Tách vụ án có cần thông báo thụ lý cho đương sự không?
Thẩm phán đã tách từ vụ ly hôn thành một vụ án mới nhưng không ban hành thông báo thụ lý vụ án, thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; không lập biên bản hòa giải thành theo quy định mà đã ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự căn cứ vào biên bản hòa giải của vụ án ly hôn trước đó, là không đúng pháp luật hay không?
Cuối năm 2018, do mâu thuẫn trong cuộc sống với chồng nên chị Trần Thị Mai đã nộp đơn khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết: Cho ly hôn với anh Hoàng, yêu cầu được nuôi con chung và yêu cầu anh Hoàng cấp dưỡng nuôi con chung theo quy định pháp luật. Chị Mai yêu cầu chia tài sản chung là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; yêu cầu anh Hoàng cùng chịu trách nhiệm trả nợ chung cho anh Nguyễn Văn Thật 200 triệu đồng; chị Trần Thị Nghĩa 500 triệu đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam 1,2 tỷ đồng. Trong quá trình giải quyết vụ án, anh Thật, chị Nghĩa, Ngân hàng đều đã nộp đơn yêu cầu độc lập để đòi số nợ nêu trên đối với vợ chồng của anh Hoàng, chị Nghĩa.
Đầu năm 2019, Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh T đã tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đối với vụ án nêu trên. Theo đó, anh Hoàng thừa nhận vợ chồng có nợ anh Thật 200 triệu đồng, vì khi vay cả hai vợ chồng đều lập biên nhận; thừa nhận nợ ngân hàng là nợ chung vì ký hợp đồng tín dụng và thế chấp tài sản chung là do hai vợ chồng xác lập. Nhưng anh Hoàng không thừa nhận có nợ chung chị Nghĩa số tiền là 500 triệu đồng vì biên nhận này chỉ do một mình chị Mai ký và anh không biết chắc là chị Mai có vay tiền của chị Nghĩa hay không, có thể biên nhận này do chị Mai tự ý lập và thông đồng với chị ruột của mình là chị Nghĩa để quy trách nhiệm trả nợ cho anh Hoàng.
Đối với các khoản nợ anh Hoàng thừa nhận các đương sự đều thống nhất phương án trả nợ. Tuy nhiên, yêu cầu chia tài sản chung và nợ của chị Nghĩa các đương sự không thống nhất nên Tòa án không thể tiến hành hòa giải thành được. Do đó, Thẩm phán giải quyết vụ án đã ban hành quyết định tách vụ án theo khoản 2 Điều 42 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Theo đó, tách ra để thụ lý vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là Nguyễn Văn Thật và bị đơn là vợ chồng của anh Hoàng, chị Mai. Mặc dù món nợ ngân hàng chị Mai và anh Hoàng đều thừa nhận và đồng ý phương án trả nợ ngân hàng đã đưa ra nhưng do tài sản đang thế chấp ngân hàng anh Hoàng và chị Mai chưa thống nhất phương án chia tài sản chung nên Tòa án không tách ra thành một vụ án khác như trường hợp của anh Thật được.
Hết hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải trong vụ án ly hôn giữa chị Mai và anh Hoàng, Thẩm phán đã ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Từ việc ban hành quyết định nêu trên của Thẩm phán, Viện Kiểm sát nhân dân huyện C đã nêu quan điểm kiến nghị và đề nghị cấp có thẩm quyền kháng nghị hủy quyết định nêu trên vì Thẩm phán đã tách ra thành một vụ án mới nhưng không ban hành thông báo thụ lý vụ án, thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; không lập biên bản hòa giải thành theo quy định mà đã ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự căn cứ vào biên bản hòa giải của vụ án ly hôn trước đó là không đúng pháp luật.
Khác với quan điểm của Viện kiểm sát, tác giả cho rằng việc tách vụ án và ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự của Thẩm phán là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật. Bởi vì: Trong vụ án dân sự giữa anh Thật với vợ chồng anh Hoàng: khi ông Thật nộp đơn yêu cầu độc lập nộp tiền tạm ứng án phí thì Tòa án đã ban hành thông báo thụ lý yêu cầu độc lập và đã tống đạt cho các đương sự trong vụ án ly hôn giữa chị Mai và anh Hoàng theo quy định; thủ tục tống đạt thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cũng đã được thực hiện tương tự như thủ tục thông báo thụ lý đơn yêu cầu độc lập. Mặc dù, quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự không căn cứ từ biên bản hòa giải thành mà chỉ căn cứ vào biên bản hòa giải của vụ án ly hôn nhưng xét về bản chất vấn đề thì các đương sự đã nhận thức và biết rõ những nội dung vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa các bên và đã tự nguyện thỏa thuận giải quyết được các vấn đề của vụ án dân sự. Do đó, việc Thẩm phán căn cứ vào biên bản hòa giải của vụ án ly hôn (vụ án gốc) để ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự của vụ án dân sự là hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc tố tụng dân sự. Tuy nhiên, để rõ hơn thì khi ban hành quyết định tách vụ án, trong quyết định cần nêu rõ: thủ tục tống đạt thông báo thụ lý vụ án, thủ tục thông báo phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; thủ tục hòa giải đã được thực hiện theo hồ sơ vụ án ly hôn để các đương sự rõ.
Thiết nghĩ để áp dụng thống nhất pháp luật trong trường hợp này, TANDTC cần sớm hướng dẫn thủ tục cụ thể đối với trường hợp này.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận