Sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Quyết định số 120/QĐ-TANDTC, Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của người giữ chức danh tư pháp trong tình hình mới, Tòa án nhân dân tối cao đang tổ chức lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án TANDTC ban hành Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân (gọi tắt là Quyết định 120). Bài viết dưới đây nêu về sự cần thiết sửa đổi Quyết định 120 cho phù hợp với thực tiễn hiện nay và các ý kiến góp ý hoàn thiện
I. Về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Quyết định 120.
1. Về cơ sở pháp lý:
Các căn cứ pháp lý ban hành Quyết định 120 là Luật tổ chức TAND năm 2014; Luật cán bộ công chức năm 2008; Bộ luật lao động năm 2012 đều đã được sửa đổi, bổ sung. Trong đó, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 có nhiều nội dung đổi mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW của Đảng. Đặc biệt là mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132/QĐ-TW ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án yêu cầu các cơ quan tư pháp lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất với Quy định này. Tại Chỉ thị số 04/2024/CT/CA ngày 31/7/2024 có nêu nhiệm vụ nghiên cứu sửa đổi quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 với yêu cầu các Thẩm phán nghiên cứu và thực hiện nghiêm túc những quy định mới về trách nhiệm của Thẩm phán, những việc Thẩm phán không được làm…
2. Về cơ sở thực tiễn:
Thực tiễn hơn 07 năm thi hành Quyết định 120 cho thấy có nhiều quy định không còn phù hợp trong bối cảnh nhiều chức năng, nhiệm vụ mới được giao cho các Tòa án đảm nhiệm, cùng với số lượng các loại vụ án mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng mạnh năm sau cao hơn năm trước, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp, các yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng ngày càng cao; đồng thời, thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, nhà nước về gọn tổ chức, tinh gian biên chế đã gây áp lực rất lớn cho các Tòa án trong việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Thực tiễn hoạt động tại các Tòa án cấp quận, huyện thuộc các thành phố như Hà Nội do 10 năm nay không được bổ sung biên chế (Thẩm phán, Thư ký), trong khi số lượng đơn khởi kiện và các vụ việc thụ lý giải quyết tăng nhanh (năm sau tăng hơn năm trước với tỷ lệ cao) dẫn đến hệ quả các Thẩm phán đang bị quá tải trong công tác xử lý đơn khời kiện và giải quyết các loại án và hệ quả nhiều đơn khởi kiện xử lý không đúng hạn, nhiều vụ án để quá hạn. Khó khăn nhất đến từ thực tiễn cần được hóa giải là bài toán về biên chế và việc xây dựng định mức cho Thẩm phán cho phù hợp. Khi Thẩm phán đã giải quyết vượt định mức mà số đơn khởi kiện còn nhiều thì cần phải bổ sung biên chế để giải quyết kịp thời. Trên cơ sở đó mới có căn cứ xác định Thẩm phán đã làm hết trách nhiệm hay chưa? cũng như xem xét đến các hình thức xử lý trách nhiệm của Thẩm phán.
II. Đề nghị sửa đổi, bổ sung về một số nội dung cụ thể trong Quyết định số 120
1. Về việc xác định tổng số vụ việc được giao cho Thẩm phán giải quyết (Khoản 12 Điều 2 Quyết định 120)
Theo khoản 12 Điều 2 Quyết định 120 thì tổng số các vụ việc giao Thẩm phán giải quyết bao gồm tổng số 06 loại án: Hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Theo quan điểm của chúng tôi thì quy định trên là chưa đầy đủ trong thực tiễn, không thống kê hết số vụ việc các Thẩm phán được phân công giải quyết theo quy định của pháp luật bao gồm: Quyết định công nhận hòa giải thành theo quy định của Luật hòa giải, đối thoại (Thẩm phán phải chịu trách nhiệm về pháp lý về các nội dung thỏa thuận không được trái pháp luật, nếu bị hủy phải chịu trách nhiệm); Quyết định giải quyết khiếu nại thông báo trả đơn khởi kiện theo Luật tố tụng (Thẩm phán được phân công mở phiên họp giải quyết); Quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính (Thẩm phán ra Quyết định phải chịu trách nhiệm nếu bị hủy theo quy định); Quyết định miễn, giảm thi hành án dân sự theo Luật tố tụng và Luật hi hành án dân sự (Thẩm phán mở phiên họp xét Quyết định miễn, giảm; Quyết định này có thể bị hủy liên quan đến trách nhiệm Thẩm phán theo quy định); Quyết định thi hành án hình sự theo Luật tố tụng và Luật thì Luật án hình sự (Thẩm phán phải lập hồ sơ thi hành án và phải chịu trách nhiệm nếu ban hành Quyết định không đúng); Quyết định xét miễn giảm thời gian thử thách án treo, cải tạo không giam giữ theo Luật tố tụng và Luật thi hành án hình sự (Mở phiên họp gồm 03 Thẩm phán để ra Quyết định xét miễn giảm theo quy định)… Theo hướng dẫn về công tác thi đua khen thưởng năm 2024, TANDTC đã bổ sung một số loại việc trên vào số liệu giải quyết của Thẩm phán và đơn vị để tính chỉ tiêu khi xét thi đua khen thưởng nhưng chưa tính vào định mức vụ việc giải quyết của Thẩm phán và đơn vị dẫn đến việc tính chỉ tiêu biên chế theo số lượng vụ việc của các Tòa án không chính xác và phản ánh đúng thực tế, đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến quá tải trong công việc của Thẩm phán.
Đề nghị TANDTC nghiên cứu bổ sung các loại việc mà Thẩm phán phải mở phiên hợp để xem xét, bổ sung các loại việc phải Thẩm phán ban hành Quyết định là đối tượng bị kháng cáo, kháng nghị, kiến nghị theo quy định của các Luật trên vào định mức các vụ việc Thẩm phán giải quyết làm cơ sở bổ sung biên chế Thẩm phán, Thư ký cho Tòa án cấp huyện đồng thời bổ sung vào chỉ tiêu để xét khen thưởng và xem xét trách nhiệm của Thẩm phán theo quy định.
2. Về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp (Từ Điều 9 đến Điều 18 Quyết định số 120)
2.1. Tại Điều 9, Điều 10 Quyết định 120 quy định về xử lý trách nhiệm bằng hình thức kiểm điểm trước cơ quan đơn vị, hình thức bố trí làm công việc khác đều xác định các hành vi vi phạm của Thẩm phán xử lý đơn chậm quá thời hạn; vi phạm của Thẩm phán giải quyết án để kéo dài để quá thời hạn theo Luật tố tụng.
Thực tế hiện nay, tại các TAND quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội đã và đang gia tăng rất lớn các vụ việc phải giải quyết trong bối cảnh thiếu biên chế Thẩm phán, Thư ký dẫn đến tình trạng xử lý đơn chậm, giải quyết án để quá hạn là rất phổ biến. Nếu thực hiện đúng quy định 120 thì rất nhiều Thẩm phán bị xử lý bằng hình thức “Tạm dừng thực hiện nhiệm vụ” hoặc “Bố trí làm công việc khác” dẫn đến tình trạng càng thiếu Thẩm phán; hệ quả tiếp theo khi số lượng công việc của các Thẩm phán bị tạm dừng đồn sang các Thẩm phán còn lại thì các Thẩm phán còn lại cũng vi phạm; cuối cùng sẽ không còn Thẩm phán để giải quyết khối lượng rất lớn các vụ việc tại các Tòa án.
Theo quan điểm chúng tôi, trước khi xử lý trách nhiệm Thẩm phán cần phải có giải pháp căn cơ khắc phục cơ bản tình trạng quá tải trong giải quyết công việc của Thẩm phán. Cụ thể là phải xác định đúng định mức công việc của Thẩm phán; đảm bảo đủ biên chế Thẩm phán, Thư ký trên số lượng phải giải quyết của từng đơn vị. Tiếp đến khi xem xét trách nhiệm Thẩm phán trong công tác xử lý đơn chậm, giải quyết án quá hạn thì phải xem xét Thẩm phán có lỗi chủ quan hay do khách quan. Với tình trạng thiếu biên chế và quá tải trong giải quyết công việc hiện nay mỗi Thẩm phán đang giải quyết số lượng án gấp rưỡi hoặc gấp đôi định mức chung (từ 15-18 vụ việc/ tháng) thì việc còn đơn xử lý chậm, có vụ án phức tạp để quá hạn có nguyên nhân khách quan (Thiếu biên chế, việc quá tải) khi xem xét trách nhiệm Thẩm phán.
Ngoài ra, trong thực tiễn phát sinh vấn đề nếu tạm dừng thực hiện nhiệm vụ thì phân công việc gì cho Thẩm phán bị tạm dừng để tránh tình trạng Thẩm phán bị tạm dừng không làm được việc gì, trong khi lại đồn việc cho các Thẩm phán khác dẫn đến Thẩm phán càng bị quá tải và áp lực công việc trong bối cảnh thiếu biên chế hiện nay.
2.2. Tại Điều 12 (xử lý trách nhiệm bằng hình thức chưa xem xét đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán) Điều 13 (không xem xét đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán) có các quy định chưa tương thích với quy định trong Luật tổ chức Tòa án năm 2024 (Thẩm phán chỉ bổ nhiệm lại nhiệm kỳ đầu 05 năm); ngoài ra việc xác định tỷ lệ án hủy do lỗi chủ quan theo Điều 12, Điều 13 không còn phù hợp với quy định hiện nay nên cần sửa đổi lại cho phù hợp.
Trên đây là một số ý kiến về việc góp ý sửa đổi, bổ sung Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án TANDTC ban hành Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân. Mong các đồng nghiêp tiếp tục tham gia trao đổi, góp ý.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận