TANDTC tổ chức toạ đàm về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc phá sản

Ngày 25/3/2020, TANDTC phối hợp cùng Văn phòng KOICA Việt Nam tổ chức Toạ đàm về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc phá sản. Toạ đàm nằm trong khuôn khổ thực hiện Dự án “Tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Toà án Việt Nam”.

Tham dự buổi Toạ đàm, về phía TANDTC có ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Chánh án TANDTC chủ trì hội thảo, ông Tống Anh Hào - Thẩm phán TANDTC, cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC và một số quản tài viên tại Hà Nội và Cần Thơ.

Về phía văn phòng KOICA Việt Nam tam dự toạ đàm có ông Cho Han Deog - Giám đốc quốc gia KOICA tại Việt Nam, ông Kim Tae Joon - Giám đốc Dự án phía Hàn Quốc.

Phát biểu khai mạc, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết, để có đánh giá tổng quan và có cái nhìn đa chiều về thực tiễn áp dụng Luật Phá sản 2014, TANDTC đã tổ chức tổ chức tập huấn trực tuyến, hội thảo khoa học, ban hành văn bản hướng dẫn và giải đáp một số vấn đề cấp bách về giải quyết phá sản… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại mà chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu, thảo luận và trao đổi. Trên cơ sở mối quan hệ rất tốt đẹp giữa TANDTC Việt Nam với TATC Hàn Quốc, và trong khuôn khổ dự án “Tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Tòa án Việt Nam” do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ,  TANDTC đã mời các Thẩm phán, chuyên gia Hàn Quốc cùng nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm về giải quyết phá sản.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Hàn Quốc là nước có Luật Phá sản tốt nhất Châu Á. Tại buổi tọa đàm, Thẩm phán Kim Tae Joon đã giới thiệu về Chế định phá sản và chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp trong giải quyết phá sản của Hàn Quốc. Trên tinh thần hợp tác chia sẻ các đại biểu đã chủ động tích cực, trao đổi, thảo luận về các vấn đề của thủ tục phá sản; chi phí phá sản; các giải pháp đẩy nhanh giải quyết các vụ, việc phá sản…

Ông Cho Han Deog - Giám đốc quốc gia KOICA tại Việt Nam

Luật Phá sản năm 2014 ra đời đã tạo ra khung pháp lý vững chắc cho việc phá sản các doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, trải qua hơn 5 năm đi vào thực tiễn, bên cạnh những tiến bộ, tích cực, một số quy định pháp luật trong lĩnh vực này đã bộc lộ các hạn chế, bất cập nhất định cần phải được nhìn nhận, giải quyết, nhất là trong tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam có nhiều biến động, nhiều quan hệ kinh tế mới phát sinh liên quan đến quá trình giải quyết phá sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thẩm phán  Kim Tae Joon, trao đổi tại buổi tọa đàm

Trên cơ sở trao đổi và thảo luận, và sự tham gia nhiệt tình của các thành viên tham dự, sự chủ động của các tổ chức, cá nhân hữu quan; sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các Thẩm phán, chuyên gia Hàn Quốc; hai bên đã đưa ra những ý kiến đóng góp để trao đổi, thảo luận tại buổi Tọa đàm. Đây là những vấn đề có giá trị thiết thực đối với công tác tổng kết, đánh giá, đề xuất bổ sung, sửa đổi Luật Phá sản; góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tiến bộ, hội nhập và phát triển.

 

Ảnh: Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại hội thảo

CẢNH DINH