh doanh thương mại 12 đơn, khiếu kiện hành chính 18 đơn và tranh chấp lao động 01 đơn. Các Trung tâm đã tổ chức hoà giải, đối thoại 730/827 vụ đạt tỷ lệ 88,2%, không tổ chức hoà giải, đối thoại 79 vụ do đương sự mời nhiều lần nhưng vắng mặt.
Trong thời gian thực hiện thí điểm, các Trung tâm Hoà giải đối thoại tại Toà án hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã hoà giải thành, đối thoại thành 589/730 vụ , đạt tỷ lệ 80,6%. Trong đó: Án dân sự hoà giải 62/144 vụ, đạt 43%; án hôn nhân gia đình hoà giải 518/567 vụ, đạt 91,3%; án kinh doanh thương mại hoà giải 6/10 vụ, đạt 60%; đối thoại thành các vụ việc hành chính 3/9 vụ, đạt 33,3%.
Tỷ lệ hoà giải thành, đối thoại thành của 06 Trung tâm hoà giải, đối thoại tại Toà án tỉnh Vĩnh Phúc đạt 80,6%. Trong đó: Trung tâm Hoà giải, đối thoại tại Toà án nhân dân tỉnh đạt 35,2%; thành phố Vĩnh Yên đạt 81,7%; huyện Lập Thạch đạt 80,8%; huyện Bình Xuyên đạt 82,4%; huyện Vĩnh Tường đạt 81,3%; huyện Tam Dương đạt 80,9%.
Công tác thí điểm về đổi mới, tăng cường hoà giải, đối thoại tại Toà án hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, đó là tỷ lệ hoà giải thành, đối thoại thành đạt cao (80,6%), góp phần giảm tải các tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và khiếu kiện hành chính tại Toà án nhân dân; tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc của cá nhân cũng như của Nhà nước. Trong số các vụ án hoà giải thành, đối thoại thành tại Trung tâm hoà giải, đối thoại tại Toà án hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã hoà giải thành, đối thoại thành đối với những vụ án phức tạp, giá trị tài sản tranh chấp rất lớn như tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa Ngân hàng Thương mại Cổ phần X với chị Đinh Thị N; khiếu kiện hành chính giữa chị Lưu Thị V với Uỷ ban nhân dân xã Y. Tại Trung tâm hoà giải, đối thoại tại Toà án huyện Bình Xuyên, chỉ tính riêng thời gian thí điểm, số vụ án phải thụ lý các loại (trừ án hình sự) đã giảm 119 vụ so với cùng kỳ năm trước. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho thấy những thành công của hoạt động thí điểm đổi mới, tăng cường hoà giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và các Toà án thực hiện thí điểm nói chung.
Tuy nhiên, công tác thí điểm về đổi mới, tăng cường hoà giải, đối thoại tại Toà án Vĩnh Phúc vẫn gặp những khó khăn nhất định về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, kinh phí hỗ trợ cho Hoà giải viên, Đối thoai viên nên rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc.
Hoà giải, đối thoại tại Toà án là chủ trương đúng đắn của Đảng, là thủ tục có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại và khiếu kiện hành chính. Thực hiện tốt công tác hoà giải đối thoại góp phần làm giảm tải lượng công việc phải thụ lý, giải quyết tại Toà án thông qua hoà giải, đối thoại; tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc và đặc biệt là góp phần giải quyết tốt các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân; tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển kinh tế. Triển khai thí điểm về hoà giải, đối thoại tại Toà án tạo điều kiện, nền móng, cơ sở thực tiễn cho việc nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án, nhằm tạo cơ sở pháp lý phù hợp cho việc áp dụng hoà giải, đối thoại trước tố tụng tại các Toà án trong cả nước ./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận