TANDTC họp bàn về triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Ngày 8/9/2020, TANDTC tổ chức cuộc họp về công tác chuẩn bị về việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Phó Chánh án Nguyễn Văn Du - Trưởng ban Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, đại diện Vụ pháp chế và Quản lý khoa học đã công bố Quyết định số 236/QĐ-TANDTC ngày 25/8/2020 của Chánh án TANDTC thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 01/ 01/2021, như vậy chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa để chuẩn bị về mọi mặt nhằm thi hành đạo luật một cách hiệu quả.
Trong đó, trách nhiệm của Tòa án rất lớn. TANDTC có trách nhiệm tổ chức, quản lý hoạt động hòa giải, đối thoại; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại; quy định trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và việc sử dụng thẻ Hòa giải viên; Phối hợp với Chính phủ trong việc trình Quốc hội quyết định kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của pháp luật; Kiểm tra việc thực hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động hòa giải, đối thoại; Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định của Chánh án TAND cấp tỉnh về xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên; Báo cáo Quốc hội về hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong báo cáo công tác hằng năm…
TAND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này; Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, xóa tên Hòa giải viên; cấp, thu hồi thẻ Hòa giải viên; Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; khen thưởng, xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên; Chỉ định, hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại; đánh giá, nhận xét kết quả hoạt động của Hòa giải viên thuộc TAND cấp tỉnh; Bố trí địa điểm, trang thiết bị và điều kiện bảo đảm khác cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh về xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên; Báo cáo về hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Chánh án TANDTC…
TAND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của Luật ; Đề nghị TAND cấp tỉnh bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm Hòa giải viên; Chỉ định, hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại; đánh giá, nhận xét kết quả hoạt động của Hòa giải viên; hỗ trợ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; đề xuất khen thưởng, đề nghị xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên thuộc TAND cấp huyện; Bố trí địa điểm, trang thiết bị và điều kiện bảo đảm khác cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Báo cáo về hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của Chánh án TANDTC cao…
Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Nhiều đại biểu tham gia phát biểu ý kiến
Phát biểu tại cuộc họp, ông Tống Anh Hào – Thẩm phán TANDTC cho biết thời gian triển khai Luật vô cùng gấp rút, để luật đi vào cuộc sống có một số vấn đề quan trọng cần sớm giải quyết. Thứ nhất, cần ban hành các thông tư hướng dẫn việc lựa chọn Hòa giải viên (HGV), khi đi vào triển khai Luật cần bao nhiêu HGV, việc tập huấn cho các HGV, về vấn đề chế độ cho các HGV, nơi làm việc, phương tiện cho HGV như thế nào… Thứ hai là vấn đề tuyên truyền để mọi người hiểu sâu rộng về Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án.
Các thành viên tham dự cuộc họp đã góp ý dự thảo Bản đề xuất một số nội dung cần quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp và việc quản lý, sử dụng chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chánh Nguyễn Văn Du – Trưởng ban Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đề nghị cần chủ động triển khai, đôn đốc để có những văn bản, hướng dẫn chi tiết về Luật, hai là công tác tập huấn cho các Hòa giải viên, ba là đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng để mọi người hiểu, thấy được lợi ích của Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án.
Trên cơ sở đó, Phó Chánh án giao Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học kết hợp với Cục Kế hoạch Tài chính và Văn phòng chủ động làm việc với Bộ Tài chính để chuẩn bị các nội dung, đề xuất với Bộ Tài chính về các mức thu chi cho hoạt động Hòa giải đối thoại; Xây dựng các hướng dẫn cụ thể về số lượng Hòa giải viên, cơ sở vật chất, liên hệ với các TAND tỉnh để nắm được các khó khăn từng tỉnh nhằm từng bước đưa luật vào cuộc sống.
Cuộc họp cũng đã góp ý dự thảo Quyết định về việc phân công nhiệm vụ đối với Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du chủ trì cuộc họp
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận